Thể dục – thể thao và sức khỏe tinh thần
Thói quen rèn luyện thể chất đều đặn không chỉ giúp chúng ta thư giãn đầu óc, cải thiện trí nhớ, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, mà nó còn là liệu pháp tích cực có tác dụng chống trầm cảm, lo âu, khắc phục chứng ADHD và nhiều chứng bệnh khác liên quan đến tinh thần.
Mối liên hệ giữa các hoạt động thể chất và sức khỏe tinh thần
Các hoạt động TDTT có tác dụng cải thiện và tăng cường sức khỏe tinh thần của chúng ta thông qua nhiều cơ chế đã được khoa học chứng minh. Chúng thúc đẩy sự tiết ra endorphin – các chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng tạo nên những sự thay đổi tích cực trong não, bao gồm phát triển các tế bào thần kinh, gia giảm các hoạt động gây căng thẳng, giúp con người cảm thấy thư giãn và khỏe khoắn. Bên cạnh đó, luyện tập TDTT còn là một hoạt động ngoại khóa tích cực, giúp chúng ta có những khoảng thời gian chất lượng cho bản thân và ngăn chặn sự xâm nhập hoặc tái diễn của những dòng suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực.
Hiệu quả tương đương nhiều loại thuốc chống trầm cảm
Đối với chứng trầm cảm và chứng rối loạn lo âu:
Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng các hoạt động TDTT có tác dụng khắc phục chứng trầm cảm với hiệu quả tương đương nhiều loại thuốc chống trầm cảm chuyên dụng mà không kèm tác dụng phụ. Không những giúp người bị trầm cảm mau hết bệnh, việc duy trì thói quen luyện tập đều đặn còn giúp họ loại bỏ nguy cơ tái phát. Bên cạnh tác dụng chống trầm cảm, công trình nghiên cứu của Byrne và cộng sự đăng trên tạp chí Journal of Psychosomatic Research năm 1993 còn khám phá ra rằng thói quen rèn luyện thể chất là một liệu pháp tự nhiên và hiệu quả để chống stress và lo âu. Sự tiết ra các endorphin giúp bạn thư giãn đầu óc, hồi phục năng lượng và cải thiện sức khỏe toàn diện.
Đối với chứng ADHD:
Luyện tập TDTT chính là một trong những cách thức đơn giản và hiệu quả nhất để khắc phục các triệu chứng của chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), giúp cải thiện khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ và tâm trạng của người bệnh. Các hoạt động thể chất giúp làm tăng quá trình tiết ra dopamine, norepinephrine và serotonin – các chất hóa học trong não có tác dụng tăng cường khả năng tập trung và chú ý của con người.
Đối với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và các chấn thương tâm lý khác:
Các nhà khoa học khám phá ra rằng, bằng cách tập trung vào cơ thể của mình mỗi khi luyện tập, chúng ta kỳ thực đang giải phóng hệ thần kinh của bản thân khỏi tác động gây tê liệt của PTSD và các chấn thương tâm lý. Các hoạt động TDTT đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao độ vào các khớp và cơ bắp của mình để thực hiện cho đúng và an toàn, giúp tâm trí chúng ta không bị xâm lấn bởi những suy nghĩ tiêu cực. Những động tác TDTT cần đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân – như: đi bộ trên cát, chạy bộ, bơi lội, tập gym, tập tạ hoặc khiêu vũ – chính là những sự lựa chọn lý tưởng.
Bên cạnh các môn thể thao trong nhà, các môn thể thao ngoài trời như leo núi, chèo thuyền và trượt tuyết cũng là những hoạt động thể chất đã được giới khoa học chứng minh là phát huy hiệu quả trong việc làm thuyên giảm các triệu chứng của PTSD.
Những lợi ích hàng ngày của thói quen rèn luyện thể chất đối với sức khỏe tinh thần
Trong cuộc sống hàng ngày, việc rèn luyện thể chất còn giúp chúng ta:
Nâng cao khả năng ghi nhớ và tư duy: các endorphin được tiết ra trong não giúp chúng ta tập trung tốt hơn và tư duy hiệu quả hơn trong mọi công việc được giao. Các hoạt động TDTT kích thích sự tăng trưởng các tế bào não mới và làm chậm quá trình lão hóa, giúp chúng ta duy trì được sự trẻ trung và khỏe khoắn.
Endorphin được tiết ra trong não giúp chúng ta tập trung tốt hơn và tư duy hiệu quả hơn trong mọi công việc được giao.
Nâng cao sự tự tin: khi việc luyện tập TDTT trở thành một thói quen, nó không chỉ giúp bạn cải thiện ngoại hình hay hình thể của chính mình, mà từ đó, bạn cảm thấy khỏe mạnh, dẻo dai và căng tràn sức sống hơn. Chính những điều này sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin vào bản thân.
Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: việc vận động cơ thể đều đặn vào buổi sáng hoặc buổi chiều trong ngày giúp bạn dễ ngủ ngon và điều chỉnh thói quen ngủ nghỉ của mình một cách hiệu quả hơn. Nếu bạn thích tập luyện vào buổi tối, các môn thể thao có tính chất thư giãn như yoga hoặc vài động tác thể dục nhẹ nhàng sẽ rất tốt cho giấc ngủ của bạn.
Rèn luyện bản lĩnh và nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể: thông qua việc chinh phục từng mục tiêu nhỏ trong quá trình luyện tập, TDTT giúp chúng ta rèn luyện khả năng đối diện và vượt qua những tình huống khó khăn của cuộc sống một cách hiệu quả và lành mạnh. Nhờ đó, chúng ta tránh xa những cách thức tiêu cực để đối mặt với áp lực cuộc sống như lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng thói quen rèn luyện thể chất còn giúp con người tăng cường hiệu quả hoạt động hệ miễn dịch và có sức đề kháng tốt hơn với bệnh tật.
Rèn luyện thể chất bao nhiêu là đủ?
Bạn không cần phải là một vận động viên chuyên nghiệp để gặt hái được những lợi ích thiết thực từ các hoạt động thể dục thể thao. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng chỉ cần vài phút luyện tập mỗi ngày là đủ để tạo nên sự khác biệt tích cực cho cơ thể chúng ta. Theo các nhà khoa học Úc, mỗi người lớn nên tham gia các hoạt động thể chất ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần. Hãy kết hợp việc luyện tập với một chế độ ăn lành mạnh để đảm bảo hiệu quả cao nhất cho cơ thể bạn. Hãy dành ra những khoảng thời gian chất lượng để vận động cơ thể và chơi thể thao – vì như các nhà khoa học đã khẳng định, thói quen rèn luyện thể chất đều đặn chính là một sự đầu tư thông minh và dài lâu cho toàn bộ cơ thể, trí óc và tâm hồn của chúng ta!