Thuế Xuất Nhập Khẩu Là Gì? Biểu Thuế XNK mới nhất năm 2022

(

)

Hoạt động xuất nhập khẩu thương mại quốc tế mang đến những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, để kiểm soát được tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu, nước ta đã thực hiện áp thuế lên những loại mặt hàng này. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về Thuế XNK – các loại thuế XNK hiện có tại Việt Nam và những đổi mới của biểu thuế XNK năm 2022.

Thuế xuất nhập khẩu - biểu thuế xuất nhập khẩu Thuế xuất nhập khẩu - biểu thuế xuất nhập khẩu

Tìm hiểu về thuế xuất nhập khẩu

Khái niệm thuế xuất nhập khẩu là gì?

Pháp luật Việt Nam chưa định nghĩa hay giải thích cụ thể về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là gì. Tuy nhiên, dựa vào luật về thuế xuất nhập khẩu ban hành năm 2016 có thể đưa ra khái niệm về thuế này như sau:

Thuế xuất nhập khẩu là một loại thuế gián thu đối với những hàng hóa được phép xuất, nhập khẩu qua biên giới của Việt Nam. Loại thuế này độc lập với hệ thống pháp luật thuế của Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Thuế xuất nhập khẩu còn được gọi là thuế quan.

Thuế xuất nhập khẩu hiện đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể là Luật 107/2016/QH13 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nội dung của luật quy định về:

  • Đối tượng chịu thuế, đối tượng miễn thuế 
  • Người nộp thuế
  • Căn cứ tính thuế
  • Thời điểm tính thuế, thời điểm nộp thuế
  • Biểu thuế
  • Các loại thuế: thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ áp, thuế chống trợ cấp áp dụng với hàng hóa xuất nhập khẩu
  • Đối tượng miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất nhập khẩu 

Tìm hiểu thêm: Ngành xuất nhập khẩu là gì?

Khác nhau giữa mậu dịch và phi mậu dịch?

Các đối tượng trong thuế xuất nhập khẩu  

Đối tượng chịu thuế

Theo Điều 2 Luật 107/2016/QH13, đối tượng chịu thuế được quy định như sau:  

  • Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu và biên giới Việt Nam. 
  • Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường Việt Nam đến khu phi thuế quan. Hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường Việt Nam. 

Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế đặc biệt thuộc lãnh thổ Việt Nam. Khu vực này được thành lập theo quy định pháp luật. Đây là nơi có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực ngoài bằng rào cứng để đảm bảo cho các hoạt động của cơ quan hải quan và cơ quan có liên quan đối với hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc trao đổi hàng hóa giữa các khu phi thuế quan với thị trường bên ngoài là quan hệ xuất nhập khẩu. 

  • Hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ. Hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có quyền xuất nhập khẩu, phân phối.

Đối tượng miễn thuế

Đối tượng miễn thuế được quy định tại Điều 16, Luật 107/2016/QH13. Tổng cộng có 23 đối tượng được miễn thuế. Luật thuế xuất nhập khẩu quy định đối tượng miễn thuế là: 

  • Hàng hóa xuất nhập khẩu của những đơn vị được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ở Việt Nam được quy định trong Điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên
  • Hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất nhập cảnh. 
  • Hàng hóa nhập khẩu bán trong cửa hàng miễn thuế.
  • Quà biếu, quà tặng trong định mức của đơn vị nước ngoài cho đối tượng trong Việt Nam hoặc ngược lại. Nếu phần hàng hóa này có số lượng hoặc giá trị vượt quá định mức thì phải nộp thuế đối với phần vượt. Trừ trường hợp đơn vị nhận được nhà nước đảm bảo về kinh phí hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép nhận hoặc sử dụng với mục đích nhân đạo. 
  • Hàng hóa trao đổi quan biên giới của dân cư biên giới thuộc mục hàng hóa và trong định mức cho phép để sản xuất tiêu dùng. 
  • … (Tham khảo thêm tại Điều 16, Luật 107/2016/QH13)

Đối tượng giảm thuế 

Đối tượng giảm thuế được quy định tại điều Điều 18, Luật 107/2016/QH13, cụ thể như sau:

  • Hàng hóa xuất nhập khẩu đang trong quá trình kiểm tra giám sát của cơ quan hải quan mà bị mất mát, hư hỏng và đã được giám định. 
  • Mức giảm được giảm tương đương với tỷ lệ tổn thất thực tế. Nếu trong trường hợp mất hoặc hư toàn bộ thì không cần nộp thuế. 
  • Thủ tục giảm thuế thực hiện theo quy định pháp luật. 

Đối tượng không chịu thuế 

Đối tượng không chịu thuế được quy định tại Khoản 4, Điều 2, Luật 107/2016/QH13. Cụ thể như sau:

  • Hàng hóa quá cảnh, trung chuyển, chuyển khẩu.
  • Hàng viện trợ nhân đạo và không hoàn lại
  • Hàng từ khu phi thuế quan ra nước ngoài, hàng nhập từ nước ngoài và khu phi thuế và chỉ dùng trong khu phi thuế, hàng chuyển từ khu phi thuế này sang khu phi thuế khác. 
  • Dầu khí được dùng để chi trả thuế tài nguyên cho quốc gia khi xuất khẩu.

Đối tượng nộp thuế

Đối tượng nộp thuế được quy định tại Điều 3, Luật 107/2016/QH13, cụ thể như sau:

  • Chủ hàng hóa xuất nhập khẩu.
  • Đơn vị, tổ chức nhận ủy thác xuất nhập khẩu
  • Người xuất nhập cảnh có hàng hóa xuất nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng qua cửa khẩu, biên giới quốc gia. 
  • Đơn vị được bảo lãnh, ủy quyền và nộp thuế thay cho người nộp thuế gồm: đại lý làm thủ tục hải quan; đơn vị tín dụng hoặc đơn vị khác hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng; đơn vị bưu chính, chuyển phát nhanh quốc tế; chi nhánh của doanh nghiệp; người được ủy thác theo quy định của pháp luật. 
  • Đơn vị mua, vận chuyển hàng trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới đem bán tại thị trường trong nước. Thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng xuất nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định. 
  • Người có hàng xuất nhập khẩu thuộc mặt hàng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau có thay đổi và hàng chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định. 

Thuế xuất nhập khẩu mang lại ý nghĩa gì?

Những ý nghĩa quan trọng của thuế xuất nhập khẩu là: 

  • Xây dựng ngân sách nhà nước lớn mạnh. 
  • Bảo hộ nền kinh tế và sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa. 
  • Hạn chế xuất khẩu các hàng hóa cần thiết, vật tư nguyên liệu quý hiếm. 
  • Tăng cường hoặc hạn chế hàng hóa xuất nhập khẩu vào thị trường nội địa. 
  • Khuyến khích và thu hút hoạt động đầu tư từ nước ngoài. 
  • Nâng cao hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu. 
  • Mở rộng nền kinh tế đối ngoại và hợp tác sâu rộng quốc tế. 

Cách xác định thuế xuất nhập khẩu 

Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật 107/2016/QH13. Cụ thể có 3 cách để tính thuế xuất nhập khẩu: tính thuế theo tỷ lệ %, tính thuế tuyệt đối, tính thuế hỗn hợp. 

Phương pháp tính thuế dựa vào tỷ lệ phần trăm:

Thuế xuất/nhập khẩu phải nộp = Trị giá tính thuế x Thuế suất theo tỷ lệ %

Trong đó:

  • Trị giá tính thuế xuất/nhập khẩu là trị giá hải quan được xác định theo quy định của Luật Hải quan. 
  • Thuế suất theo tỷ lệ % của các mặt hàng có thể thay đổi tại thời điểm tính thuế. 

Phương pháp tính thuế theo mức thuế tuyệt đối

Thuế xuất/nhập khẩu phải nộp = Số lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu thực tế  x Mức thuế tuyệt đối

Trong đó, mức thuế tuyệt đối có thể thay đổi theo những thời điểm tính thuế khác nhau.

Phương pháp tính thuế hỗn hợp: là tổng tiền thuế theo tỷ lệ % và tiền thuế theo cách tính tuyệt đối. 

Thời điểm tính thuế là thời gian thực hiện đăng ký tờ khai hải quan. 

Thời điểm nộp thuế: trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng theo quy định Luật Hải quan.

Trị giá tính thuế và thuế suất

Căn cứ vào Khoản 1, Điều 8 Luật 107/2016/QH13 xác định trị giá tính thuế xuất nhập khẩu là trị giá hải quan theo quy định Luật hải quan. 

Thuế suất xuất nhập khẩu của từng mặt hàng được quy định tại biểu thuế xuất khẩu được ban hành bởi Bộ Tài Chính.

Tổng quan những thông tin cần biết về biểu thuế xuất nhập khẩu

Khái niệm về biểu thuế xuất nhập khẩu

Biểu thuế XNK 2022 là bảng tổng hợp toàn bộ loại thuế suất xuất nhập khẩu do Nhà nước quy định cho hàng hóa chịu thuế. Thuế suất trong biểu thuế có hai hình thức: thuế suất cố định và thuế suất tỷ lệ. Biểu thuế suất xuất nhập khẩu là để xác định mã HS code và là cơ sở xác định mức thuế suất cho hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Sách thuế XNK- biểu thuế xuất nhập khẩu 2022 Sách thuế XNK- biểu thuế xuất nhập khẩu 2022 Sách thuế XNK- biểu thuế xuất nhập khẩu 2022

Những loại thuế có trong biểu thuế xuất nhập khẩu 

Thuế nhập khẩu thông thường

Đây là loại thuế suất chung cho hàng hóa có nguồn gốc từ quốc gia mà nước ta không tham gia các hiệp định thương mại về ưu đãi thuế hoặc không thực hiện chính sách đối xử tối huệ quốc (MFN – Most Favoured Nation). 

Từ ngày 01/01/2018, theo Quyết định 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung cho Quyết định 36/2016/QĐ-TTg quy định:

  • Mức thuế suất nhập khẩu thông thường áp dụng chung cho mặt hàng cùng thuộc Danh mục là 5%. 
  • Nếu hàng hóa không trong danh mục thuế suất nhập khẩu thông thường thì được tính bằng 150% thuế suất ưu đãi của mặt hàng tương ứng. Trường hợp thuế suất ưu đãi là 0% thì sẽ căn cứ vào Điều 10 Luật 107/2016/QH13 để quyết định.

Thuế nhập khẩu ưu đãi                                                                         

Thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho hàng hóa đến từ các quốc gia, nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc đối với Việt Nam trong quan hệ thương mại.

Đa phần hàng nhập vào Việt Nam đều được hưởng ưu đãi thuế này vì nước ta có quan hệ thương mại với hơn 180 quốc gia trên thế giới. 

Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt

Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng cho hàng hóa từ quốc gia, nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt với Việt Nam về thuế nhập khẩu. Một số hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia là 

  • ACFTA (Asean – Trung Quốc)
  • ATIGA (Hiệp định Thương mại ASEAN)
  • AJCEP (ASEAN – Nhật Bản )
  • VJEPA ( Việt Nam – Nhật Bản )
  • AKFTA (ASEAN – Hàn Quốc)

Vai trò và ý nghĩa của biểu thuế xuất nhập khẩu

  • Khuyến khích hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu mà nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ. Những lĩnh vực ưu tiên là công nghệ cao, năng lượng xanh, bảo vệ môi trường…
  • Bình ổn thị trường và mang đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 
  • Tạo sự minh bạch, rõ ràng, đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế, cải cách những thủ tục hành chính. 
  • Thống nhất mức thuế suất đối với những hàng hóa tương quan về cấu tạo, công dụng, bản chất…

Điểm đổi mới có trong biểu thuế xuất nhập khẩu năm 2022

Điểm mới có trong biểu thuế xuất nhập khẩu năm 2022:

  • Mã HS code hàng hóa xuất nhập khẩu cập nhật theo Thông tư 65/2017/TT-BTC.
  • Các biểu thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu: 25 biểu thuế và 3 biểu thuế xuất khẩu ưu đãi.
  • Các chính sách quản lý hàng xuất nhập khẩu theo mã HS code của Chính phủ và các Bộ, Ngành, áp dụng đối với 8.289/10.813 mã HS code.

Cách tra biểu thuế và tính thuế xuất nhập khẩu

Biểu thuế xuất nhập khẩu mới nhất của năm 2022.

Biểu thuế XNK 2022 Biểu thuế XNK 2022

Cách tra biểu thuế

  • Phân theo chương
  • Tra theo chức năng
  • Tra theo chất lượng

Giải thích kí hiệu có trong biểu thuế:

(*): Không chịu VAT

(*,5): Không chịu thuế nhập khẩu, bán ra VAT 5%

(*,10): Không chịu thuế nhập khẩu, bán ra VAT 10%

(5): VAT nhập khẩu 5%

(10): VAT nhập khẩu 10%

Một số câu hỏi có thường gặp liên quan đến thuế nhập khẩu

1.Tại sao mua hàng trực tuyến vẫn bị tính thuế nhập khẩu và Thuế/Thuế GTGT  thay vì được bao gồm trong tổng chi phí vận chuyển?

Mua hàng trực tuyến vẫn bị tính thuế nhập khẩu và VAT có thể do hàng đó đang được bán ở nước ngoài. Do vậy, khi hàng không trong liên minh thuế quan thì người mua cần thanh toán mọi khoản thuế suất xuất nhập khẩu cần thiết. 

2. Tại sao phải trả tiền thuế?

Hàng hóa phải thông qua thủ tục nhập khẩu để thông quan và phụ thuộc vào: 

  • Quốc gia xuất khẩu
  • Giá trị hàng hóa
  • Số lượng hàng hóa

Trong đó, thuế quan và luật hải quan ở mỗi quốc gia và hàng hóa là khác nhau.

3.Tôi có thể phải trả thêm những khoản phí nào sau khi hàng thông quan?

Sau khi hàng thông quan thì đơn vị cần trả thêm phí và thuế:

  • Thuế nhập khẩu
  • Thuế VAT
  • Phụ phí thanh toán trước đã được bên vận chuyển thực hiện
  • Các khoản thuế và phí khác (nếu có) theo quy định 

Bài viết đã mang đến cho bạn đọc toàn bộ thông tin liên quan đến thuế xuất nhập khẩu, phân loại, cách tính thuế, biểu thuế thuế xuất nhập khẩu gồm những gì… Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Nội dung này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình / 5. Số đánh giá:

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.