Thừa kế theo pháp luật là gì? Các trường hợp thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật là gì? Thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc khác gì nhau? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Mục Lục
Thừa kế theo pháp luật là gì?
Khái niệm thừa kế theo pháp luật được định nghĩa tại Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”
Việc phân chia, định đoạt di sản của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo hàng thừa kế. Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản khi không bị tước quyền hưởng di sản và không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản.
Các trường hợp thừa kế theo pháp luật
Trường hợp 1: Không có di chúc
Người để lại di sản không để lại di chúc hoặc đã từng lập di chúc nhưng tại thời điểm mở thừa kế không tìm thấy di chúc hoặc di chúc bị hư hại nghiêm trọng không thể khôi phục được và di chúc không còn thể hiện nguyên vẹn ý chí của người đã chết. Do đó, trường hợp này phần di sản sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 1 Điều 642 Bộ luật dân sự).
Trường hợp 2: Di chúc không hợp pháp
Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015. Bao gồm điều kiện sức khỏe, ý chí của người lập di chúc; di chúc phải đảm bảo đúng hình thức và di chúc phải thể hiện được những nội dung cơ bản theo quy định. Nếu di chúc vi phạm các điều kiện có hiệu lực của di chúc thì sẽ bị coi là vô hiệu và phần di sản sẽ được chia theo pháp luật.
Trường hợp 3:
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp này, di chúc có thể bị xem là vô hiệu một phần hoặc toàn bộ tùy vào sự tổn tại của chủ thể được hưởng thừa kế. Nếu có một hoặc một số người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc thì những phần di sản liên quan đến họ được áp dụng chia theo pháp luật.
Trường hợp 4:
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Là khi người lập di chúc không biết người thừa kế có những hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với người lập di chúc, thuộc những trường hợp không được quyền hưởng di sản được quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, nếungười lập di chúc biết những hành vi trên của người thừa kế nhưng vẫn cho họ hưởng di sản thì người này vẫn có quyền hưởng di sản.
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản và việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Đối với các trường hợp này, di sản có thể được phân chia theo quy định của pháp luật một phần hoặc toàn phần.
Trường hợp 5: Phần di chúc không được định đoạt trong di chúc
Có thể vì một lí do gì đó mà người lập di chúc không định đoạt hết tài sản của mình theo di chúc, phần tài sản không được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 6: Phần di sản có liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực pháp luật
Di chúc có thể được xem là vô hiệu một phần hoặc toàn bộ di chúc khi không đáp ứng đủ các điều kiện di chúc có hiệu lực theo quy định, do đó nếu phần di sản liên quan đến phần di chúc vô hiệu thì phần di sản này sẽ được phân chia cho các thừa kế theo hàng thừa kế.
Trường hợp 7:
Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị được quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Thừa kế thế vị được xem là thừa kế thay thế hợp pháp khi người thừa kế theo pháp luật chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản. Người được thừa kế thế vị có các quyền và nghĩa vụ như những người thừa kế pháp luật khác đối với tài sản do người chết để lại.
>> Xem thêm: Thừa kế thế vị là gì? Điều kiện để hưởng thừa kế thế vị như thế nào?
Truất quyền thừa kế và mối liên hệ với nguyên tắc của thừa kế
Thừa kế chính là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống, pháp luật thừa kế đảm bảo quyền tài sản của mọi công dân và mọi cá nhân đều có quyền tự định đoạt tài sản của mình.
Truất quyền thừa kế được hiểu là không cho hưởng quyền thừa kế, nếu người để lại di sản không truất quyền thừa kế thì người thừa kế sẽ được hưởng thừa kế. Có 02 trường hợp bị truất quyền thừa kế là bị người lập di chúc truất quyền thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế theo pháp luật.
Việc truất quyền thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí, mong muốn định đoạt phần tài sản của người lập di chúc. Pháp luật quy định những trường hợp không được hưởng di sản để đảm bảo quyền lợi cho người để lại di sản và để ngăn cấm các hành vi vi phạm của người thừa kế đối với người để lại di sản.
Thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc khác gì nhau?
Thừa kế theo di chúc
- Được quy định tại Chương XXII Bộ luật dân sự 2015.
- Người thừa kế được chỉ định tại di chúc hoặc người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc được quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự.
- Hình thức di chúc có thể là văn bản hoặc di chúc miệng.
- Trường hợp áp dụng thừa kế theo di chúc là khi người để lại di sản lập di chúc để tự định đoạt tài sản của mình.
Thừa kế theo pháp luật
- Được quy định tại Chương XXIII Bộ luật dân sự 2015.
- Người thừa kế được pháp luật quy định phân theo hàng thừa kế.
- Người để lại di sản không có di chúc hoặc di chúc vô hiệu vì không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.
Qua bài viết trên bạn đọc đã hiểu rõ hơn khái niệm về thừa kế theo pháp luật. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến thừa kế theo pháp luật vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được luật sư tư vấn.
Đánh giá