Thực trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông
Tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố, tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông diễn ra khá phổ biến như không đội không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đi hàng hai, hàng ba, lạng lách đánh võng trên đường. Trong số đó có nhiều em đi xe máy đến trường, hầu hết đều chưa có bằng lái xe, chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Thực trạng này rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người đủ từ 16 tuổi trở lên được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50cc (bao gồm xe máy điện) mà không cần có giấy phép lái xe. Do đó, mấy năm gần đây, nhiều gia đình đã trang bị cho con, em mình những chiếc xe máy phân khối nhỏ (dưới 50cc) làm phương tiện để tới trường. Tuy phân khối nhỏ nhưng tốc độ có thể đạt tới tối đa 60km/h, mỗi khi xuất hiện trên đường đều dễ khiến người dân bất an bởi đây là loại phương tiện không yêu cầu người điều khiển phải có bằng lái, nên phần lớn người đi xe đều là các thiếu niên chưa hiểu hết luật giao thông, ý thức tham gia giao thông chưa cao vì vậy nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông là rất lớn.
Anh Trần Khánh Duy, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá cho biết: “Thực tế việc học sinh vi phạm giao thông đang xảy ra nhiều như không đội mũ phóng nhanh, tạt đầu xe ô tô và là nguyên nhân gây ra tai nạn. Cần có giải pháp đồng bộ từ nhà trường gia đình và xử phạt nghiêm của lực lượng chức năng”.
Được biết năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học mới, các nhà trường đều tổ chức thực hiện ký cam kết chấp hành luật giao thông đối với các bậc phụ huynh và học sinh, trong đó có việc không giao xe máy cho học sinh đến trường khi không đủ tuổi. Thực hiện lồng ghép kiến thức pháp luật an toàn giao thông vào các tiết học, các buổi ngoại khóa để tổ chức tuyên truyền cho học sinh. Thế nhưng, ra khỏi cổng trường tình trạng học sinh vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Đây cũng đang là bài toán khó cho các nhà trường trong việc quản lý vấn đề an toàn giao thông cho các em học sinh.
Bên cạnh đó, việc xử lý học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông lại rất đơn giản, hầu hết các trường hợp vi phạm mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc nếu có thông báo gửi về trường thì nặng nhất cũng chỉ bị phê bình trước lớp. Thậm chí, khi bị bắt lỗi, chính các bậc phụ huynh lại gây khó dễ cho lực lượng chức năng, khiến công tác xử lý học sinh vi phạm giao thông chưa đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, công tác quản lý và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh cần phải được các nhà trường, phụ huynh và cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn.
Nguồn: Bản tin THNM ngày 24/9