Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp giảm thiểu tình trạng Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã lương Mông
Tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/02/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, chính quyền cùng các đoàn thể huyện Ba Chẽ nói chung, xã Lương Mông nói riêng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về Luật Hôn nhân và gia đình, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn trên địa bàn.
Tảo hôn là vi phạm Pháp luật
1. Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống:
Tảo hôn đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ, vấn nạn mang thai và sinh con trước tuổi ngày càng tăng tại các xã, trong đó có xã Lương Mông.
Thực trạng tại xã Lương Mông, năm 2021 có 02 trường hợp mang thai và sinh con trước tuổi vị thành niên. Năm 2022 có 02 trường hợp mang thai và sinh con trước tuổi vị thành niên trên địa bàn xã, chủ yếu xảy ra ở đồng bào dân tộc Dao.
Nguyên nhân: Do phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng trẻ em bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra, tâm lý chung học xong không có việc làm nên dẫn đến tình trạng kết hôn sớm.
Nếu như trước đây, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ nhận thức thấp, ảnh hưởng của tập tục lạc hậu…, thì hiện nay nguyên nhân để xảy ra tình trạng này không hẳn như vậy. Thực tế hiện nay, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về giới tính, sinh sản, hôn nhân và gia đình ở cả trong nhà trường và khu dân cư khá được chú trọng.
Hầu hết các em có hiểu biết căn bản về vấn đề này, nhưng vẫn để nảy sinh quan hệ yêu đương, tình dục sớm. Việc này một phần do thể chất của các em phát triển khá sớm, phần lớn do tiếp cận sớm với nhiều sản phẩm văn hóa, phim ảnh, thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet, mạng xã hội… mà không phù hợp lứa tuổi. Trong khi đó việc quản lý, giáo dục, định hướng thông tin cho con em trong các gia đình chưa thật sự sát sao, kịp thời.
Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở cũng chưa thật sự quyết liệt. Mặc dù đã có quy định, chế tài rất rõ, nhưng khi xảy ra sự việc, không ít cán bộ thôn, xã, các phòng chuyên môn chọn cách bỏ qua, phần vì tình làng nghĩa xóm, quan hệ quen biết, phần vì muốn đứa trẻ có cha, vì muốn trẻ em nữ khi trót dại vẫn được chăm sóc, nhìn nhận…
2. Hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra:
Để xảy ra tình trạng tảo hôn không chỉ người trong cuộc lĩnh hậu quả, mà cả xã hội phải gánh chịu. Kết hôn sớm là mất đi cơ hội học hành, việc làm; sinh con sớm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người mẹ; đứa trẻ sinh ra từ những cặp vợ chồng trẻ em phần lớn bị dị tật, ốm yếu. Trong đó bệnh thường thấy nhất là máu huyết tán bẩm sinh với những biểu hiện cơ thể thấp bé, trán rô, mũi tẹt, răng hô, suy tim, gan, nội tiết…
Chưa nhận thức được hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển.
a) Hậu quả tảo hôn gây ra:
– Đối với bản thân người tảo hôn sinh sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và con; Do tảo hôn sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt những trường hợp sinh con dưới 15 tuổi, nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ sinh con khi 20 tuổi; trẻ em do tảo hôn khi sinh ra thường còi cọc, ốm yếu hay mắc bệnh tật;
– Về tinh thần sinh con sớm không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không được vui chơi, không có điều kiện để tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, văn nghệ;
– Tảo hôn thường dẫn đến bỏ học hạn chế phát triển nhân cách, tài năng và trí tuệ của trẻ em;
– Tảo hôn làm đời sống gia đình khó khăn, thiếu thốn, vì vợ chồng tảo hôn chưa có kinh tế vững vàng, con cái nheo nhóc, ốm đau bệnh tật, vợ chồng trẻ thiếu kinh nghiệm nuôi dậy con, có thể dẫn đến bất hòa, chất lượng cuộc sống kém;
– Tảo hôn là gánh nặng cho xã hội, dân số tăng nhanh, chất lượng dân số thấp, gây sức ép lên giáo dục và y tế. Tảo hôn là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu và gánh nặng cho cộng đồng, xã hội.
b) Hậu quả hôn nhân cận huyết thống gây ra:
Hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân dân đến các căn bệnh di truyền phổ biến như:
– Sớm bị khiếm thính, suy giảm thị lực;
– Dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền;
– Khuyết tật, chậm phát triển về trí tuệ;
– Chậm hoặc không phát triển thể chất;
– Có trường hợp bị động kinh, bị các bệnh lý rối loạn máu, tan máu bẩm sinh, bị di dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, bệnh bạch tạng, bệnh vẩy nến…dẫn đến giảm tuổi thọ.
Hôn nhân cận huyết thống tác động xấu đến đạo đức, văn hóa truyền thống, các mối quan hệ dòng tộc, gia đình. Trẻ em sinh ra bị bệnh tật là gánh nặng cho gia đình, do phải chăm sóc, chữa bệnh cho con cái, kinh tế khó khăn, luôn tự ti mặc cảm, khó hòa nhập với cộng đồng.
Hôn nhân cận huyết thống làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nhân lực và nòi giống, đây chính là rào cản cho sự triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kéo lùi sự tiến bộ xã hội.
Ban chỉ đạo công tác Dân số xã Lương Mông xác định rõ một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể như sau:
– Công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đây là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
– Xác định nhiệm vụ tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất để nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân và gia đình về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
– Đưa công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào chương trình công tác của Đảng ủy và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội cấp xã, thôn, bản.
– Tổ chức ký cam kết giữa bí thư Đảng ủy xã với bí thư chi bộ, giữa đảng viên với chi bộ, giữa chủ tịch UBND xã với trưởng thôn, bản, giữa các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội với hội viên, đoàn viên, nói không với tảo hôn và không hôn nhân cận huyết thống.
– Tăng cường công tác tuyên truyền trong trường học để học sinh hiểu rõ hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân và gia đình.
– Tăng cường công tác xử phạt vi phạm hành chính trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để răn đe, cảnh cáo đối với những trường hợp vi phạm Luật hôn nhân và gia đình.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Đề án, tình trạng hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số xã Lương Mông nói riêng, toàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ được kiểm soát và đẩy lùi. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh./.