Thuế thu nhập cá nhân là gì ? Pháp luật hiện hành quy định như nào về thuế thu nhập cá nhân ?
Xuất phát từ nhu cầu tài chính của Nhà nước, cũng như là một công cụ để Nhà nước quản lí và điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội, thuế thu nhập đã ra đời để đáp ứng các yêu cầu này. Trong hệ thống thuế của các nước, thuế thu nhập, điển hình là thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế quan trọng.
Mục Lục
I. Khái quát chung về thuế thu nhập cá nhân
1. Khái niệm thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN là sắc thuế mà nhà nước sử dụng để điều tiết một phần thu nhập của các cá nhân vào NSNN với mục đích tạo nguồn thu cho NSNN và thực hiện công bằng xã hội.
2. Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
- Thứ nhất, thuế TNCN là thuế trực thu
- Thứ hai, thuế TNCN có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân
- Thứ ba, việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần
- Thứ tư, thuế TNCN là một loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp
- Thứ năm, nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế TNCN bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia và luật quốc tế
3. Vai trò của thuế thu nhập cá nhân
- Thứ nhất, thuế TNCN góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước
- Thứ hai, thuế TNCN là công cụ để nhà nước phân phối sản phẩm xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo, góp phần đảm bảo tính công bằng trong xã hội
- Thứ ba, thuế TNCN là công cụ gắn liền với việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách xã hội của nhà nước
- Thứ tư, thuế TNCN góp phần giúp Nhà nước kiểm soát thu nhập, phát hiện thu nhập bất hợp pháp
II. Pháp luật thuế thu nhập cá nhân
1. Khái niệm pháp luật thuế thu nhập cá nhân
Pháp luật thuế TNCN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu, nộp thuế của cá nhân có phát sinh thu nhập theo quy định của pháp luật.
2. Các nguyên tắc đánh thuế theo luật thuế TNCN
- Nguyên tắc đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế trong thuế TNCN
- Nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế
- Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật thuế TNCN
- Nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần
III. Đối tượng nộp thuế
Việc quy định đối tượng nộp thuế của luật thuế TNCN hiện hành là khá hợp kí và phù hợp với thông lệ quốc tế.
– Phạm vi chịu thuế
Tại Điều 2.1 Luật Thuế TNCN quy định: “Đối tượng thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế… phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế….phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”.
Việc quy định đối tượng nộp thuế như vậy là khá hợp lí, tạo sự bình đẳng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài, đồng thời tránh được sự phức tạo trong xác định đối tượng chịu thuế. Không những thế, nó còn thể hiện thái độ thiện chí của nước ta trong việc nỗ lực thể hiện các đãi ngộ quốc gia, tạo môi trường mở và tâm lí yên tâm cho nhà đầu tư, người nước ngoài khi làm việc và sinh sống tại Việt Nam.
– Căn cứ xác định yếu tố cư trú
Căn cứ điều 2.2 Luật Thuế TNCN:
Đối với cá nhân cư trú có điều kiện “có mặt tại VN” được hiểu là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Đây là một điều kiện thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, có thể bao quát được những cá nhân có mặt tại VN trên 183 ngày nhưng không ở những tháng gián đoạn, không liên tục. Cá nhân cư trú hoặc còn được quy định là có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Căn cứ Điều 2.3 Luật Thuế TNCN: Cá nhân không cư trú là chủ thể không đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện về thời gian có mặt cũng như nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Các quy định này thể hiện sự tinh giản hóa quy phạm pháp luật tuy nhiên hạn chế là ít chữ nên chưa rõ ý, dễ gây hiểu lầm. Bởi lẽ có thể cá nhân không cư trú ở Việt Nam 1 ngày khác với trường hợp ở Việt Nam 182 ngày.
IV. Thu nhập chịu thuế và thu nhập miễn thuế
1. Thu nhập chịu thuế
Do thu nhập của cá nhân được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nên việc xác định thu nhập chịu thuế để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng mà vẫn khuyến khích được người dân lao động, sản xuất là việc làm cần thiết khi xây dựng quy định về thu nhập chịu thuế TNCN. Luật thuế TNCN hiện hành đã liệt kê hầu hết các loại thu nhập có thể phát sinh và áp dụng thống nhất điều chỉnh các loại thu nhập của cá nhân trong Điều 3 Luật thuế TNCN:
– Thu thập từ kinh doanh: điều luật tại luật sửa đổi 2014 đã rút ngắn phạm vi chịu thuế hơn, là (1) thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và (2) thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lâp của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, điều khoản này còn được bổ sung mức chịu thuế là đối với doanh thu trên 100 triệu đồng/ năm của cá nhân kinh doanh. Quy định như vậy tạo sự công bằng và bình đẳng hơn trong xã hội, tạo điều kiện cho cá nhân kinh doanh có doanh thu thấp.
– Thu nhập từ tiền lương, tiền công: là thu nhập mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp mà cá nhân được hưởng cũng được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp tại điều 3.2.b Luật thuế TNCN.
Để đảm bảo nguyên tắc chỉ các khoản trợ cấp mang tính bù đắp những rủi ro, giải quyết khó khăn tạm thời cho người lao động, hoặc các khoản trợ cấp, phụ cấp mang tính chất bảo trợ, an ninh xã hội mới được trừ khỏi chịu thuế, Luật thuế TNCN 2014 đã sửa đổi, xóa bỏ các khoản trợ cấp không còn được áp dụng, đồng thời bổ sung thêm quy định đánh thuế đối với “trợ cấp mang tính bảo trợ xã hội và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ”. Do đó, luật sẽ bao quát hết các khoản trợ cấp, phụ cấp thuộc diện chịu thuế mà người lao động được hưởng, kể cả khi phát sinh các khoản phụ cấp mới trong tương lai.
– Về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: luật sửa đổi, bổ sung 2014 đã quy định thêm “các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức” để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản.
Mặt hạn chế:
– Đánh thuế với thu nhập từ đầu tư vốn sẽ xảy ra tình trạng đánh thuế hai lần trên một thu nhập. Vì khoản thu nhập từ doanh nghiệp và khoản thu nhập từ cổ tức của cổ đông thực chất là một. Như vậy, cùng khoản thu nhập nhưng vừa phải chịu thuế TNDN, vừa phải chịu thuế TNCN do lợi nhuận chia cho cổ đông.
– Thu nhập chịu thuế với chứng khoán cũng còn hạn chế. Vì việc nộp thuế với loại hình thu nhập này là còn khá miễn cưỡng tại nước ta do thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn non kém, số lượng người tham gia có tăng trong những năm gần đây tuy nhiên chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Và quan trọng hơn, nó thất thường và hứng chịu nhiều rủi ro, việc làm giàu bằng chứng khoán là rất khó và chỉ có số ít người làm được. Việc đánh thuế vào chứng khoán là rất khó kiểm soát.
2. Thu nhập miễn thuế
Trên cơ sở kế thừa các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, Luật mới đã bổ sung thêm 3 điều khoản mới, nâng tổng số loại thu nhập được miễn thuế lên 16. Trong đó, do có sự hình thành và phát triển mạnh mẽ mô hình quỹ hưu trí tự nguyện, góp phần phát triển thị trường vốn, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, “tiền lương hưu do quỹ BHXH chi trả, tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng” sẽ được miễn thuế. Bên cạnh đó còn có “thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người VN làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tài VN vận tải quốc tế” và “Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ” cũng được miễn thuế.
Có thể thấy, việc bổ sung này thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với một số đối tượng được hưởng thu nhập trong các trường hợp đặc biệt, đồng thời cũng thể hiện chính sách khuyến khích các hoạt động có lợi cho phát triển kinh tế- xã hội nhằm tăng cường lao động sản xuất.
Mặt hạn chế:
– Theo Điều 4.4 của Luật thì: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau” thuộc diện được miễn thuế. Tuy nhiên quy định như vật khó đảm bảo tính công bằng, cũng tạo tâm lý ỷ lại, sống nhờ vào người khác bởi các tài sản thừa kế nhiều khi có giá trị không nhỏ. Thêm vào đó cũng tạo kẽ hở cho việc trốn thuế của những người chuyển nhượng khi họ sở hữu nhiều bất động sản.
– Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì không phải nộp thuế. Điều này cũng cần xem xét lại, vì trên thực tế rất khó có thể kiểm soát việc sở hữu nhà ở, đất ở của người bán có phải là duy nhất hay không. Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp nhất trên cả nước nên việc kiểm soát hiện nay chủ yếu dựa vào sự tự giác của người dân. Nếu ý thức nộp thuế của người dân không cao thì việc thất thu thuế của Nhà nước là điều không tránh khỏi.
– Luật thuế TNCN chưa đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và cũng chưa phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường bất động sản hoành hành và gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
(còn tiếp)
Trên đây là toàn bộ tổng hợp và phân tích của công ty luật Minh Khuê. Trường hợp trong nội dung bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn pháp luật – Công ty luật Minh Khuê