Tích cực bảo vệ môi trường để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững
Nghị quyết Đại hội XII đã xác định: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững theo hướng bảo đảm tính tổng thể, liên ngành, liên vùng, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn… Đến năm 2020, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.
Trước những nguy cơ hiện hữu và rủi ro khôn lường do tình trạng suy thoái môi trường gây ra, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố môi trường. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tích cực. Nhiều hoạt động, phong trào, sáng kiến, cải tiến nhằm góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường đã được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm coi trọng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, thực trạng môi trường ngày càng xấu đi đang trở thành một mối đe dọa và hiểm họa không thể xem thường ở nước ta. Tính chất, mức độ, cường độ các vụ xâm hại môi trường có xu hướng gia tăng và ngày càng biểu hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng ô nhiễm không khí, mặt nước, nước ngầm ở nhiều khu vực đã ở mức báo động đỏ. Trong khi đó, nạn suy thoái môi trường ở nhiều khu công nghiệp, khu vực đô thị, các làng nghề truyền thống, địa bàn nông thôn cũng đang diễn ra nghiêm trọng. Thực trạng này nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta.
Cần nhận thức sâu sắc rằng, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ quyền sống của con người. Con người tồn tại, sinh sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Vì thế, bảo đảm môi trường trong sạch là góp phần tạo môi trường sống an toàn cho con người. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phải coi nhiệm vụ bảo đảm an ninh môi trường cũng không kém phần quan trọng như bảo đảm an ninh chính trị, an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Bởi thực tế cho thấy, một khi rơi vào khủng hoảng môi trường thì hậu quả gây ra cho con người, xã hội cũng cực kỳ nguy hiểm và để lại nhiều di họa khôn lường cho các thế hệ mai sau.
Để giải quyết vấn đề môi trường, cần chú trọng giải quyết đồng thời nhiều mâu thuẫn đang tồn tại, nảy sinh như: Mâu thuẫn giữa tư tưởng làm giàu “ăn xổi ở thì” của một bộ phận người dân và doanh nghiệp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường phải rất kiên trì, bền bỉ; Mâu thuẫn giữa lợi ích cục bộ, bộ phận và lợi ích chung của đất nước và xã hội; Mâu thuẫn giữa lợi ích nhất thời, trước mắt với lợi ích cơ bản, lâu dài; Mâu thuẫn giữa một số nơi muốn thúc đẩy “tăng trưởng nóng” với mục tiêu yêu cầu bảo đảm đất nước phát triển ổn định, bền vững…
Muốn bảo vệ tốt môi trường, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường hiện nay; đồng thời tích cực chăm lo xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường cho mọi người dân, mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi đơn vị sản xuất kinh doanh… Văn hóa ứng xử với môi trường không phải điều gì trừu tượng, khó thực hiện, mà nó thể hiện ở suy nghĩ, cử chỉ, hành vi của mỗi tổ chức và con người trong việc thực hiện, tuân thủ đúng các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường; có lối sống, nếp sống thân thiện với môi trường; chung tay góp sức xây dựng một môi trường trong lành, an toàn.
Hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững không thể không quan tâm đến việc lựa chọn các mô hình tăng trưởng coi môi trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp cần ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chí môi trường trong từng ngành, từng sản phẩm kinh tế; coi bảo vệ môi trường trong sạch là một trong những tiêu chí cần thiết để xác định thương hiệu của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi sản phẩm kinh tế. Từng bước xây dựng một nền “năng lượng sạch” cho nền kinh tế quốc dân và chăm lo, tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ “tiêu dùng sạch”.
Môi trường có ảnh hưởng và liên quan mật thiết đến cuộc sống, sức khỏe của con người. Do đó, ngoài việc chú trọng bảo vệ môi trường, việc giải quyết dứt điểm những “điểm nóng” về môi trường hiện nay phải được coi là nhiệm vụ cấp bách trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp. Cùng với việc tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, khu làng nghề, chúng ta cần hết sức chú ý đến việc quy hoạch các khu xử lý rác thải ở nông thôn. Với khoảng 70% dân số nông dân đang sinh sống, lao động sản xuất ở nông thôn thì việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ở địa bàn rộng lớn này ngay từ bây giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bảo vệ tốt môi trường sống phải đi trước một bước mới tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, ở khu vực nông thôn nói riêng.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường đang đặt ra rất cấp thiết, do đó trong thời gian tới nên nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ môi trường ở cấp xã, nhất là những địa bàn có nguy cơ ô nhiễm cao. Vì thực tế cho thấy, không ai gần dân, hiểu dân như cán bộ, nhân viên ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Nếu có lực lượng chuyên trách bảo vệ môi trường ở địa bàn này sẽ góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường cho người dân cũng như chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy chính quyền sở tại để đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm kịp thời xử lý các hành vi xâm hại môi trường ngay tại cơ sở. Mặt khác, lực lượng này cũng trực tiếp, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường ở xóm, thôn để chủ động phát hiện, ngăn ngừa và báo cáo cấp trên về các hành vi, trường hợp gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề môi trường là vấn đề của toàn cầu, chứ không phải riêng của quốc gia nào. Do đó, cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường; thường xuyên cập nhật, tiếp thu những tiến bộ, thành tựu khoa học công nghệ của thế giới về xử lý rác thải, khí thải để góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tiến tới xây dựng những cơ sở sản xuất kinh doanh sạch để ngày càng có không gian sạch, môi trường sạch.
Một giải pháp không kém phần quan trọng là đẩy mạnh tiến độ rà soát các văn bản pháp luật về môi trường. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm môi trường, các loại tội phạm về môi trường. Đây chính là “thanh bảo kiếm” nhằm răn đe, ngăn chặn mọi biểu hiện, hành vi gây hại đến môi trường, góp phần bảo vệ an ninh môi trường để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.
Đại tá ĐỖ XUÂN TỤNG, Phó chánh văn phòng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam