Thuê đòi nợ, chủ nợ có bị xử lý?
– TS Nguyễn Vinh Huy, Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, trả lời: Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020. Theo đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm kể từ ngày luật này có hiệu lực ngày 1-1-2021. Trong khoảng thời gian từ nay đến ngày Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, chủ nợ vẫn có thể sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề này.
Tuy nhiên, để tránh phiền toái, rắc rối pháp luật, hai bên phải có hợp đồng dịch vụ, quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt cần quy định giới hạn mà bên doanh nghiệp có thể được thực hiện. Nếu vượt quá giới hạn đó, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hợp đồng dịch vụ đòi nợ thuê có thể được công chứng để bảo đảm yếu tố khách quan. Nội dung các điều khoản không trái quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên sử dụng dịch vụ (chủ nợ) trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ (công ty đòi nợ thuê) cố tình thực hiện dịch vụ đòi nợ bằng các hành vi vi phạm pháp luật.
Chủ nợ nên cân nhắc thời hạn thực hiện của hợp đồng bởi Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ sẽ tự động chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 1-1-2021.
Bên cạnh việc sử dụng dịch vụ của các công ty có chức năng kinh doanh thu nợ thì chủ nợ cũng có thể ủy quyền cho cá nhân thực hiện việc thu nợ. Hoạt đồng này không bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020.
Việc ủy quyền cần được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Công chứng viên sẽ có trách nhiệm rà soát các điều khoản của Hợp đồng ủy quyền để bảo đảm rằng bên ủy quyền được miễn trách nhiệm trong trường hợp bên nhận ủy quyền thực hiện vượt quá giới hạn ủy quyền.
Để hạn chế rủi ro, nên lựa chọn những người có hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi ủy quyền cho họ. Đồng thời, cần thông báo cho con nợ biết việc bạn ủy quyền để tránh sự lầm tưởng từ phía con nợ, từ đó hạn chế các xử sự không đáng có của các bên.