“Thượng Đế Cũng Phải Cười” và chuyện chưa kể về dàn diễn viên của phim
Thượng Đế Cũng Phải Cười (tựa gốc The Gods Must Be Crazy) được xem là một trong những bộ phim kinh điển nhất thập niên 80. Sau thành công vang dội của phim, tên tuổi của dàn diễn viên tham gia dự án đều được công chúng quan tâm, chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, sau hơn 4 thập kỷ ra mắt, vẫn còn nhiều câu chuyện về các ngôi sao của Thượng Đế Cũng Phải Cười mà khán giả có thể chưa biết đến.
Đây được xem là bộ phim hài đáng xem nhất mọi thời đại. (Ảnh: Poster phim)
Nǃxau ǂToma
Nǃxau ǂToma hay còn được gọi là Gcao Tekene Coma, xuất thân là nông dân và sau đó trở thành diễn viên của Namibia. Phải đến vai chính trong Thượng Đế Cũng Phải Cười, Nǃxau ǂToma mới thật sự được khán giả biết đến. Trong phim, ông vào vai chàng thổ dân Kalahari San (Bushman) Xixo khờ khạo nhưng lại là nhân tố chính mang đến tiếng cười cho người xem.
Nhân vật mang lại nhiều tiếng cười nhất trong phim. (Ảnh: Tư liệu phim)
Vốn là thành viên thuộc bộ lạc San nên N’xau không có cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá hiện đại, và nam diễn viên cũng gần như không biết gì về nền văn minh của người da trắng. N’xau từng nhận được 300 USD (khoảng 6,9 triệu đồng) tiền cát-xê cho vai diễn của mình trong phim, thế nhưng ông đã vứt chúng đi vì trong đầu không hề có khái niệm về tiền.
Tuy nhiên, nhờ việc góp mặt trong tất cả phần của Thượng Đế Cũng Phải Cười, “chàng ngốc Xi” đã kiếm được hơn 80.000 USD (gần 1,84 tỷ đồng), và ông đã dùng số tiền này để xây nhà, kéo nước máy và điện về cho gia đình sử dụng. Sau khi rời xa màn ảnh, nam diễn viên trở lại làm nông tại Namibia. Vào năm 2003, chính quyền địa phương thông báo Nǃxau ǂTom đã qua đời khi đang đi săn bắn gà. Nguyên nhân khiến ông đột ngột ra đi là bởi căn bệnh lao lâu năm ngày càng trở nặng.
>> Xem thêm: Nam chính “Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười” và cuộc đời bình lặng ít ai biết
Sandra Prinsloo
Sandra Prinsloo sinh năm 1947 tại Nam Phi, cô nổi lên với vai diễn Kate Thompson trong Thượng Đế Cũng Phải Cười. Ngoài bộ phim trên, Prinsloo cũng xuất hiện khá nhiều trong các dự án điện ảnh và chương trình giải trí ở Nam Phi. Khi còn nhỏ, nữ diễn viên định hướng lớn lên sẽ phát triển con đường học vấn, nhưng sau một lần tham gia đóng phim cho trường Đại học Pretoria, cô đã chính thức theo đuổi môn nghệ thuật số 7.
Vai diễn đưa tên tuổi nữ diễn viên vươn tầm quốc tế. (Ảnh: Tư liệu phim)
Dù vậy nhưng sự nghiệp diễn xuất của người đẹp không gây nhiều ấn tượng cho đến khi kết hợp cùng tài tử John Kani trong vở diễn Miss Julie vào năm 1985, Prinsloo mới thật sự tạo ra cơn địa chấn trong làng điện ảnh Nam Phi bằng nụ hôn đầu tiên trên sân khấu dưới chế độ Apartheid giữa một phụ nữ da trắng và người đàn ông da đen. Tuy nhiên, chính sự “phá cách” này đã khiến cô bị nhiều người theo trường phái trên quay lưng và đả kích.
Marius Weyers
Marius Weyers là một nam diễn viên người Nam Phi sinh năm 1945 tại Johannesburg. Tên tuổi của ông bắt đầu vươn tầm quốc tế sau thành công với nhân vật Andrew Steyn – một nhà khoa học tài năng nhưng lại vô cùng hậu đậu trong Thượng Đế Cũng Phải Cười.
Sau Andrew Steyn, các vai diễn sau này của Marius Weyers đều rất mờ nhạt. (Ảnh: Tư liệu phim)
Những tưởng đây sẽ là bàn đạp giúp nam tài tử tiến xa hơn trong sự nghiệp diễn xuất, nhưng nào ngờ hàng loạt vai diễn sau này của ông đều rất mờ nhạt. Nhiều người cho rằng Marius Weyers vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của nhà khoa học Andrew Steyn. May mắn thay, năm 2006, nam diễn viên được mời vào vai Rudolf Van de Kaap – tay buôn kim cương trong Blood Diamond cùng siêu sao Leonardo DiCaprio. Đây là lần hiếm hoi Marius Weyers được công chúng đón nhận nồng nhiệt hậu Thượng Đế Cũng Phải Cười. Hiện tại, ông không còn tham gia đóng phim nhiều như trước và đang sống hạnh phúc bên vợ ở Rooi-Els, Western Cape.
>> Đừng bỏ qua: Những bộ phim hài kinh điển ai cũng nhất định phải xem
Lena Farugia
Lena Farugia sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cô tốt nghiệp 2 trường đại học là Thomas Moore, Fordham và Columbia. Người đẹp xứ Cờ Hoa bắt đầu theo đuổi nghiệp diễn tại New York, cô kết hôn với một nhà làm phim người Nam Phi và sau đó chuyển đến Nam Phi sinh sống.
Cô nàng tấu hài vô cùng duyên dáng trong “Thượng Đế Cũng Phải Cười 2”. (Ảnh: Tư liệu phim)
Tại đây cô đã hoạt động nghệ thuật một cách chuyên nghiệp với nhiều vai trò, từ diễn viên đến biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất cho các dự án điện ảnh lẫn truyền hình. Các vai diễn nổi bật trong hành trình đóng phim của Lena Farugia gồm Dr. Ann Taylor trong phim Thượng Đế Cũng Phải Cười 2 (ra mắt năm 1989) và Elizabeth Carter trong The Sandgrass People.
Sau nhiều năm trôi qua, các diễn viên ngày ấy đã có nhiều thay đổi trong cuộc sống, cũng có người đã vĩnh viễn ra đi. Dù thế nào đi nữa, tất cả người hâm mộ đều hi vọng các ngôi sao của bộ phim sẽ luôn mạnh khoẻ và có cuộc sống thật hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu.
Cùng cập nhật những tin tức mới và hấp dẫn nhất về phim ảnh và sao tại YAN.
“THƯỢNG ĐẾ CŨNG PHẢI CƯỜI” LÀ BỘ PHIM THÀNH CÔNG NHẤT LỊCH SỬ ĐIỆN ẢNH NAM PHI
Dù gây được tiếng vang trên toàn thế giới và được xem là bộ phim thành công nhất lịch sử điện ảnh Nam Phi nhưng Thượng Đế Cũng Phải Cười chỉ nhận được kinh phí sản xuất ít ỏi từ các nhà tài trợ địa phương.
Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về anh chàng Xi thuộc bộ lạc San, vốn không biết gì đến thế giới bên ngoài. Điều khiến khán giả cười không ngừng chính là cuộc hành trình của Xi và những người xung quanh khi đem trả lại chai nước rỗng mà Thượng đế ném xuống, khiến họ từ không biết gì đến tìm được vô vàn công dụng hữu ích của cái chai. Thế nhưng sau đó, cả bộ lạc lại ẩu đả chỉ để giành lấy cái chai từ trên trời rớt xuống ấy.