Thiết kế công nghiệp, thiết kế sản phẩm
Thiết kế công nghiệp, thiết kế sản phẩm
Thiết kế công nghiệp, thiết kế sản phẩm
Thiết kế công nghiệp là gì? Câu hỏi đó đã cũ nhưng luôn luôn là mới mẻ với những ai chưa một lần tiếp xúc với Thiết kế công nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ đang tìm kiếm hướng đi trên con đường thiết kế.
Thiết kế công nghiệp, thiết kế sản phẩm là gì?
Thiết kế công nghiệp (Industrial Design) hay còn được biết đến như Thiết kế sản phẩm (Product Design) hoặc Thiết kế tạo dáng là một chuyên ngành của Mỹ thuật ứng dụng, sử dụng tri thức bao gồm nghệ thuật và khoa học công nghệ nhằm cải thiện tính thẩm mỹ, hình thái, chức năng, khả năng sử dụng của sản phẩm. Thiết kế công nghiệpđồng thời cũng nâng cấp khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm theo thị yếu thẩm mĩ người sử dụng hoặc công nghệ sản xuất, vật liệu tân tiến mới.
Tóm lại, thiết kế công nghiệp là ngành nghiên cứu, sáng tạo hình thức sản phẩm dựa trên chức năng, đối tượng sử dụng và công nghệ sản xuất của sản phẩm đó. Có thể nói, thiết kế công nghiệp quyết định “diện mạo” của tất cả các sản phẩm công nghiệp xung quanh chúng ta ( hãy lấy ví dụ bạn đang ngồi trước một chiếc máy vi tính hoặc một chiếc điện thoại di động, thì hình dáng, màu sắc của máy vi tính hay điện thoại đó chính là thiết kế công nghiệp)
Thiết kế công nghiệp đôi khi có thể bị chồng chéo đáng kể với thiết kế kỹ thuật, thiết kế nội thất hoặc thiết kế bao bì do tính chất hướng đến đối tượng sản phẩm của nó. Và ở các nước khác nhau thì ranh giới giữa những khái niệm có thể khác nhau. Tuy nhiên, cần phải phân biệt thiết kế kỹ thuật nói chung tập trung chủ yếu vào chức năng, tiện ích của sản phẩm trong khi thiết kế công nghiệp nhấn mạnh các khía cạnh thẩm mỹ và giao diện tương tác giữa sản phẩm với người sử dụng. Thiết kế sản phẩm hướng tới hình thức của sản phẩm nội thất còn thiết kế nội thất nghiên cứu không gian trình bày các sản phẩm nội thất đó….Vì vậy, thiết kế công nghiệp có thể được coi là ngành thiết kế “đa năng”.
Lịch sử ngành thiết kế công nghiệp
Hầu hết các hoạt động về thiết kế công nghiệp diễn ra trong năm 1920 đều trên lĩnh vực ô tô, thiết bị điện và phát minh mới. Mặc dù các kỹ sư phát minh ra sản phẩm hữu ích cho công chúng, họ thiếu sự sáng tạo cần thiết để tăng cường vẻ đẹp diện mạo của sản phẩm đó. Các nghệ sĩ được đào tạo từ các trường nghệ thuật khác nhau đã được thuê để sáng tạo nghệ thuật thương mại và đó chính là tiền đề tạo điều kiện cho việc phát triển nên thiết kế sản phẩm công nghiệp. Có suy đoán cho rằng thuật ngữ “thiết kế công nghiệp” lần đầu tiên đã được sử dụng tên tạp chí The Art Union vào năm 1839.
Thuật ngữ “thiết kế”, “thiết kế tạo dáng công nghiệp” hay “mỹ thuật ứng dụng” du nhập vào Việt Nam trong thập niên 1960, bắt nguồn từ Industrielle Formgestaltung trong tiếng Đức khi các giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Halle (Die Hochschule für Industrielle Formgestaltung – Halle) sang trường Trung cấp Mỹ nghệ Hà Nội (hiện nay là trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) trao đổi học thuật.
Sản phẩm của thiết kế công nghiệp gồm những gì?
Như đã trình bày ở trên, sản phẩm của thiết kế công nghiệp bao gồm tất cả những sản phẩm xung quanh chúng ta, chia thành những nhóm sản phẩm sau (dựa trên các cách định nghĩa và phân chia, một số nhóm sản phẩm tại các quốc gia khác nhau có thể là một ngành thiết kế riêng biệt)
Sản phẩm máy công cụ và môi trường: bao gồm các loại máy móc, thiết bị cầm tay sử dụng trong sản xuất như máy tiện, máy khoan, máy cưa, búa, tua vít, thiết bị bảo hộ lao động….
Sản phẩm gia dụng, hàng tiêu dùng: gồm những đồ dùng nhà bếp, đồ dùng văn phòng, thiết bị làm đẹp, đồ nội thất, thiết bị vệ sinh, thiết bị phòng tắm…
Phương tiện giao thông vận tải: phương tiện công cộng, ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy…
Sản phẩm công nghệ thông tin và giải trí: máy tính, điện thoại di động, máy nghe nhạc, loa…
Sản phẩm thiết bị y tế
Ngành thiết kế công nghiệp – Triển vọng xã hội
Ngày nay, sản phẩm tiêu dùng phát triển, các sản phẩm có công dụng như nhau thì kiểu dáng hấp dẫn thị hiếu khách hàng sẽ làm tăng giá trị thương mại của sản phẩm và được xem là mục tiêu quan trọng của nhà sản xuất.Thiết kế công nghiệp tạo ra những sản phẩm mới lạ, đẹp, tiện dụng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng…Vì vậy, đây là ngành có nhiều triển vọng trong xã hội.
Tuy nhiên ở Việt Nam, đây vẫn chỉ là một ngành của tương lai, hiện tại đang khá chật vật tìm thị trường. Đối với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Thiết kế công nghiệp vẫn còn bị coi là chuyện xa xỉ. Tuy nhiên, với sự tiếp nhận các công ty sản xuất lớn đầu tư vào Việt Nam, các nhà Thiết kế công nghiệp sẽ chuyển đổi sang những lĩnh vực “phi truyền thống” bao gồm các vị trí trong những công ty tiếp thị và chiến lược. Ngành Thiết kế công nghiệp sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh, tiềm năng lớn. Nhu cầu chuyên gia thiết kế sẽ gia tăng trong vài năm tới như là một sự cộng hưởng tự nhiên của sự phát triển kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, sinh viên Thiết kế công nghiệp được đào tạo kiến thức đa dạng và chuyên sâu còn có thể đáp ứng các lĩnh vực khác trong thiết kế.
Hiện nay, rất nhiều trường tại Việt Nam và nước ngoài cung cấp khóa đào tạo, cấp bằng chuyên ngành Thiết kế công nghiệp, Thiết kế sản phẩm. Ở Hà Nội và khu vực miền Bắc nói chung có Viện ĐH Mở, ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (có cơ sở tại TP HCM), ĐH Kiến trúc…. Ở miền Trung có trường Nghệ thuật Huế thuộc ĐH Huế. Tại TP.HCM có khoa Mỹ thuật công nghiệp thuộc Hồng Bàng, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM..
Hệ thống đào tạo Thiết kế công nghiệp cơ bản bao gồm kiến thức về thẩm mỹ, nghệ thuật, lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và thế giới; văn hóa Việt Nam, văn hóa truyền thống phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Kiến thức thiết kế và thể hiện mô hình các sản phẩm gia dụng, công nghiệp, điện tử, phương tiện giao thông…; hiểu biết về công năng, kiểu dáng trong từng thể loại sản phẩm ứng dụng, rèn luyện khả năng lên ý tưởng, phác thảo và làm mô hình. Kiến thức về quảng cáo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp, phối hợp tính năng ứng dụng của sản phẩm dựa trên những nguyên tắc: công năng, ergonomic…Hiểu biết về quy trình thiết kế sản phẩm, thể hiện sản phẩm trên các chất liệu: nhựa Composite, đất sét, thạch cao…
>>> Tìm hiểu ngành Thiết kế công nghiệp là gì?