Thế giới thứ hai tồn tại hay không tồn tại?
Tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến cho người ta vừa thích vừa sợ, đan xen với cảm giác hồi hộp, tò mò, và với người nghệ sĩ điều đó càng được trân trọng. Những câu chuyện phủ đầy màu sắc tâm linh khi một diễn viên, một đoàn nghệ thuật được làm về một nhân vật có thật trong lịch sử, màu sắc ấy càng hiển hiện một cách dữ dội, và mạnh mẽ đến độ giới nghệ sĩ truyền tụng và rỉ tai nhau mỗi ngày. Những câu chuyện kì bí, khiến cho người ta không thể lí giải thực chất có tồn tại một thế giới song hành hay không?! Hãy gặp những nghệ sĩ tên tuổi và uy tín để cùng cắt nghĩa vấn đề này.
Danh hài, NSƯT Minh Vượng kể chị với NSND Lê Hùng là hai người bạn rất thân. Một lần đạo diễn Lê Hùng trầm tư nói, lần đầu tiên ông được làm tổng đạo diễn cho chương trình làm lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ ở dòng sông Thạch Hãn, lễ cầu siêu có hoa, có nến, có múa và hát. Buổi lễ kết thúc, đêm về ông nằm mơ thấy nhiều chiến sĩ hiện lên nói không có chỗ để các chiến sĩ ngồi. Đến lần thứ hai được mời như lần trước, nhớ lại giấc mơ khi trước, ông đã dựng một dàn ghế trống, trên mỗi cái ghế có để một bông hồng trắng. Sau đợt lễ cầu siêu đó về, ông lại không mơ thấy gì nhưng quả thật vô cùng kì lạ. Ông làm cha bốn nhi nữ và lúc nào cũng mong ngóng có một cậu con trai, và quả nhiên ít lâu sau, vợ ông mang bầu và đi siêu âm bác sĩ thông báo thai nhi là một bé trai. NSND Lê Hùng tâm niệm phải chăng đấy là “món quà” của người âm phù trợ cho người dương chăng?!
Ngày NSND Lê Hùng dựng sêri Đời cười ăn khách cho Nhà hát Tuổi trẻ, có một câu chuyện khiến cho người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi vì hai diễn viên trẻ xấu số đảm nhận cùng một vai. Đó là một tiểu phẩm ngắn nói về việc lên đồng. Một nam diễn viên chọn đóng vai ông tượng đứng canh ở cửa đền. Sau một tháng công diễn bỗng nhiên đột ngột qua đời. Tiểu phẩm vẫn tiếp tục ăn khách, nên buộc ông phải chọn một nam diễn viên khác đóng thế vai ông tượng. Lần này sau hơn 1 tháng, nam diễn viên kia cũng đột ngột qua đời. Vậy là trong một thời gian ngắn, cả hai diễn viên tham gia đóng cùng một vai có cái chết một cách bí hiểm khiến cho không còn có diễn viên nào dám vào vai đấy nữa, buộc tiểu phẩm phải bỏ. Người ta đồn thổi chắc là đã “phạm vào ngài nên bị ngài quở”. Sự việc thực hư hay lí giải ra sao vẫn chưa có hồi kết. Chỉ biết rằng câu chuyện mang đầy màu sắc bí hiểm cho đến nay vẫn được tương truyền ở nhà hát.
Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Đạo diễn, NSƯT Lê Chức là cậu của ba ái nữ Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi kể lại; Sau khi đám tang của bố mình là nhà thơ Lê Đại Thanh mất, ông giữ lấy cái nhẫn của cha và hằng ngày đeo vào tay mình để dù ông đi đâu, làm gì cũng có sự hiện diện của người cha theo để phù hộ. Một lần khi còn làm giám đốc của nhà hát cải lương Trung ương, ông đi cùng đoàn lên một tỉnh miền núi ở biên giới phía Bắc. Trời lạnh, mưa gió rét mướt, đường trơn trượt, dốc thì thẳng đứng. Những nghệ sĩ của đoàn ngồi trên ô tô ai nấy cũng đều lo sợ và tưởng chừng như chỉ trong một tích tắc, xe ô tô có thể mất đà mà lao ngay xuống vực. Trong lúc nguy nan như vậy, ông nhớ đến cái nhẫn của bố mình và cầm thật chặt nó trong tay, nghĩ đến bố và cầu khấn cho bố mình phù trợ cả đoàn đi suôn sẻ. Sau lời cầu khấn thành tâm đó, xe ô tô lăn bon bon trên đường và dường như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Cũng câu chuyện tương tự như vậy, danh hài NSƯT Minh Vượng kể, một lần chị ngồi trên ô tô đi lưu diễn ở tỉnh xa. Khi ngồi ở hàng ghế sau chị nhìn ra phía trước ô tô cứ thấy bóng một người áo trắng. Khi xe ô tô đi chậm thì bóng áo trắng ấy cũng đi chậm. Khi xe ô tô đi nhanh thì bóng áo trắng ấy cũng đi nhanh. Chị đang mơ ngủ ư?! Sao cái bóng áo trắng cứ đi trước mũi xe mãi thế này. Chị liền gọi anh tài xế, anh tài xế giật mình, nói mình đang lái xe trong trạng thái ngủ gà ngủ gật. Chị bảo: “Hình như có ai đang đi theo để độ cho mình”.
NSND Lan Hương – em bé Hà Nội kể trên những chuyến đi xa về chị vẫn thường nhìn thấy bóng người áo trắng đi lại trong đêm tối gió mưa, chạy qua chạy lại trên mũi ô tô, chị vẫn thường lầm rầm khấn mong “các ngài” phù hộ cho mình đi đến nơi về đến chốn. Chị nhớ ngày kịch tác giả nổi tiếng mất có một bức ảnh của ông còn lưu giữ trong nhà hát. Một lần, đã lâu lắm, cơn mưa chiều ập đến, có cái gì đó như níu giữ chân chị lại trong căn phòng. Nữ nghệ sĩ khi đó còn rất trẻ nhìn quanh thấy bức ảnh của ông được lồng trong khung kính để gần cửa, mưa táp vào ướt hết. Chị liền đến lấy bức ảnh lên nhẹ nhàng lau và để lại bức ảnh thật ngay ngắn. Chị kể, năm ngoái Hội diễn Sân khấu toàn quốc về vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ, chị chọn dựng kịch hình thể Hồn Trương Ba da hàng thịt. Lúc tưởng chừng như muốn phát điên lên vì bí ý tưởng, chị lại lặng lẽ tìm đến mộ của nhà viết kịch nổi tiếng. Chị đã ở đó cả buổi và sau buổi hôm đó ở nghĩa trang ra về, nữ đạo diễn tự nhiên như được mở ra những hình ảnh của vở diễn hiển hiện ngay trước mắt, những ý tưởng ngập tràn cho vở kịch, chị băng băng xăng xái dựng vở.
NSND Lan Hương.
Còn nhớ cách đây không, khi ca sĩ trẻ Hoài Lâm vào vai cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang trong trích đoạn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh trong đêm thi chung kết Gương mặt thân quen. Khán giả tại trường quay và khán giả truyền hình phải gai người, không ít những giọt nước mắt vì xúc động đã nhòa lệ khi Hoài Lâm hóa thân vào nữ Anh hùng Trưng Trắc, khi chồng của bà là Tướng quân Thi Sách bị giặc bắt giữ, quyết định nổi tiếng trống trận Mê Linh để làm nên lịch sử. Vở diễn này trước ngày Việt Nam giải phóng có nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga đảm nhiệm thành công vang dội. Lần này, Hoài Lâm lại chọn trích đoạn này, nhưng, quả là thành công hơn cả mong đợi. Như có một luồng sinh khí, một sức mạnh dồi dào, chạy trong cơ thể cậu ca sĩ bé nhỏ. Trích đoạn đã khiến cho khán giả cả nước thực sự xúc động vì sự hóa thân, khi đoạn quay này được đưa lên mạng xã hội lập tức vô số comment tỏ ra khâm phục và vô cùng ngưỡng mộ ca sĩ trẻ tuổi Hoài Lâm.
Tài năng hay được phù trợ. Chắc chắn có bột mới gột nên hồ. Danh hài Hoài Linh, cha nuôi của Hoài Lâm cũng tiết lộ ngày hôm trước đêm thi, Hoài Lâm sau khi vào chùa thắp nhang cho NSND Phùng Há, anh ra mộ thắp hương cho cô chú Thanh Nga, Thanh Sang. Hoài Linh bảo anh là người tâm linh, anh tin vào những chuyện tâm linh. Khi xem Lâm diễn anh có cảm giác Lâm được các nghệ sỹ ở cõi vĩnh hằng phù hộ.
Chuyện về các đoàn làm phim, các nhà hát kịch sân khấu khi động đến đề tài lịch sử, cả đoàn đều thân chinh đến mộ thành khẩn nhang khói cho người đã khuất. Đạo diễn NSND, Lưu Trọng Ninh khi chọn diễn viên vào 10 cô gái phim Ngã ba Đồng Lộc cả đoàn làm phim đã không biết bao lần ra mộ để cầu xin, để tĩnh tâm, để lắng lòng nghe hay đơn giản được truyền cảm hứng. Sợi dây vô hình kết nối âm dương, để rồi sau đó các diễn viên như được tiếp thêm nguồn sức mạnh.
Bộ phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ được phát sóng trên truyền hình, những người tham gia bộ phim đã không ít lần về mộ của Trần Thủ Độ ở Thái Bình để diện kiến ông từ ngày đầu khởi quay cho đến ngày đóng máy. Những nhà hát nếu làm về kịch lịch sử họ đều mang hương hoa quả, làm lễ xôi gà về tận quê tận mộ để được ban phát phúc lành cho vở diễn được đúng như tính cách của nhân vật nhất.
NSND Lê Khanh kể ngày chị đóng vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng trúc của cố Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi. Chị đã ra tận mộ Lý Chiêu Hoàng và chị cứ bị ám ảnh mãi. Sinh ra trong thời khắc lịch sử và số phận không được tự mình lựa chọn và định đoạt số phận của mình, Lý Chiêu Hoàng là một nhân vật của bi kịch. Vì làm mất ngôi nên ban thờ bà không được thờ tại Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý. Nơi thờ của bà cách ngôi đền nổi tiếng 3 km. Và mộ của bà nằm hoang vu ở bãi đồng không mông quạnh. NSND Lê Khanh sau những buổi chiều tà ở mộ bà về, chị hóa thân vào nhân vật, nhập tâm đến độ khi xem người ta tưởng như Chiêu Hoàng hay Lê Khanh?, Lê Khanh hay Chiêu Hoàng?! Vở diễn thành công xuất sắc ngoài mong đợi.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vẫn được lưu truyền trong miệng tiếng của đời người và với người nghệ sĩ điều đó càng như được cẩn trọng và thành kính hơn. Kể mấy câu chuyện trên để bạn đọc tham khảo. Theo chúng tôi, cùng với yếu tố tâm linh thì lòng kính trọng, đam mê học hỏi những người đi trước đã tạo thêm động lực, sự quyết tâm để làm nên thành công cho các nghệ sĩ trong những hoàn cảnh cụ thể