Thừa kế thế vị theo quy định của pháp luật dân sự

Đến nay, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 được xem là văn bản pháp luật quy định khá chi tiết, cụ thể và đầy đủ về chế định thừa kế, theo đó thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật của công dân được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng những quy định này trên thực tế cũng như trong việc giải quyết tranh chấp trong thừa kế vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định và thừa kế thế vị là một trong những trường hợp đặc biệt của thừa kế theo pháp luật.

1. Những vấn đề chung về thừa kế thế vị

Theo nghĩa thông thường, “thừa” và “kế” đều có nghĩa là sự tiếp nối. Với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế, thừa kế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội về việc dịch chuyển di sản được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống hay phong tục tập quán riêng của bộ lạc, thị tộc. Nó được thể hiện ở sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang người sống.

Thừa kế theo di chúc là sự chuyển tài sản của người đã chết cho những người còn sống theo ý chí của người có di sản. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào người để lại di sản chết cũng để lại di chúc hoặc di chúc do người này lập ra là hợp pháp. Xuất phát từ lí do này, chế định thừa kế theo pháp luật được coi là “sự phỏng đoán” ý chí của người để lại di sản. “Sự phỏng đoán” này ở mỗi nước là khác nhau, tùy thuộc vào quan niệm và phong tục tập quán.

Nếu như ở thừa kế theo di chúc, người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức và nếu là cá nhân thì có thể không phải là người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản. Tuy nhiên, đối với thừa kế theo pháp luật thì chỉ có cá nhân mới được hưởng thừa kế và các cá nhân này phải có một trong ba mối quan hệ với người để lại di sản: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, không phải bất cứ cá nhân nào có một trong ba quan hệ này với người để lại di sản cũng được hưởng thừa kế mà việc thừa kế được xác định theo hàng. Tương tự như vậy, không phải ai trong các hàng thừa kế cũng được hưởng di sản mà điều này còn phụ thuộc vào nguyên tắc ưu tiên của hàng thừa kế.

Còn thừa kế thế vị, theo nghĩa Hán – Việt thì “thế – nghĩa là thay thế”, “vị – nghĩ là ngôi vị, vị trí”. Như vậy, thừa kế thế vị nghĩa là thay thế một ai đó để được hưởng phần di sản mà đáng lẽ người trước đó được hưởng. Đặt trong mối quan hệ pháp luật về thừa kế, thừa kế thế vị chỉ có thể là một dạng của thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc. Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy rằng, thừa kế thế vị tuy không dịch chuyển theo hàng thừa kế nhưng lại theo trình tự nhất định khi người nhận di sản thế vị thoả mãn một số điều kiện cụ thể. Từ đó có thể thấy, thừa kế thế vị là một trường hợp đặc thù của thừa kế theo pháp luật. Điều 652 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo đó, khái niệm thừa kế thế vị được hiểu như sau: Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (ông hoặc bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác.

Trong quan hệ thừa kế thế vị, di sản được dịch chuyển từ người để lại di sản đến người thụ hưởng trải qua bốn thế hệ, từ các cụ đến chắt. Khi di sản dịch chuyển theo loại thừa kế này, những người liên quan đều có một tên gọi để phân biệt vị trí của từng người trong quan hệ thừa kế. Theo đó khi con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha, mẹ của cháu được hưởng khi còn sống. Ở đây, “cha hoặc mẹ của cháu” là người được thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản nhưng do không tồn tại vào thời điểm mở thừa kế nên không được hưởng di sản, mà “cháu” sẽ là người thay thế “cha hoặc mẹ” để nhận di sản từ người để lại di sản; Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, con hoặc cháu của người để lại di sản nếu còn sống. Và người thế vị trí được hiểu là cháu hoặc chắt của người để lại di sản và là người thay thế vị trí của người được thế vị để nhận di sản từ người để lại di sản lẽ ra người được thế vị được hưởng nếu còn sống.

Theo nguyên tắc chung, người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế, nhưng pháp luật thừa kế nước ta quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì quyền thừa kế thế vị của cháu vẫn được đảm bảo và nếu cháu cũng đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cũng tương tự, quyền thừa kế thế vị của chắt cũng sẽ không bị xâm phạm. Quy định của điều luật này có sự khác biệt so với quy định về thừa kế thế vị tại Điều 680 BLDS 1995. Điều 680 BLDS 1995 chỉ quy định thừa kế thế vị trong trường hợp con hoặc cháu chết trước người để lại di sản mà không quy định đến trường hợp cháu hoặc chắt có được thừa kế thế vị hay không nếu cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết cùng vào một thời điểm với ông, bà nội, ngoại hoặc các cụ nội, ngoại.

Quy định trên không những phù hợp về mặt thực tế mà còn phù hợp với bản chất của thừa kế thế vị. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ liệt kê các trường hợp thừa kế thế vị mà chưa định nghĩa thế nào là thừa kế thế vị. Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 1999 đã định nghĩa: “Thừa kế thế vị là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế”. Mặt khác, theo tinh thần của điều luật trên, thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người được thế vị (con hoặc cháu) chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản (ông, bà hoặc cụ). Vì thế có thể hiểu, thừa kế thế vị là việc cháu hoặc chắt được hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ với tư cách thay thế vị trí của người cha hoặc người mẹ của mình để nhận phần di sản mà cha hoặc mẹ của mình được hưởng nếu còn sống.

Theo quan điểm của TS. Phạm Văn Tuyết & TS.LS Lê Kim Giang thì: Thừa kế thế vị là việc con đẻ  thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của ông nội, bà nội hoặc ông ngoại, bà ngoại đối với phần di sản mà cha được hưởng nếu còn sống nhưng cha đã chết trước ông nội, bà nội hoặc mẹ đã chết trước ông ngoại, bà ngoại, đồng thời cũng là việc con đẻ thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để hưởng thừa kế của cụ đối với phần di sản mà cha, mẹ được hưởng nhưng cha, mẹ đã chết trước hoặc cùng một thời điểm với cụ.

Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Người thừa kế theo di chúc đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì phần di chúc đó vô hiệu. Nói cách khác, thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo pháp luật mà được hiểu là trình tự hưởng di sản do pháp luật quy định. Cháu và chắt trong trường hợp này không thể được hiểu là thừa kế theo trình tự hàng thừa kế, vì nếu hiểu như vậy có nghĩa là cháu và chắt – mỗi người trong số họ sẽ đều được hưởng một phần di sản ngang nhau và ngang bằng với những người thừa kế cùng hàng khác. Điều này trái với bản chất của người thừa kế thế vị là tất cả những người thừa kế thế vị chỉ được hưởng chung một phần di sản (kỉ phần) mà cha hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống mà thôi.

Thừa kế thế vị được quy định và bảo đảm thực hiện ở nước ta từ rất lâu, bắt đầu từ Thông tư số 1742/BTP, Thông tư số 594/TANDTC, Pháp lệnh thừa  kế, BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và hiện nay là BLDS năm 2015. Các văn bản pháp luật này khi quy định về thừa kế thế vị đều tuân theo một đặc điểm chung nếu một người con không còn vào thời điểm người để lại di sản chết thì các con của người này được thay thế cha mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc của các cụ.
Thừa kế thế vị xét trên tổng thể về quan hệ huyết thống, về quan hệ nuôi dưỡng giữa người để lại di sản với con cháu của người đó.

+ Về quan hệ huyết thống: Thừa kế thế vị xét trên mối quan hệ huyết thống giữa người để lại di sản và người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là quan hệ cha con, mẹ con. Quan hệ cha con là quan hệ nhân thân không tách rời quan hệ nuôi dưỡng nhau theo quy định của pháp luật. Quyền thế vị của người cháu, người chắt của người để lại di sản dựa trên quan hệ huyết thống với người để lại di sản và quyền được thừa kế di sản của ông, bà khi cha, mẹ của cháu còn sống thì được hưởng.

+ Về quan hệ nuôi dưỡng: Giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi không có mối quan hệ huyết thống mà chỉ có quan hệ nuôi dưỡng nhau. Nhưng nếu con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi thì con của con nuôi được nhận thừa kế thế vị như các cháu có quan hệ huyết thống với người để lại di sản. Phương thức trên cũng được áp dụng cho các cháu là con đẻ của người con riêng của vợ, của chồng. Nếu con riêng và cha dượng, mẹ kế đã thể hiện được nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương nhau như cha con, mẹ con.

Điều 653 BLDS năm 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651, 652 của Bộ luật này”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Luật Nuôi con nuôi quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 24: “Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi: “1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi”.

Căn cứ vào các quy định tại các Điều 104, 106, 113, 114 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con nuôi không có mối quan hệ về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng nhau đối với những người thân thích thuộc gia đình của bố, mẹ nuôi như, bố mẹ của cha, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của cha mẹ nuôi, chú, bác, cô dì, cậu ruột của cha mẹ nuôi. Hay nói cách khác, người con nuôi không thể là cháu ruột của những người này, do vậy người con nuôi không thể là người thừa kế của những người như trên. Tuy nhiên, người làm con nuôi người khác vẫn có quan hệ với gia đình cha mẹ đẻ, cho nên họ là người thừa kế theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của những người thân thích (họ là người thừa kế thế vị của những người thân thích trong gia đình của họ, mặc dù họ là làm con nuôi của người khác).

2. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ đẻ nhận di sản thừa kế từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu bố mẹ đã chết hoặc chết cùng thời điểm với những người này. Phần di sản mà người con được hưởng trong di sản của người để lại thừa kế nói trên là phần di sản mà bố hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Vì vậy, điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị gồm:

Một là, con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cháu được thừa kế thế vị); cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (chắt được thừa kế thế vị). Như vậy, điều kiện đầu tiên làm phát sinh quan hệ thừa kế thế vị đó là phải xảy ra sự kiện cha hoặc mẹ của cháu hoặc của chắt chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà (nội, ngoại) hoặc các cụ (nội, ngoại).

Hai là, những người thừa kế thế vị phải là người có quan hệ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và người thế vị luôn ở vị trí đời sau, tức là chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ chứ không xảy ra trường hợp cha, mẹ thế vị con để hưởng di sản của ông bà hoặc các cụ.

Ba là, giữa họ phải có quan hệ huyết thống về trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ).

Bốn là, người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Xuất phát từ lý luận người đã chết không thể có năng lực chủ thể để tham gia vào bất kỳ quan hệ pháp luật nào, do đó, pháp luật Việt Nam đã quy định người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế thì người đó phải là người đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và phải sinh ra còn sống sau thời điểm mở thừa kế.

Năm là, khi còn sống, người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị).

Sáu là, bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa kế theo khoản 1 Điều 644 BLDS năm 2015.

Như vậy, thừa kế thế vị chỉ xảy ra ở hàng thừa kế thứ nhất (Điều 652 BLDS). Trong hàng thừa kế thứ nhất, người thừa kế thế vị được hưởng di sản chỉ có thể là cháu hoặc chắt. Tức là sự thế vị chỉ áp dụng cho đối tượng thuộc trực hệ đến đời thứ ba với điều kiện cháu phải sống vào thời điểm ông bà chết mới là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà, chắt phải sống vào thời điểm cụ chết mới là người thừa kế thế vị của các cụ. Cháu sinh ra khi ông bà chết nhưng đã thành thai khi ông bà còn sống cũng là người thừa kế thế vị tài sản của ông bà (đối với chắt cũng vậy) nhưng khi sinh ra nó phải còn sống. Các thừa kế nhận di sản với tư cách là người thế vị sẽ phải chia nhau (chia đều) phần mà người cha hay người mẹ, người ông hoặc bà chúng nếu còn sống sẽ được hưởng. Ví dụ. Ông A có khối di sản để lại là 90 triệu đồng, ông A có vợ là bà B, có con là C và D. C có con là T và H; D có con là M và N. C chết trước A, D và M chết cùng thời điểm với A. Ông A chết không để lại di chúc. Nếu có người yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A thì vụ việc sẽ được giải quyết như sau: Theo quy định tại Điều 676 BLDS năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất của ông A là bà B, anh C và anh D nhưng C chết trước A nên T, H thay C để hưởng di sản của A, đồng thời D và M đều chết cùng thời điểm với A nên N thay M để hưởng di sản của A. Cụ thể: 90 triệu đồng: 3 = 30 triệu đồng (B = C = M). Trong đó H, T thế vị hưởng phần của C (30: 2 = 15 triệu đồng). N thế vị hưởng phần của M = 30 triệu đồng.

3. Các trường hợp thừa kế thế vị

Thứ nhất, cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông, bà.

Đây là trường hợp cha đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông nội thì khi ông nội chết, con sẽ thay thế vị trí của cha để thừa kế từ di sản mà ông nội để lại đối với phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống, Nếu cha đẻ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với bà nội thì khi bà nội chết, con sẽ thay thế vị trí của cha để thừa kế từ di sản mà bà nội để lại đối với phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông ngoại thì khi ông ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để thừa kế từ di sản mà ông ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống. Nếu mẹ đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với bà ngoại thì khi ông ngoại chết, con sẽ thay thế vị trí của mẹ để thừa kế từ di sản mà bà ngoại để lại đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống.

Ví dụ: A và B kết hôn với nhau sinh được C và D. C kết hôn với E sinh ra G và H. C chết năm 2010, A chết năm 2017, A chết năm 2017 không để lại di chúc. Những người thừa kế của A bao gồm B, C, D. Tuy nhiên, do C chết trước A nên các con của C là G và H sẽ thế vị nhận di sản này (con thay cha hưởng di sản của ông nội). Giả sử sau đó B chết, những người thừa kế của B là C và D, thì G và H tiếp tục được thế vị C để hưởng di sản của B (con thay cha hưởng di sản của bà nội).

Ngoài ra, thừa kế thế vị còn được xét trên tổng thể về sự đan xen giữa huyết thống với nuôi dưỡng, giữa người để lại di sản với con cháu của người đó nên khi xác định cháu có được hưởng thế vị hay không, cần theo 3 căn cứ sau:
Một là, nếu giữa các đời đều có quan hệ huyết thống (A sinh ra B và B sinh ra C) thì đương nhiên cháu sẽ được thế vị trong mọi trường hợp nếu có đủ các điều kiện trên.

Hai là, nếu quan hệ giữa các đời đều là nuôi dưỡng (A nhận nuôi B và B nhận nuôi C) thì đương nhiên thế vị không được đặt ra trong mọi trường hợp.

Ba là, nếu có sự đan xen cả huyết thống lẫn nuôi dưỡng giữa các đời thì cần xác định theo các trường hợp sau: (1) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là huyết thống (A nhận nuôi B và B sinh ra C) thì được thừa kế thế vị. Trường hợp này cũng được áp dụng đối với con riêng của vợ, của chồng, nếu con riêng với mẹ kế, bố dượng được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con; (2) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất với đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai với đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (A sinh ra B và B nhận nuôi C) thì không đương nhiên được thừa kế thế vị, chỉ được thế vị nếu được người để lại di sản coi như cháu ruột.

Thứ hai, chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ

Để dễ hình dung, tác giả xin vẽ một sơ đồ sau:
A………..B………C………..D
Trong đó, giữa các chữ được nối liền với nhau bằng nét gạch ngang giữa là chỉ mối quan hệ giữa cha, mẹ và con; (A và B, B và C, C và D); giữa các chữ cách nhau một chữ là chỉ mối quan hệ giữa ông, bà với cháu (A và C; B và D); Giữa các chữ cách nhau hai chữ là chỉ mối quan hệ giữa cụ với chắt (A và D).
Theo quy ước trên, chúng ta xác định chắt được thừa kế thế vị của cụ trong các trường hợp sau:

Một là, trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản là cụ (A), cha, mẹ (C) cũng đã chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết (C thế vị B để hưởng thừa kế di sản của A đối với phần di sản mà B được hưởng nếu còn sống và D lại thế vị C để hưởng di sản của A đối với phần di sản mà C được hưởng nếu còn sống).

Hai là, trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản (A) , cha, mẹ (C)  chết sau ông, bà nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản (A) thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Ba là, trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (B) chết trước người để lại di sản (A), cha, mẹ (C) chết sau ông, bà nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt (D) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Bốn là, trường hợp B không được hưởng di sản của A, nếu C chết trước A thì D cũng được thế vị C để hưởng thừa kế đối với di sản của A.

Năm là, trường hợp nếu có sự đan xen cả huyết thống lẫn nuôi dưỡng giữa các đời thì việc thừa kế thế vị của chắt được xét các trường hợp sau:

(1) Trường hợp con nuôi chết trước người để lại di sản là cha, mẹ nuôi, đồng thời con đẻ của người con nuôi cũng đã chết trước người để lại di sản (nhưng chết sau cha hoặc mẹ) thì cháu của người con nuôi đó (tức là chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

(2) Trong các trường hợp nếu xét về tính đan xen giữa huyết thống và nuôi dưỡng mà thấy rằng con của một người không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người đó thì thừa kế thế vị không được đặt ra. Ví dụ: quan hệ giữa A, B, C, trong đó B là con đẻ của        A, nhưng nếu C là con nuôi của B thì C không đương nhiên là cháu của A. Theo logic trên thì con của con nuôi của một người không đương nhiên trở thành chắt của cha, mẹ người đó. Hoặc, quan hệ giữa A, B, C, D, trong đó B là  con của A nhưng C là con nuôi của B và D là con của C (kể cả con đẻ hoặc con nuôi) thì D không đương nhiên trở thành chắt của A.
Khi xác định thừa kế thế vị cần lưu ý các mối quan hệ:

(1) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là nuôi dưỡng nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba lại là huyết thống (A nhận nuôi C, C sinh ra E) thì được thừa kế thế vị;

(2) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ hai là huyết thống nhưng quan hệ giữa đời thứ hai và đời thứ ba lại là nuôi dưỡng (A sinh ra C, C nhận nuôi E) thì không đương nhiên được thừa kế thế vị (E không đương nhiên là cháu của A);
(3) Nếu quan hệ giữa đời thứ nhất và đời thứ tư đan xen về quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng thì không đặt ra thừa kế thế vị vì các mối quan hệ là không đương nhiên (A nhận nuôi C, C sinh ra E, E nhận nuôi H thì H không đương nhiên là chắt của A).

(4) Con riêng của bố dượng, mẹ kế được thừa nhận là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì cũng được thừa kế thế vị.

Như vậy, quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế lại là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một chết định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản, tránh trường hợp di sản của ông, bà, cụ mà cháu, chắt không được hưởng lại để cho người khác hưởng. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha, mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị.

Theo moj.gov.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2005;
2. Xem, Bộ luật Dân sự năm 2015;
3. Xem, PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ & PGS.TS. Trần Thị Huệ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, NXB Công an nhân dân;
4. Xem, TS. Phạm Văn Tuyết & TS.LS. Lê Kim Giang “Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp”, NXB Tư pháp – 2013;
5. Xem, PGS.TS. Phùng Trung Tập “Luật Dân sự Việt Nam – Bình giải và áp dụng Luật Thừa kế”
6. Xem, Trường Đại học Luật Hà Nội “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam – Tập 1”, NXB Công an nhân dân;
7. Xem, ThS. Nguyễn Văn Huy “Thừa kế trong pháp luật Dân sự Việt Nam”, NXB Tư pháp – 2017.