Thay đổi để phù hợp với tình hình mới, tiếp tục nâng tầm chất lượng ngành giáo dục đào tạo thành phố Huế
Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật đặt vấn đề: Ngành GD&ĐT TP Huế cần xác định rõ, giáo dục đóng góp gì vào việc thực hiện Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; trong việc triển khai Chỉ thị 05/2021 của Thành ủy Huế về việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục, tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo…
Theo Phòng Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) TP Huế, Thành phố đã giải quyết ngay các vấn đề cấp bách để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới này. Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành giáo dục đào tạo thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định. Khi thành phố Huế được mở rộng theo Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội từ ngày 1/7/2021, Phòng giáo dục đào tạo thành phố Huế đang quản lý 162 đơn vị trường học, so với 105 trường học khi chưa mở rộng. Cụ thể, có 67 trường Mầm non, 57 trường Tiểu học, 36 trường Trung học cơ sở…
Được sự quan tâm, nhiều trường học ở thành phố Huế được đầu tư xây dựng mới nhiều phòng học, phòng chức năng và nhà đa năng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Các tiêu chí hiện có như: 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% trẻ các trường công lập và tư thục được kiểm tra sức khỏe, cân, đo, theo dõi biểu đồ tăng trưởng đúng quy định. Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Thành phố Huế chú trọng giáo dục lối sống, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh bằng nhiều hoạt động thực tế – Ảnh chụp trước khi có dịch Covid-19
Về chất lượng giáo dục phổ thông, chất lượng đại trà của Tiểu học và THCS khá vững chắc. Giáo dục lối sống, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ lên lớp được quan tâm hàng đầu. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đạt nhiều thành tích cao. Tỉ lệ học sinh yếu kém, bỏ học giảm. 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt trên 99%. Đặc biệt, thành phố Huế cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, Ngoại ngữ. Ngoài ra, quan tâm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật.
Hiện nay, thành phố Huế có 66 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 62,9%) nhờ tập trung nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hướng tới mục tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn mầm non 96,74%, tiểu học 90,22%, THCS 96,21%.
Nhìn chung, quy mô trường lớp, học sinh của thành phố Huế được củng cố và phát triển. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh ngày càng tốt hơn, chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm đẩy mạnh. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, phổ cập giáo dục – xóa mù chữ tiếp tục đạt chỉ tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ giáo viên vững vàng về chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đảm bảo và tăng cường, cảnh quan môi trường học đường ngày càng xanh – sạch – đẹp – an toàn. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Đặc biệt, thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý.
Tại buổi làm việc, các Hiệu trưởng cho biết, khi “sáp nhập”, trở thành trường học của thành phố Huế từ ngày 1/7/2021 theo Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, các trường nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố, Phòng Giáo dục TP. Các trường cũng đã chuẩn bị các cơ sở vật chất để có thể học online nếu trong tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, nêu các khó khăn hiện có về cơ sở vật chất trường học, tiêm vaccine phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên. Một số trường còn thiếu giáo viên. Các Hiệu trưởng mong lãnh đạo TP Huế tiếp tục có sự quan tâm đến các trường, nhất là ở các địa phương vừa sáp nhập, nâng cao chất lượng để thực sự “hòa nhập” với “ngôi nhà chung” thành phố Huế với giáo dục chất lượng cao…
Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật đề nghị ngành giáo dục đào tạo Thành phố, các cơ sở giáo dục thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành phù hợp với tình hình mới, nhất là người đứng đầu các trường học. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có). Các đơn vị, các trường chú trọng triển khai Đề án đổi mới giáo dục của TP Huế. Đẩy mạnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng “mềm” cho học sinh thành phố, có thể thông qua hoạt động du lịch, trải nghiệm để học sinh vừa rèn luyện ngoại ngữ và am hiểu thêm về lịch sử, di tích của Huế. Nâng cao hiệu quả công trình nhà vệ sinh, nước sạch trường học.
Các trường học ở thành phố Huế chú trọng công tác phòng chống dịch Covid-19
Về nhu cầu cơ sở vật chất cho trường học là rất lớn, thành phố Huế có kế hoạch cụ thể, đầu tư cho các trường theo lộ trình, thành phố Huế dành sự quan tâm lớn cho ngành giáo dục. Sẽ có sự điều chỉnh số lượng giáo viên giữa các đơn vị cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, thành phố Huế sẽ có phương án cụ thể cho ngày khai giảng năm học mới. Chú trọng phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Tập trung nguồn lực ưu tiên cho thành phố Huế về giáo dục đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế của ngành. Thay đổi để phù hợp với tình hình mới, tiếp tục nâng tầm chất lượng ngành giáo dục đào tạo thành phố Huế thực sự xứng tầm là “đầu tàu”, “hạt nhân” về giáo dục đào tạo của Tỉnh…