Thêm thuận lợi cho “ngành công nghiệp không khói”
(GLO)- Luật Du lịch 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 với nhiều nội dung mới, một số khái niệm được bổ sung và nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và du khách.
Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: Luật Du lịch 2017 đã rút gọn xuống còn 9 chương, 78 điều với nhiều nội dung được điều chỉnh trên tinh thần lấy du khách là trung tâm của hoạt động du lịch. “Những nội dung sửa đổi của Luật Du lịch 2017 phù hợp với thực tế và tinh thần Nghị quyết 08 Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc áp dụng luật này vào thực tế cần chờ thêm thông tư hướng dẫn nhưng có thể khẳng định, Luật Du lịch 2017 đã mở ra những kỳ vọng cho ngành du lịch khi tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp và người lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch”-ông Phan Xuân Vũ nói.
Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Ảnh: internet
Cùng với những nội dung mới liên quan đến con người, ông Vũ cho biết, Luật Du lịch sửa đổi cũng quy định trách nhiệm, vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch nhằm đảm bảo trật tự, tính chuyên nghiệp của hoạt động du lịch. Một số nội dung mới trong Luật Du lịch 2017 có thể kể đến đó là các chính sách phát triển du lịch, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc huy động nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xác định vai trò quan trọng và sự đóng góp của cộng đồng trong phát triển du lịch, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng…
Sau khi Luật Du lịch chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ các phòng, ban chuyên môn tham gia lớp tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp, người lao động khi áp dụng luật vào thực tế hoạt động tại địa phương. Trao đổi với P.V, bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã thông tin những nội dung mới nhất của luật này: So với Luật Du lịch 2005, luật mới sửa đổi quy định rõ các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động du lịch như: phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là điểm nổi bật, xuyên suốt của Luật Du lịch 2017, đó là lấy du khách làm trung tâm, đảm bảo lợi ích của họ trong mọi hoạt động du lịch.
Một số nội dung mới trong Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ hơn về điều kiện công nhận điểm và khu du lịch, trong đó, điều kiện công nhận khu du lịch nhấn mạnh đến “dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch”. Về công nhận điểm du lịch, không phân loại điểm du lịch quốc gia và điểm du lịch địa phương như luật cũ, UBND tỉnh là cấp quyết định công nhận điểm du lịch trong nội dung luật mới sửa đổi. Về lĩnh vực lữ hành có điểm khác hơn Luật Du lịch cũ là quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động kinh doanh; thể hiện rõ nhất trong việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa (Luật Du lịch 2005 chỉ quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế). Theo ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt, quy định này là cần thiết để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp lữ hành.
Một điểm mới đáng chú ý trong Luật Du lịch 2017 là thời hạn cấp đổi thẻ hướng dẫn viên (HDV) tăng lên thành 5 năm (luật cũ là 3 năm), tạo thuận lợi hơn cho HDV. Tuy nhiên, một số nội dung về điều kiện hành nghề, cấp giấy phép hành nghề đối với lực lượng này thì lại được siết chặt. Với những quy định mới này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ thấy được lợi ích khi quản lý HDV theo quy định của Luật Du lịch năm 2017 như sẽ có đầy đủ thông tin về HDV, nắm rõ trình độ nghiệp vụ của HDV, lựa chọn HDV phù hợp với đối tượng khách, đảm bảo chất lượng tour và uy tín của doanh nghiệp.