Thế nào là lương khoán?

Bảo Hân (T/H)

  –  

Thứ ba, 25/10/2022 17:00 (GMT+7)

Bạn đọc Vân Anh (Thái Bình) hỏi: Bên cạnh các hình thức trả lương theo tuần, tháng, theo sản phẩm… thì lương khoán cũng là một hình thức trả lương được sử dụng. Vậy lương khoán được hiểu như thế nào?

Hiện nay, không có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về khái niệm lương khoán là gì. Tuy nhiên, tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn đều đã đề cập tới cụm từ lương khoán trong các điều khoản quy định về hình thức trả lương.

Lương khoán được hiểu một cách đơn giản rằng đó là một hình thức trả lương căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành được người sử dụng lao động vận dụng để tính toán và trả tiền lương cho người lao động để họ thực hiện công việc.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động được thỏa thuận với nhau để lựa chọn hình thức trả lương: Theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

Do đó, người sử dụng lao động có thể đề nghị trả lương khoán nhưng vẫn cần có sự đồng ý từ phía người lao động.

Về bản chất thì lương khoán chính là người lao động sẽ nhận được tiền lương dựa trên mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao. Trường hợp hoàn thành hết trong thời gian thỏa thuận thì người lao động sẽ được nhận mức lương tối đa, đầy đủ theo thảo thuận.

Đối với quy định về hình thức trả lương khoán thì tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 2 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CPcó quy định rằng lương khoán sẽ được trả theo 2 hình thức:

– Bằng tiền mặt.

– Trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.

Trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp phải tự trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản cho người lao động và phí chuyển tiền lương.

Công thức tính lương khoán có thể tham khảo: Tiền lương = Mức lương khoán x Tỷ lệ % hoàn thành công việc.