Thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc là hành động diệt chủng trong y khoa vì lợi nhuận

Phần 1 của loạt bài gồm 4 phần ‘Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức.’

Những chi tiết mới đang xuất hiện về ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng cưỡng bức trị giá hàng tỷ dollar ở Trung Quốc đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người, thậm chí nhiều hơn, của những “người hiến tạng” không tự nguyện.

Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Chống và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, được tổ chức từ ngày 17/09 đến 26/09, quy tụ các học giả, luật sư và chính khách trên khắp thế giới để thảo luận về những bằng chứng áp đảo của tình trạng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lạm dụng cấy ghép tạng, phần lớn là đối với các tù nhân lương tâm.

Nhưng theo các thành viên tham gia hội nghị thượng đỉnh này cho hay thì ĐCSTQ không phải là thủ phạm duy nhất. Sự im lặng của giới chính trị, học thuật và truyền thông ở phương Tây vì những lý do thương mại cũng bằng như tội đồng lõa. Những người tham gia lập luận rằng phải ngăn chặn mục tiêu của ĐCSTQ làm xói mòn các chuẩn mực đồng thuận quốc tế để tối đa hóa lợi nhuận của họ từ ngành công nghiệp này, bằng cách lên tiếng mạnh mẽ hơn và xây dựng luật chống lại sự lạm dụng này, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những đảng viên Trung Cộng chịu trách nhiệm cao nhất, cũng như chấm dứt việc đào tạo quốc tế cho các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép đến từ Trung Quốc.

‘Cuộc diệt chủng trong y khoa’

Theo các nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Chống và Ngăn chặn Nạn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, có tới khoảng một triệu người đã trở thành con mồi của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, trong cái có thể được coi là “cuộc diệt chủng trong y khoa.” Các vụ giết người này phù hợp với định nghĩa của Công ước Liên Hiệp Quốc về Tội Diệt chủng, bao gồm các nỗ lực tiêu diệt không chỉ chủng tộc, mà cả tôn giáo, khi có ý định cấp nhà nước trong vấn đề này.

Theo ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế của Canada, “Việc giết hàng loạt tù nhân lương tâm để lấy nội tạng là để phục vụ mục đích kép cho Đảng [Cộng sản Trung Quốc]. “Các vụ giết người này loại bỏ những gì Đảng coi là kẻ thù chính trị của mình.”
thu hoạch nội tạng tại trung quốcthu hoạch nội tạng tại trung quốc

Ông Carlos Iglesias Jimenez, một luật sư nhân quyền quốc tế đến từ Tây Ban Nha, cũng đồng tình. Ông nói, “Mục đích của ĐCSTQ là tiêu diệt, hủy hoại thể xác con người vì đức tin tâm linh của họ – những tù nhân lương tâm này như Cơ đốc nhân, người Tây Tạng, Phật tử và đặc biệt là hàng triệu học viên Pháp Luân Công. Mục tiêu hàng đầu của Đảng là loại bỏ họ, tiêu diệt họ, và điều này về mặt logic là mang hàm ý tội ác diệt chủng.”

Theo bà Theresa Chu, một luật sư trong Nhóm Luật sư Pháp Luân Công Đài Loan, “thu hoạch nội tạng cưỡng bức không chỉ được sử dụng để thanh trừng và diệt chủng các học viên Pháp Luân Công và các nhóm dân tộc thiểu số, chẳng hạn như người Duy Ngô Nhĩ, mà còn liên quan đến các khoản siêu lợi nhuận kinh tế từ việc cấy ghép nội tạng, mua bán nội tạng xuyên quốc gia, du lịch cấy ghép tạng và môi giới nội tạng.”

Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc xuất phát từ lợi nhuận, vì nó có thể đã tạo ra hàng tỷ dollar doanh thu cho các bệnh viện của Trung Quốc, và hàng trăm triệu tiền thuế để Bắc Kinh sử dụng. 

Thượng nghị sĩ Hunt của Kings Heath ở London đã gọi hoạt động này là “sát nhân thương mại hóa.”

Chính thế, đây là nạn giết người hàng loạt được thực hiện trên quy mô công nghiệp, với sự tham gia của quân đội Trung Quốc. Phân tích kỹ bằng chứng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc thì nghe rất giống tội ác diệt chủng, vì nó nhắm đến một tôn giáo cụ thể mà nhà nước đang tìm cách tiêu diệt.

Tiến sĩ Declan Lyons thuộc Đại học Trinity giải thích rằng “cấy ghép nội tạng được … ước tính là một ngành kinh doanh [trị giá] hàng tỷ dollar mỗi năm ở Trung Quốc và có tới 60,000 đến 100,000 ca cấy ghép diễn ra hàng năm ở nước Cộng hòa Nhân dân [Trung Hoa].”

Khách hàng cấy ghép nội tạng của Trung Quốc đến từ khắp nơi trên thế giới. Tiến sĩ Hoàng Sĩ Vĩ (Huang Shi-wei), đến từ Đài Loan, giải thích rằng “trong 20 năm qua, hơn 4,000 người Đài Loan đã đến Trung Quốc để cấy ghép gan hoặc thận. Ngoài Đài Loan, người dân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Trung Đông, và thậm chí cả các nước phương Tây cũng đổ xô đến Trung Quốc để được phẫu thuật cấy ghép sau năm 2000.”

Tiến sĩ Weldon Gilcrease, giám đốc khoa Ung thư tại Đại học Y Utah, nói rằng “loại tội ác kinh hoàng, và hàng loạt này thực sự chưa bao giờ dính líu tới cộng đồng y khoa trên diện rộng như thế trong lịch sử.”

Tiến sĩ Hoàng cho biết từ năm 2000 đến năm 2006, quân đội Trung Quốc đã duy trì các ngân hàng nội tạng của đất nước, nơi lưu giữ các dữ liệu về “những người hiến tạng.” Sau khi bằng chứng lần đầu tiên được công bố vào năm 2006 rằng các học viên Pháp Luân Công đang là mục tiêu của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, chính quyền Trung Quốc bắt đầu che giấu hoạt động này một cách hiệu quả hơn. Năm đó, ông David Matas và cựu thành viên quốc hội Canada David Kilgour, đã xuất bản cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu: Nạn thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”

Theo luật sư Chu, một người phụ nữ tên Annie đã giúp tiết lộ tình trạng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức hiện hữu ở Trung Quốc, chỉ đặc biệt nhắm tới các học viên Pháp Luân Công. Luật sư Chu nói: “Cô Annie, vợ cũ của một bác sĩ Trung Quốc, người đã lấy giác mạc từ những học viên Pháp Luân Công còn sống bị giam giữ,” đã vạch trần tội ác này và đã gây ra một sự phẫn nộ trên toàn cầu.

Theo tiến sĩ Hoàng, ngành cấy ghép mang lại nguồn thu nhập chính cho một số bệnh viện ở Trung Quốc, trong đó một bệnh viện ở Bắc Kinh đã ghi danh tăng doanh thu cấy ghép từ 4.5 triệu USD vào năm 2006 lên tới 30 triệu USD vào năm 2010. Ông tuyên bố rằng sau năm 2007, người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đã được thêm vào [danh sách] cùng với các học viên Pháp Luân Công, trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ bị nhắm mục tiêu

Tiến sĩ R. Scalettar, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, đã lưu ý tại hội nghị thượng đỉnh nói trên rằng Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) đã có lập trường chống lại việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bao gồm cả đối với người Duy Ngô Nhĩ, những người mà Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã công nhận là nạn nhân của cuộc diệt chủng. Ông nói: “năm 2020, WMA đã ban hành một tuyên bố ngăn chặn và chống lại các tội ác liên quan đến cấy ghép. Các nghị quyết trước đây đã lên án nhiều báo cáo về việc Trung Quốc tiếp tục vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức này đối với các tù nhân là người Duy Ngô Nhĩ và học viên Pháp Luân Công.”

Một liên minh quốc tế gồm năm nhóm bất vụ lợi — Tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu Hoạch Nội Tạng Cưỡng Bức (DAFOH) tại Hoa Kỳ, CAP Tự do Lương tâm ở Pháp, Hiệp hội Chăm sóc Quốc tế về Cấy ghép Nội tạng Đài Loan, Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Đạo đức Nam Hàn tại Nam Hàn, và Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch Cấy ghép tại Nhật Bản — đã tổ chức sự kiện này.

Người sáng lập DAFOH và là người chủ trì hội nghị thượng đỉnh, Tiến sĩ Torsten Trey, đã cáo buộc hôm 15/09 rằng mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thu hoạch nội tạng còn vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Ông nói với Epoch TV rằng điều này đang làm xói mòn các quy tắc quốc tế đòi hỏi sự đồng thuận của những người hiến tạng. Sự xói mòn như vậy sẽ tạo lợi thế cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc, vốn phụ thuộc vào nguồn cung nội tạng khổng lồ và sẵn có từ các tù nhân lương tâm còn sống. “Vì vậy, Trung Quốc rất quan tâm đến việc phá bỏ hệ thống [đạo đức y học này của phương Tây] để về cơ bản biến thu hoạch nội tạng cưỡng bức trở thành tiêu chuẩn chung trong y học cấy ghép,” ông Trey cho biết.

DAFOH đã hai lần được đề cử Giải Nobel Hòa bình, và vào năm 2019, đã nhận được Giải thưởng Công bằng Xã hội Đức mẹ Theresa.
thu hoạch nội tạng tại trung quốcthu hoạch nội tạng tại trung quốc

Năm 2019, Tòa án độc lập tại London về thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc đã lắng nghe các bằng chứng cho thấy hoạt động này phổ biến và được nhà nước hậu thuẫn. Các học viên Pháp Luân Công, những người mà chính quyền Trung Quốc luôn tìm cách diệt trừ với tư cách như một tôn giáo, đều bị bỏ tù và bị biến thành nguồn nội tạng chính, như nhiều người đã công nhận tại hội nghị thượng đỉnh thế giới nói trên.

Một yếu tố quan trọng của môn Pháp Luân Công là tính trung thực, điều này khiến các học viên dễ dàng trở thành mục tiêu của chính quyền Trung Quốc, những người chỉ cần gõ cửa nhà các học viên và bắt họ nhận tội ngay tại chỗ, theo một nguồn tin từ Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công cũng tránh sử dụng các chất gây nghiện, chẳng hạn như rượu và thuốc lá vốn có thể gây hại cho nội tạng của họ, điều này khiến họ trở thành mục tiêu tối ưu của những bác sĩ phẫu thuật cấy ghép phi đạo đức.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, năm 1999, có tới 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ bị coi là mối đe dọa đối với nhà nước vì vượt quá số lượng đảng viên ĐCSTQ vào thời điểm đó và vì đã tổ chức các cuộc kháng nghị phản đối những lời xuyên tạc trên các hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc. Theo một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cuộc đàn áp bắt đầu một cách nghiêm trọng và quy mô sau một cuộc vận động vào ngày 25/04/1999. “Theo tất cả các báo cáo, hơn 10,000 học viên, hầu hết đều ở độ tuổi trung niên, đã đứng thành một hàng trật tự quanh hai bên của Trung Nam Hải, khu trung tâm của Bắc Kinh, nơi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sống và làm việc.”

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ và các hãng thông tấn thiên tả đã chú ý nhiều đến cuộc diệt chủng của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, thì người ta lại ít chú ý hơn đến một cuộc diệt chủng tương tự đối với Pháp Luân Công. Điều này được cho là vì ba lý do. Thứ nhất, Pháp Luân Công được một số học giả coi là một tôn giáo tương đối mới, do đó ít được biết đến và nhận được ít sự đồng cảm hơn. Thứ hai, cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ nhắm vào Hồi giáo là một tôn giáo lâu đời hơn. Và thứ ba, chính quyền Trung Quốc đã phối hợp thúc đẩy tuyên truyền để dán nhãn Pháp Luân Công bằng thuật ngữ xúc phạm là “tà giáo.”

Tiến sĩ Andre Gattolin, một thượng nghị sĩ Pháp, là đồng chủ tịch của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Ông đã giải thích tại hội nghị thượng đỉnh này rằng thủ đoạn bôi nhọ Pháp Luân Công là một “tà giáo” của ĐCSTQ đã có hiệu quả trong việc làm dịu cuộc tranh luận ở Pháp về việc cấy ghép nội tạng [bị thu hoạch] cưỡng bức. “Thực tế rằng nạn nhân của những cuộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức này thường là những tín đồ của các tôn giáo thiểu số như Pháp Luân Công, vốn bị chính quyền Trung Quốc coi là một tà giáo, luôn gây ra sự ngờ vực trong người dân chúng ta, khi mà có một quan niệm đôi khi khá cố chấp về chủ nghĩa thế tục đã thống lĩnh trong vòng hơn một thế kỷ,” ông nói. “Cáo buộc tội chủ nghĩa bè phái nghe có vẻ giống như một điều đáng bị nguyền rủa và thường dẫn đến việc bị bác bỏ mà không được phép kháng nghị. Đó là trường hợp mà ngay cả Phái bộ Liên ngành về Cảnh báo và Chống lạm dụng Bè phái đã nhiều lần chỉ ra rằng Pháp Luân Công không thuộc loại này.”

Phái bộ Cảnh báo và Chống lạm dụng Bè phái là một cơ quan của chính phủ Pháp chịu trách nhiệm phân tích các tín ngưỡng và bảo vệ các nạn nhân của họ.

Ông Gattolin nói: “Bắc Kinh đã chơi một trò tuyên truyền bậc thầy để loan tin về Pháp Luân Công với một hình ảnh không thể chấp nhận được và do đó không thể được khoan hồng.”

Cũng như vậy, ĐCSTQ đã nỗ lực đổ cho người Duy Ngô Nhĩ là những kẻ đáng bị nguyền rủa, dán nhãn các hoạt động biểu tình hợp pháp của họ là “khủng bố,” mặc dù chính ĐCSTQ mới là những kẻ khủng bố, theo diễn giải luật pháp Hoa Kỳ. Luật sư nhân quyền người Mỹ Terri Marsh và học giả Teng Biao của Đại học Chicago đưa ra lập luận này một cách mạnh mẽ trong một bài báo năm 2020 trên Tạp chí Rủi ro Chính trị, trong đó có một cuộc thảo luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức giống như một kiểu khủng bố do ĐCSTQ thực hiện.

Dân biểu Steve Chabot (Cộng Hòa-Ohio) của Hoa Kỳ lưu ý rằng ĐCSTQ là “thủ phạm chính của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.” Với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng Hòa trong Tiểu ban Đối ngoại, ông Chabot cho biết ông theo dõi chặt chẽ “những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái tạo thế giới theo hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.” Trước sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, ông Chabot nói, “Do đó, không có gì ngạc nhiên khi CHND Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của cộng sản đã tham gia vào một trong những hoạt động man rợ nhất trong lịch sử nhân loại – thu hoạch nội tạng cưỡng bức – để mang lại sinh lực và của cải cho ĐCSTQ và những tay chân của họ.” Ông nói rằng “đối mặt với cuộc bức hại man rợ này, số lượng học viên Pháp Luân Công đã giảm dần và tôi e rằng nguồn nội tạng tiếp theo của ĐCSTQ có thể là người Duy Ngô Nhĩ.”

Theo nhận định của Tiến sĩ Trey, một mối nguy hiểm đối với phương Tây là ĐCSTQ có thể trở nên hùng mạnh đến mức có thể xuất cảng hành vi thiếu y đức của mình ra toàn cầu.

Ông Chabot nói thêm: “Một thế giới tuân theo các giá trị của ĐCSTQ là một thế giới mà những người không đi theo đường lối của Đảng có thể bị đưa vào trại tập trung hoặc bị mổ cướp nội tạng. Đó là một viễn cảnh về một thế giới mà không ai muốn sống trong đó. Và đó là viễn cảnh về thế giới mà tất cả chúng ta đang chiến đấu để chống lại.”

Sự phi nhân tính, thứ mà cuộc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang thực thi theo gần như đúng nghĩa đen [của từ này], là một phần không thể thiếu trong chiến dịch khủng bố và diệt chủng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.

Người ta không cần phải là một luật sư quốc tế để nhận ra rằng cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999 rất đúng với định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về tội diệt chủng. Và sự gia tăng du lịch ghép tạng ở Trung Quốc vào đầu những năm 2000 tương ứng với thời điểm bắt đầu cuộc diệt chủng đối với Pháp Luân Công. Cả hai sự kiện này có mối liên hệ với nhau. Thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với Pháp Luân Công là một phương thức diệt chủng trong y khoa và vì mục đích lợi nhuận.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).

Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Xem thêm:

  • Các tổ chức chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng sẽ mở Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu

  • Giám đốc tổ chức NGO cảnh báo việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Cộng có thể lan sang các nước khác

  • Các nhà lập pháp Hoa Kỳ truy cứu trách nhiệm về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

share iconshare iconCHIA SẺ

CHIA SẺ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn