Thoát Ra Khỏi Vùng An Toàn Của Bản Thân – Bước Đầu Của Trải Nghiệm

Sợ hãi khi phải bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là một trạng thái tâm lý thường gặp ở những bạn trẻ mới bước ra từ giảng đường đại học.

Những cảm xúc âu lo là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng bạn không nên để chúng níu chân bạn lại trên con đường khám phá bản thân và hoàn thiện mình.

Vậy tại sao rời khỏi vùng an toàn lại là một hành trình đáng để trải nghiệm?

1. Vùng an toàn là gì?

Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn thế nào được gọi là vùng an toàn. Vùng an toàn là một trạng thái thỏa mãn về mặt cảm xúc, mà trong đó một người cảm thấy thoải mái và quen thuộc với môi trường sống xung quanh họ.

Vùng an toàn của bản thân là gì? © Freepik.com

Ở trong trạng thái này, sự không chắc chắn, rủi ro hay những cảm xúc tiêu cực được giảm thiểu đến mức tối đa. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy mình có quyền kiểm soát trong mọi tình huống và duy trì được mức hiệu suất ổn định.

Trong vùng an toàn của bản thân, bạn có thể thực hiện các quy trình, hành động lặp đi lặp lại mà không có quá nhiều lo lắng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có nhiều động lực để đạt đến những mức tiêu chuẩn cao hơn hay những thành tựu mới, cả trong công việc lẫn các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Đọc thêm: Người trẻ sợ thất bại? Có đúng không?

2. Rời khỏi vùng an toàn: Liệu có cần thiết?

Nhiều người tự hỏi rằng, nếu vùng an toàn đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích về mặt tinh thần như vậy, liệu có cần thiết phải cố thoát ra khỏi nó? Câu trả lời là có! 

Thoát ra khỏi vùng an toàn của mình là bước đầu tiên của trải nghiệm

Hành trình bước ra khỏi vùng an toàn là một trải nghiệm hoàn toàn đáng để bạn thử, vì nó thậm chí sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho bạn. 

2.1 Cơ hội phát triển 

© Freepik.com

Không ai muốn mình chỉ dậm chân tại chỗ, sự phát triển là một phần tất yếu của cuộc sống. Những thay đổi tới với bạn vừa là thử thách, nhưng cũng vừa là cơ hội. Việc dũng cảm dấn bước, rời khỏi vùng an toàn của mình sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội mới, với những cơ hội thăng tiến vượt bậc.

2.2. Hiểu thêm chính bản thân mình

Dám chấp nhận rủi ro sẽ giúp bạn phát triển bản thân mình và sẽ dạy bạn về sở thích, đam mê, tài năng, điểm mạnh và điểm yếu của chính bạn. Mỗi khi bạn đạt được điều gì đó mà bạn từng nghĩ rằng mình không thể, nghĩa là bạn đã khám phá thêm một chút về chính bản thân mình, và những tiềm năng ẩn giấu bên trong bạn.

2.3. Khơi nguồn tự tin  

Bước ra khỏi vùng an toàn sẽ chứng minh được rằng bạn có thể vượt qua ranh giới của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin và khơi dậy lòng tự tôn trong bạn. Nỗi sợ rủi ro thích nuôi dưỡng thói quen không cố gắng của bạn. Nếu bạn ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động, sự sợ hãi đó sẽ nhanh chóng biến mất.

2.4. Tạo dựng được thêm nhiều mối quan hệ

© Freepik.com

Việc thử làm một điều mới sẽ giúp bạn gặp gỡ những người bạn mới mà bạn có thể sẽ không có cơ hội gặp nếu cứ ở lì trong vùng an toàn.

Họ sẽ là những người giúp bạn hoàn thiện bản thân với những kỹ năng mà bạn chưa từng học, những câu chuyện bạn chưa từng trải qua, và cả những kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống mà bạn sẽ không thể tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào.

2.5. Cuộc sống trở nên nhiều ý nghĩa hơn khi bạn vượt ra khỏi vùng an toàn

Hành trình thoát ra khỏi vùng an toàn có thể giống như một cuộc phiêu lưu. Nó sẽ khiến bạn phải chấp nhận nhiều rủi ro và vượt qua nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, thành quả đạt được cũng lớn hơn rất nhiều và chắc chắn sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui và sự tự hào hơn. 

© Freepik.com

Bạn cũng sẽ luôn bắt đầu ngày mới với những điều mới, thay vì lặp đi lặp lại một quá trình mỗi ngày trong một thời gian dài. Việc dám đối mặt với những thử thách cũng khiến bạn trở nên dạn dĩ hơn, can đảm hơn, không còn nỗi sợ hãi nào có thể khiến bạn bận tâm. Từ đó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thú vị và đáng để tận hưởng hơn rất nhiều!

3. 6 Bước Giúp Bạn Bước Ra Khỏi Vùng An Toàn

3.1. Xác định “vùng ưu tiên”

Trên thực tế, việc ở yên trong vùng an toàn không phải lúc nào cũng có hại. Việc bước ra khỏi vùng an toàn còn tùy thuộc vào từng lĩnh vực trong cuộc sống.

© Freepik.com

Vì vậy, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định những điểm cần được ưu tiên cải thiện của mình. Đó là những lĩnh vực mà việc trì trệ quá lâu trong vùng an toàn sẽ gây hại cho bạn nhiều hơn. Xác định được điều cần phải thay đổi cũng sẽ giúp bạn tìm ra được mục tiêu và những thử thách cần đối mặt.

3.2. Bắt đầu từ sự thay đổi thể chất

Đôi khi bước ra khỏi vùng an toàn là một bước ngoặt lớn và bạn cần chuẩn bị cho mình một thể trạng tốt nhất. Để bắt đầu hành trình “phá kén” của mình, bạn cần thực hiện một vài thay đổi về thể chất bằng cách luyện tập thể dục, hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống của mình (với sự hướng dẫn của các chuyên gia). 

© Freepik.com

Thêm vào đó, chăm lo sức khỏe thể chất có thể là một động lực thúc đẩy sức khỏe tinh thần của bạn. Bạn sẽ khó có thể đương đầu với thử thách với một tâm trạng uể oải và luôn mệt mỏi, chán chường. 

3.3. Tăng cường các kỹ năng của bản thân

© Freepik.com

Khi muốn bước ra khỏi vùng an toàn, những kỹ năng là hành trang cần thiết mà bạn phải chuẩn bị kỹ càng. Trau dồi và phát triển thêm những kỹ năng có thể thúc đẩy sự sáng tạo và tự tin của bạn.

Các kỹ năng thuyết trình trước đám đông, đàm phán, hay lãnh đạo có thể là một thách thức mới đối với nhiều người. Đầu tư thời gian và công sức vào chúng có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho bạn hơn bao giờ hết.

Đọc thêm: Học tất cả các kỹ năng tại Glints

3.4. Trang bị cho mình sự dũng cảm

Một yếu tố thiết yếu trong quá trình bước ra khỏi vùng an toàn của bạn chính là sự dũng cảm.

Nếu bạn cảm thấy sợ hãi một điều gì đó, hãy dũng cảm đối mặt với nó nhiều hơn. Nếu bạn sợ phát biểu trước đám đông, hãy làm điều đó một vài lần ở văn phòng mỗi tuần. Nếu bạn sợ phải đặt câu hỏi, hãy hỏi thường xuyên hơn.

Bạn sẽ cảm nhận được điều kỳ diệu đang xảy ra khi bạn dần quen với những nỗi sợ hãi của mình. Có thể bạn vẫn còn lo lắng ở những lần tiếp theo, nhưng bạn chắc chắn đã biết cách để vượt qua nó.

3.5. Thực hiện từng bước tiến nhỏ

Hãy coi việc bước ra khỏi vùng an toàn như một chuyến phiêu lưu của bạn, nhưng bạn không cần thiết phải tới tận hoang đảo hay rừng sâu để thực hiện nó.

Bỏ lại phía sau vùng an toàn không có nghĩa là liều lĩnh ném đi sự thận trọng. Mỗi bước tiến là một sự tiến bộ. Bạn cần cẩn thận đánh giá khả năng của bản thân và xác định đâu là ranh giới của bạn. 

© Freepik.com

Sau đó, hãy bình tĩnh thực hiện từng sự thay đổi nhỏ để bản thân dần thích nghi trước khi tìm tới những kế hoạch lớn và táo bạo hơn. 

3.6. Nâng dần mức tiêu chuẩn cho bản thân 

Để bước ra khỏi vùng an toàn, hãy tập thói quen đặt ra những mục tiêu cho bản thân và nâng dần mức tiêu chuẩn của bạn. Ví dụ với một công việc, bạn đặt mục tiêu hoàn thành nó trong 1 tiếng. Sau khi đạt được, hãy tiếp tục hướng tới việc hoàn thành nó trong 30 phút. 

Việc thường xuyên nâng tiêu chuẩn của bản thân sẽ giúp bạn từ từ bước ra khỏi vùng an toàn của mình và thử sức với những điều mới mẻ hơn.

Đã đến lúc vượt qua giới hạn bản thân

Vùng an toàn có thể là nơi xoa dịu cảm xúc của bạn, nhưng sẽ đến một thời điểm, nó không còn đem lại sự an toàn như bạn hằng mong muốn. 

Sự thay đổi là một phần tất yếu trong cuộc sống mà ta không thể tránh né. Đừng đợi đến lúc khi tất cả những người bạn xung quanh mình đều hóa thân thành những chú bướm xinh đẹp và bay cao, bạn mới loay hoay cách bước ra khỏi chiếc kén của mình. Thất bại để thành công cũng là một phần cuộc sống.

© Freepik.com

Trong một thời đại mà những người trẻ hiện nay dám sống, dám làm hơn, thì việc chần chừ trước những cơ hội thay đổi sẽ chỉ khiến bạn bị tụt lại phía sau. Đã đến lúc, bạn lấy hết can đảm để bước ra thế giới bên ngoài, khám phá những điều mới, chào đón những thử thách mới.

Có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn, đối mặt với những rủi ro, đó là mới là cách con người ta trưởng thành!

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Đánh giá trung bình 4 / 5. Lượt đánh giá: 24

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Tác Giả