Thị trường chứng khoán là gì? Quy định về thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán manh nha hình thành từ thời trung cổ với hình thức mua bán chứng từ ghỉ nhận các khoản nợ giữa các thương nhân. Đến năm 1435, thương nhân từ nhiều nước thường xuyên gặp nhau ở một quảng trường ở nước Bỉ để mua bán kì phiếu nước ngoài và đây được coi là nơi có hình thức giao dịch chính thức đầu tiên của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là nơi mua, bán chứng khoán.
Căn cứ vào việc mua, bán chứng khoán lần đầu hay mua bán lại, thị trường chứng khoán được chia làm hai bộ phận: thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường chứng khoán sơ cấp là nơi chứng khoán được người phát hành chứng khoán bán cho tổ chức, cá nhân. Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi diễn ra việc mua, bán lại chứng khoán. Hình thức tổ chức của thị trường chứng khoán thứ cấp là Trung tâm giao dịch chứng khoán (sở giao dịch chứng khoán).
Lịch sử hình thành thị trường chứng khoản ở Việt Nam, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, tương tự các nước xã hội chủ nghĩa khác, Nhà nước không có chủ trương xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán. Năm 1990, Luật công ti được ban hành có các quy định về phát hành cổ phiếu, trái phiếu của Công ti cổ phần, đặt cơ sở pháp lí đầu tiên cho việc hình thành thị trường chứng khoán sơ cấp. Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11.7.1998 của Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán là văn bản pháp luật đầu tiên quy định có hệ thống về thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán đã và đang trở thành một lĩnh vực đầu tư kiếm lời đầy hứa hẹn tại Việt Nam. Dù là nhà đầu tư mới hay đã tham gia vào thị trường chứng khoán từ lâu thì việc nắm rõ những kiến thức cũng như cách đầu tư vào chứng khoán là điều hết sức cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất.
Vậy thị trường chứng khoán là gì và làm thế nào để đầu tư vào nó mà có thể sinh lời? Luật Minh khuê xin gửi đến câu trả lời cho những câu hỏi trên:
Mục Lục
1. Chứng khoán là gì?
Chứng khoán là tên gọi chung của chứng chỉ có thể chuyển đổi thành tiền, chứng khoán bao gồm các loại trái phiếu như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ…Hay đơn giản là một loại hàng hóa đặc biệt có thể thỏa thuận và thay thế được, đại diện cho một giá trị tài chính. Chứng khoán có thể là hình thức bút toàn ghi sổ, chứng chỉ hay dữ liệu điện tử.
Một người khi sở hữu chứng khoán trong tay thì có thể là chủ sở hữu một phần công ty (cổ phiếu) hoặc là chủ nợ của công ty đó (trái phiếu). Chứng khoán được phát hành để huy động vốn cho doanh nghiệp và chính phủ và toàn bộ các dữ liệu giao dịch chứng khoán được lưu lại tại Trung tâm lưu ký Chứng Khoán Việt Nam do nhà nước quản lý.
2. Thị trường chứng khoán là gì ?
Thị trường chứng khoán hay sàn chứng khoán là nơi phát hành giao dịch mua bán, trao đổi các loại cổ phiếu chứng khoán và được thực hiện chủ yếu tại sở giao dịch chứng khoán hoặc thông qua các công ty môi giới chứng khoán.
Thị trường chứng khoán được chia thành 2 loại đó là thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp là nơi cổ phiếu lần đầu phát hành từ công ty để hút một nguồn vốn đầu tư, điều này giúp họ có thể huy động một số vốn trên thị trường chứng khoán. Phần lớn những người mua trên thị trường sơ cấp là các tổ chức lớn hay quỹ đầu tư.
Với thị trường chứng khoán thứ cấp, cổ phiếu được mua bán lại sau khi phát hành sơ cấp. Người mua tại thị trường sơ cấp sẽ tiến hành mua bán đối với các nhà đầu tư chứng khoán khác trên thị trường. Chính vì thế sẽ không có tiền mới được sinh ra mà chỉ là thay đổi quyền sở hữu cổ phiếu giữa người mua và bán. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia giao dịch chứng khoán
Ví dụ: Nếu đầu tư mua cổ phiếu VNM (Vinamilk) với giá 50.000đ/CP. Cổ phiếu đó tăng giá lên 70.000đ/CP. Vậy bạn có lợi nhuận là 20.000đ/CP. Tương tự như vậy nếu bạn mua nhiều cổ phiếu hơn. Ví dụ bạn mua 100 cổ phiếu, bạn sẽ có 2.000.000đ lợi nhuận.
3. Có nên đầu tư vào thị trường chứng khoán hay không?
Trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay, đầu tư vào chứng khoán để sinh lời không xa lạ đối với nhiều người. Một số ý kiến cho rằng đầu tư chứng khoán là một nguồn thu nhập thụ động – không phải làm gì nhiều mà vẫn có tiền. Quan điểm đó thật sự là sai lầm bởi việc đầu tư yêu cầu thời gian để quan sát, tìm hiểu và học hỏi về chứng khoán mới có thể tham gia vào thị trường này.
Nhưng thay bằng việc có một khoản tiền tiết kiệm mang đi gửi ngân hàng với lãi suất khoảng 6 – 7%/năm thì kênh đầu tư chứng khoán có thể sẽ giúp bạn nhận được mức lãi suất cao hơn rất nhiều. Rất nhiều chuyên gia tài chính đánh giá chứng khoán là một kênh đầu tư tốt và hiệu quả. Không cần có vài trăm triệu hay cả tỷ đồng mới có thể đi đầu tư như bất động sản, chỉ cần vài triệu trong tay là chúng ta đã có thể đi đầu tư vào chứng khoán. Việc lãi lỗ cũng được tính toán rất rõ ràng, nhanh chóng và thuận tiện. Việc mua vào bán ra trên thị trường chứng khoán rất dễ dàng, không mất quá nhiều thời gian, tính thanh khoản rất cao.
Bên cạnh đó, các sàn chứng khoán ở Việt Nam luôn được quản lý chặt chẽ và minh bạch bởi nhiều cơ quan chức năng và các thành viên thị trường. Bởi vậy, giữa rất nhiều các kênh đầu tư hiện nay, đầu tư vào chứng khoán luôn là một kênh tốt, hiệu quả.
Những lưu ý khi tham gia vào thị trường chứng khoán:
– Trước khi muốn đầu tư vào chứng khoán, điều đầu tiên cần làm đó là trau dồi kiến thức thật kỹ càng, thường xuyên đọc các báo cáo về tài chính, cách phân tích tình hình kinh tế vi mô và vĩ mô…
– Sau khi có vốn kiến thức, cần xác định loại hình đầu tư chứng khoán mà bạn đang hướng đến. Nếu thận trọng, muốn có thêm thu nhập chắc chắn hơn thì chứng chỉ quỹ hay trái phiếu sẽ là loại hình được ưu tiên. Ngược lại, với những người thích rủi ro nhưng có thể kiếm lãi nhiều hơn thì có thể lựa chọn cổ phiếu.
– Cần xác định rõ về số tiền có thể đầu tư, phân bổ danh sách sao cho hợp lý nhất
– Với những người chưa có đủ tự tin thì nên chọn cho mình một nhà môi giới chứng khoán giỏi và có uy tín
– Trong quá trình giao dịch cần bám theo sát xu hướng, cập nhật liên tục những tin tức về thị trường để có thể phân tích và chọn lựa một cách chính xác.
– Sẵn sàng cắt lỗ khi cần để đảm bảo nguồn vốn tránh xa sa đà vào giao dịch khi đang ở trạng thái hoang mang.
4. Đặc điểm của thị trường chứng khoán
– Được đặc trưng bởi hình thức tài chính trực tiếp và người cần vốn, người cung cấp vốn đều trực tiếp tham gia vào thị trường và giữa họ không có trung gian tài chính.
– Đặc điểm của thị trường chứng khoán cơ bản là một thị trường liên tục. Sau khi các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Nó có thể được mua đi bán lại nhiều lần ở thị trường thứ cấp. Thị trường chứng khoán đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể chuyển chứng khoán của họ thành tiền mặt bất cứ lúc nào mà họ muốn.
– Là một thị trường gần với Thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Mọi người tự do tham gia vào thị trường. Không hề có sự áp đặt giá cả trên thị trường chứng khoán. Giá cả ở đây được hình thành dựa trên quan hệ cung và cầu giữa người bán, người mua.
– Đặc điểm giao dịch công khai giúp cho thị trường chứng khoán duy trì tính minh bạch trong giao dịch tài chính. Vì tính minh bạch nên những người tham gia đều nắm được thông tin về giá cả cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường. Và những người tham gia có thể truy cập vào những thông tin tương tự giúp cho họ có thể giao dịch tự do, hiệu quả.
– Khả năng thanh khoản là một trong những đặc điểm của thị trường chứng khoán, tạo nên sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư. Việc kinh doanh tự do và minh bạch diễn ra trên thị trường chứng khoán dựa trên nguồn cung – cầu. Bằng cách này, thì các nhà đầu tư có thể chuyển đổi những cổ phần họ sở hữu thành tiền mặt, cũng như các loại chứng khoán khác khi họ muốn thông qua cơ chế định giá đang được hoạt động.
5. Chức năng của thị trường chúng khoán
Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán được các công ty phát hành. Lúc đó số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó góp phần mở rộng sản xuất. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư cho công ty. Thị trường chứng khoán đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân hiện nay. Thông qua đặc điểm của thị trường chứng khoán, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được nguồn vốn cho mục đích sử dụng, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế nhằm phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.
Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
TTCK tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh cùng với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất và thời hạn, độ rủi ro và cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho các loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu, sở thích của mình. Chính vì vậy, TTCK góp phần đáng kể trong việc làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Nhờ có TTCK mà nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hay các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản là một trong những đặc điểm hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy được tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. TTCK hoạt động càng năng động, và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán được giao dịch trên thị trường.
Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua những đặc điểm của thị trường chứng khoán về giá chứng khoán và hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp, chính xác, giúp cho việc đánh giá, so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện. Từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén, chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng và nền kinh tế tăng trưởng. Và ngược lại giá chứng khoán giảm cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, TTCK được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và cũng là một công cụ quan trọng nhằm giúp chính phủ thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua, bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách và biện pháp tác động vào TTCK. Nhằm định hướng đầu tư bảo đảm sự phát triển cân đối của nền kinh tế.
Trên đây là bài viết tham khảocủa Luật Minh Khuê . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.6162 hoặc email để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.