Thu lãi hàng trăm triệu nhờ nuôi cua đinh trong bể xi măng
Chấp nhận thất bại để thành công
Trước khi nuôi cua đinh, ông Thanh có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo nhưng liên tục bị thua lỗ vì giá cả bấp bênh. Năm 2009, ông quyết định chuyển sang nuôi cua đinh, dành 100 triệu đồng mua con giống rồi tận dụng chuồng heo cũ thiết kế lại thành 2 bể xi măng thả nuôi.
DUY TÂN
Tuy nhiên, do chưa nắm rõ kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm nuôi, 200 con giống đầu tiên chết sạch. Không chùn bước, ông Thanh mua tiếp 50 con giống có kích thước lớn hơn với giá 50 triệu đồng và rồi số lượng tiếp tục bị hao hụt, chỉ còn lại 10 con.
DUY TÂN
Sau thời gian nếm “trái đắng”, ông Thanh tích lũy được kinh nghiệm về kỹ thuật, nguồn nước, thức ăn, thời tiết… Thế là từ 10 con giống còn lại, ông nhân đàn thành công khi cua đinh bắt đầu sinh sản vào năm 2018. Hiện ông Thanh có 25 bể xi măng nuôi cua đinh trên diện tích khoảng 400 m2; trong đó có 200 con bố mẹ và khoảng 300 – 400 con có thể làm giống hậu bị.
DUY TÂN
Lợi nhuận cao
Với 25 bể nuôi, ông Thanh ghép cặp mỗi bể gồm 5 con cua đinh cái và 1 đực để cho sinh sản. Bể được xây gạch, phía dưới nền lót gạch men, lắp hệ thống dẫn nước sông vào bể, sau đó xử lý lại. “Tùy theo mùa nắng mưa để cho nước vào phù hợp. Thường mùa nắng nóng, tôi sẽ che lưới, nước cho vào chỉ vừa đến mai cua đinh. Đến mùa sinh sản hoặc mùa lạnh, tôi sẽ cho nước khoảng nửa bể”, ông Thanh chia sẻ.
DUY TÂN
So với ba ba thì cua đinh khó nuôi và khó cho sinh sản hơn. Tuy nhiên, nhờ cua đinh tăng trọng nhanh, giá bán cao nên khi nuôi thành công sẽ có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với ba ba, nhất là khi người nuôi tự sản xuất được con giống.
DUY TÂN
“Nuôi cua đinh rất nhàn. Thức ăn cho chúng rất dễ kiếm, chủ yếu là cho ăn cá rô phi xắt nhỏ và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Cua đinh là con ăn 1 nhưng lớn 10, nuôi khoảng 2 năm có thể đạt trọng lượng 3 kg, trong khi ba ba chưa tới 1 kg”, ông Thanh nói.
DUY TÂN
Cua đinh nuôi 5 năm mới cho sinh sản. Để cua đinh có nơi đẻ trứng, ông Thanh thiết kế ổ cao ráo trong bể và lót đất cát, sau đó lấy trứng đem ấp. Cua đinh thường đẻ trứng từ tháng 12 đến tháng 7 (âm lịch), mỗi con đẻ từ 9 – 17 trứng/lần.
“Cua đinh khi sinh sản phải đến năm thứ 3 thì tỷ lệ trứng ấp nở mới đạt 100%. Trứng ấp khoảng 100 ngày nở, sau gần 2 tháng có thể xuất bán con giống. Với mỗi bể 5 con cái và 1 đực, mỗi năm sinh sản và ấp nở thành công từ 200 – 300 con”, ông Thanh tiết lộ.
DUY TÂN
Hiện mỗi năm ông Thanh xuất bán từ 700 – 800 con cua đinh giống, giá 400.000 đồng/con. Riêng cua đinh thịt, ông chỉ bán vài trăm kg, giá 400.000 – 450.000 đồng/kg. Nhờ đó, ông thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. Hầu hết sản phẩm được trại nuôi lớn ở Hậu Giang bao tiêu đầu ra.
Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, ông Thanh sẵn sàng hướng dẫn tận tình về kỹ thuật cho người dân muốn nuôi cua đinh để phát triển kinh tế gia đình.