Thông điệp về chức năng gia đình trên các tờ báo phụ nữ ở Việt Nam | Tạp chí Tuyên giáo

Gia đình là một thiết chế xã hội, có mối quan hệ tương tác với các thiết chế xã hội khác và có tác động to lớn đến sự phát triển xã hội nói chung. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; là thiết chế quan trọng đảm bảo quy mô và chất lượng dân số thông qua chức năng sinh đẻ, giáo dục và đầu tư phát triển nguồn lực con người. Xã hội phát triển tạo điều kiện cho gia đình phát triển, đồng thời sự ổn định và phát triển của gia đình tạo cơ sở ổn định và phát triển của xã hội.

Bên cạnh hướng tiếp cận nghiên cứu gia đình như một nhóm tâm lý tình cảm đặc thù, thì nghiên cứu gia đình như một thiết chế xã hội tập trung trả lời các câu hỏi như gia đình ra đời nhằm mục đích gì? thực hiện chức năng gì đối với xã hội và mối quan hệ giữa thiết chế gia đình và các thiết chế xã hội khác như thế nào? Theo đó, chức năng gia đình là một trong những khái niệm then chốt, một phạm trù quan trọng trong xã hội học gia đình.

Các chức năng cơ bản của gia đình gồm: Chức năng kinh tế; Chức năng tái sản xuất ra con người, duy trì nòi giống (chức năng sinh đẻ); Chức năng xã hội hóa; Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm; Chức năng chăm sóc người già và trẻ em. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, các chức năng của gia đình Việt Nam có xu hướng biến đổi do một số chức năng của gia đình trước đây đã được các thiết chế xã hội khác chia sẻ như thiết chế giáo dục; thiết chế y tế…; gia đình từ một đơn vị sản xuất trở thành đơn vị tiêu dùng là chủ yếu. Đồng thời các chức năng của gia đình cũng có sự thay đổi về chất như: thứ nhất, sự thay đổi chức năng tái sản xuất ra con người. Các cá nhân và gia đình ngày nay càng ngày càng chủ động trong hành vi sinh đẻ. Thứ hai, có sự tách rời giữa chức năng tái sản xuất ra con người và chức năng thỏa mãn tình dục do sự ra đời các biện pháp tránh thai hiện đại giúp cho các cá nhân và gia đình kiểm soát được số lượng con, khoảng cách giữa các lần sinh. Theo đó, chức năng thỏa mãn và hướng đến chất lượng đời sống tình dục giữa vợ – chồng ngày càng được chú ý như một tiêu chí phản ánh chất lượng cuộc sống của vợ – chồng. Thứ ba, sự thay đổi trong chức năng giáo dục con cái. Quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” dần được thay đổi và thay vào đó là tương tác hai chiều giữa cha mẹ và con cái, các thành viên trong gia đình.

Ở Việt Nam hiện nay, ba tờ báo: Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô và Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh được đặc trưng bởi dấu hiệu giới, thường xuyên đưa tin bài phản ánh tình trạng hôn nhân và gia đình Việt Nam một cách phong phú, đa chiều, trong đó có các thông điệp về chức năng gia đình.

Bài viết sử dụng kỹ thuật lấy mẫu có chủ đích là những bài báo về chủ đề hôn nhân, gia đình trong những năm gần đây thông qua việc mã hóa thông tin trên các báo này. Tổng cộng có 1.497 bài báo được mã hóa: 527 bài báo Phụ nữ Việt Nam, 500 bài báo Phụ nữ Thủ đô và 470 bài báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu thập được làm sạch, lưu trữ bằng phần mềm và phân tích sử dụng bằng phần mềm SPSS 19.0. Thông tin nghiên cứu định tính thu thập được là các trích dẫn từ các bài báo, tất cả nội dung trích dẫn đều được viết lại nguyên bản.

THỰC TRẠNG THÔNG ĐIỆP VỀ CHỨC NĂNG GIA ĐÌNH

Bảng mã hóa được thiết kế nhằm phân tích nội dung thông điệp dựa trên thống kê các chức năng gia đình đề cập trong tin, bài bao gồm các chức năng cơ bản như chức năng kinh tế; Chức năng sinh đẻ, tái sản xuất ra con người; Chức năng xã hội hóa, giáo dục; Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm lý, tình cảm; Chức năng thỏa mãn nhu cầu sinh lý, tình dục; Chức năng chăm sóc người già, người ốm trong gia đình. Kết quả phân tích 1.497 tin bài trên ba báo cho thấy có tới 71.6% tin bài đề cập đến các chức năng gia đình (Biểu đồ 1)

Biểu đồ 1. Tỷ lệ tin bài đề cập đến số lượng chức năng gia đình, n = 1497 (%)

Biểu đồ 1. Tỷ lệ tin bài đề cập đến số lượng chức năng gia đình, n = 1497 (%)

Lấy đơn vị là tin bài thì có 71,6% đề cập đến các chức năng của gia đình, trong đó có gần 35% tin bài đề cập tới 1 chức năng của gia đình; 19% đề cập tới 2 chức năng của gia đình; 10.7% tin bài đề cập tới 3 chức năng gia đình. Điều này cho thấy các thông điệp được quan sát phản ánh rõ các chức năng của gia đình như nói ở trên. Tuy nhiên, kết quả phân tích ở biểu đồ 2 thể hiện sự khác biệt đáng kể ở các tờ báo khi đề cập số lượng chức năng gia đình trong tin bài. 

Biểu đồ 2. Tương quan báo phân tích và số lượng chức năng gia đình đề cập trong 1 tin bài, n = 1497 (%)

Biểu đồ 2. Tương quan báo phân tích và số lượng chức năng gia đình đề cập trong 1 tin bài, n = 1497 (%)

Kết quả phân tích biều đồ 2 cho thấy, báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ đề cập tới chức năng gia đình cao nhất và thấp nhất là báo Phụ nữ Việt Nam; trong đó, báo Phụ nữ Thủ đô có tỷ lệ tin bài đề cập tới 1 chức năng gia đình trong 1 tin bài là cao nhất nhưng báo Phụ nữ Việt Nam và báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ tin bài đề cập 2 chức năng trong 1 tin bài lại cao hơn so với báo Phụ nữ Thủ đô và tỷ lệ đề cập 4 chức năng gia đình trở lên trong 1 tin bài ở báo Phụ nữ Thủ đô là thấp nhất so với hai báo còn lại. Các chức năng gia đình cụ thể được đề cập thể hiện trong biểu đồ 3 cho thấy chức năng tâm lý tình cảm là chức năng được đề cập tới với tỷ lệ cao nhất, hơn ½ tin bài.

Biểu đồ 3. Tỷ lệ tin bài đề cập đến chức năng gia đình, n=1072 (%)

Biểu đồ 3. Tỷ lệ tin bài đề cập đến chức năng gia đình, n=1072 (%)

Kết quả phân tích ở biểu đồ 2 còn cho thấy chức năng kinh tế được đề cập với tỷ lệ khá cao (45,4%) giữ vị trí thứ 2 trong tần suất thống kê. Vì kinh tế gia đình là yếu tố căn bản phản ánh mức độ thu nhập và chi tiêu của các cặp vợ chồng và con cái, mặc dù về cơ bản, ngày nay gia đình không hoàn toàn là đơn vị sản xuất nhưng hoạt động của các cặp vợ chồng vì mục đích kinh tế được coi là một chức năng cơ bản để duy trì các giá trị của gia đình.

Chức năng kinh tế của gia đình nhằm duy trì sự ổn định về đời sống vật chất cho các thành viên trong gia đình (sinh sống, ăn ở…). Tuỳ theo trình độ phát triển của xã hội, gia đình có thể trở thành đơn vị kinh tế cơ sở, nó hoạt động chủ động và tự chủ (như ở Việt Nam hiện nay) hoặc gia đình vẫn làm kinh tế, nhưng không hoạt động như một đơn vị độc lập, tự chủ. Dù trong điều kiện nào, gia đình cũng phải bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt vật chất và tinh thần của các thành viên được thoả mãn, thông qua đó, gia đình đóng góp vào việc tái sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Đồng thời, gia đình trở thành một đơn vị tiêu dùng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của sản xuất và phân phối, giao lưu hàng hoá cho xã hội. Chức năng kinh tế gia đình thể hiện vai trò gia đình trong tổ chức lao động ở các vùng nông thôn trong điều kiện dân số tăng nhanh, đất đai canh tác bị thu nhỏ thì ngày càng bị hạn hẹp. “Cái vùng ngoại ô nghèo trong thành phố đất chật người đông này biết bao giờ ông xã tôi mới tìm được việc làm cho bớt cái nắng nôi cực khổ ngoài kia …” – Trích trong “Của để dành” – Linh Lan. Bên cạnh đó, chính vì sự phát triển và thay đổ mạnh mẽ từ kinh tế mà đã ảnh hưởng không nhỏ tới các chức năng gia dình khác như: Giáo dục, sinh đẻ… và mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình. Như trong bài viết “Sao đành buông tay” của tác giả Thùy Liên đề cập tới: “Dường như cứ mải mê vun đắp cho cơm áo gạo tiền, xây một mái ấm bình yên mà chúng tôi quên dần đi mình cần phải làm một người bố, một người mẹ…”.

Chức năng thoả mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý của các thành viên trong gia đình là chức năng góp phần củng cố độ bền vững của hôn nhân và gia đình. Bởi gia đình cần thoả mãn các nhu cầu tình cảm (kể cả sự hoà hợp về tình dục) giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, gia đình là nơi nghỉ ngơi. Tất cả mọi căng thẳng trong quan hệ ở nơi làm việc, va chạm ở ngoài đường, chính gia đình là nơi để họ bình tâm lại, giảm nhẹ sự căng thẳng đó. Nếu không được thoả mãn các nhu cầu tình cảm, các thành viên dễ xích mích, căng thẳng với nhau, nhiều khi dẫn tới xung đột. Về chức năng tâm lí, tình cảm cuộc sống hiện đại kéo theo những vấn đề việc làm, nơi ở, y tế, … Sự di cư, thất nghiệp khiến cho người ta bỏ quê hương, gia đình, cha mẹ để lo kinh tế, trở thành người trụ cột cho mái ấm của mình đã vô tình đẩy khoảng cách các thành viên gia đình dần xa cách. “Ba tôi đi biền biệt hết ngày này qua tháng nọ, có khi tới vài ngày tết tôi mới được gặp ba. Tôi thương ba nhiều lắm,  trên thành phố cái gì cũng đắt đỏ tính ba lại tiết kiệm chỉ muốn dành giụm về cho mẹ con tôi …” – Trích trong “ Ba bị té” của tác giả Song Vân.

Ngoài hai chức năng kinh tế và tâm lý tình cảm đã nêu trên, ngày nay chức năng xã hội hoá, giáo dục cũng được đề cập tới nhiều (39,3%) cho thấy yêu cầu về chức năng giáo dục trong gia đình ngày càng được coi trọng, đặc biệt đối với phụ nữ. Tỷ lệ 39,3% tin bài được thống kê nói trên cho phép nhận định giáo dục là một chức năng quan trọng của gia đình. Chức năng này của gia đình cùng với các tổ chức khác như (nhà trường, các đoàn thể quần chúng…) là những tác nhân xã hội hoá thực hiện mục tiêu giáo dục trong những cấu trúc xã hội khác nhau, luôn có sự tương tác trong mục đích thực hành giáo dục, không thay thế được cho nhau. Ở mối quan hệ này, chức năng giáo giục của gia đình xuất hiện đầu tiên, ngay từ khi con người được sinh ra để duy trì và phát triển các giá trị, khuôn mẫu xã hội. Vì thế, gia đình giáo dục cho con cái những tri thức về cuộc sống, mong muốn con cái mình có những phẩm chất phù hợp với định hướng giá trị của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên nhằm hoàn thiện và củng cố nhân cách con người. Gia đình giúp trẻ hiểu được vai trò xã hội, những chuẩn mực, giá trị theo sự đòi hỏi của xã hội để các cá nhân có thể phát triển một cách toàn diện. Tuy nhiên, việc giáo dục còn tuỳ thuộc vào từng gia đình hoàn cảnh kinh tế gia đình, trình độ học vấn của bố mẹ, địa bàn cư trú của gia đình, sự định hướng giá trị – nghề nghiệp của gia đình…

Phụ nữ ngày nay được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong việc nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. Khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng và chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái. Nếu như trước đây với các chức vụ nhu tiến sĩ, thạc sĩ hay những công việc trong quản lý nhà nước đều là nam giới thì ngày nay, với học thức, trình độ và sự bình đẳng như nhau đã có sự tham gia của phụ nữ trên rất nhiều mặt lĩnh vực khác nhau.

Nhu cầu về giáo dục tăng cao đi kèm theo đó là các chức năng khác cũng tăng như trong tiêu chí chọn bạn đời. Ngày nay người phụ nữ không chỉ được đánh giá về các phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh mà còn được đánh giá về trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, … Muốn có được người bạn đời với kinh tế ổn định, gia đình ấm no thì trước hết người phụ nữ phải là người có học thức cao, nghề nghiệp ổn định, … (ảnh 1; 2)

Chức năng tái sản xuất ra con người (còn gọi là chức năng sinh đẻ) nhằm thoả mãn nhu cầu tạo lập và phát triển nguồn lực xã hội và thoả mãn nhu cầu có con của các cặp vợ chồng. Đây cũng là một chỉ báo về niềm vui và hạnh phúc của các gia đình. Con số thống kê cho thấy, 19,9% số tin bài được quan sát nói lên điều này. Trước đây, với quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, sinh đẻ là việc riêng của từng gia đình và phó mặc cho khả năng sinh sản tự nhiên, vì thế, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo. Hiện nay, thực hiện kế hoạch hoá gia đình nhằm hạn chế việc sinh đẻ ở mức hợp lý (mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con để nuôi dạy con cho tốt). Vì tái sản xuất ra con người không chỉ quan tâm tới số lượng mà cần chú ý chất lượng của thế hệ mai sau và thế hệ hiện tại (sức khoẻ của bà mẹ).

Tiếp đó là tỷ lệ 13,1% tin bài về chức năng chăm sóc người già và trẻ em. Hiện nay các dịch vụ xã hội về y tế ngày càng phát triển, nhưng chức năng này vẫn rất cần thiết cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Bởi vì, đây không phải chỉ là vấn đề chữa bệnh mà còn là việc chăm sóc, an ủi kịp thời về mặt tâm lý, tình cảm đối với người ốm đau bệnh tật. Trong sự biến đổi, gia đình hiện đại không còn nhiều chức năng như gia đình truyền thống. Từ chỗ chức năng gia đình thống nhất, hòa trộn với chức năng xã hội ở giai đoạn sơ khai của lịch sử nhân loại, đến nay phần lớn các chức năng của gia đình được chuyển giao cho các tổ chức xã hội thực hiện. Bước chuyển đó theo cách nói của các nhà xã hội học là từ gia đình đa chức năng chuyển sang gia đình đơn chức năng hay gia đình chuyên môn hóa. Có ý kiến cho rằng biến đổi sâu sắc nhất của gia đình dưới tác động của công nghiệp hóa là đã mất đi một số chức năng như chức năng sản xuất, chức năng giáo dục con cái do sự chia sẻ của các thể chế xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc mất đi một số chức năng không cơ bản cho phép gia đình thực hiện các trách nhiệm trung tâm hiệu quả hơn. Hiểu theo nghĩa này thì không hẳn gia đình mất đi chức năng mà đúng hơn là gia đình đã trở thành một thể chế chuyên biệt hơn. Bên cạnh đó, gia đình vẫn là cơ sở nền tảng cho việc thực hiện những chức năng đã được chuyển giao, chẳng hạn như chức năng giáo dục. Vấn đề giáo dục con cái trong gia đình là nền tảng quan trọng cho thành công của hệ thống giáo dục chính quy[1].

Cần phải nhận ra một thực tế rằng gia đình vẫn là một trong bốn môi trường quan trọng đối với quá trình xã hội hóa cá nhân. Hơn nữa, chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh chóng của đất nước, đó là vấn đề di cư lao động, những người trong độ tuổi lao động di cư ra đô thị tìm việc, những người ở lại chủ yếu là người già và trẻ em. Thông qua việc tư vấn, chia sẻ và giải đáp để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cá nhân đồng thời đặt ra vấn đề hoàn thiện chính sách, chiến lược phát triển chung của đất nước có tính đến yếu tố này. Tại đô thị, vấn đề giáo dục trong gia đình cũng là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh bùng nổ thông tin, sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo, và vì vậy khó khăn theo quy luật của gia đình khi con ở lứa tuổi vị thành niên sẽ được giải quyết như thế nào cũng cần được đề cập có chiến lược trên các chuyên mục về gia đình trên ba tờ báo.

ĐỊNH HƯỚNG TĂNG CƯỜNG THÔNG ĐIỆP VỀ CÁC CHỨC NĂNG GIA ĐÌNH TRÊN CÁC TỜ BÁO PHỤ NỮ

Gia đình là một thiết chế xã hội, chịu sự tác động của hệ thống chính sách và những biến đổi của xã hội. Ngày nay, mặc dù có nhiều biến động của đời sống xã hội hiện đại, nhưng các chức năng vốn có của gia đình như sinh đẻ, giáo dục, chăm sóc người già, người ốm, trẻ em vẫn là những chức năng cơ bản của gia đình. Trong bối cảnh mới, chức năng tái sản xuất con người và vai trò gia đình trong việc đáp ứng nhu cầu tình dục có xu hướng giảm đi khi quan niệm về quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân không còn khắt khe như trong các xã hội truyền thống. Mặt khác, do áp lực của cuộc sống công nghiệp, công việc, kinh tế gia đình… làm xuất hiện xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít và không muốn sinh con ngày càng gia tăng, nhất là ở khu vực đô thị. Về chức năng kinh tế, gia đình không còn là một đơn vị kinh tế nữa, mà chức năng kinh tế chủ yếu của gia đình là tổ chức đời sống của mọi thành viên trong gia đình, thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình. Về chức năng giáo dục, thế hệ trẻ mới cho dù có nhận được sự bảo trợ, dạy dỗ của bố mẹ nhưng họ vẫn bộc lộ những bất đồng thế hệ. Có không ít những gia đình  thiếu vắng sự quan tâm, chia sẽ, chăm sóc, giáo dục giữa các thành viên. Ở đô thị, chịu ảnh hưởng của sự nhộn nhịp, bận rộn và những đòi hỏi ở môi trường đông đúc khiến cho những bữa cơm, buổi quây quần giữa các gia đình đang ngày càng ít đi. Ở nông thôn thì vì mưu sinh kiếm sống, nhiều người phải di cư để làm việc ở các thành phố, các khu công nghiệp dẫn tới tình cảm gia đình phai nhạt, thiếu đi sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, trẻ em không có sự chăm sóc từ bố mẹ, vợ chồng bất hoà, con cái không thể ở bên chăm sóc cho cha mẹ đã có tuổi, …

Gia đình là một trong bốn môi trường quan trọng đối với quá trình xã hội hóa cá nhân. Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người, nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái, nhưng hiện nay chức năng đó đang dần bị nhạt phai. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Giáo dục gia đình có đặc điểm riêng là gắn liền với quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục bằng tình yêu thương ruột thịt bởi những mối quan hệ thân thiết giữa vợ chồng, cha mẹ, ông bà, anh chị em; trong đó, giáo dục đạo đức, lối sống, cư xử có phép tắc, trên kính dưới nhường, hòa thuận anh em là điều cốt lõi của mọi gia đình không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo, dù ở nông thôn hay thành thị. Đối tượng của giáo dục gia đình là các thành viên trong gia đình, nhưng trước hết tập trung vào con trẻ, nhằm tạo cho thế hệ mới trong gia đình phương thức hoạt động, hình thức tư duy và ứng xử, cảm xúc và hành động, ở đó giáo dục đạo đức giữ vị trí quan trọng hàng đầu.

Hơn nữa, trong bối cảnh đối mặt với những vấn đề hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh chóng của đất nước như vấn đề di cư lao động, những người trong độ tuổi lao động di cư ra đô thị tìm việc, những người ở lại chủ yếu là người già và trẻ em. Do vậy các thông điệp về giáo dục đối với trẻ em và chăm sóc người cao tuổi cần được những người làm chuyên mục gia đình trên cả 3 tờ báo chú trọng nhiều hơn với các hình thức phong phú, sinh động. Thông qua việc tư vấn, chia sẻ và giải đáp để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cá nhân đồng thời đặt ra vấn đề hoàn thiện chính sách, chiến lược phát triển chung của đất nước có tính đến yếu tố này. Tại đô thị, vấn đề giáo dục trong gia đình cũng là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh bùng nổ thông tin, sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo, và vì vậy khó khăn theo quy luật của gia đình khi con ở lứa tuổi vị thành niên sẽ được giải quyết như thế nào cũng cần được đề cập có chiến lược trên các chuyên mục về gia đình trên 03 tờ báo.

Chức năng chăm sóc người già là chức năng còn ít được đề cập trên cả ba tờ báo, nhưng đây lại là vấn đề được quan tâm đặc biệt của gia đình Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những chỉ tiêu có liên quan đến yếu tố này được đặt ra trong Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam năm 2020 “Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ”. Vì lẽ đó, những người làm công tác báo chí tại 03 tờ báo trên nên cân nhắc để đăng tải thêm các câu chuyện về vấn đề này.

Do đó, các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các tờ báo tờ báo: Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô và Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường truyền thông về chức năng của gia đình nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong gia đình và xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình truyền thống, làm cho mọi người hiểu rõ gia đình là cái tồn tại bền vững trong mọi hình thái kinh tế – xã hội, là một tế bào của xã hội, gia đình phải thực sự là cái nôi nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành.

ThS. Nguyễn Ánh Nguyệt

Học viện Hành chính quốc gia

[1] Mai Huy Bích (2003), Xã hội học gia đình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.