Thị trường là gì? Phân loại và các khuyết tật thị trường

Thị trường là một trong những thuật ngữ kinh tế học cơ bản, thường được hiểu là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên đó là cách hiểu chưa đủ sâu rộng. Hãy cùng tìm hiểu về thị trường và những nội dung quan trọng khác trong bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết

I. Thị trường là gì?

Theo nghĩa hẹp, thị trường được hiểu là nơi diễn ra sự mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cách hiểu này về thị trường là quá hẹp vì nó chỉ đề cập đến tính chất địa lý của thị trường và chỉ phù hợp với những khu vực có quan hệ thị trường chưa phát triển. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa vẫn có thể diễn ra mà không cần một địa điểm giao dịch cụ thể nào, thồng qua trao đổi trên các nền tảng internet hoặc qua điện thoại, fax, email,…

Một cách tổng quát và chính xác nhất, thị trường là tập hợp những điều kiện và thỏa thuận mà thông qua đó người mua và người bán tiến hành trao đổi hàng hóa với nhau. Chức năng chính của thị trường là mua bán, trao đổi hàng hóa và chúng chỉ được thực hiện trong những ràng buộc và sự dàn xếp, thỏa thuận cụ thể mà những đối tượng tham gia (người mua, người bán, đơn vị vận chuyển,…) phải tuân thủ.

Nền kinh tế thị trường là tập hợp của vô số thị trường cụ thể. Chúng tạo nên cơ chế phân bổ nguồn lực cho việc sản xuất như sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất bao nhiêu và sản xuất như thế nào. Đây chính là cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, những người mua và người bán tác động lẫn nhau để hình thành nên các mức giá cả hàng hóa khác nhau. Ngược lại, sự lên xuống của giá cả lại dẫn đến sự thay đổi về hành vi sản xuất.

Thị trường là gì

II. Phân loại thị trường

1. Phân loại thị trường theo nội dung hàng hóa

Dựa theo nội dung hàng hóa, có thể phân chia thành vô số loại thị trường như: thị trường gạo, thị trường nông sản, thị trường ô tô, thị trường giáo dục, thị trường yếu tố sản xuất,… Một cách tổng quát, tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý kinh tế phân chia thành 5 loại thị trường lớn bao gồm: Thị trường hàng hóa – dịch vụ, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ và thị trường bất động sản.

2. Phân loại thị trường theo không gian kinh tế

Dựa theo không gian kinh tế diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, có thể phân loại thị trường thành: Thị trường thế giới, thị trường khu vực ( ví dụ: thị trường khu vực đồng tiền chung châu Âu, thị trường khu vực Đông Nam Á, thị trường khu vực Bắc Đại Tây Dương,…), thị trường quốc gia và thị trường vùng hay địa phương. Khi nói đến cách phân loại này, người ta thường kết hợp với loại hàng hóa cụ thể như: thị trường nông sản Việt Nam, thị trường xăng dầu thế giới,…

Một số loại hàng hóa gần như mang bản chất thị trường thế giới bởi giá cả của chúng ở các không gian kinh tế khác nhau ở cùng một thời điểm không có sự khác biệt lớn, ví dụ như thị trường vàng. Ngược lại, vì một số lí do cụ thể, có thể là do chi phí logistic lớn, một số loại hàng hóa mang tính chất thị trường địa phương rõ rệt như nông sản, vật liệu xây dựng,…

3. Phân loại thị trường theo cấu trúc

Một cấu trúc thị trường cụ thể thường được xác định bởi số lượng người mua, người bán tham gia vào thị trường và mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau giữa họ. Từ đó, có thể phân loại thị trường theo cấu trúc thành 2 loại chính: Thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Điểm khác biệt cơ bản nhất của 2 loại thị trường này như sau:

  • Thị trường cạnh tranh hoàn hảo: Tại thị trường này, người bán và người mua không đủ lực để chi phối giá cả hàng hóa.
  • Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo: Trên thị trường này, một bộ phận người mua hoặc người bán nhất định có thể tác động đến giá hàng hóa dịch vụ. Mức độ chi phối giá ít hay nhiều phụ thuộc vào đó là loại thị trường cạnh tranh không hoàn hảo nào.

Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo bao gồm các dạng thị trường cụ thể hơn: Thị trường độc quyền thuần túy, thị trường độc quyền nhóm và thị trường cạnh tranh có tính độc quyền. Mặc dù sở hữu điểm chung là sự cạnh tranh không hoàn hảo, mỗi loại thị trường nêu trên vẫn mang những đặc điểm riêng và bị chi phối bởi những yếu tố cụ thể trên thị trường. Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về vấn đề này trong phần nội dung tiếp theo.

III. Các dạng cấu trúc thị trường

1. Thị trường cạnh tranh hoàn hảo

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo là dạng thị trường mà người bán hay mỗi doanh nghiệp riêng biệt không có khả năng kiểm soát và chi phối giá cả hàng hóa. Mức giá trên thị trường được hình thành từ kết quả của quy luật cung cầu thị trường cũng như hành vi sản xuất của người bán và hành vi tiêu dùng của người mua.

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây. Khi một trong các điều kiện đó bị vi phạm thì thị trường không còn là cạnh tranh hoàn hảo:

a. Nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trên thị trường

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, trong đó mỗi doanh nghiệp có quy mô tương đối nhỏ so với quy mô chung của thị trường. Điều này đảm bảo mỗi doanh nghiệp riêng biệt không đủ khả năng chi phối giá hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp lớn khiến họ không thể cấu kết với nhau để khống chế thị trường.

b. Tính đồng nhất của sản phẩm

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành phải có tính đồng nhất. Bởi nếu có sự khác biệt nhất định giữa sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành, ví dụ như lon nước coca và pepsi thì người đặc biệt yêu thích coca hoàn toàn có thể chấp nhận mua một lon coca với mức giá cao hơn. Và người cung ứng coca có thể nâng giá sản phẩm của mình lên mà không sợ mất đi những khách hàng quen thuộc. Điều này không đảm bảo tính chất doanh nghiệp không kiểm soát và chi phối giá cả hàng hóa của thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Trên thực tế, sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường hoàn toàn không đồng nhất với nhau. Tuy nhiên trong một chừng mực nhất định, có thể coi thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

c. Thông tin cân xứng giữa người mua và người bán

tức là cả 2 bên đều có đầy đủ những thông tin cần thiết có liên quan đến thị trường và hàng hóa. Vấn đề thông tin bất cân xứng sẽ khiến hàng hóa được mua bán, trao đổi theo những mức giá khác với mức giá được chấp nhận chung trên thị trường. Ví dụ, khi người mua không đánh giá được sản phẩm của doanh nghiệp là đồng nhất, rất có thể họ sẽ phải mua sản phẩm của doanh nghiệp này với mức giá cao hơn doanh nghiệp khác. Điều này có nghĩa là, doanh nghiệp có thể chi phối được giá hàng hóa và vi phạm tính chất của thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

d. Các doanh nghiệp tự do xuất, nhập ngành

Việc gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện hành nhờ việc tăng giá sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp mới gia nhập ngành Khi đó, theo quy luật cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ lại hạ xuống do nguồn cung tăng lên. Ngược lại, khi các doanh nghiệp trong ngành đang ở trạng thái thua lỗ, một số doanh nghiệp rút lui khỏi ngành, nguồn cung giảm khiến giá hàng hóa tăng lên, các doanh nghiệp còn lại trong ngành có thể tồn tại. Về bản chất, việc tự do xuất nhập ngành được hiểu là chi phí cho việc xuất, nhập ngành đối với doanh nghiệp là không đáng kể.

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo

2. Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo

Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo là dạng thị trường mà ở đó mỗi người bán hay doanh nghiệp riêng biệt ít nhiều có khả năng kiểm soát và chi phối giá cả hàng hóa bằng nhiều cách khác nhau (ví dụ như giảm sản lượng sản xuất, tạo độ khan hiếm để nâng giá hàng hóa lên cao). Có nhiều dạng thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, bao gồm: Thị trường độc quyền thuần túy, thị trường độc quyền nhóm (độc quyền tập đoàn) và thị trường cạnh tranh có tính độc quyền.

Về bản chất, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo xuất hiện khi thị trường không đáp ứng được đầy đủ và cùng lúc những điều kiện nêu trên của thị trường cạnh tranh hoàn hảo, bao gồm: Số lượng doanh nghiệp lớn, tính đồng nhất của sản phẩm, thông tin cân xứng và khả năng tự do xuất, nhập ngành.

Trên thực tế, khi sản xuất một số sản phẩm đặc thù phải bám vào lợi thế theo quy mô để đạt được yêu cầu kỹ thuật cũng như yêu cầu về lợi nhuận. Chính vì vậy, chỉ có một số lượng nhất định doanh nghiệp có thể hoạt động trong ngành, ví dụ như ngành sản xuất và phân phối điện. Bên cạnh đó, sản phẩm của mỗi doanh nghiệp trong cùng một ngành là hoàn toàn khác nhau và không thể thay thế cho nhau một cách hoàn hảo. Và vấn đề gia nhập ngành cũng gặp phải một số rào cản pháp lý nhất định tùy ngành nghề.

a. Thị trường độc quyền thuần túy

Tại thị trường độc quyền thuần túy, chỉ có một doanh nghiệp duy nhất cung ứng hàng hóa và không thể thay thế. Họ không có đối thủ cạnh tranh nên sở hữu quyền lực thị trường đáng kể. Thậm chí có thể định giá hàng hóa cao hơn rất nhiều so với mức giá có tính chất cạnh tranh ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Doanh nghiệp độc quyền tự nhiên bắt nguồn từ lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Khi họ có khả năng sản xuất ở sản lượng tối thiểu có hiệu quả và mức sản lượng này là rất lớn so với quy mô chung của thị trường thì việc một doanh nghiệp mới nhập ngành là rất khó. Bên cạnh đó, đối với một số ngành đặc thù, đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu cực lớn như ngành nhiệt điện, thủy điện hay đường sắt tại Việt Nam cũng là rào cản lớn cho doanh nghiệp mới.

Trên thị trường độc quyền thuần túy, doanh nghiệp độc quyền có thể bán hàng hóa cho những người tiêu dùng khác nhau với các mức giá khác nhau; có thể định giá tùy theo số lượng mua của người tiêu dùng hoặc định giá hàng hóa cao hoặc thấp tùy thời điểm nhu cầu tiêu dùng khác nhau.

Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo

b. Thị trường độc quyền nhóm

Thị trường độc quyền nhóm chỉ có một nhóm nhỏ những doanh nghiệp có thể sản xuất và cung ứng hàng hóa. Họ có thể kiểm soát và chi phối giá cả, vừa có thể cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành giật thị trường, vừa có khả năng thỏa thuận, cấu kết với nhau để cùng khống chế thị trường bởi một mức giá và mức cung ứng nào đó.

Tuy không phải là một doanh nghiệp duy nhất độc chiếm thị trường như cấu trúc thị trường độc quyền thuần túy nêu trên, doanh nghiệp độc quyền nhóm thường có quy mô tương đối lớn so với quy mô chung của thị trường. Tính đồng nhất hay khác biệt của sản phẩm không phải là tính chất đặc thù của thị trường độc quyền nhóm, chúng có thể giống hệt hoặc gần giống nhau (ví dụ như sản phẩm được tiêu chuẩn hóa như thép, hóa chất,…) hoặc khác biệt hoàn toàn (như dịch vụ hàng không, ô tô,…)

Đặc trưng cơ bản của loại thị trường này là tính phụ thuộc lẫn nhau của các doanh nghiệp độc quyền trong nhóm, nó xuất phát từ quy mô tương đối lớn của mỗi doanh nghiệp trong điều kiện số lượng doanh nghiệp hạn chế. Hành vi của mỗi doanh nghiệp đều tác động đến lợi ích của các doanh nghiệp khác. Đồng thời, một quyết định cụ thể của mỗi doanh nghiệp có mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của các doanh nghiệp còn lại.

c. Thị trường cạnh tranh có tính độc quyền

Tại thị trường cạnh tranh có tính độc quyền là một cấu trúc thị trường vừa có tính chất cả một thị trường cạnh tranh, vừa có tính chất của một thị trường độc quyền. Thị trường này mang một số đặc điểm như sau:

  • Có nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động và quy mô mỗi doanh nghiệp là tương đối nhỏ so với quy mô chung của thị trường.
  • Sản phẩm của mỗi doanh nghiệp có sự khác biệt đối với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp. Có thể hiểu, mỗi doanh nghiệp là nhà độc quyền về sản phẩm của mình. Tuy nhiên, các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác vẫn có thể thay thế sản phẩm này một cách tương đối dễ dàng.
  • Các doanh nghiệp có khả năng tự do gia nhập và rút lui khỏi ngành.

Đặc điểm nổi bật của thị trường cạnh tranh có tính chất độc quyền là tính khác biệt của sản phẩm. Do cung cấp hàng hóa có tính khác biệt nhất định so với sản phẩm của các đối thủ, doanh nghiệp ít nhiều vẫn có khả năng chi phối giá. Trong một giới hạn nhất định, họ có thể tăng giá bán sản phẩm một chút mà vẫn không sợ bị mất đi những khách hàng quen. Trên thực tế, các thị trường như dịch vụ bán lẻ, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú, khách sạn,… có thể xếp vào dạng thị trường cạnh tranh có tính chất độc quyền.

IV. Ưu điểm và khuyết tật thị trường

Trên góc độ vĩ mô của nền kinh tế, thị trường mang lại cả lợi ích và khuyết tật.

1. Ưu điểm của thị trường

Thị trường mang đến cho nền kinh tế những lợi ích lớn như sau:

a. Cạnh tranh thị trường tạo động lực phát triển

Ảnh hưởng của quy luật cung cầu cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tại, nghiên cứu phát triển sản phẩm, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

b. Phân phối nguồn lực kinh tế một cách tối ưu

Các nguồn lực kinh tế tự điều tiết và di chuyển đến nơi được sử dụng với hiệu quả cao nhất, tuân thủ nguyên tắc của thị trường. Ví dụ như nguồn lao động có trình độ cao hiện nay có xu hướng dịch chuyển rõ rệt đến các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp công nghệ cao để tìm kiểm công việc tốt với mức thu nhập cao hơn. Các doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm và đặt nhà máy sản xuất tại các quốc gia có những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, giá rẻ,…

c. Phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của chủ thể kinh tế

Nền kinh tế thị trường tạo ưu thế để phát huy tốt nhất tiềm năng của các chủ thể kinh tế. Ví dụ như lĩnh vực may mặc, chủ thể kinh tế tư nhân tỏ ra ưu thế hơn nhiều so với knh tế nhà nước bởi khả năng năm bắt thị hiếu rất nhạy bén và sự cải tiến, thay đổi sản phầm nhanh chóng và linh hoạt. Ngược lại, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay, cảng biển, các công trình phúc lợi xã hội,… có tính chất tương đối phức tạp về quy hoạch, địa chính trị cũng như an sinh xã hội, khu vực kinh tế nhà nước có lợi thế hơn.

2. Các khuyết tật thị trường

a. Hiện tượng ngoại ứng

Ngoại ứng xuất hiện khi một quá trình sản xuất hay tiêu dùng hàng hóa dịch vụ nào đó gây tác động đến cả những người không trực tiếp tham gia vào các quá trình đó. Trên thị trường, khi tham gia vào các giao dịch mua bán hàng hóa, người sản xuất hay tiêu dùng chỉ quan tâm đến chi phí và lợi ích trực tiếp mà chính họ phải bỏ ra hoặc thụ hưởng được. Khi ngoại ứng xuất hiện, giá cả thị trường không thể hiện và phản ánh đầy đủ chi phí hay lợi ích đứng trên quan điểm xã hội. Do vậy, trong trường hợp này, sản lượng cân bằng thị trường không còn là sản lượng hiệu quả xã hội, cho dù thị trường là thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

b. Vấn đề hàng hóa công cộng

Hàng hóa công cộng sở hữu 2 đặc tính cơ bản là không cạnh tranh về phương tiện tiêu dùng (Người này sử dụng hay tiêu dùng hàng hóa không ảnh hưởng đến khả năng hoặc thực tế sử dụng của người khác) và tính không loại trừ về mặt tiêu dùng (không thể ngăn cản hoặc loại trừ một người nào đó sử dụng hoặc tiêu thụ hàng hóa). Ví dụ thực tế cho sản phẩm này là ngon hải đăng trên biển, cầu đường,…

Chính bởi những tính chất này, hiện tượng “kẻ ăn không” xuất hiện thông qua việc sử dụng “nhờ” hàng hóa của người khác mà không muốn mua sắm. Khi mọi người đều không muốn chi tiêu thì khu vực kinh tế tư nhân sẽ không còn cung cấp loại hàng hóa này nữa, dù cho chúng quan trọng đến mức nào.

c. Thông tin bất cân xứng

Một trong những điều kiện tồn tại thị trường cạnh tranh hoàn hảo là cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có đầy đủ những thông tin cần thiết về thị trường và hàng hóa. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin thị trường là điều không đơn giản và khá tốn kém, sự bất cân xứng thông tin giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là điều thường xảy ra, nhất là đối với các loại hàng tiêu dùng.

Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là thị trường vốn. So với người cho vay, người đi vay nắm chính xác hơn thông tin về tài sản và những dự án mà họ cần vay vốn để đầu tư sản xuất. Nếu không đánh giá, thẩm định tốt giá trị của tài sản hoặc tiềm năng của một dự án kinh doanh, rất có thể bên cho vay (ngân hàng, tổ chức tín dụng,…) sẽ rơi vào tình trạng chậm hoặc không thể thu hồi vốn. Chính vì vậy, vấn đề thông tin bất cân xứng là một khuyết tật của thị trường.

d. Vấn đề phân phối thu nhập

Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của mỗi người được hình thành từ yếu tố khác nhau như tiền lương từ việc cung ứng dịch vụ lao động, tiền cho thuê đất, tiền cho thuê vốn, tiền lãi đầu tư,… Sự chênh lệch thu nhập chủ yếu là do chênh lệch trình độ chuyên môn hoặc những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Vấn đề chênh lệch thu nhập và phân hóa giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư trong xã hội có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu nó vượt qua một giới hạn nhất định nào đó.

Thông tin bất cân xứng

e. Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô

Xét theo thời gian, nền kinh tế thị trường vận động theo chu kỳ. Xét trên góc độ vĩ mô, sản lượng lên xuống theo thời kỳ phồn thịnh hay suy thoái của chu kỳ kinh tế, mặc dù trong dài hạn vẫn tiềm ẩn sự bất ổn nhất định. Nền kinh tế khi phải gánh một tỷ lệ lạm phát cao, lúc lại rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao. Điều đó tại nên sự rủi ro đối với cuộc sống của một bộ phận người trong xã hội nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Để giảm thiểu và kiểm soát những khuyết tật thị trường, vai trò quản lý và điều hành của nhà nước là vô cùng quan trọng. Thông qua công cụ luật pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp với từng thời kỳ nhất định, nhà nước có thể xử lý các tác động của ngoại ứng, cung cấp thông tin thị trường nhanh chóng và chính xác thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, phân phối lại thu nhập thông qua chính sách phúc lợi xã hội và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên đây là bài viết Thị trường là gì? Phân loại và các khuyết tật thị trường. Hy vọng rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp ích cho bạn. Hiện nay, nền kinh tế thị trường trên thế giới phát triển mạnh mẽ, đi kèm với đó là hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng thiết bị nâng hạ hàng hóa phục vụ sản xuất ngày càng tăng cao. Các sản phẩm xe nâng điện, xe nâng điện pin Lithium, xe nâng dầu, xe nâng tay,… ngày càng được tìm kiếm và ưa chuộng. Nếu có nhu cầu tìm hiểu và chọn mua xe nâng chính hãng, hiệu suất cao, giá tốt, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 0869 285 225 để được tư vấn tận tình nhất!