Thủ tục hành chính và mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp – TNTP
Thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua thủ tục hành chính, doanh nghiệp thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, các cơ quan nhà nước thực hiện được chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Doanh nghiệp gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước?
Nhận định về việc này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP cho biết: “Hiện nay, các quy định về cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn phức tạp, chồng chéo. Một vụ việc cần giải quyết đôi lúc sẽ liên quan đến nhiều cơ quan, trong khi đó, một doanh nghiệp sẽ phải lên làm việc nhiều lần, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi giải quyết một vấn đề. Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp do quy định không thống nhất nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, cơ quan nhà nước này có thẩm quyền giải quyết, nhưng khi doanh nghiệp tiến hành làm việc trực tiếp thì cơ quan nhà nước đó lại phản hồi rằng trách nhiệm đó thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp dưới hoặc cấp trên hay một cơ quan khác. Như vậy, chỉ nói đến vấn đề xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết, doanh nghiệp đã vướng không ít khó khăn và thời gian làm việc”.
Theo báo Lao động, đơn cử như dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại huyện Bình Chánh của Công ty Lê Thành có diện tích khu đất 22.196,6m2 dự kiến xây dựng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội. Công ty Lê Thành cho biết đang liên hệ Sở Quy hoạch và Kiến trúc để hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch cục bộ đồ án quy hoạch của Công ty. Tuy nhiên, đối với dự án này, thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc Công ty Lê Thành không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng. Sở Kế hoạch và Đầu tư phản hồi theo Luật Đầu tư mới thì chỉ khi dự án phù hợp quy hoạch mới trình lên Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư. Đối với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh thì trả lời chưa trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ lên Ủy ban nhân dân TP.HCM được khi chưa có văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân thành phố nhưng do Ủy ban nhân dân thành phố chưa có ý kiến chỉ đạo thì Sở Quy hoạch Kiến trúc và Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chưa có cơ sở trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Có thể thấy, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án này khá phức tạp, quy định chồng chéo dẫn đến việc không có cơ quan nào trình Ủy ban nhân dân TP.HCM cho công ty điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến việc dự án không thể hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng kế hoạch.
Dẫn lời ông Nguyễn Văn Hậu – CEO Asian Holding từ báo Lao Động cho biết, thời gian hoàn thiện pháp lý cho một dự án làm ở TP.HCM phải mất trung bình khoảng gần 5 năm nếu thuận lợi, còn không thì mất nhiều hơn. Đơn cử như doanh nghiệp của ông có thực hiện một dự án tại Bình Chánh (TP.HCM). Từ khi có được chấp thuận chủ đầu tư, thì phải đến hơn 4 năm mới hoàn thành thủ tục pháp lý. Như vậy, nếu mỗi năm mất 10% về lãi vay, thì doanh nghiệp phải mất 4 năm trả khoản lãi vay đó. Trong khi đó, ở các tỉnh lân cận, từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến chấp thuận đầu tư đến khi nghiệm thu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, rồi đến khi ra sổ cho khách hàng…, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 1-2 năm.
Theo báo Đầu tư, dự án 8X Thái An (phường 14, quận Gò Vấp) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích hơn 3.600 m2, đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2016. Nhưng đến nay, UBND TP.HCM vẫn chưa duyệt giá đất do vẫn đang xem xét điều chỉnh quyết định chuyển mục đích để xác định có hay không nghĩa vụ tài chính phát sinh, dẫn tới thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân bế tắc.
Công ty Ngọc Đông Dương cho hay, Dự án RainBow (phường Tân Thới Nhất, quận 12) của mình cũng chung cảnh ngộ. Dự án này (diện tích hơn 5.400 m2) đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2018, nhưng giờ này UBND TP.HCM vẫn chưa duyệt giá đất, do vẫn đang xem xét điều chỉnh quyết định chuyển mục đích để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Ngay cả “ông lớn” Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cũng khốn khổ ở dự án Khu chung cư ký hiệu B2 thuộc dự án Khu nhà ở, trung tâm thương mại tại phường Phước Long B, TP.Thủ Đức. Dự án này đã nghiệm thu và được đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng chưa hoàn tất thủ tục cấp sổ cho cư dân bởi phải chờ câu trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường: Có hay không phát sinh nghĩa vụ tài chính?
Theo Luật sư Hà, một số quy định về trình tự, thủ tục chưa rõ ràng, đôi khi việc giải quyết vụ việc sẽ phụ thuộc vào quan điểm của từng cơ quan nhà nước đối với quy định pháp luật. Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp khá lúng túng khi làm việc với cơ quan nhà nước. Ví dụ như việc quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất về cách tính thời gian giải quyết giữa “ngày” và “ngày làm việc”. Nhiều thủ tục hành chính quy định “ngày” nên rất khó phân định khi xây dựng quy trình các bước giải quyết thủ tục hành chính cụ thể giữa các cơ quan. Đồng thời, nhiều văn bản không quy định thời gian cụ thể mà chỉ quy định chung chung như “trong thời hạn …. ngày kể từ ngày nhận được văn bản này”, nên doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình phối hợp giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều đơn vị doanh nghiệp, hiện nay vẫn còn tình trạng “nhũng nhiễu” khi làm việc với các cơ quan quản lý. Trong quá trình làm việc với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đôi khi sẽ phải chi trả cho những khoản phí không chính thức để đảm bảo cho quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa nhằm giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cập nhật kịp thời, công bố công khai các thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công chức thực hiện dịch vụ hành chính công. Tổ chức triển khai thiết lập đa dạng kênh thông tin, để tiếp cận các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về quy định hành chính.
Bài toán nào giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp?
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố mới đây, kết quả phân tích dữ liệu PCI năm 2021 nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, 87% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục.
Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, kết quả điều tra PCI 2021 cho thấy, 57,3% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và 57% doanh nghiệp quan sát thấy việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp…
Theo nhận định của ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Getfly Việt Nam, dịch vụ công trực tuyến đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Thay vì mất thời gian trực tiếp đi giải quyết các thủ tục hành chính, người dân hoặc doanh nghiệp có thể ngồi tại nhà thao tác hoàn toàn trên điện thoại thông minh một cách khá dễ dàng và tiện lợi. Để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chỉ cần vào cổng dịch vụ công của tỉnh hoặc cổng dịch vụ công quốc gia để mở tài khoản, tương tự như lập tài khoản email cá nhân. Khi được cấp tài khoản, người dùng có thể đăng nhập và giải quyết nhiều thủ tục hành chính ở từng cấp độ khác nhau.
Nhằm giúp các doanh nghiệp định hình được hướng đi khi thực hiện các thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước, Luật sư Hà chia sẻ: “Khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần có văn bản xác nhận, ghi rõ thời gian nhận hồ sơ của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có đầy đủ tài liệu để dễ dàng hơn trong việc phối hợp với nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong cùng một vụ việc. Cơ quan nhà nước nên phản hồi bằng văn bản khi trả lời về các hồ sơ của doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quá trình giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đảm bảo cho các cơ quan nhà nước cấp trên và cấp dưới có liên quan nắm rõ được quá trình giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp”.
“Cơ quan nhà nước cập nhật kịp thời, công bố công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hoàn thiện và áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2021 vừa qua, do tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 khiến cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác gặp nhiều khó khắn. Vượt qua những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành đã áp dụng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cho doanh nghiệp vẫn bị lúng túng khi thực hiện. Do đó, cơ quan nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính”, Luật sư Hà ý kiến thêm về vấn đề này.
Theo đó, các cơ quan nhà nước cần phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn hơn nữa giữa các cấp, các ngành để giúp mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước ngày càng hài hòa hơn, giúp các doanh nghiệp đạt được hiệu quả khi thực hiện các thủ tục hành chính, sản xuất kinh doanh được đảm bảo.