Thợ đánh bóng lư đồng kiếm tiền triệu mỗi ngày mùa Tết

YẾN PHƯƠNG

  –  

Thứ hai, 26/12/2022 19:00 (GMT+7)

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, đây là giai đoạn tăng tốc của những người thợ làm nghề đánh bóng lư đồng để giúp họ kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Tất bật những ngày cuối năm

Những ngày cận Tết, người người nô nức sắm sửa cho căn nhà của mình, đặc biệt là nhu cầu trang trí bàn thờ gia tiên. Công việc này hầu như chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào dịp Tết, nhờ đó mà dịch vụ đánh bóng lư đồng trở nên tất bật và nhộn nhịp hơn.

Với hơn 30 năm theo nghề, ông Trần Ngọc Bửu (Khu chợ sắt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, ông đã làm nghề đánh bóng lư đồng từ năm 1990, vậy nên lượng khách quen nhiều và thông thường cứ trước tết khoảng 1 tháng là họ bắt đầu mang lư tới để làm.

“Đặc biệt từ 23 tháng Chạp là mùa cao điểm, trong nhà lúc nào cũng nhộn nhịp khách ra vào, ngày nào cũng phải làm từ sáng sớm đến đêm mới kịp hàng để giao cho khách”, ông Bửu nói.

 Ông Trần Ngọc Bửu tỉ mỉ lau chùi chiếc lư đồng. Ảnh: Yến Phương

Ông Bửu chia sẻ, vào dịp cao điểm của tết năm trước, mỗi ngày ông nhận từ 15 – 20 bộ lư để làm và kiếm tiền triệu là điều dễ dàng. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay ngoài sự hỗ trợ của con trai và em rể, ông còn thuê thêm 4 thợ phụ, mỗi thợ được thuê với giá 300.000 đồng/ngày, để đảm bảo chất lượng và kịp tiến độ giao cho khách hàng.

Theo ông Bửu, tùy vào kích cỡ và loại lư khác nhau mà tiền công sẽ dao động từ 300.000 – 400.000 đồng/bộ. Riêng đối với những lư bị hư hỏng thì phải thêm công đoạn vá đồng rồi mới đánh bóng, nên chi phí sẽ cao hơn tùy vào thỏa thuận giá cả với khách hàng. Trung bình để đánh xong mỗi bộ lư sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

“Công việc này chỉ tất bật một mùa trong năm nên chúng tôi cũng chịu khó chịu cực mấy ngày này để có thêm một khoản tiền kha khá, sắm sửa mâm cơm ngày Tết đủ đầy và ấm cúng”, ông Bửu chia sẻ.

Bám trụ với nghề

Theo ông Bửu, hầu hết mỗi gia đình ở Nam Bộ đều có một bộ lư đồng để trên bàn thờ, tuy giá trị không quá cao nhưng là vật tâm linh được gìn giữ qua nhiều thế hệ từ thời ông bà tổ tiên xưa.

Vì thế, ngoài việc phải chọn những người thợ có uy tín và có thâm niên trong nghề để giao cho đánh bóng thì khách hàng còn chú trọng những người làm nghề có tính tỉ mỉ để đảm bảo độ sáng đồng đều, tránh làm trầy xước hoặc biến dạng lư đồng.

 Nghề đánh bóng lư đồng đòi hỏi tính tỉ mỉ và cẩn thận. Ảnh: Yến Phương

Để đánh được một bộ lư đồng đẹp, sáng bóng cần trải qua nhiều công đoạn như: Chùi lư, phơi nắng, đánh bóng, vệ sinh. Trong đó, khâu đánh bóng được xem là quan trọng nhất, phải hết sức tỉ mỉ để đánh thật kỹ phần quai và những chi tiết nhỏ.

Đối với những bộ lư cầu kỳ, nhiều hoạ tiết không thể đánh bằng máy thì đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe dẻo dai để lau chùi cẩn thận và đánh bóng bằng tay, có khi ngồi cả buổi mới lau xong một bộ.

 Những bộ lư đồng đã được đánh bóng. Ảnh: Yến Phương

Là thợ làm nghề tại đây, anh Nguyễn Kháng Em (Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cho biết, nghề này phải đặt cái tâm để làm, phải điều khiển đôi tay thật nhịp nhàng để đưa lên đưa xuống theo từng vòng quay của mô tơ, đánh cẩn thận ở các khe, rãnh, hoa văn,… đặc biệt là phải giữ gìn tránh làm hư hỏng, mất đồ, để khi giao cho khách phải đảm bảo độ đẹp, sáng và bền của bộ lư.

“Bên cạnh đó, những người thợ theo nghề này thường xuyên phải tiếp xúc với các thứ độc hại như bụi bặm, hóa chất đánh bóng,… rồi làm xuyên suốt cả ngày nên cần phải có sức khỏe dẻo dai, khi làm việc phải trang bị bịt kín mặt, đeo mặt nạ chống độc, găng tay đầy đủ để hạn chế nguy hại đến sức khoẻ”, anh Kháng Em nói.

Dù cả ngày phải tất bật bên góc làm việc nóng bức và ồn ào, luôn phải trùm kín mặt vì bụi đồng độc hại bám đen cả người, nhưng những người làm nghề đánh bóng lư đồng vẫn vui vẻ và cố gắng bám trụ. Với họ, công việc này đã trở nên thân thuộc và giúp họ có thêm thu nhập đáng kể để đón một năm mới sung túc cùng gia đình.