‘Thủ phủ’ đèn ông sao lớn nhất miền Bắc làm không kịp bán dịp tết Trung thu

Tết Trung thu ghé thăm sớm nhất

Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) nổi tiếng với nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề làm đèn ông sao đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Ở thời điểm đó, hợp tác xã đứng ra quản lý, tổ chức các xã viên sản xuất và giới thiệu sản phẩm. Đến năm 1973 – 1974, tuy không còn ai quản lý, nhưng người dân vẫn miệt mài giữ nghề rồi đưa thôn Báo Đáp trở thành “thủ phủ” đèn ông sao lớn nhất miền Bắc.

đinh huy

Ngôi làng có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Dịp Trung thu năm nay, nhu cầu mua đèn ông sao tăng cao sau thời gian đại dịch Covid-19 nên niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của của người dân làng nghề.

Những chiếc đèn ông sao của làng Báo Đáp được chế tạo theo phương pháp thủ công. Để làm được chiếc đèn ông sao, người làng phải chuẩn bị từ rất lâu, ngay từ sau tết Nguyên đán, nhiều người dân bắt đầu mua tre nứa về ngâm, những thân đay (làm cán) phải được phơi qua “nhiều nắng” mới đạt đủ tiêu chuẩn…

đinh huy

Ngoài ra, người làng Báo Đáp không có thói quen sử dụng keo dán công nghiệp để dán vỏ đèn, mà chỉ tin dùng theo phương pháp truyền thống. Theo các cụ trong làng, bột gạo được nấu theo những công thức riêng sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ…

Cũng chính vì vậy mà từ các cụ già cho đến những em nhỏ mới 7 – 8 tuổi cũng có thể tự hoàn chỉnh một chiếc đèn ông sao. Theo ghi nhận, trước ngày tết Trung thu, một bộ phận người dân trong làng Báo Đáp luôn trong tình trạng tất bật để sản xuất đèn ông sao.

Theo những người dân trong làng, những năm trước đèn ông sao không được ưa chuộng, hơn nữa phải cạnh tranh với một số mặt hàng đồ chơi Trung thu khác nên người dân làng nghề không dám làm ồ ạt mà phải vừa làm vừa theo dõi nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, năm nay nhu cầu mặt hàng đèn ông sao tăng cao, giá bán cũng tăng khiến cho người dân làng nghề vô cùng phấn khởi.

Từ đầu năm đến nay, nhiều gia đình đã bán được hàng nghìn chiếc đèn ông sao. Những năm trước, giá bán tại xưởng chỉ 2.700 đồng/chiếc nhưng năm nay đã lên tới 5.000 – 8.000 đồng/chiếc. Càng gần Trung thu, giá đèn ông sao càng tăng.

Làm đèn ông sao không kịp để bán

Ông Nguyễn Văn Trận (hộ dân có vài chục năm làm đèn ông sao trong làng nghề Báo Đáp) cho biết, để làm đèn ông sao, từ tháng 1 âm lịch, gia đình ông đã nhập nguyên liệu là cây nứa, cây luồng ở Thanh Hóa về. Sau đó, thân cây luồng được bổ, chia đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo khi uốn. Còn giấy để trang trí thì nhập từ Trung Quốc.

đinh huy

Theo ông Trận, việc làm đèn nhộn nhịp nhất từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Hiện tại, gia đình ông có 4 người làm đèn ông sao, mỗi ngày làm ra 500 sản phẩm nhưng không sản xuất kịp hàng để bán nên gia đình cũng không dám nhận đơn.

“Từ đầu tháng 7 âm lịch tới nay nhà tôi luôn trong tình trạng “cháy hàng”, không có đủ sản phẩm để bán. Hiện giờ nhà tôi không dám nhận đặt thêm khách mới”, ông Trận nói.

Là người có kinh nghiệm làm đèn ông sao từ khi còn nhỏ, ông Trận cho hay trước đây cứ độ tháng 7 âm lịch trở đi đến tết Trung thu, làng Báo Đáp luôn sáng rực đèn ông sao. Tuy nhiên, vài năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng người dân làm đã giảm đi nhiều.

“Tôi làm công việc này từ bé. Hơn 50 năm làm đèn ông sao nên với tôi công việc này rất đơn giản. Mỗi ngày một mình tôi có thể làm được hơn 100 chiếc đèn ông sao loại nhỏ, được bán với giá 8.000 đồng/chiếc”, ông Trận nói.

đinh huy

Cũng như nhà ông Trận, gia đình nhà ông Nguyễn Văn Chủng đang có rất nhiều người để cố gắng hoàn thiện những đơn hàng đặt trước. Ông Chủng cho rằng, nghề làm đèn ông sao phải qua rất nhiều khâu và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một.

“Thời gian gần đây, đồ chơi trung thu đã có rất nhiều mặt hàng cạnh tranh, tuy nhiên, đèn ông sao là một thứ không thể thiếu vào ngày này. Đây cũng là nghề truyền thống của làng nên tôi muốn duy trì, phát triển. Làm nghề này cũng không đòi hỏi phải có sức khỏe, từ trẻ nhỏ đến người già đều làm được. Tuy nhiên người làm nghề phải chịu khó ngồi lâu mới làm được”, ông Chủng nói thêm.

đinh huy

Đèn ông sao được chia làm 3 loại, loại lớn có đường kính 50 cm, loại vừa 40 cm và loại nhỏ 30 cm. Đây là những loại đèn được đa số người dân trong làng sản xuất. Trước đây, nhiều hộ dân còn hay làm đèn ông sao khổng lồ có đường kính 1 mét để buôn bán, tuy nhiên, gần đây, chỉ còn 1 vài người sản xuất vì kén người mua, lợi nhuận không cao.

Trong căn nhà cao tầng khang trang, có nhiều máy móc hiện đại, ông Đình vẫn một mình tỉ mẩn dán những chiếc đèn khổng lồ trên tầng 2. Ông Đình cho biết, gia đình đông người nhưng do con cái không theo nghề nên giờ đây chỉ có một mình ông sản xuất những chiếc đèn này.

đinh huy

Theo ông Đình, ông là đời thứ 3 trong nhà làm đèn ông sao khổng lồ, hiện tại, do chỉ có 1 mình ông làm nên mỗi ngày chỉ được 10 – 15 chiếc.

“Nhìn chiếc đèn đơn giản thế nhưng để ra một sản phẩm cũng mất hơn chục công đoạn từ khâu lựa luồng đến chọn giấy… Giờ lớp trẻ chạy theo xu hướng hiện đại, làm máy móc nhiều nên ít theo nghề thủ công của các cụ để lại…”, ông Đình nói.

Ông Đình cho biết những chiếc đèn Trung thu do ông làm ra được bán với giá khoảng 40.000 đồng/chiếc. Lái buôn sẽ gọi điện đặt hàng và ông sẽ gửi xe khách chuyển hàng lên Hà Nội.

“Nghề làm đèn đèn ông sao có thể mai một chứ vẫn lưu truyền vì đây là một nét văn hoá. Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi của Trung Quốc, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao. Bởi đèn ông sao trong tết Trung thu gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa người Việt…”, ông Đình nói, và hy vọng lớp trẻ không chạy theo kinh thế, duy trì nghề làm đèn ông sao để không bị mai một.