Thông tin về Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) – Bowtie Vietnam

Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong những bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa và sơ sinh hàng đầu cả nước. Mỗi ngày, số lượt thăm khám và điều trị tại bệnh viện rất đông. Do đó, nếu lần đầu đến cơ sở y tế này, bạn nên tìm hiểu cặn kẽ về thông tin của bệnh viện để việc thăm khám diễn ra thuận lợi hơn.

Thông tin về Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội)

Trong bài viết này, Bowtie sẽ giới thiệu với bạn một số thông tin cơ bản về Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội như lịch làm việc, bảng giá khám bệnh, quy trình thăm khám… Bạn hãy dành vài phút xem qua để khi đến bệnh viện không bị bỡ ngỡ, bối rối nhé!

Tổng quan về Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Bệnh viện Phụ sản Trung ương được thành lập vào năm 1955. Với hơn 65 năm hình thành và phát triển, bệnh viện hiện là một trong những địa chỉ chăm sóc sức khỏe sản phụ khoa uy tín được người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tin tưởng. Đặc biệt, đây không chỉ là cơ sở đầu ngành về sản phụ khoa, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh mà còn là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và chuyển giao công nghệ về chuyên ngành phụ sản, sơ sinh trong phạm vi cả nước. 

Hiện Bệnh viện Phụ sản Trung ương sở hữu đội ngũ giáo sư, bác sĩ được đào tạo cơ bản ở trong nước và được học tập nâng cao tay nghề ở các nước tiên tiến có ngành sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản phát triển như Mỹ, Nhật, Úc… Cùng với đó, bệnh viện còn đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Các khoa, phòng, trung tâm của bệnh viện được trang bị đầy đủ hệ thống máy xét nghiệm sinh hoá; huyết học; miễn dịch… Trong đó, nhiều hệ thống mới được các quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới đưa vào sử dụng như hệ thống Autodelfia (xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh), hệ thống Sequensing (xét nghiệm QF-PCR), hệ thống Tendem Mass (sàng lọc các bệnh rối loạn chuyển hoá)…

Các chuyên khoa, phòng ban của Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Cơ cấu bệnh viện Phụ sản Trung ương gồm 8 phòng chức năng, 13 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng và 7 trung tâm, bao gồm: 

  • Khối phòng ban:

    Gồm 14 phòng ban, đơn vị là

    phòng Chỉ đạo tuyến, Công nghệ thông tin, Công tác xã hội, Hành chính quản trị, Kế hoạch tổng hợp, Nghiên cứu khoa học, Quản lý chất lượng, Tài chính kế toán, Tổ chức cán bộ, Vật tư – trang thiết bị y tế, Đào tạo, Điều dưỡng cùng Công đoàn bệnh viện và Đoàn Thanh niên Bệnh viện.

  • Khối lâm sàng:

    Gồm 13 khoa, đơn vị là khoa

    Hồi sức cấp cứu, Khám bệnh, Khám bệnh theo yêu cầu – 56 Hai Bà Trưng, Phẫu thuật – gây mê, Phụ ngoại, Phụ nội tiết, Phụ ung thư, Sản bệnh lý, Sản nhiễm khuẩn, Sản thường, Đẻ, Điều trị theo yêu cầu và đơn vị Chăm sóc sức khỏe tại nhà.

  • Khối cận lâm sàng:

    Gồm 9 khoa và trung tâm là khoa

    Chẩn đoán hình ảnh, Dinh dưỡng, Dược, Giải phẫu bệnh lý, Huyết học, Sinh hóa, Tế bào di truyền, Vi sinh và trung tâm Kiểm soát nhiễm khuẩn.

  • Khối trung tâm:

    Gồm 7 trung tâm, phòng ban là

    trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, trung tâm Chẩn đoán trước sinh, trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, trung tâm Sàn chậu, trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn, trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, văn phòng trung tâm Đào tạo – chỉ đạo tuyến.

Thời gian làm việc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội)

Thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương như sau:

  • Khám trong giờ: Từ thứ 2 đến thứ 6, sáng: 6h30 – 12h, chiều: 13h – 16h30 

  • Khám ngoài giờ: Thứ bảy và chủ nhật, sáng: 7h30 – 12h, chiều: 13h – 16h30

Quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Dưới đây là các bước bạn cần thực hiện khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương:

Quy trình khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT)

  • Bước 1: Lấy số khám và mua sổ y bạ tại bàn hướng dẫn (tầng 1 nhà G)

  • Bước 2: Đến các bàn kính số 21 và 22 để làm thủ tục BHYT và lấy phiếu khám

  • Bước 3: Đến khám tại phòng khám BHYT (phòng 6 nhà A)

  • Bước 4: Khi có chỉ định xét nghiệm và siêu âm thì trở lại bàn kính số 21 và 22 để làm thủ tục BHYT

  • Bước 5: Tiến hành siêu âm, xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Với siêu âm, đến phòng lấy số siêu âm ở tầng 1 nhà H, sau đó đến siêu âm tại phòng siêu âm được ghi trên phiếu. Với xét nghiệm, tiến hành lấy máu và bệnh phẩm tại đơn vị lấy máu và bệnh phẩm tập trung (tầng 1 nhà A), đợi lấy kết quả tại “Nơi trả kết quả xét nghiệm”. Kết quả xét nghiệm của người bệnh đến khám thai được trả về đúng phòng mà người bệnh đã khám.

  • Bước 6: Sau khi có kết quả xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ đọc kết quả và kê đơn thuốc, hẹn khám lại hoặc chuyển ng­ười bệnh đến các buổi khám chuyên khoa, khám hội chẩn. Ng­ười bệnh nào có chỉ định nhập viện thì đến bàn kính số 21, 22 để được hướng dẫn thủ tục nhập viện.

  • Bước 7: Người bệnh có đơn thuốc BHYT thì đến bàn kính số 3, 4 để đóng tiền, sau đó quay lại bàn kính số 21, 22 để được hướng dẫn và lấy lại thẻ BHYT. Người bệnh lấy thuốc BHYT tại khoa Dược ở tầng 2 nhà G

  • Bước 8: Khi hoàn tất việc khám bệnh, người bệnh trở lại bàn kính số 21, 22 để làm các thủ tục và lấy lại thẻ BHYT

Quy trình khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế

  • Bước 1: Lấy số khám và mua sổ y bạ tại bàn hướng dẫn (tầng 1 nhà G).

  • Bước 2: Đến các bàn kính để lấy phiếu khám và mua hoá đơn khám bệnh

  • Bước 3: Đến khám bệnh tại phòng khám được ghi trên phiếu khám

  • Bước 4: Khi có chỉ định xét nghiệm và siêu âm thì trở lại bàn hướng dẫn để lấy số và ngồi đợi mua hoá đơn

  • Bước 5: Với siêu âm, đến phòng lấy số siêu âm ở tầng 1 nhà H, sau đó đến siêu âm tại phòng siêu âm được ghi trên phiếu. Với xét nghiệm, tiến hành lấy máu và bệnh phẩm tại đơn vị lấy máu và bệnh phẩm tập trung (tầng 1 nhà A), đợi lấy kết quả tại “Nơi trả kết quả xét nghiệm”. Kết quả xét nghiệm của người bệnh đến khám thai được trả về đúng phòng mà người bệnh đã khám.

  • Bước 6: Sau khi có kết quả xét nghiệm và siêu âm, bác sĩ đọc kết quả và kê đơn thuốc, hẹn khám lại hoặc chuyển người bệnh đến các buổi khám chuyên khoa, khám hội chẩn. Người bệnh nào có chỉ định nhập viện thì theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Quy trình khám thai

Thai 3 tháng đầu:

  • Chậm kinh 7 đến 10 ngày nên đi khám thai và siêu âm thai để đánh giá tình trạng sức khoẻ của mẹ, xác định thai trong tử cung và được bác sĩ kê đơn thuốc vitamin

  • Khám thai, siêu âm hình thái thai và làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh lúc thai 12 – 14 tuần

  • Được dự kiến ngày sinh

Thai 3 tháng giữa:

  • Khám thai và siêu âm hình thái thai lúc thai 22 tuần

  • Tiêm phòng uốn ván

  • Làm các xét nghiệm cơ bản

  • Làm nghiệm pháp tăng đường huyết lúc thai 24 – 28 tuần nếu có chỉ định

  • Làm hồ sơ quản lý thai

Thai 3 tháng cuối:

  • Khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ

  • Khám thai và siêu âm hình thái thai lúc thai 32 tuần

  • Làm xét nghiệm nước tiểu mỗi lần đến khám

  • Tư vấn giảm đau trong đẻ

  • Khi thai quá ngày dự kiến sinh: theo dõi siêu âm thai và monitor sản khoa mỗi 48 giờ

Chi phí khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội

Chi phí một số dịch vụ khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội như sau:

STT

Dịch vụ

Chi phí

1

Khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa

38.700 – 300.000 đồng

2

Khám làm hồ sơ IVF

200.000 đồng

3

Hội chẩn phẫu thuật phụ khoa theo yêu cầu

100.000 đồng

4

Hội chẩn ca bệnh khó chuyên ngành phụ sản

200.000 đồng

5

Khám hội chẩn Ban giám đốc và khám theo yêu cầu giáo sư, phó giáo sư

500.000 đồng

6

Khám lâm sàng, khám chuyên khoa sơ sinh

300.000 đồng

7

Khám lâm sàng, khám chuyên khoa sơ sinh (khám mắt sơ sinh non tháng để tầm soát bệnh lý võng mạc)

300.000 đồng

8

Khám bác sĩ gây mê, tê

300.000 đồng

9

Khám nam khoa

100.000 đồng

10

Tư vấn (sức khỏe sinh sản/chẩn đoán trước sinh…)/15 phút

300.000 đồng

Các tuyến xe buýt đi qua Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Hiện có 4 tuyến xe buýt đi qua Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội. Nếu bạn lựa chọn di chuyển bằng phương tiện này, hãy lưu ý đến 4 tuyến xe sau: 

  • Tuyến số 02: Bác Cổ – Bến xe Yên Nghĩa

  • Tuyến số 09: Bờ hồ – Bờ hồ

  • Tuyến số 32: Bến xe Giáp Bát – Nhổn

  • Tuyến số 45: Times City – Bến xe Nam Thăng Long.

Câu hỏi về Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội

Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khám cho người không có bảo hiểm y tế không?

Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận khám chữa bệnh cho cả người có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Nếu không có bảo hiểm, khi đến khám, bạn có thể tuân theo quy trình khám chữa bệnh dành cho người không có bảo hiểm y tế như trên.

Làm thế nào để đặt lịch hẹn khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương?

Để đặt lịch hẹn khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bạn có thể liên hệ đến tổng đài chăm sóc khách hàng của bệnh viện theo số 1900 1029 trong giờ hành chính, từ thứ 2 đến thứ 6. 

Trên đây là một số thông tin về Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội mà Bowtie Việt Nam muốn chia sẻ cùng bạn. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp quá trình thăm khám của bạn và người thân diễn ra thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Chia sẻ

Bowtie Việt Nam

Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại

Bowtie Life Insurance Company Limited là công ty bảo hiểm trực tuyến đầu tiên được cấp phép tại Hồng Kông. Với công nghệ hiện đại cùng chuyên môn về y tế, Bowtie cung cấp một nền tảng online để bạn có thể trực tiếp tham khảo biểu phí và đăng ký tham gia các chương trình bảo hiểm sức khỏe mà không cần thông qua môi giới, không chịu các chi phí hoa hồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu chi trả bồi thường tại nền tảng này một cách đơn giản, thuận tiện.Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại https://www.bowtie.com.vn/

Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.