‘Thể thao Việt xem nhẹ môn cầu lông’

Ở tuổi 38, tay vợt Nguyễn Tiến Minh của Việt Nam vẫn phải chinh chiến ở Olympic.

Trong nhiều tháng qua, tôi xem nhiều giải cầu lông quốc tế ở Nhật Bản , Đan Mạch, Pháp, Indonesia và nhận thấy có nhiều tay vợt đến từ Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore… rất mạnh.

– Chẳng hạn về thứ hạng cầu lông đơn nam thế giới thì Malaysia có các tay vợt xếp hạng 2 và hạng 11 thế giới, Thái Lan có hạng 8 và 18, Singapore có hạng 10, Indonesia có hạng 13 và 15.

– Cầu lông đơn nữ thế giới, Thái Lan có các tay vợt xếp hạng 1, 4, 6, 7 và 14 thế giới; Singapore có hạng 9; Indo có hạng 16.

– Cầu lông đôi nam thế giới, Indonesia có các đôi vợt xếp hạng 1, 6, 7, 11, 13, 14 và 16 thế giới, Malaysia có hạng 4, 8 và 15.

>> ‘Thể thao Việt đứng top SEA Games, trầy trật Olympic’

– Cầu lông đôi nữ thế giới, Thái Lan có các đôi vợt xếp hạng 1, 8 và 15; Malaysia có hạng 5; Indonesia có hạng 10, 13 và 18.

– Tại Olympic Tokyo 2020, môn cầu lông, Indonesia đạt HCV đôi nữ và HCĐ đơn nam, Malaysia đạt HCĐ đôi nam.

Nguyễn Tiến Minh là tay vợt đơn nam số 1 Việt Nam, nay đã 38 tuổi và xếp hạng ngoài top 100 thế giới. Anh vẫn phải chinh chiến ở Olympic Tokyo rồi WBF World Championship mà không có huấn luyện viên nào cho mình.

Anh đành nhờ vợ, cũng là vận động viên cầu lông, dự khán các trận đấu của anh và góp ý như HLV. Những thất bại dễ dàng là tất yếu.

>> Thể thao Việt Nam thụt lùi sau thất bại ở Olympic 2020

Đã từng có thời điểm, Nguyễn Tiến Minh đứng top 4 thế giới. Nhưng đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước. Suốt cả quãng thời gian đó, cầu lông Việt Nam không có ai đủ sức thay thế hoặc tiệm cận vị trí của Tiến Minh. Để cho đến nay, vận động viên 38 tuổi vẫn còn đi chinh chiến các giải và tất nhiên, thành tích không thể cao vì yếu tố tuổi tác.

Thể thao Việt Nam đã từng đầu tư rất nhiều vào môn Taekwondo và đã có thời gian Taekwondo Việt Nam là số một Đông Nam Á, cũng như từng đạt HCB Taekwondo thế giới. Nhưng nay Taekwondo Thái Lan đã qua mặt.

Rồi môn bơi lội, đã từng đầu tư lớn đưa Ánh Viên và HLV sang tận Mỹ một số lần. Nhưng kết quả là đoạt nhiều HCV Đông Nam Á còn so với thế giới thì bơi lội Việt Nam quá bé bỏng. Môn bóng đá cũng được đầu tư rất nhiều để xưng vương ở Đông Nam Á và vẫn ở đẳng cấp thấp trong bóng đá thế giới.

Niềm hy vọng Tiến Minh có thể đã mở ra cơ hội để phát triển cầu lông Việt Nam. Nhưng rõ ràng, cầu lông không những không tiến bước mà ngày càng thụt lùi. Câu chuyện Tiến Minh nói riêng và những bộ môn ít được quan tâm nói chung cho thấy chúng ta không có sự đầu tư thể thao chuyên nghiệp. Hầu như thể thao Việt Nam chỉ trông chờ vào sự tỏa sáng của các cá nhân, tại một thời điểm nào đó. Khi vận động viên quá tuổi, cả bộ môn đó cũng từ từ bị lãng quên. Chúng ta không có thế hệ kế cận đủ tốt để tạo thành một “thế lực”, làm gốc phát triển trong tương lai.

Truong Hao

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.