Thị trường Mỹ Latinh còn nhiều dư địa cho DN xuất khẩu Việt Nam
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022 thu hút hàng trăm DN tham dự nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ngày 25/11, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2022”.
Mỹ Latinh được biết đến là khu vực thị trường tiềm năng của Việt Nam. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần gấp đôi
Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi từ mức 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%.
Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực là Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh.
Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các thị trường này đều đạt mức tăng trưởng rất cao, cụ thể như với Colombia đạt 674,7 triệu USD, tăng 41,5%; với Peru đạt 633,7 triệu USD, tăng 62%; với Panama đạt 465,6 triệu USD, tăng 45,5%.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nói riêng trải qua nhiều biến động, giao thương và chuỗi cung ứng rơi vào khó khăn, thậm chí đứt gãy dưới tác động của đại dịch cùng các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.
Xét về trao đổi thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường đạt tăng trưởng cao nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…
Hợp tác và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại
Đạt được kết quả tích cực nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh cũng đang triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó, phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba. Việt Nam cũng đang tiếp tục trao đổi khả năng đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Các hiệp định nói trên đã và đang mang lại những tác động tích cực, tạo động lực cho quan hệ thương mại – đầu tư song phương không ngừng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ tối đa cho các DN xuất khẩu Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường Mỹ Latinh. Ảnh: Báo Công Thương
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh từ lâu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: Khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường, lạm phát tăng cao tại một số nước Mỹ Latinh…
Ông Guillermo Perez Cena, Tổng Giám đốc của Công ty Asia America Commerce Solution SRL, một chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá giữa Mỹ Latinh và châu Á (trong đó có Việt Nam) nhận định, mặc dù 2 năm vừa qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị, tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, Việt Nam vẫn phát triển rất mạnh mẽ, là điểm sáng của kinh tế thế giới. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh ngày càng phát triển mạnh mẽ, 2 phía có nhiều điểm tương đồng có thể bổ trợ cho nhau. Các mặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ Latinh ngoài các mặt hàng thế mạnh như da giày, dệt may thì mặt hàng điện tử cũng ngày càng tăng cao.
Các doanh nghiệp Mỹ Latinh rất lạc quan về mối quan hệ thương mại với Việt Nam và mong muốn có thể hợp tác lâu dài, bền vững với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tận dụng và khai thác tốt các thế mạnh của nhau cũng như các lợi thế của các hiệp định kinh tế thương mại mà hai bên đã ký kết.
Tại diễn đàn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các thị trường Mỹ Latinh cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời về thông tin thị trường các nước, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp bản địa nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả nhất các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hoạt động kết nối trực tiếp với gần 30 doanh nghiệp Mỹ Latinh trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế… để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Lê Anh