Thường Tín: Phát huy thế mạnh và huy động mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm cán đích nông thôn mới

Thường Tín: Phát huy thế mạnh và huy động mọi nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm cán đích nông thôn mới

26/10/2020

     Trong thời gian qua, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và nhân dân huyện Thường Tín (Hà Nội) về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có sự thay đổi. Vai trò chủ thể được xác định rõ, qua đó đã khuyến khích, động viên toàn thể người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM, đưa phong trào NTM của huyện phát triển ngày càng khởi sắc. Đến nay nay, 28/28 xã của huyện đã được TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã (Hồng Vân) đạt chuẩn NTM nâng cao. Về tiêu chí huyện NTM, Thường Tín đạt 9/9 tiêu chí và được Đoàn thẩm tra TP. Hà Nội đánh giá đạt 98 điểm, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đánh giá đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020. 

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM Trung ương nhận xét, đánh giá kết quả xây dựng NTM của huyện Thường Tín ngày 28/6/2020

     Tập trung sức và lực xây dựng NTM

     Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 – 2020, Huyện ủy Thường Tín đã chỉ đạo các ngành, các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, ban hành nhiều văn bản và phát động các phong trào thi đua, chung sức xây dựng NTM. Cụ thể, ngày 31/3/2016, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02-CTr/ HU về xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 và nhiều nghị quyết, kết luận, kế hoạch về xây dựng NTM. UBND huyện ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án số 02/ ĐA-UBND ngày 10/10/2013 về áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng NTM theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 12/7/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn huyện. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện mở chuyên mục “Chung sức xây dựng NTM” vào thứ 6 hàng tuần với thời lượng 7 phút. Ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên có tin, bài tuyên truyền trên bản tin nội bộ, biên tập tài liệu soạn giảng, tuyên truyền, đồng thời, mở lớp tập huấn nghiệp vụ về xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác này. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cũng triển khai xây dựng NTM và thực hiện lồng ghép trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; xây dựng và nhân rộng hiệu quả mô hình “Đi chợ cùng làn nhựa”, mô hình “Thùng rác có nắp đậy”. Hội Nông dân với phong trào “nông dân chung sức xây dựng NTM”, “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu”. Hội Cựu chiến binh thực hiện thành công phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm kinh tế giỏi”. Huyện đoàn Thường Tín phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” với hoạt động “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn”…

Khách du lịch tham quan điểm du lịch làng nghề xã Hồng Vân bằng xe điện thân thiện với môi trường

     Trong 5 năm, tổng đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM của huyện Thường Tín là 1.421,78 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 18,6 tỷ đồng và tự nguyện hiến tặng hàng nghìn m2 đất để xây dựng các công trình giao thông, công trình phúc lợi. Nhờ đó, hệ thống giao thông nông thôn ngày càng củng cố, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa. Tỷ lệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt 97%; hệ thống loa truyền thanh ở các xã được nâng cấp đảm bảo phát thanh 2 lần/ngày. Đáng chú ý, phòng học của các trường trên địa bàn huyện được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, không còn tình trạng phòng học tạm bợ, dột nát. Từ năm 2010 đến tháng 6/2020, UBND huyện đã phân bổ 1.346.462 triệu đồng để xây dựng mới 1 trường trung học phổ thông, 1 trường trung học cơ sở và 3 trường mầm non; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 30 trường trung học cơ sở, 29 trường tiểu học, 29 trường mầm non. Đến nay, có 73/88 trường học các cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) được TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm 82,95%); 28 xã đạt tiêu chí trường học (tăng 27 xã so với 2011). 100% các xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới giai đoạn 2011 – 2020; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,28%. Kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế từ 16,83% (năm 2010) xuống còn 4,95% (năm 2019). Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2019, đã đạt 49,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010; năm 2020 đạt 54 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,58%. Chất lượng môi trường khu vực nông thôn cũng được cải thiện, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đạt 95%. Huyện đã đầu tư xây dựng 20 điểm cầu trung chuyển rác và nâng cấp 4 điểm cầu trung chuyển rác, đảm bảo công tác thu gom rác thải vận chuyển kịp thời. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo mỗi xã quy hoạch 1 vị trí chứa rác thải tạm thời, diện tích từ 2.000 m trở lên để tập kết rác; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,6% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng củng cố, dân chủ được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững; diện mạo NTM, hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ theo hướng hiện đại, văn minh.

Trường học được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia

     Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò trong tổ chức, chỉ đạo sản xuất, liên kết nông dân với doanh nghiệp; Chương trình OCOP phát triển, góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế từng địa phương.

     Ngày 28/8/2020, Đoàn công tác của Văn phòng điều phối NTM Trung ương do Cục trưởng, Chánh Văn phòng Nguyễn Minh Tiến làm Trưởng đoàn đã về thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại huyện Thường Tín để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Qua thực tế kiểm tra và thẩm định hồ sơ, Đoàn công tác Trung ương đã ghi nhận kết quả đạt được của địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM như: Cơ sở hạ tầng đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông thuận lợi; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến; 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt NTM nâng cao; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM; Qua lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 99,37%.

Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao

     Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Thường Tín phấn đấu xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; giữ vững an ninh trật tự và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân. Trong 6 tháng cuối năm 2020, huyện nỗ lực đưa giá trị sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp đạt hơn 8.180 tỷ đồng, giá trị sản xuất cả năm lên hơn 15.078 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2019; sản xuất nông nghiệp đạt 722 tỷ đồng, giá trị sản xuất cả năm đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2019… Trong xây dựng NTM, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 28 xã đã đạt chuẩn; đồng thời, quan tâm đặc biệt 4 xã: Nhị Khê, Văn Bình, Hà Hồi, Vạn Điểm nhằm đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các công trình áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng NTM theo Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 12/7/2017 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số công trình thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn huyện. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp,  giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình phù hợp yêu cầu điều kiện cụ thể, hình thành chuỗi sản xuất.

     Hướng đến xây dựng đô thị làng nghề phát triển bền vững gắn với BVMT

     Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm làng nghề của huyện được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, thời gian qua, huyện Thường Tín tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Văn Tự với diện tích 7,75 ha, chuẩn bị mở rộng các CCN Thắng Lợi, Tiền Phong và Ninh Sở giai đoạn 2, nâng tổng số CCN trên địa bàn huyện lên 11 cụm. Đặc biệt, 6 làng đã xây dựng được thương hiệu như đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm (xã Vạn Điểm), điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang)…; 3 nhãn hiệu tập thể gồm sơn mài Hạ Thái, thêu Thường Tín và chăn, ga, gối, đệm Tiền Phong. Huyện hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 nghìn lao động địa phương. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, huyện đầu tư hơn 7.540 tỷ đồng để phát triển hạ tầng sản xuất, nông nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân là 2,5%/năm. Đến nay, huyện có 16 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến và giết mổ lợn, gia cầm; hình thành vùng sản xuất chuyên canh giá trị kinh tế cao, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất đạt 145 triệu đồng/ha.

     Phát huy lợi thế của một huyện cửa ngõ Thủ đô, là “đất trăm nghề”, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cùng với xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, huyện sẽ tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản các xã sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đồng thời phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng huyện thành đô thị làng nghề phát triển bền vững gắn với BVMT; định hướng đến năm 2030 phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo sự ổn định kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, phát triển CCN, gắn chặt hoạt động của các làng nghề với phát triển thương mại, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế chính trong cơ cấu kinh tế. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công tác quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, trật tự xây dựng; thực hiện tốt công tác xử lý môi trường làng nghề, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với chế tài theo quy định để tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu, CCN theo quy hoạch, nhằm phát triển quy mô sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao hơn và quản lý, BVMT hiệu quả hơn.

Đoàn công tác của Văn phòng điều phối NTM Trung ương khảo sát tại làng nghề sơn mài Hạ Thái

     Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, chú trọng phát triển các khu, CCN, làng nghề gắn với BVMT; Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng NTM theo quy hoạch; Tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển giáo dục – đào tạo…; Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… Đồng thời, Thường Tín sẽ thực hiện ba khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh và thực hiện các đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, khu công nghiệp và CCN… xây dựng huyện đạt chuẩn NTN nâng cao; Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân…

     Với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, huyện sẽ chú trọng phát triển sản xuất gắn với BVMT tại các CCN, làng nghề. Cùng với việc tạo điều kiện mặt bằng sản xuất để phát triển làng nghề, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Thường Tín phấn đấu trở thành đô thị làng nghề phát triển của Thủ đô. Đối với lĩnh vực dịch vụ – thương mại, huyện sẽ tăng cường hoạt động quản lý, đầu tư nâng cấp cải tạo, xây dựng mới các trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch; thúc đẩy quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ quy hoạch vùng sản xuất theo nguyên tắc phát huy lợi thế của từng địa phương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; đồng thời tập trung đầu tư cho các mô hình chủ lực mang lại hiệu quả cao, gắn với chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Về công tác quản lý đô thị và môi trường, địa phương sẽ tập trung rà soát và đề xuất điều chỉnh các đồ án quy hoạch huyện Thường Tín gắn với quy hoạch liên huyện và đô thị vệ tinh Phú Xuyên; huy động nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. 

     Năng động, sáng tạo, cùng với việc đồng bộ thực hiện các giải pháp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thường Tín đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, làm rạng rỡ “đất danh hương”, “đất trăm nghề”, hướng đến phát triển bền vững.

Thu Hằng

 (Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố Hà Nội)