Thuế Giá Trị Gia Tăng (thuế gtgt)

Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

  • Đối với hàng hoá, dịch vụ là giá bán chưa có thuế GTGT cơ sở sản xuất kinh doanh khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ phải ghi rõ trên hoá đơn các yếu tố theo quy định là giá bán chưa có thuế, thuế GTGT phải nộp và giá thanh toán (người mua phải trả cho người bán trong đó có cả thuế GTGT ).

Ví dụ: cơ sở X bán 100 đôi giầy, giá chưa có thuế là 300.000đ/đôi. Vậy giá tính thuế là:

100 đôi x 300.000đ / đôi = 30.000.000đ

Thuế suất 10 %

Thuế GTGT phải nộp: 30.000.000đ x 10 % = 3.000.000đ

Giá thanh toán: 30.000.000đ + 3.000.000 = 33.000.000đ

  • Đối với hàng hoá nhập khẩu tại cửa khẩu (CIF) cộng với thuế nhập khẩu (nếu có)

Ví dụ: Cơ sở X nhập khẩu xe máy nguyên chiếc, giá nhập khẩu tại cửa khẩu (CIF) là 26.000.000đ/ chiếc.

Thuế suất nhập khẩu 50%

Vậy giá tính thuế của hàng xe máy nhập khẩu là 26.000.000đ + 26.000.000đ x 50% = 39.000.000đ.

Nếu hàng nhập khẩu được miễn giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu theo mức thuế đã được miễn giảm.

  • Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, sử dụng nội bộ, biếu tặng, giá tính thuế GTGT là giá tính thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ cùng loại hạc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này.

Ví dụ: Cơ sở X tặng cơ quan M 20 đôi giầy khi đó giá tính thuế GTGT là 20 đôi x 300.000đ/ đôi = 600.000đ

Thuế suất 10 % = thuế GTGT phải nộp: 6.000.000đ x 10 % = 600.000đ.

    • Đối với dịch vụ do phía nước ngoài cung cấp cho các đối tượng tiêu dùng ở Việt Nam thì giá chưa có thuế GTGT được xác định theo hợp đồng, trường hợp hợp đồng lại không xác định cụ thể số thuế GTGT phải nộp thì giá tính thuế GTGT là giá dịch vụ mà phía Việt Nam phải trả cho phía nước ngoài.

Ví dụ: Công ty X thuê một Công ty kiểm toán nước ngoài vào kiểm toán, giá thanh toán theo hợp đồng phải trả là 500 triệu đồng thì giá tính thuế GTGT của công ty A về dịch vụ này là 500 triệu đồng.

  • Đối với trường hợp cho thuê tài sản (không phân biệt tài sản và hình thức cho thuê) giá tính thuế là giá cho thuê chưa có thuế. Nếu cho thuê trong nhiều kỳ mà tiền thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho nhiều kỳ thì giá tính thuế GTGT là số tiền thuê đã trả giá tính thuế còn bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm mà đơn vị cho thuê được hưởng.
    • Ví dụ 1: Tháng 1/1999 Công ty X cho thuê 1 ngôi nhà hợp đồng ghi rõ:

Thời hạn thuê 5 năm

Tiền thuê 200 triệu / năm

Mỗi năm trả 1 lần vào tháng 1 hàng năm.

Giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là 200 triệu đồng.

    • Ví dụ 2: cũng ví dụ trên nhưng hợp đồng ghi: trả 1 lần cho 5 năm. Thời gian trả tháng 1/1999.

Giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là 1.000 triệu đồng.

    • Ví dụ 3: Cũng ví dụ 2, hợp đồng ghi thêm: bên cạnh thuê phải sửa chữa, nâng cấp nhà cho thuê với chi phí 100 triệu, chi phí này bên đi thuê sẽ trả toàn bộ cùng với số tiền thuê nhà.

Giá tính thuế GTGT là 1.000 triệu đồng + 100 triệu = 1.100 triệu.

Trường hợp luật pháp có quy định về khung giá cho thuê thì giá tính thuế GTGT được xác định trong khung giá quy định.

  • Đối với hàng bán theo hình thức trả góp, giá tính thuế GTGT là giá bán chưa có thuế trả 1 lần không tính theo số tiền trả góp từng kỳ (không bao gồm khoản lãi trả góp).
    • Ví dụ: một cửa hàng bán xe máy trả góp, nếu trả ngay thì người mua phải trả là 30.000.000đ/ chiếc, nếu mua hình thức trả góp thì người mua phải trả ngay 10.000.000đ. Số còn lại trả đều trong 24 tháng, mỗi tháng trả 1.000.000đ/ Tổng số tiền người mua phải thanh toán là 34.000.000đ. Nhưng giá tính thuế GTGT trong trường hợp này chỉ là 30.000.000đ.

  • Đối với gia công hàng hoá, giá tính thuế GTGT là giá gia công chưa có thuế bao gồm: tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác để gia công.

    • Ví dụ: Cơ sở X nhận gia công 01 lô hàng với tổng chi phí là:

Nhân công: 100 triệu

Điện nước: 10 triệu

Xăng dầu: 30 triệu

————————–

Tổng cộng 140 triệu

Giá tính thuế GTGT là 140 triệu.

  • Đối với hoạt động xây dựng và lắp đặt, giá tính thuế GTGT là giá xây dựng, lắp đặt chưa có thuế GTGT. Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo tiến độ thì giá tính thuế GTGT là giá thanh toán từng hạng mục công trình hoặc phần việc hoàn thành, bàn giao.

    • Ví dụ 1: Công ty xây dựng X nhận thầu xây dựng 1 khu chung cư. Tổng dự toán công trình là 500 tỷ đồng với phương thức chìa khoá chao tay. Tháng 10/1999 công trình đã hoàn thành bàn giao và bên giao thầu đã chấp nhận thanh toán theo giá tổng dự toán 500 tỷ.

Giá tính thuế GTGT trong trường hợp là 500 tỷ đồng.

    • Ví dụ 2: cũng ví dụ trên nhưng công trình chia ra phần xây thô 200 tỷ, phần hoàn thiện 300 tỷ. Bên giao thầu chấp nhận thanh toán theo từng hạng mục.

Tháng 3 hoàn thành phần xây dựng bên giao thầu chấp nhận thanh toán 200 tỷ giá tính thuế GTGT là 200 tỷ.

Tháng 10/1999 xong phần hoàn thiện, bên giao thầu, chấp nhận thanh toán 300 tỷ.

Giá tính thuế GTGT là 300 tỷ.

  • Đối với hàng hoá, dịch vụ có tính đặc thù được dùng loại chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán thì giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT. Giá chưa có thuế làm căn cứ tính thuế GTGT được tính như sau:

    • Giá chưa thuế GTGT = Giá thanh toán / [1 + (%) thuế suất của hàng hoá/dịch vụ đó]

Ví dụ: Công ty vận tải hành khách X trong tháng 1/1999 nhận vận chuyển 1.000 lượt hành khách. Giá 1 vé 110.000đ/lượt/khách. Vậy tổng doanh thu (đã có thuế GTGT là):

Tổng doanh thu (bao gồm thuế GTGT) = 1.000 lượt x 110.000 đ/ lượt = 110.000.000đ

Tổng doanh thu (chưa thuế GTGT) = 110.000.000đ / [ 1 + (10%)] = 100.000.000đ

  • Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ hưởng tiền công, hoặc tiền hoa hồng như dịch vụ môi giới, đại lý… Thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng thu được từ hoạt động đó.