Thực trạng và các giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2025
Thực trạng và các giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2025
Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/01/2018. Mục tiêu của Đề án nhằm (i) Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; (ii) Cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh; (iii) Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.
Sau 03 năm thực hiện Đề án (2018-2020), Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần phát triển công nghiệp Thành phố xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm, đầu tàu của Thủ đô Hà Nội.
1. Kết quả phát triển SPCNCL Thành phố
– Về sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận: Trong 2 năm 2018-2019, UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn và công nhận 91 sản phẩm của 58 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2020, UBND thành phố đã lựa chọn và công nhận 26 sản phẩm của 19 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong số 26 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2020, có 5 sản phẩm thuộc nhóm ngành điện – điện tử – tin học (chiếm 19,3%), 7 sản phẩm thuộc nhóm ngành cơ khí chế tạo (chiếm 26,9%), 3 sản phẩm thuộc nhóm ngành y tế (chiếm 11,5%), 5 sản phẩm thuộc nhóm ngành gia dụng (chiếm 19,3%), 3 sản phẩm thuộc nhóm ngành thủ công mỹ nghệ (chiếm 11,5%) và 3 sản phẩm thuộc nhóm ngành khác (chiếm 11,5%).
Như vậy, sau 3 năm thực hiện đề án, chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đã công nhận 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố (bằng 146,25% so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020).
– Về doanh thu: Doanh thu của 77 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố năm 2020 đạt gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong số 117 sản phẩm của 77 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, có 22 doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 đạt trên 1.000 tỷ đồng (trong đó 1 doanh nghiệp có doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, 7 doanh nghiệp có doanh thu trên 5.000 tỷ đồng); 15 doanh nghiệp thuộc nhóm sản phẩm công nghệ cao; 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những thương hiệu toàn cầu như TOTO, CANON, PANASONIC…
– Về xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có SPCNCL đạt gần 2 tỷ USD.
– Về đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thị trường: Các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố công nhận là SPCNCL phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đây là những doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như công nghệ vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, phần mềm. Những doanh nghiệp sản xuất SPCNCL là doanh nghiệp năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế góp phần tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững ngành sản xuất công nghiệp Thủ đô.
– Về nhân lực: Các doanh nghiệp có SPCNCL chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ổn định, có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp này chiếm từ 75 – 80% tổng số lao động trong doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động cho hàng chục nghìn người.
– Một số SPCNCL và doanh nghiệp tiêu biểu: Máy in Canon của Công ty TNHH Canon Việt Nam; Sứ vệ sinh cao cấp TOTO, vòi và chậu rửa TOTO của Công ty TNHH TOTO; PCB – Sản phẩm bản mạch cứng, FPC – Sản phẩm bản mạch dẻo của Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam; Bộ dây truyền dịch dùng trọng lực (Intrafix Primeline, Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc (HD-Plus) của Công ty TNHH B.Braun Việt Nam. Ngoài ra các sản phẩm của Công ty TNHH VONTA Việt Nam được vinh danh trong Top 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2020 gồm công tắc, ổ cắm, thiết bị điện, ống luồn dây điện, aptomat. Công ty TNHH VONTA Việt Nam là đơn vị liên danh với Cộng hòa Liên bang Đức trong mảng sản xuất đèn LED và thiết bị điện và đèn LED với 3 nhà máy sản xuất đặt tại thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), KCN Nguyên Khê, Đông Anh, cụm công nghiệp Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) gồm: Nhà máy sản xuất đèn LED VONTA, Nhà máy sản xuất cột đèn VONTA, Nhà máy sản xuất thiết bị điện VONTA.
2. Tình hình triển khai các chương trình, cơ chế hỗ trợ phát triển SPCNCL của thành phố:
Sau khi Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội được ban hành, lần lượt các năm 2018, 2019, 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành các Kế hoạch số 103/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2018; Kế hoạch 85/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019; Kế hoạch 52/KH-UBND thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội năm 2020. Các kế hoạch này đều đưa mục tiêu triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố thông qua các chương trình của Thành phố như: Hỗ trợ tài chính, khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu… Cụ thể như sau:
Hỗ trợ tài chính: Các doanh nghiệp có SPCNCL luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hỗ trợ của Thành phố như: Ngân sách Thành phố hỗ trợ lãi suất vốn vay, lãi suất sau đầu tư, Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi,
Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Ưu tiên thu hút, xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu; Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, giới thiệu các SPCNCL Thành phố và các doanh nghiệp có SPCNCL nhằm mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có SPCNCL Thành phố được tham gia học tập kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước trong các Chương trình xúc tiến của Thành phố và quốc gia.
Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ: Tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với các doanh nghiệp của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, … nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại để đầu tư vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường; Triển khai các chương trình, kế hoạch khoa học công nghệ gắn với việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại đồng thời tạo môi trường gắn kết giữa doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất.
Phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao trình độ quản lý, hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp; Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội.
3. Đánh giá chung về tình hình phát triển SPCNCL Thành phố
a) Những mặt đạt được:
Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là SPCNCL thực sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô, luôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm áp dụng công nghệ tiên tiến để hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô.
Các doanh nghiệp được tham gia và thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển SPCNCL của Thành phố đã có điều kiện phát triển thị trường, đầu tư đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm trong nước và khu vực, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. Việc công nhận và tôn vinh các SPCNCL của Thành phố góp phần tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững.
Các SPCNCL là những sản phẩm có chất lượng, thương hiệu nổi tiếng, nhiều doanh nghiệp nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt; được người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao; nhiều doanh nghiệp có SPCNCL nằm trong top 500 doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam như: Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Quốc tế Sơn Hà, Cơ điện Trần Phú, May 10…
Phần lớn sản phẩm được công nhận là SPCNCL phục vụ nhu cầu thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu, một số sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng; nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các công ty lớn của Nhật Bản; một số doanh nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo ra những sản phẩm điển hình (Sản xuất máy biến áp, động cơ công suất lớn; Dây chuyền đồng bộ sản xuất rượu bia;…).
b) Những mặt tồn tại:
– Chưa khẳng định vai trò động lực phát triển của SPCNCL trong phát triển kinh tế Thủ đô; Việc liên kết hỗ trợ kết nối các DN sản xuất SPCNCL với nhau cũng chưa thực sự chặt chẽ, chưa gắn kết các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL trong vai trò hạt nhân, thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp khác tham gia hình thành chuỗi sản xuất…
– Việc triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển các SPCNCL sau khi được công nhận còn hạn chế
– Chưa có một cơ chế hỗ trợ đủ mạnh mang tính đồng bộ và kiến tạo, thúc đẩy phát triển nâng tầm sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chủ lực. Công tác trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, tham gia các hoạt động: xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; đổi mới và cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường… còn khiêm tốn. Các SPCNCL chưa được quan tâm thích đáng trong việc xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu rộng rãi trong và ngoài nước. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường còn chưa đáp ứng yêu cầu.
– Công tác phối kết hợp giữa các Sở, ngành chưa chặt chẽ từ việc giới thiệu, lựa chọn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển SPCNCL đến việc triển khai công tác hỗ trợ cho sản phẩm… Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề với chức năng là cầu nối giữa các doanh nghiệp tham gia vào công tác tuyên truyền chưa sâu rộng.
4. Bài học kinh nghiệm và các giải pháp phát triển SPCNCL thành phố Hà Nội đến năm 2025
Thứ nhất: Tận dụng tối đa cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu theo hướng kinh tế tri thức. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và doanh nghiệp. Xây dựng các SPCNCL của Thành phố có uy tín, thương hiệu, có tính biểu tượng, sức lan tỏa và giá trị cao trong cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ hai: Phát huy tinh thần tự chủ – tự lực – tự cường, chủ động hội nhập, phát triển của các doanh nghiệp; Tinh thần khởi nghiệp với các ý tưởng và phương hướng sản xuất kinh doanh mới mẻ, hiệu quả, đẩy mạnh tổ chức theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba: Kịp thời tháo gỡ và kiến nghị giải quyết các bất cập về chính sách, tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh tự do, bình đẳng để các doanh nghiệp phát triển. Từng bước hình thành và thiết lập các cơ chế nhằm minh bạch thị trường, kinh doanh như: kiểm định chất lượng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất; chuyên môn hóa các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp;… cùng với việc bảo vệ sự lành mạnh của thị trường, môi trường kinh doanh.
Thứ tư: Đề cao việc kiến tạo cơ chế và môi trường hợp tác cho doanh nghiệp hơn là việc hỗ trợ kinh phí một cách trực tiếp. Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần phù hợp với các quy định tại các hiệp định thương mại tự do, các FTA mà Việt Nam gia nhập và theo hướng chọn lọc, mạnh mẽ, có tác dụng hiệu quả.
Thứ năm: Chú trọng nhóm giải pháp đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ xúc tiến, nghiên cứu và dự báo thị thường. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, yếu kém khi hội nhập kinh tế, tránh sự dàn trải và thiếu trọng tâm.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025, ngày 11/3/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2021.
Kế hoạch nêu rõ các mục tiêu, trong đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực đề ra trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
Thu hút sự tham gia của 20 – 25 doanh nghiệp với 25 – 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021. Phấn đấu 100%; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố; giá trị sản xuất của các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố tăng 10 – 12% so với năm 2020, đóng góp 35 – 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thành phố.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai các nhóm nhiệm vụ: Xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Đồng thời, giao trách nhiệm cho từng sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện. Trong đó, Sở Công Thương (Cơ quan thường trực) chủ trì thực hiện kế hoạch bảo đảm đạt mục tiêu, kết quả đề ra, không trùng chéo; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện theo quy định. Cùng với đó, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng chính sách, giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phù hợp với tình hình thực tế và phát triển nhanh, bền vững; sửa đổi tiêu chí xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; tổng hợp, tham mưu, trình UBND thành phố theo quy định.
UBND thành phố cũng giao Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quảng bá và tôn vinh thương hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí thành phố đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội…
Trương Thị Quỳnh Vân
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến thương mại – VIOIT