Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng

ong tran tuan anh
Đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phát biểu tại buổi làm việc

Chiều ngày 18/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án làm Trưởng đoàn – đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương.

Đây là Bộ đầu tiên Ban Chỉ đạo tới làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo lần một của Đề án. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Công Thương đối với việc triển khai xây dựng Đề án này.

Thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. 

Triển khai xây dựng Đề án quan trọng này, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã đặt hàng các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trên 60 báo cáo và chuyên đề, 63/63 địa phương đã có báo cáo theo đề cương, 4 tổ chức quốc tế (WB, UNIDO, AFD, GIZ) cũng đã tham gia tích cực và có các nghiên cứu phục vụ xây dựng Đề án.

Đến nay, theo phân công của Thường trực Tổ Biên tập, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành 1 báo cáo và 3 chuyên đề. Đây là nguyên liệu đầu vào có chất lượng cho quá trình xây dựng Đề án. 

Trên cơ sở các báo cáo của Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ngành, địa phương, Thường trực Tổ biên tập đã hoàn thành Dự thảo Đề án gửi xin ý kiến các thành viên Tổ Biên tập và đang tích cực hoàn thiện Đề án trước khi trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

bo truong
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới.”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho biết, với vai trò là Phó Trưởng Ban thường trực của Ban Chỉ đạo, cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề về lý luận, kinh nghiệm, thực tiễn cũng như đề xuất những phương hướng, giải pháp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa đất nước trong các lĩnh vực của ngành Công Thương thông qua các Báo cáo, Chuyên đề chuyên sâu gửi Ban Kinh tế Trung ương theo đề nghị của Ban để tiến hành tổng hợp, hoàn thiện Đề án.

Thống nhất và đánh giá cao những đóng góp của Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng Đề án, đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án – cho rằng, từ khi Ban Chấp hành Trung Ương thông qua lịch làm việc toàn khóa, Ban Kinh tế Trung ương cùng các đơn vị liên quan đã kịp thời và quyết liệt trong việc triển khai đề án.

Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một đề án có phạm vi đặc thù rất sâu rộng và phức tạp, vì công nghiệp hóa là một vấn đề lớn của đất nước được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Tại tất cả các kỳ đại hội và văn kiện Đại hội Đảng đều nhấn mạnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể và tham vọng để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung như vậy, nhìn lại vẫn chưa có nghị quyết hay chuyên đề nào của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Thời gian vừa qua, Đề án đã được Ban Chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo rất toàn diện để phối hợp không chỉ với Ban Kinh tế Trung ương mà còn Hội đồng lý luận và các cơ quan khác để làm rõ các vấn đề liên quan đến nội hàm của Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các phạm vi mà mức tiếp cận khác nhau.”- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án – Trần Tuấn Anh đánh giá.

hoi nghi

Hiện nay, Ban chỉ đạo đã có 60 báo cáo và chuyên đề; 63 tỉnh thành trên cả nước đều có báo cáo theo đề cương của Ban chỉ đạo; các tổ chức quốc tế như WorldBank, UNDP… đều phối hợp với Ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng để thực hiện các nghiên cứu theo các chuyên đề cũng như các tọa đàm mà nội dung có tính trọng tâm. Thường trực Tổ biên tập đã hoàn thành dự thảo đề án lần 1, đây là tư liệu bước đầu để tinh gọn và hoàn chỉnh đề án. 

Tại buổi làm việc này, Ban chỉ đạo Đề án đặt ra mục tiêu trọng tâm là tiếp tục phục vụ quá trình hoàn thiện các báo cáo do các cơ quan chức năng cùng làm, trong đó có những đóng góp đáng kể của Bộ Công Thương, cần chắt lọc thông tin và lấy ra những cốt lõi để xây dựng chiến lược Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đây là buổi làm việc đầu tiên của Ban chỉ đạo với các cơ quan nhà nước, Bộ, ban ngành nên Bộ Công Thương được lựa chọn là đơn vị trọng tâm đưa ra các ý kiến để tham vấn trên cơ sở lựa chọn một số các chủ đề, nội dung, định hướng lớn để thảo luận và thống nhất được nhận thức và quan điểm, từ đó xác định được những nội hàm lớn cho Nghị quyết của Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.”-  đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công Thương về 4 vấn đề mới và lớn mà theo Ban chỉ đạo và Tổ biên tập là những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo được chất lượng của Đề án và thể hiện dưới dạng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ trình Trung ương 6 sắp tới. 

Thứ nhất, bối cảnh chung của trong nước, của khu vực và quốc tế đang tác động như thế nào đến sự phát triển của đất nước và có thể đặt ra những vấn đề mới cho công nghiệp hoá hiện đại hóa của Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ đưa ra những đánh giá, nhận thực từ thực tiễn của Bộ quản lý nhà nước trọng tâm trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; các lĩnh vực có liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập quốc tế. Đồng thời, các ý kiến của Bộ trong các tiếp cận cũng như tư duy mới về mô hình và chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới này. 

Thứ hai, Bộ Công Thương cần cố gắng làm rõ nét và cụ thể hơn nữa mô hình về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Hiện nay, mô hình đang được thảo luận và xây dựng trong dự thảo là mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo, gắn với nhu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đây cũng là tư tưởng và tinh thần trong các văn kiện của Đại hội XIII. Bộ Công Thương cần căn cứ vào diễn biến trên thực tế để làm rõ và đưa ra những đề xuất nhằm bổ sung cho phù hợp với phạm vi, quy mô của Đề án.

Thứ ba, các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước từ năm 2030 và tầm nhìn đến năm 24 luật là gì? Chúng ta phải cụ thể hóa những mục tiêu tổng quát này.

Thứ tư, theo chức năng quản lý của Bộ Công Thương, có một số nội dung mới rất quan trọng cần đánh giá, nhận định, phân tích và đề xuất. Đó là cơ chế, chính sách, trách nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế này. Đối với các ngành công nghiệp, nền tảng công nghiệp ưu tiên được xác định như thế nào và nên tiếp cận theo ngành theo các chuỗi sản phẩm? Hay việc phân bố không gian phát triển các ngành công nghiệp, phát triển các khu, cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành theo lợi thế vùng và các địa phương. Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò liên quan đến chủ thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vấn đề hội nhập tác động như thế nào đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án – nhấn mạnh, chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng. Trong đó, có 7 vấn đề sau:

Một là, công nghiệp nền tảng là những ngành công nghiệp mà dựa trên đó các ngành công nghiệp khác tồn tại và phát triển. Do vậy, để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì trước hết phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng.

Hai là, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: điều kiện cần đó là phát triển các ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng được yêu cầu; điều kiện đủ là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ba là, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng có tính chiến lược, các ngành công nghiệp nền tảng các bon thấp; đồng thời thực hiện xanh hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành công nghiệp nền tảng.

Bốn là, làm chủ các ngành công nghiệp nền tảng sẽ làm chủ nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, từ đó tạo tiền đề để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Năm là, cần phải làm chủ các ngành công nghiệp nền tảng để có những tiền đề cần thiết cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ.

Sáu là, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nền nông nghiệp bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng nông nghiệp thông minh, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì trước hết phải phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế biến, công nghiệp sinh học, phân bón…

Bảy là, cơ cấu lại các ngành dịch vụ cần dựa trên các ngành công nghiệp nền tảng gắn với công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Về kiến nghị chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có cách tiếp cận, tư duy mới về mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng; khuyến khích phát triển hài hòa/hợp lý các ngành công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới; dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

Đồng thời thời gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bao trùm; chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần định hướng mở rộng từ các cơ chế, chính sách truyền thống như ưu đãi tín dụng và miễn giảm thuế sang cơ chế, chính sách mới như hỗ trợ ngân sách; chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần định hướng xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế để xác định và phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp, bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm…

Các nội dung được trao đổi tại buổi làm việc sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

 

Khánh Vy