Thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay Thực trạng và giải pháp – TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT – Studocu

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA LUẬT

TIỂU LUẬN

MÔN: KINH TẾ VĨ MÔ

Đề tài: Thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Thực trạng và giải pháp

Giảng viên bộ môn: TS. Nguyễn Thị Giang

Sinh viên: Nguyễn Nguyệt Anh

MSSV: 20063010

Lớp: K65LKDB

Hà Nội – 2021

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU………………………………………………………………1

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: Cơ sở lý thuyết về thất nghiệp

I

Một số khái niệm về thất nghiệp…………………………………………… 2

II

Phân loại thất nghiệp……………………………………………………… 2

Chương 2: Thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam

I

Sơ lược về thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam………………………………5

II

Thực trạng thất nghiệp năm 2019 và năm 2020…………………………… 6

III

Tác động của thất nghiệp …………………………………………………14

IV

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp……………………………………… 15

Chương 3: Giải pháp giảm tình trạng thất nghiệp…………………………… 17

PHẦN KẾT LUẬN……………………………………………………………20

Danh mục tài liệu tham khảo……………………………………………………21

PHẦN MỞ ĐẦU

Trong cuộc sống, mọi thứ luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực, đương nhiên kinh tế cũng không ngoại lệ. Mặt tích cực của một nền kinh tế là GDP tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người cao hay là hội nhập quốc tế sâu rộng… Mặt còn lại, một mặt đã gây ra không ít những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế có thể kể đến như là thất nghiệp, lạm phát… Đặc biệt, trong tình dịch bệnh Covid – 19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, tình trạng thất nghiệp trở nên vô cùng phổ biến và lan rộng ở các nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, ở nước ta tại thời điểm hiện tại, vấn đề thất nghiệp vẫn còn đang rất nhức nhối bởi dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất căng thẳng và số người lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng lại ngày một tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động mà còn ảnh hưởng lớn đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.

Để mọi người có thể nắm bắt được tình hình thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, em đã nêu ra thực trạng thất nghiệp của người lao động vào năm 2019 và 2020 với những số liệu hết sức cụ thể, chính xác. Khi tìm hiểu và làm đề tài này, bản thân em thấy nước ta thật sự rất tuyệt vời khi luôn kịp thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ để giúp lao động thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là trong mùa Covid. Vì vậy, cá nhân em cũng muốn đề ra một số biện pháp giúp giảm thiểu được tình trạng tiêu cực này và ổn định nền kinh tế nước nhà. Hơn thế nữa, thực trạng này xảy ra chắc chắn sẽ tác động rất mạnh đến kinh tế xã hội nói chung cũng như người lao động nói riêng. Và hiển nhiên mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó và thất nghiệp cũng vậy.

Mục đích của em khi làm đề tài đó chính là giúp mọi người-những người ít quan tâm đến kinh tế đất nước cập nhật về vấn đề lao động và việc làm nước ta hiện nay đang diễn biến như thế nào, nền kinh tế nước ta hiện tại đang gặp phải những bất cập gì với tình trạng thất nghiệp. Quan trọng nhất là những biện pháp em đưa ra có thể giúp nước ta ngăn chặn và khắc phục phần nào tình trạng thất nghiệp đang tăng cao.Và cuối cùng, những người trong độ tuổi lao động cũng có thể tham khảo những biện pháp này để bản thân mình không bị rơi vào tình trạng không có việc làm.

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: Cơ sở lý thuyết về thất nghiệp

I. Một số khái niệm về thất nghiệp

1. Khái niệm thất nghiệp và tỉ lệ thất nghiệp

Thất nghiệp (Unemployment) là tình trạng những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng không có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp là tỉ lệ % số người thất nghiệp so với tổng số người trong lực lượng lao động

Tỷ lệ thất nghiệp = x 100%

2. Các khái niệm liên quan khác

  •  Người trong độ tuổi lao động là những người ở độ tuổi được Hiến pháp quy định có nghĩa vụ và quyền lợi lao động
  •  Người có việc làm (Employment) là những người làm một việc gì đó có được trả tiền công, lợi nhuận hoặc được thanh toán bằng hiện vật, hoặc những người tham gia vào các hoạt động mang tính chất tự tạo việc làm vì lợi ích hay vì thu nhập gia đình không được nhận tiền công hoặc hiện vật.
  •  Lực lượng lao động ( Labor force) là một bộ phận dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, bao gồm cả những người có việc làm và những người chưa có việc làm
  • II. Phân loại thất nghiệp

    1. Phân loại theo lý do

  •  Mất việc: Người lao động không có việc làm do các cơ quan/ doanh nghiệp cho thôi việc vì một lý do nào
  •  Bỏ việc: Đây là hình thức thôi việc do bản thân người lao động tự ý xin nghỉ việc vì lý do chủ quan (VD: Lương không thỏa đáng, môi trường làm việc không phù hợp,…)
  •  Nhập mới: Là những người mới tham gia vào lực lượng lao động của thị trường nhưng chưa tìm được việc làm (VD: Sinh viên mới ra trường tìm việc làm)
  •  Tái nhập: Là những người đã rời khỏi lực lượng lao động nay, hiện muốn đi làm trở lại nhưng chưa tìm được việc làm thích hợp
  • 2. Phân loại theo tính chất

  •  Thất nghiệp tự nguyện (voluntary unemployment): là tình trạng thất nghiệp phát sinh do người lao động không chấp nhận những công việc hiện thời với mức lương tương ứng
  • (VD: Sinh viên không đi làm thêm, tập trung vào việc học để có bằng cấp sau đó mới tìm kiếm những công việc có mức lương cao hơn)

  •  Thất nghiệp không tự nguyện (involuntary unemployment): là tình trạng thất nghiệp mà ở đó người lao động sẵn sàng đi làm với mức lương hiện hành nhưng không tìm được việc
  • 3. Phân loại theo nguyên nhân

    Phân loại theo nguyên nhân thì thất nghiệp được chia thành 3 loại lớn, đó là thất nghiệp tự nhiên, thất nghiệp chu kỳ và thất nghiệp theo lý thuyết cổ điển

  •  Thất nghiệp tự nhiên (natural unemployment) là mức thất nghiệp bình thường mà nền kinh trải qua, là dạng thất nghiệp không mất đi trong dài hạn, tồn tại ngay cả khi thị trường lao động cân bằng
  • Thất nghiệp cơ cấu (structural unemployment) xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động. Nguyên nhân có thể là do người lao động thiếu kỹ năng, hoặc sự khác biệt về địa điểm cư trú.
  • Thất nghiệp tạm thời (frictional unemployment)là thất nghiệp do người lao động bỏ việc cũ tìm việc mới, có sự thay đổi về địa lý hoặc những người lao động mới gia nhập hay tái gia nhập lực lượng lao động cần có thời gian để tìm việc làm.
  • Thất nghiệp thời vụ (seasonal unemployment) là tình trạng người lao động không có việc làm trong một khoảng thời gian nhất định trong năm (VD: Nhân viên resort, công viên nước, trượt băng, trượt tuyết thường sẽ thất nghiệp vào mùa đông vì ít ai có nhu cầu đi)
  •  Thất nghiệp chu kỳ (cyclical unemployment):thất nghiệp do tình trạng suy thoái kinh tế, sản lượng xuống thấp hơn mức sản lượng tiềm năng (theo lý thuyết Keynes).
  •  Thất nghiệp theo lý thuyết cổ điển (Classical Unemployment): Theo lý thuyết cổ điển, thất nghiệp xảy ra là do mức lương tối thiểu được quy định cao hơn mức lương do quy luật cung-cầu trên thị trường quy định
  • 4. Thất nghiệp theo hình thức

  •  Thất nghiệp theo giới tính (nam, nữ)
  •  Thất nghiệp theo lứa tuổi
  •  Thất nghiệp theo vùng, lãnh thổ (thành thị, nông thôn)
  •  Thất nghiệp theo ngành nghề (ngành kinh tế, ngành nông nghiệp)
  •  Thất nghiệp theo dân tộc, chủng tộc
  • Chương 2: Thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam

    I. Sơ lược về tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam

    Trước đại dịch Covid-19, năm 2019 Việt Nam có số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp và giảm nhẹ so với năm 2018. Theo theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2019 là 1,98% (quý I là 2,00%; quý II là 1,98%; quý III là 1,99%; quý IV là 1,98%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp chung khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 1,51%.

    Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh thành phố. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để. Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó gồm người bị mất việc làm, người phải nghỉ giãn việc/nghỉ việc luân phiên, bị giảm giờ làm hay giảm thu nhập… Trong các khu vực kinh tế thì khu vực dịch vụ là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% số lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng. Ngoài ra trong các khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng bị ảnh hưởng với 66,4% và 27%

    Dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương vào những ngày giáp Tết Nguyên đán năm nay đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm trong quý 1 2021.Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu người, giảm 137.000 người so với quý trước và tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm nay là 2,42%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

    Hình 1: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo thành thị, nông thôn, các quý giai đoạn 2019-2021

    II. Thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam năm 2019 và năm 2020

    1. Năm 2019

    Năm 2019, cả nước có hơn 1,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên thất nghiệp. Trong đó, 47,3% lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị (tương đương 529,9 nghìn người). Xét về mặt giới tính, lao động thất nghiệp nam chiếm số đông hơn nữ. Khu vực nông thôn có cùng xu hướng này với toàn quốc, trong khi khu vực thành thị lao động thất nghiệp nữ cao hơn nam. Đặc biệt, thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp hiện vẫn chiếm tới gần một nửa tổng số lao động thất nghiệp cả nước (42,1%).

    Hình 3 dưới đây trình bày cơ cấu của lao động thất nghiệp theo trình độ học vấn cao nhất đạt được. Tỷ trọng của nhóm “tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông” là cao nhất tương ứng 24,3% và 22,5% ;nhóm có trình độ từ đại học trở lên 14,9% trong tổng số người thất nghiệp. Nhóm có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là “sơ cấp nghề, chưa đi học/qua đào tạo và trung cấp” với tỷ lệ tương ứng là 1,9%, 2,1% và 4,7%. Điều này cho thấy thị trường lao động vẫn đang rất cần công việc giản đơn hoặc trình độ thấp. Nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất có thể do lực lượng học sinh mới tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn có ý định tiếp tục đi học nên chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động, riêng nhóm người có trình độ từ đại học trở lên tỷ lệ thất nghiệp cũng tương đối cao có thể do họ cố gắng tìm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo. Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam ở nhóm cao đẳng và từ đại học trở lên tương ứng là 62% và 56,2%

    Hình 2: Cơ cấu lao động thất nghiệp theo trình độ học vấn cao nhất đạt được, năm 2019

    Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của Việt Nam là 2,17%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao gần gấp 2 lần khu vực nông thôn (3,11% với 1,69%). Mức độ thất nghiệp của nữ cao hơn của nam (2,26% và 2,09%).

    So sánh giữa các vùng kinh tế -xã hội, Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất (2,90%), tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,47%) và Đông Nam Bộ (2,45%). Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về 2 khu vực -Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (tương ứng là 1,29% và 1,37%).

    Quan sát theo nhóm tuổi cho thấy mức độ thất nghiệp có xu hướng giảm dần khi tuổi tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm 15-19 tuổi (7,62%), tiếp đến là nhóm 20-24 tuổi (6,0%). Xu hướng này cũng đúng đối với cả khu vực thành thị và nông thôn.

    Phân tổ tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ cho thấy nhóm những người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là (3,79% và 2,87%) và những người có trình độ sơ cấp nghề và chưa từng đi học có tỷ lệ thấp nhất (1,08% và 1,53%). Điều này phần nào phản ánh chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động có trình độ CMKT cao.

    Hình 3: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động

    Đơn vị tính: Phần trăm

    2. Năm 2020

    a. Quý I năm 2020

    Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1 năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia thị trường lao động của người lao động . Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây

    Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26,1 nghìn người so với quý trước và tăng 26,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2020 là 2,22%, tăng 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,18%, tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này của khu vực nông thôn là 1,73%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước

    Số thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp ước khoảng 492,9 nghìn người, chiếm 44,1% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý I năm 2020 ước là 7,0%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,56 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao gấp 5,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của dân số trưởng thành (những người từ 25 tuổi trở lên)

    b. Quý II năm 2020

    Việc làm của người lao động ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp đạt cao nhất trong vòng 10 năm qua

    Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý trước và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là 2,73%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 4,46%, tăng 1,28 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,36 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đây là quý có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua

    Số thanh niên ( từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong quý II năm 2020 khoảng 410,3 nghìn người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý II năm 2020 là 6,98%, tương đương so với quý trước và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên trong quý II tăng do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.

    Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên quý II năm 2020 giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi quý II năm 2020 của nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (sơ cấp) hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động có trình độ thấp hoặc không có trình độ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm so với lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung và bậc cao.

    Hình 4:Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II các năm giai đoạn 2011-2020 chia theo thành thị, nông thôn

    c. Quý III năm 2020

    Sau khi nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gần như chạm đáy vào quý 2 thì đến quý 3 2020 đã có một chút dấu hiệu khả quan hơn. Số người thất nghiệp cũng như tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ so với quý trước tuy nhiên vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm trước

    Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63,0 nghìn người so với quý trước và tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 2,50%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

    Số thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong Quý III năm 2020 khoảng 410,3 nghìn người, chiếm 30,7% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong Quý III năm 2020 là 6,98%, tương đương so với quý trước và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên trong Quý III tăng do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19

    Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 61,7%, cao hơn 23,2 điểm phần trăm so với nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (38,5%)

    d. Quý IV năm 2020

    Tình hình lao động, việc làm quý này có nhiều chuyển biến tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục giảm so với quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020.

    Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60,1 nghìn người so với quý trước và tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý IV năm 2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

    Số thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) thất nghiệp trong Quý IV năm 2020 khoảng 410,9 nghìn người, chiếm 34,4% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong Quý IV năm 2020 là 7,05%, tương đương so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,83%, khu vực nông thôn là 5,54%

    3. So sánh tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 và 2020

    Đại dịch Covid 19 đã đẩy nhiều người lao động vào tình thế thất nghiệp khi các cơ quan, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa. Đây cũng là lý do khiến năm 2020 trở thành năm có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động thấp kỉ lục trong vòng 10 năm qua. Đến những tháng cuối năm, dù đã có những chuyển biến tích cực hơn so với quý 1 và quý 2 song tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của năm 2020 so với 2019 vẫn là một sư chênh lệch tương đối lớn

    Bảng 1: Số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp năm 2019 và 2020

    Năm 2019

    Năm 2020

    Số người thất nghiệp (nghìn người)

    1 108,2

    1 234,9

    -Số người thất nghiệp trong đô tuổi lao động

    1 065,2

    1 196,8

    -Số thanh niên (15-24t) thất nghiệp

    466,3

    431,7

    Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (%)

    2,17

    2,48

    Chia theo khu vực

    -Thành thị

    3,11

    3,38

    -Nông thôn

    1,69

    1,75

    Chia theo giới tính

    -Nam

    2,09

    2,01

    -Nữ

    2,26

    3.04

    Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (%)

    6,51

    7,10

    Chia theo khu vực

    -Thành thị

    10,40

    10,63

    -Nông thôn

    4,89

    5,45

    Chia theo giới tính

    -Nam

    6,49

    6,02

    -Nữ

    6,54

    8,53

    III. Tác động của thất nghiệp

    1. Thất nghiệp tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát

    Thất nghiệp tăng đồng nghĩa là lực lượng lao động xã hội không được huy động vào hoạt động sản xuất kinh doanh tăng lên; là sự lãng phí lao động xã hội-nhân tố cơ bản để phát triển kinh tế-xã hội. Thất nghiệp tăng lên cũng có nghĩa nền kinh tế đang suy thoái-suy thoái do tổng thu nhập quốc gia thực tế thấp hơn tiềm năng; suy thoái do thiếu vốn đầu tư (vì vốn ngân sách bị thu hẹp do thất thu thuế, do phải hỗ trợ người lao động mất việc làm…) Thất nghiệp tăng lên cũng là nguyên nhân đẩy nền kinh tế đến “bờ vực” của lạm phát.

    Mối quan hệ nghịch lý 3 chiều giữa tăng trưởng kinh tế-thất nghiệp và lạm phát luôn luôn tồn tại trong nền kinh tế thị trường-Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) mà giảm thì tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát tăng theo; ngược lại, tốc độ tăng trưởng (GDP) tăng thất nghiệp sẽ giảm, kéo theo tỷ lệ lạm phát cũng giảm. Mối quan hệ này cần được quan tâm khi tác động vào các nhân tố kính thích phát triển-xã hội.

    2. Thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người lao động.

    Người lao động bị thất nghiệp sẽ dẫn đến mất nguồn thu nhập. Do đó, đời sống bản thân người lao động và gia đình họ sẽ khó khăn. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng tự đào tạo lại để chuyển dổi nghề nghiệp, trở lại thị trường lao động; con cái họ sẽ khó khăn khi đến trường; sức khoẻ họ sẽ giảm sút do thiếu kinh tế để bồi dưỡng, để chăm sóc y tế…Có thể nói, thất nghiệp “đẩy” người lao động đến bần cùng, đến chan nản với cuộc sống, với xã hội; dẫn họ đến những sai phạm đáng tiếc

    3. Thất nghiệp ảnh hưởng đến trật tự xã hội

    Thất nghiệp gia tăng làm trật tự xã hội không ổn định; hiện tượng lãn công, bãi công, biểu tình đòi quyền làm việc, quyền sống… tăng lên; người lao động mất việc sẽ khiến họ chán nản, sa ngã vào những thứ tiêu cực xã hội như trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm…; sự ủng hộ của người lao động đối với nhà cầm quyền cũng bị suy giảm.Từ đó, có thể có những xáo trộn về xã hội, thậm chí dẫn đên biến động về chính trị.

    IV. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

     Thiếu định hướng nghề nghiệp

    Sinh viên khi thiếu định hướng nghề nghiệp sẽ dẫn đến việc chọn ngành nghề không phù hợp với bản thân. Điều này sẽ gây ra tình trạng chán nản, chần chừ không muốn tìm việc vì không biết nên tìm công việc gì là tốt nhất cho mình.

    TS. Trịnh Văn Tùng và Ths. Phạm Huy Cường, Trường ĐH KH XH & NV -ĐHQGHN đã có nghiên cứu điều tra sự gắn bó giữa ngành đào tạo và nghề kì vọng nhìn từ góc độ hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp của/cho SV ĐHQGHN. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, một bộ phận lớn sinh viên sau khi đã đi gần hết quá trình đào tạo trong trường đại học, chuẩn bị bước vào môi trường lao động nghề nghiệp, thì họ còn thiếu một định hướng đầy đủ và cụ thể cho nghề nghiệp của mình.

    Cũng theo kết quả phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trong nghiên cứu của TS Tùng, cho thấy rằng, một bộ phận sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học, đã không có một sự định hướng cụ thể và “cũng không được ai khuyên” về các nghề gắn với ngành học của mình. Việc SV tiếp cận và theo học chuyên môn hiện tại của mình đôi khi xuất phát từ một điều ngẫu nhiên, từ một kinh nghiệm gia đình, bè bạn hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu “có bằng đại học”.

     Trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp

    Việt Nam có nguồn lao động vô cùng dồi dào nhưng chất lượng chưa cao. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đồng thời khoa học công nghệ phát triển thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt chưa đạt yêu cầu. Có những công việc yêu cầu về trình độ đào tạo cũng như đào tạo chuyên môn cao và một bộ phận lớn người lao động không đáp ứng được. Nhìn chung lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ, thiếu hiểu biết về luật pháp và văn hóa của quốc gia đến làm việc. Đây cũng là nguyên nhân vì sao tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị luôn cao hơn nông thôn. Bởi lẽ thị trường lao động ở khu vực thành thị phát triển sâu rộng nên đòi hỏi phải có chất lượng lao động cao

     Thiên tai, dịch bệnh

    Thiên tai có thể ảnh hưởng đến một bộ phận lớn trong lực lượng lao động tại những vùng bị thiệt hại, khiến cho họ bị mất việc trong một khoảng thời gian dài. Ví dụ như: Lũ lụt khiến cho người dân không thể tiếp tục công việc, thậm chí mất cả nhà cửa; Hạn hán làm ảnh hưởng đến những công việc thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

    Còn dịch bệnh chắc hẳn không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Covid-19 là một dịch bệnh nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp vì thế mà phải hạn chế tiếp xúc và áp dụng giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến hầu hết những công việc phải dừng lại. Tình hình dịch bệnh kéo dài đã làm biết bao người lao động mất việc làm, thậm chí nhiều công ty, doanh nghiệp phải phá sản vì không thể cầm cự.

     Máy móc, thiết bị hiện đại thay thế con người

    Trong cách mạng 4.0, thời đại của công nghệ lên ngôi thì có không ít người lao động bị thay thế bởi những máy móc hiện đại. Khi áp dụng và sử dụng máy móc AI, các doanh nghiệp sẽ không phải quản lý quá chặt chẽ như khi sử dụng nhân công là con người, không phải thưởng thêm, chi trả bảo hiểm,… Trên hết, năng suất mà máy móc tạo ra chắc chắn sẽ cao hơn con người. Đó là vấn đề mà đa số doanh nghiệp quan tâm. Vì thế khi có công đoạn nào có thể thay thế bằng máy móc thì doanh nghiệp sẽ thay và một bộ phận người lao động lại thất nghiệp

     Mức lương chưa hấp dẫn

    Mức lương ở thị trường lao động chưa thực sự hấp dẫn với người lao đông. Nhiều lao động vẫn còn loay hoay tìm việc vì mức lương của thị trường không xứng đáng với trình độ của họ.

    Chương 3: Giải pháp giảm tình trạng thất nghiệp

     Hướng nghiệp hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn lao động

    Công tác giáo dục và đào tạo cần phải phù hợp với yêu cầu và thực tế phát triển của nền kinh tế, vì thế ngành giáo dục phải không ngừng cải cách chương trình, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy ở tất cả các cấp mà đặc biệt quan tâm đến giáo dục ở bậc đại học và dạy nghề cho phù hợp với thực tế. Đào tao nghề cần căn cứ trên định hướng phát triển kinh tế, coi trọng công tác dự báo nhu cầu lao động theo các trình độ.

    Không ngừng mở rộng giao lưu quốc tế nhằm học hỏi các kinh nghiệm, nâng cao kiến thức. Lao động không chỉ hiểu biết chuyên sâu về một ngành nghề mà còn phải biết các kiến thức tổng hợp khác như: ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…

    Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế -xã hội.

    Ngoài ra còn phải định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Kéo dài thời gian học nghề và nâng cao trình độ trung bình. Đào tạo và nâng cao năng lực hệ thống quản lý lao động-việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho người lao động học tập suốt đời.

     Người lao động tự nâng cao chuyên môn và kỹ thuật

    Khi có điều kiện và cơ hội, bản thân người lao động nên chủ động học hỏi, tiếp thu và cập nhật những kiến thức mới để nâng cao chuyên môn và tay nghề của mình. Đó là cách giúp người lao động tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và thăng tiến trong công việc, đồng thời thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên.

     Mở các chương trình đào tạo lại và đào tạo nghề miễn phí

    Với tình trạng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, Nhà nước nên tổ chức các chương trình đào tạo lại để nâng cao chuyên môn và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng Hiện nay, ở nước ta vẫn còn nhiều những lao động chưa được qua đào tạo do không có điều kiện kinh tế hoặc ở những thôn không được tiếp cận giáo dục. Giải pháp đặt ra là Nhà nước kết hơp với các chính quyền địa phương tổ chức các chương trình đạo tạo nghề miễn phí cho những đối tượng thất nghiệp chưa được qua đào tạo, những đối tượng lao động yếu thế trên cả nước.

     Bảo hiểm thất nghiệp

    Người lao động nên tham gia bao hiểm thất nghiệp để khi họ mất việc làm sẽ có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống và có cơ hội tìm một công việc mới. Hơn nữa, bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ người lao động học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm (Điều 42 Luật việc làm 2013). Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

     Miễn giảm thuế thu nhập

    Trong đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nước ta, nhiều người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đó rất cần có sự giúp đỡ từ phía Chính phủ. Điều đầu tiên Chính phủ có thể giúp để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động đó là miễn giảm thuế thu nhập.

    Đến đầu năm 2021, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, không chỉ có những doanh nghiêp khoa học và công nghệ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên Chính phủ nên xem xét và đưa ra các hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.

     Kích cầu

    Sự giảm sút của tổng cầu là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và công nhân bị thất nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước nhằm nâng cao tổng cầu trong nền kinh tế, hay như hiện nay chúng ta gọi là phải kích cầu tiêu dùng và cầu đầu tư . Trong học thuyết của Keynest, ông đã nhấn mạnh tới các công cụ và chính sách kinh tế mà Nhà nước có thể sử dụng để tác động tới nền kinh tế nhằm nâng cầu, bao gồm các công cụ và chính sách kinh tế như: chính sách khuyến khích đầu tư, công cụ tài chính và chính sách tài khoá, công cụ tiền tệ cũng như chính sách tiền tệ và lãi suất của Chính phủ

     Mở rộng các trung tâm giới thiệu việc làm

    Nhà nước tiếp tục mở rộng thêm các trung tâm giới thiệu việc làm nhằm kết nối cung và cầu lao động. Việc này giúp người lao động rút ngắn thời gian tìm việc làm cũng như thời gian tuyển dụng của các doanh nghiệp

     Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội

    Năm 2020 vừa qua,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, hỗ trợ lao động bị giảm sâu thu nhập, có mức sống dưới mức sống thiểu với 62 nghìn tỷ. Hỗ trợ này của Chính phủ đã giúp hơn 20 triệu đối tượng lao động bị ảnh hưởng do Covid-19.

    Hiện nay, các ca bệnh F0 và F1 được phát hiện đều là những công nhân của các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Bởi ở đó môi trường làm việc kín, mật độ người tập trung đông, thói quen sinh hoạt, làm việc tập thể là môi trường lý tưởng để virus lây lan mạnh. Chính vì vậy, Chính phủ và chính quyền địa phương phải cho tạm dừng hoạt động các khu công nghiệp, giãn cách xã hội một số đia bàn, đồng nghĩa lao động ở đó sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tình trạng dịch bệnh có lẽ sẽ còn kéo dài, cho nên Chính phủ phải tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng lao động trong vùng tâm dịch, giúp cho họ có một khoản thu nhập để có thể tái hòa nhập thị trường lao động sau khi hết dịch

    PHẦN KẾT LUẬN

    Tình trạng thất nghiệp vẫn đang ngày một tăng do diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19, song Nhà nước cũng đã kịp thời đưa ra các giải pháp để ngăn chặn những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Một nền kinh tế dù phát triển đến mấy cũng sẽ tồn tại thất nghiệp, chỉ là nó ít hay nhiều thôi. May mắn rằng, ở Việt Nam hiện nay, tuy có số người thất nghiệp đang tăng cao nhưng Nhà nước đã và đang làm rất tốt các nhiệm vụ, phát huy hết vai trò của mình, áp dụng triệt để các biện pháp để giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp một cách tôi đa cũng như hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người lao động.

    Bản thân em hiện đang là một sinh viên của Khoa Luật ĐHQGH nên em muốn qua bài luận này, nhắc nhở bản thân và các bạn sinh viên khác phải luôn luôn học hỏi, trau dồi những kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn; bằng cấp thôi là chưa đủ mà còn phải biết rèn luyện kĩ năng mềm để có một phong thái tự tin nhất khi đi làm và quan trọng là không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • 1.

    https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhieu-chuong-trinh-

    de-an-ho-tro-tao-viec-lam-624802/

    Hà Dung. (17/11/2020). Nhiều chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm. Truy cập ngày 2/6/2021, từ

  • 2.

    https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-

    nghiep/sinh-vien-that-nghiep-do-thieu-dinh-huong-nghe-1324101414.htm

    Hồng Hạnh (13/12/2011). Sinh viên thất nghiệp do thiếu định hướng nghề.Truy cập ngày 3/6/2021, từ

  • 3. John Maynard Keynes (1994), Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1994
  • 4.

    http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/Mien-thue-giam-thue-TNDN-doi-voi-

    doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe/422066.vgp

    Lan Phương. (03/02/2021). Miễn thuế, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Truy cập ngày 2/6/2021, từ

  • 5.

    https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-

    hoi-va-nhan-van/Dai-dich-Covid-19-tac-dong-den-lao-dong-viec-lam-o-Viet-

    Nam-126

    Nguyễn Thị Thanh Hương & Nguyễn Thị Hương Giang (). Đại dịch Covid-19 tác động đến lao động việc làm ở Việt Nam qua phân tích số liệu thống kê, Truy cập ngày 3/6/2021, từ

  • 6. Tổng cục thống kê. (30/11/2021). Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2019
  • 7. Tổng cục thống kê. (29/3/2020). Báo cáo điều tra lao động và việc làm quý 1 năm 2020
  • 8. Tổng cục thống kê. (29/6/2020). Báo cáo điều tra lao động và việc làm quý 2 năm 2020
  • 9. Tổng cục thống kê. (27/02/2021). Báo cáo điều tra lao động và việc làm quý 3 năm 2020
  • 10.Tổng cục thống kê. (29/03/2021). Báo cáo điều tra lao động và việc làm quý 4 năm 2020

    22

  • 11.T6ng C\lC th6ng ke. (16/04/2021). Thong cao bao chi tinh hinh lao dong viŁc lam quy 1 nam 2021