Thời điểm tốt nhất để phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết​​​​​​

Mở cửa

 

Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp hữu hiệu để loại trừ muỗi, bảo vệ sức khỏe con người trước những bệnh lây truyền do muỗi gây ra như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… Phun thuốc diệt muỗi đúng cách, đúng thời điểm sẽ mang lại kết quả cao và an toàn với sức khỏe cộng đồng.

 

1. Nên phun thuốc muỗi vào lúc nào?

Các sản phẩm diệt côn trùng bao gồm ba nhóm: Nhóm thuốc có gốc clo hữu cơ; Nhóm có gốc Pyrethrine và nhóm có gốc photpho. Trong đó, thuốc diệt muỗi thuộc nhóm Pyrethrine được Bộ Y tế sử dụng để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết ở cộng đồng. Thuốc diệt muỗi đã được thử nghiệm ở 3 miền và cho kết quả an toàn với sức khỏe con người. Thuốc được phun vào không gian với thể tích nhỏ dưới dạng phun sương. Sau vài giờ, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không khí do đó hoàn toàn an toàn với sức khỏe.

Tuy nhiên để phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết đạt hiệu quả tối đa, cần quan tâm đến thời gian phun thuốc muỗi, nếu được phun đúng thời điểm, lượng muỗi nhiễm độc bị tiêu diệt nhiều hơn, ngược lại nếu phun thuốc sai thời điểm, muỗi sẽ ít bị ảnh hưởng và có thể nhờn thuốc. Vậy nên phun thuốc muỗi vào lúc nào?

Giờ hoạt động của mỗi loại muỗi khác nhau. Loài muỗi Aedes gây bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào đầu buổi sáng. Do đó thời gian phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết hiệu quả nhất là vào buổi sáng và trước khi mặt trời lặn. Ngược lại, loài muỗi culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản, thời gian hoạt động chính lại là ban đêm, ban ngày bay ra ruộng lúa để sinh sản. Vì vậy thời gian phun thuốc muỗi hiệu quả nhất là từ 19 – 22h đêm.

Theo các chuyên gia Y tế, với loài muỗi trong nhà nên phun vào sáng sớm đến 10h sáng hoặc khi chạng vạng tối trong điều kiện không mưa, ít gió. Đây là thời gian chúng hoạt động mạnh nhất để việc phun thuốc đạt kết quả tối ưu.

Phun muỗi

Thời gian phun thuốc hiệu quả nhất cho từng loài muỗi là khác nhau

 

2. Phun thuốc diệt muỗi có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?

Có hai cách phun thuốc diệt muỗi chính là hộ gia đình tự dùng bình xịt muỗi tại nhà và phun thuốc chống dịch sốt xuất huyết ở cộng đồng theo chỉ định của ngành Y tế.

Khi phun thuốc muỗi bằng bình xịt tại nhà, cần lựa chọn các loại bình xịt được Bộ Y tế cấp phép và đăng ký lưu hành. Nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, những hóa chất trong bình xịt muỗi sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên hạn chế của sử dụng bình xịt là thời gian thuốc có tác dụng ngắn, không gian hẹp, hạn chế tại hộ gia đình do đó không thể tiêu diệt được hết muỗi lây bệnh.

Phun thuốc tại cộng đồng theo chỉ định của ngành Y tế sử dụng máy phun ULV, người phun cần có kỹ năng về sử dụng máy, loại máy, tốc độ phun, nồng độ phun theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Lượng hóa chất trong thuốc diệt muỗi rất nhỏ, được phun trong không gian lớn dưới dạng phun mù nóng, do đó không gây độc và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Biện pháp phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết có tác dụng tức thì, tuy nhiên không lâu dài và có ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Do đó chỉ phun vào những đợt cao điểm để tiêu diệt nhanh muỗi gây bệnh. Giữ gìn vệ sinh môi trường và không gian sống, diệt lăng quăng, bộ gậy vẫn là biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết lâu dài nhất.

 

3. Những lưu ý khi phun thuốc diệt muỗi

Mở cửa

Chỉ nên vào nhà sau khi phun thuốc diệt muỗi ít nhất 60 phút

 

  • Trước khi phun thuốc diệt muỗi, cần di chuyển người, vật nuôi, quần áo, đồ đạc ra khỏi nhà, đậy kín các vật dụng sinh hoạt và dụng cụ chế biến thức ăn, đóng kín cửa sổ.

  • Chỉ vào nhà sau khi phun thuốc diệt muỗi ít nhất 60 phút để đảm bảo thuốc đã khuếch tán trong không gian.

  • Mặc dù thuốc diệt muỗi tương đối an toàn, tuy nhiên một số người có cơ địa nhạy cảm có thể gặp các biểu hiện như: đỏ mắt, ho, buồn nôn, hắt hơi, mẩn ngứa…Khi gặp trường hợp này, bạn có thể rửa bằng nước sạch nhiều lần, nếu không đỡ cần đến cơ sở y tế.

  • Ngoài tác động đến muỗi, thuốc diệt muỗi có thể ảnh hưởng đến các loại côn trùng và vật nuôi khác như kiến, gián, ong, chim, tằm…

  • Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết bằng phun thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng ngắn, trong không gian nhỏ. Do đó để ngăn ngừa sốt xuất huyết, bạn cần áp dụng những phương pháp diệt muỗi không dùng hóa chất khác.

 

4. Cách phòng ngừa muỗi trong mùa dịch sốt xuất huyết hiệu quả

Hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc trị, phòng ngừa và tiêu diệt muỗi là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất. Để ngăn ngừa muỗi trong mùa dịch hiệu quả, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:

  • Muỗi thường sống xung quanh nhà, đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước như lu, bể, lọ hoa, bồn nước…. Vì vậy cần đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không thể vào đẻ trứng.

  • Diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào bồn chứa nước, lật úp những dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa thường xuyên…

  • Dọn dẹp rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường và không gian sống.

  • Thả màn, mặc quần áo dài tay để ngăn muỗi đốt.

  • Bên cạnh phun thuốc muỗi , có thể áp dụng các biện pháp diệt muỗi khác như: dùng vợt muỗi điện, quạt bắt muỗi, bôi thuốc chống muỗi, đốt hương xua muỗi….

Mỗi gia đình nên tích cực phối hợp với ngành Y tế để tiêu diệt muỗi, chống dịch sốt xuất huyết lây truyền trong cộng đồng. Trường hợp sốt cao, đau cơ nghi ngờ bị nhiễm sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị bệnh ở nhà.

(Theo Vinmec)

Site: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/thoi-diem-tot-nhat-de-phun-thuoc-diet-muoi-phong-sot-xuat-huyet/