Thế nào là ‘tiết kiệm’ và ‘tiết kiệm điện’

Khái niệm “tiết kiệm” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không nên nghĩ một cách đơn giản “tiết kiệm” là phải giảm tiền trong hoá đơn điện. Tiết kiệm cho gia đình hay quốc gia, đó cũng là tiết kiệm. Giảm dòng điện lãng phí là giảm được chi phí đầu tư ban đầu, hoặc tăng độ bền cho hệ thống…

Người gửi: Trần Đình Hiệp, 222.252.244.45
Gửi tới: Ban Khoa học
Tiêu đề: Thế nào là “tiết kiệm” và “tiết kiệm điện”

Đối với điện dân dụng, cần phân biệt rõ các khái niệm: Thiết bị tiêu thụ ít điện, Thiết bị hỗ trợ việc tiết kiệm điện (tên do tôi đặt) và Thiết bị tiết kiệm điện (tạm gọi).

a. Thiết bị tiêu thụ ít điện: Khái niệm này thì mọi người đều dễ hiểu, thí dụ như: bóng compact, chấn lưu điện tử, màn hình LCD…

b. Thiết bị hỗ trợ việc tiết kiệm điện có thể được hiểu như sau: những thiết bị cùng chức năng nhưng làm việc ở những vị trí khác nhau nên cần những chế độ vận hành khác nhau, và đảm nhận chức năng vận hành đó là do một thiết bị gắn kèm. Thí dụ chiếc máy lạnh làm việc ở phòng mổ hoặc phòng hồi sức, nó cứ “thấy” nhiệt độ môi trường tăng quá mức cài đặt thì nó phải chạy chế độ làm mát và khi hạ đủ nhiệt độ cần thiết, nó chỉ chạy chế độ quạt để lưu thông không khí và luôn luôn như thế (ở chế độ quạt, đương nhiên mức tiêu thụ điện là ít hơn). Nhưng chiếc máy đó khi lắp đặt ở nhà dân, một số người nghĩ rằng, chỉ cần nó chạy khi trời nóng, còn về đêm khuya khi mọi người đã ngủ say, nhiệt độ bên ngoài giảm thì chẳng cần làm lạnh nữa (hoặc chỉ thỉnh thoảng làm lạnh chút xíu thôi), mà chỉ cần quạt là đủ. Vậy là người ta chế ra một bộ điều khiển, cài đặt và cứ đến giờ đó là nó làm chức năng như thế và có người đã đặt cho nó tên gọi là bộ “Thiết bị tiết kiệm điện thông minh dùng cho máy lạnh”, và quảng cáo là có thể tiết kiệm lên đến đến 50% (?). (Đã tắt máy mà còn gọi là tiết kiệm điện?!).

Những thiết bị như thế sớm muộn cũng bị đào thải vì không ai có máy lạnh mà muốn ngủ nóng cả (ai bảo đảm rằng, sau 24h vào mùa hè, nhiệt độ trong phòng kín là không đến 26-27 độ C?). Quý vị nào có máy mới, xin đừng lắp thêm vào vì nó can thiệp đến bộ xử lý điều khiển của máy, chẳng ai bảo hành cho sản phẩm đó cả. Nếu muốn một chế độ như vậy, quý vị có thể làm theo cách thứ 2: hẹn giờ tắt của máy lạnh (máy nào chẳng có), mua một bộ hẹn giờ mở dành cho quạt máy, thế là xong.

c. Thiết bị tiết kiệm điện: Nó cũng là một thiết bị gắn kèm nhưng có chức năng khác b. Phần lớn các động cơ dân dụng (có trong máy giặt, máy lạnh, quạt điện…) hiện nay đều bị buộc chạy ở chế độ điện áp (dao động nhỏ) và tần số cố định (220V/50Hz), trong khi tải luôn thay đổi, dẫn đến tổn thất điện năng trong động cơ. Điều đó khiến nhiều người nghiên cứu thiết bị có thể cải thiện được tình trạng này và thực tế là làm được (thông qua DSP và IGBT). Tôi dự đoán chỉ khoảng vài năm nữa sẽ có đại trà những chiếc tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, thậm chí quạt điện cũng sẽ được tích hợp cụm này. Nhưng còn nhiều thiết bị đã sản xuất trước đây thì sao, đây là một vấn đề khó giải quyết triệt để vì mỗi động cơ đều phải gắn một bộ điều khiển và đôi khi giá một bộ như vậy hiện nay còn đắt hơn cả thiết bị (ví dụ như chiếc quạt điện).

Khái niệm “tiết kiệm” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không nên nghĩ một cách đơn giản “tiết kiệm” là phải giảm tiền trong hoá đơn điện (dù đó là tiêu chí quan trọng). Tiết kiệm cho gia đình hay quốc gia, đó cũng là tiết kiệm. Giảm dòng điện lãng phí là giảm được chi phí đầu tư ban đầu (do giảm tiết diện dây dẫn, các thiết bị đóng cắt cần trị số vừa phải…), hoặc tăng độ bền cho hệ thống (nếu đã có sẵn)… Trong ví dụ 1 (nói về ổn áp nhà tôi), thực ra tôi đâu có tiết kiệm gì, chẳng qua là do lắp thêm ổn áp để điện áp nhà tôi về đúng điện áp cần thiết (220V). Còn lý do tại sao điện quá áp lớn vậy thì trong nhiều lý do, có một lý do quan trọng đó là do ngành chức năng dự kiến sự gia tăng phụ tải, cộng thêm công suất phản kháng… gây sụt áp (các máy biến áp hạ thế ghi kVA chứ đâu có ghi kW), nhà tôi có 238V thì nhà cuối nguồn may lắm mới là 220V.

Điện lực chỉ tính điện trên công suất tiêu thụ (kW), nhưng trong đơn giá đó là tổng cộng của nhiều khoản, để mang cho người tiêu dùng 1 kW điện, Điện lực phải sản xuất ít nhất 1,12 kVA tức đơn giá đó tương ứng 1,12kVA (hao hụt đến nay được tính là 12%, tôi không tin số liệu này, cho đó là “con số thành tích” nhưng tạm chấp nhận). Vậy, nếu mọi thiết bị đều giảm dòng lãng phí + điện lực nâng cấp hệ thống giảm các thất thoát khác, tức để dùng 1kW điện, chỉ cần một công suất 1,08kVA (Thái Lan chỉ cần 1,05KVA) thì rõ ràng đơn giá điện sẽ giảm.

Theo số liệu từ EVN (http://www.evn.com.vn/) sản lượng điện cung cấp cho Quản lý -tiêu dùng dân cư chiếm 42,16% tổng sản lượng điện quốc gia. Vậy mà việc quản lý công suất phản kháng của đối tượng khách hàng này không được quan tâm hay nói rõ hơn, nó được thả lỏng hoàn toàn.

Điều khiển động cơ điện với biến tần, thông qua DSP (bộ xử lý tín hiệu) và các IGBT, nôm na là biến đổi dòng điện xoay chiều hình sin ở tần số 50Hz thành dòng xoay chiều có tần số khác. Tuỳ theo mức độ tải, DSP có thể thực hiện việc điều khiển: tần số, điện áp, dòng điện, góc pha để đảm bảo tốc độ quay và Momen quay của động cơ hạn chế những tổn thất khi động cơ làm việc ở chế độ không tải hoặc non tải. Đây là một trong những ứng dụng quan trọng của mạch biến tần và là một trong những công nghệ được đánh giá cao về tính hiệu quả trong thập kỷ qua. Công nghệ này được đánh giá là “một trong những công nghệ làm thay đổi bộ mặt của hệ thống đo lường và điều khiển” của thế giới. Một số hãng sản xuất như Lenze, Toshiba, Mithsubishi, Nord Reducteur, GE Power Control, Schneider, Siemens, Ranfos, Erotherm, Vitesse variable, Rockwell Automation, Alstontenze, Le Roy Somer, Hitachi, GE Power Control, Fuji, Hitachi… thì có thể tin tưởng. Những hãng khác, kể cả Việt Nam cũng nên xem xét lại trừ khi nhập linh kiện từ những nguồn uy tín về lắp ráp. Tuy nhiên, theo tôi biết, giá những thiết bị này chưa được rẻ trong khi mỗi động cơ phải cần một bộ, và không phải động cơ của thiết bị nào cũng áp dụng được, nhất là trong các dây chuyền sản xuất tự động thì mức độ áp dụng lại còn hạn chế hơn.

Thực tế, khi có “hàng thật” thì tức có “hàng giả”, khi có hàng “chất lượng cao” tức có hàng “chất lượng thấp”. Tôi được biết có sự việc truyền hình và báo chí cũng đã lên tiếng. Và khi mọi chuyện chưa tỏ tường, thì đôi khi chính anh hàng thật, hàng chất lượng cao lại bị vạ lây vì bán chẳng ai mua (người ta cứ xem như lừa). Tôi chưa thấy thiết bị này nhưng thử phân tích (từ bài báo trên).

Thiết bị này xuất hiện khi dư luận đang nóng về vấn đề tăng giá điện, người mua mất bình tĩnh khi đi mua, người mua không hoặc ít hiểu biết về điện, lòng tham của con người (nó tiết kiệm điện hay ăn cắp điện thì đều mua !?). Do đó, người mua mờ mắt và khi nhìn thấy chiếc đồng hồ chạy chậm lại thì người mua xem như đã bị chinh phục. Vấn đề người mua thấy rõ ràng đồng hồ chạy chậm lại khi người bán cắm thêm cục Tiết kiệm điện thì sao? Do người mua đã không hiểu về điện lại thêm những yếu tố tâm lý tác động nên người mua không thể phân biệt được đó là cái đồng hồ gì. Thực ra, người bán đã dùng một đồng hồ (công tơ) điện nhưng là loại “đồng hồ vô công” (đơn vị đo là kVARh), chứ không phải dùng “đồng hồ hữu công” (đơn vị đo là kWh) để biểu diễn cho khách hàng. Loại đồng hồ này thường được lắp ở các nhà máy để ngành điện theo dõi công suất phản kháng để có biện pháp xử lý, xử phạt khách hàng mua điện. Loại đồng hồ này bình thường không chạy khi tải thuần trở (như bóng đèn sợi đốt), nhưng lại chạy khi dùng một bộ đèn huỳnh quang chấn lưu sắt từ. Do đó, khi lắp thêm một tụ điện được nguỵ trang trong một hộp kín thì đồng hồ chạy chậm lại do đã giảm đi phần nào công suất phản kháng. Vậy thì nó vẫn tiết kiệm đấy chứ, nhưng là tiết kiệm cho ngành điện, cho quốc gia và vậy thì lỗi do người mua không hiểu biết hay lỗi do người bán không hướng dẫn đây? Và yếu tố “lừa” nên xem xét ở góc độ nào?
Và xin hỏi quý vị, nếu gọi đó là “thiết bị tiết kiệm điện cho quốc gia” thì quý vị nghĩ sao?

Còn bạn nghĩ sao?