Thuốc chữa khỏi bệnh 100% ung thư: Chặng đường còn dài

Theo kết quả thử nghiệm thuốc lâm sàng quy mô nhỏ do Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York (Mỹ) thực hiện được công bố mới đây cho thấy: Sau khi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thử nghiệm, các bệnh nhân ung thư trực tràng đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Thuốc chữa khỏi bệnh 100% ung thư: Chặng đường còn dài Thuốc thử nghiệm điều trị ung thư Dostarlimab. (Ảnh: GlaxoSmithKline)

Kết quả này được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 5/6. Theo đó, tất cả các bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều bị ung thư trực tràng tiến triển cục bộ – có nghĩa là các khối u đã di căn trong trực tràng và đôi khi đến các hạch bạch huyết nhưng không đến các cơ quan khác, được điều trị trong 6 tháng bằng một loại thuốc trị liệu miễn dịch có tên là Dostarlimab của GlaxoSmithKline – công ty dược phẩm tài trợ cho nghiên cứu.

Loại thuốc này hoạt động bằng cách làm lộ rõ các tế bào ung thư để hệ thống miễn dịch có thể xác định và tiêu diệt chúng.

Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm cũng không phát hiện dấu hiệu ung thư ngay cả sau 6 tháng theo dõi trở lên. Điều này giúp họ không còn cần đến các phương pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Theo báo cáo, bệnh ung thư đã không tái phát ở bất kỳ bệnh nhân nào, những người hiện đã không còn ung thư trong vòng từ 6 đến 25 tháng sau khi thử nghiệm kết thúc.

Không có bệnh nhân nào tham gia thử nghiệm phải chịu bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào do thuốc, không giống như những tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, những tác dụng vĩnh viễn đối với khả năng sinh sản, sức khoẻ tình dục cũng như chức năng ruột và bàng quang.

Sau thành công đáng khích lệ của thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đồng ý rằng thử nghiệm này phải được nhân rộng trong một nghiên cứu lớn hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu nhỏ vừa qua chỉ tập trung vào những bệnh nhân có dấu hiệu di truyền hiếm gặp trong khối u. Tuy nhiên, tỉ lệ thuyên giảm 100% ở các bệnh nhân là một dấu hiệu đầy hứa hẹn.

Liên quan đến kết quả nghiên cứu này, PGS-TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc-Bộ Y tế cho rằng, đây là tin vui và là niềm hy vọng với tất cả mọi người, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư.

Tuy nhiên, việc thử nghiệm với hơn 10 người bệnh, mặc dù kết quả rất hứa hẹn và đáng khích lệ, nhưng xét về bằng chứng khoa học có ý nghĩa thống kê thì chặng đường trước mắt còn rất dài.

Các cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới như Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược phẩm Cộng đồng Châu Âu cũng như các cơ quan quản lý dược khác đều yêu cầu phải nộp bộ hồ sơ đăng ký thuốc, trong đó ngoài dữ liệu về quá trình nghiên cứu – phát triển thuốc, hồ sơ về an toàn và hiệu quả. Điều quan trọng còn là cần có hồ sơ và kết quả nghiên cứu lâm sàng 3 giai đoạn, đa trung tâm (có thể trên nhiều quốc gia, chủng tộc người), ngẫu nhiên, trên hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn bệnh nhân tình nguyện.

Chỉ với những dữ liệu nghiên cứu lâm sàng đầy đủ, thuốc mới được cơ quan quản lý dược cấp phép lưu hành trên thị trường, nghĩa là lúc đó thuốc mới được thương mại hóa. Sau khi thuốc được lưu hành, công ty vẫn còn theo dõi các dữ liệu về an toàn, hiệu quả, tác dụng phụ… và định kỳ phải báo cáo cập nhật với cơ quan quản lý dược.

Quá trình cấp phép sẽ kéo dài rất nhiều năm. Như vậy, nghĩa là con đường còn rất dài, ông Truyền cho biết thêm.

Còn theo ông Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K, việc thử nghiệm chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân ung thư là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, phải thử nghiệm trên số lượng lớn bệnh nhân thì thuốc mới đưa vào dùng đại trà được. Hiện nay, việc thử nghiệm với hơn 10 bệnh nhân mới chỉ là giai đoạn bước đầu.

Vân Hà