Tháp Eiffel ở đâu, xây dựng năm nào và bí mật được khắc ở chân tháp
1. Tìm hiểu về tháp Eiffel
Tháp Eiffel đẹp lộng lẫy là một hình ảnh khá quen thuộc đối với hầu hết tất cả mọi người dù không phải ai cũng có cơ hội đến đây. Đã từng chiêm ngưỡng ngọn tháp nổi tiếng, song những thông tin về tháp Eiffel đối với mọi người vẫn còn khá mơ hồ. Thậm chí sẽ có người đặt câu hỏi tháp Eiffel của nước nào?
Do đó, chúng ta sẽ đi tìm hiểu về tháp Eiffel ở ngay dưới đây.
1.1. Tháp Eiffel ở đâu
Ai cũng biết rằng Eiffel là biểu tượng của Paris nhưng cụ thể tháp Eiffel ở đâu?
Tháp Eiffel là một địa danh nổi tiếng của Paris cũng đồng thời là một kiệt tác trong lịch sử xây dựng. Công trình tháp Eiffel nằm tại công viên Champ-de-Mars bên cạnh sông Seine, thành phố Paris, Pháp.
Sự ra đời của tháp Eiffel đã làm dấy lên sự kinh ngạc, hoài nghi và không ít tranh cãi về mặt thẩm mỹ lúc bấy giờ. Khi hoàn thành, tòa tháp đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và tồn tại cho đến ngày nay.
Tháp Eiffel được dựng trên 4 trụ dầm dạng lưới thuôn nhọn về phía trong và nối với nhau để tạo thành một công trình thẳng đứng. Nhờ kiến trúc độc đáo và mang đậm dấu ấn của lịch sử, tháp Eiffel chính là một trong những địa điểm thu hút khách tham quan hàng đầu thế giới.
Tháp Eiffel – biểu tượng của Paris. Ảnh: Quantas
1.2. Ai tạo ra tháp Eiffel?
Gustave Eiffel, tên khai sinh là Alexandre-Gustave Eiffel là tác giả của công trình vĩ đại này. Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1832 tại Dijon, Pháp và qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1923 tại Paris, Pháp.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật và Sản xuất năm 1855, ông bắt đầu làm việc trong lĩnh vực xây dựng kim loại, đặc biệt là cầu. Các tác phẩm của ông có thể kể đến cây cầu sắt ở Bordeaux vào năm 1858, mái vòm cao cho Phòng trưng bày Máy móc tại Triển lãm Paris năm 1867.
Năm 1877, ông bắc cầu sông Douro tại Oporto, Port bằng một vòm thép dài tới 160 mét. Ngoài ra, còn có một thông tin ít ai biết rằng Gustave Eiffel là người đã thiết kế mái vòm có thể di chuyển được của đài quan sát ở Nice và khuôn của Tượng Nữ thần Tự do ở Cảng New York.
Tuy nhiên, tên tuổi của ông chỉ thực sự tỏa sáng sau khi công trình tháp Eiffel được xây dựng và hoàn thành.
1.3. Tháp Eiffel xây năm nào
Khi chính phủ Pháp tổ chức Triển lãm Quốc tế năm 1889 để kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, một cuộc thi đã được tổ chức để tìm ra các thiết kế ra công trình kỷ niệm. Hơn 100 kế hoạch đã được đệ trình và Ủy ban Centennial đã chấp nhận ý kiến của kỹ sư cầu nối nổi tiếng Gustave Eiffel.
Việc xây dựng tháp bằng sắt rèn bắt đầu vào tháng 7 năm 1887. Nhưng không phải ai ở Paris cũng hào hứng với ý tưởng về một tượng đài kim loại khổng lồ sừng sững trên thành phố.
Ngay cả đối với những con mắt đương thời, tháp Eiffel vẫn không được chấp nhận. Vào cuối thế kỷ 19, chưa từng có công trình nào tương tự với ngọn tháp này. Đây là một trong những lý do khiến người đương thời khó chấp nhận một biểu tượng mới đến như vậy.
Bức ảnh tư liệu ghi lại quá trình hình thành của ngọn tháp. Ảnh: Eiffel Tower Guide
Khi việc xây dựng tòa tháp bắt đầu trên đại lộ Champs de Mars, một nhóm 300 nghệ sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn và kiến trúc sư đã gửi một bản kiến nghị đến ủy viên Hội đồng Triển lãm Paris, cầu xin ông ngừng xây dựng “tòa tháp lố bịch” sẽ thống trị Paris như thế một “chiếc ống khói đen khổng lồ.”
2 năm sau, tháp Eiffel được hoàn thiện. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1889, công trình tại Paris chính thức được khánh thành.
Mục Lục
2. Bí mật ít ai biết được khắc ở chân tháp Eiffel
Vì tháp được làm bằng kim loại nên nó không thể tránh khỏi việc chịu tác động của nhiệt độ. Toàn bộ công trình sẽ nở ra và co lại theo thay đổi của thời tiết. Do đó, chiều cao của tháp thường thay đổi, các con số giao động trong khoảng 15cm.
Tháp Eiffel lớn như vậy nhưng thực tế nó vẫn đang “rung lắc” mỗi ngày. Các nhà khoa học đã chỉ ra gió có thể làm cho đỉnh tháp lắc lư từ bên này sang bên kia tới 7cm.
Điều bí mật lớn nhất tại tháp Eiffel không phải căn phòng ở trên đỉnh mà nằm ở phần chân. Phía dưới cùng của tầng một, tên của 72 nhà khoa học và kỹ sư lỗi lạc tham gia thiết kế tòa tháp đã được khắc vào kim loại và sơn vàng.
Điều này giống như lời nhắc nhở chúng ta về những thiên tài trong quá khứ và những cống hiến của họ đối với nhân loại.
Theo thời gian, tại một số vị trí, các bản khắc đã bị che lấp. Tuy nhiên, ban quản lý tòa tháp đã dùng nhiều biện pháp khác nhau để khôi phục lại những cái tên vào những năm 1980. Cách đây vài năm, bề mặt bị xỉn màu của chúng đã được sơn lại bằng vàng.
Điều đáng tiếc là danh sách này không có tên của phụ nữ. Do đó, nó đã bị chỉ trích trong một thời gian dài vì loại trừ tên của Sophie Germain, một nhà toán học người Pháp nổi tiếng. Bà là người có công trình nghiên cứu lý thuyết đàn hồi là rất quan trọng đối với việc xây dựng tòa tháp. Người viết tiểu sử của Germain, Mozans, cho rằng tên của Sophie không thể được vinh danh như những người khác vì bà là phụ nữ.
Những cái tên vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: Tripify
3. Kiến trúc tháp Eiffel
Tháp Eiffel cao bao nhiêu là điều mà khá nhiều người quan tâm. Theo thông tin được chia sẻ, chiều cao theo thiết kế của ngọn tháp là 300 mét. Tuy nhiên, do có thêm cột ăng ten ở trên đỉnh đã nên ngọn tháp đã có tổng chiều cao là 325 mét.
Ngọn tháp được chia thành 3 tầng chính, bao gồm:
3.1. Tầng mặt đất của tháp Eiffel
Chân của tháp Eiffel được thiết kế để tạo thành hình vuông với cạnh 125 mét. Đây là chi tiết được làm theo đúng với bản gốc tại cuộc thi năm 1886. Tháp có chiều cao 325 mét và 116 ăng ten. Nền của công trình nằm ở độ cao 33,5m so với mực nước biển.
Tháp có hai cột trụ được đặt trên lớp bê tông dày khoảng 2 mét được rải sỏi ở dưới. Móng của nó sâu khoảng 7 mét. Ở phía sông Seine, hai cột trụ còn lại cũng được chôn theo cách tương tự nhưng chúng đặc biệt hơn là nằm dưới mực nước sông.
Những người công nhân đã phải làm việc trong những ket-xon bằng kim loại bịt kín để hoàn thành phần trụ này. Mỗi trụ được cố định bằng 16 khối móng và các bu lông mỏ neo lớn bằng thép dài 7,80 mét cố định cho các trụ.
Bên cạnh đó, người ta còn thiết kế cầu thang bộ để đi lên. Để lên tới đỉnh, du khách phải đi 1665 bậc nhưng hiện nay các bậc thang này chỉ được mở lên tới tầng 3.
Vòng cung của tháp Eiffel được đỡ bởi 04 trụ và cao 39 mét so với mặt đất với đường kính 74 mét/trụ. Theo thiết kế ban đầu, phần vòm cung được trang trí cầu kỳ hơn so với hiện tại. Cũng theo các chuyên gia, vòng cung này không chỉ có tác dụng thẩm mỹ mà còn có giúp tháp được kiên cố hơn.
Tháp Eiffel nhìn từ dưới. Ảnh: National Geographic Kids
3.2. Tầng 2
Tầng 2 nằm ở độ cao 57m so với mặt đất, diện tích khoảng 4.200 m². Người ta ước tính nó có thể chứa khoảng 3.000 người.
Khi đứng tại tầng 2, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh 360° của Paris. Tại đây còn có các kính viễn vọng chỉ dẫn giúp du khách quan sát các công trình của thành phố.
Đây cũng là tầng lưu dấu nhiều vết tích lịch sử của ngọn tháp. Các đoạn cầu thang xoáy trôn ốc vẫn giữ được so với nguyên gốc tháp Eiffel đầu tiên. Tại đây còn có một đài quan sát ở đỉnh với mục đích ghi lại các dao động, thay đổi của tháp dưới tác động của gió và giãn nở nhiệt. Tác giả đã thiết kế để ngọn tháp chịu được biên độ tới 70cm, nhưng theo ghi nhận thì chưa bao giờ ngọn tháp đạt đến ngưỡng này.
3.3. Tầng 3
Tầng 3 của tháp Eiffel nằm ở độ cao 115m so với mặt đất, diện tích khoảng 1.650 mét vuông. Nó có thể chứa khoảng 1.600 người.
Đây được xem là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn Paris. Từ khi xây dựng cho đến nay, độ cao của tháp Eiffel vẫn chưa có “đối thủ” ở kinh đô ánh sáng.
Tại đây có nhiều nhà hàng phục vụ các du khách đặc biệt. Để đảm bảo an toàn cho người tham quan, người ta đã bổ sung những lớp bảo vệ kiên cố.
4. Ý nghĩa tháp Eiffel
Tháp Eiffel được xây dựng với công dụng là cửa ngõ dẫn vào “Triển lãm Quốc tế năm 1889” cũng như một công trình kỷ niệm của Pháp. Về sau, nó đã trở thành đại diện điển hình của thành phố Paris. Hình ảnh tháp Eiffel về đêm được chiếu đèn sáng lung linh đã gắn với những sự kiện quan trọng của không chỉ riêng Paris, Pháp mà còn có cả những sự kiện mang tầm thế giới.
Ý nghĩa của tháp Eiffel vượt ra phạm vi của một quốc gia. Nó đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới tại Pháp.
Những sự kiện quan trọng gắn với tháp Eiffel. Ảnh: The Guardian
Như chúng ta đã biết, lý do đầu tiên ngọn tháp được thiết kế và xây dựng là để kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp ở Châu Âu trong khuôn khổ Hội chợ Thế giới năm 1889 được tổ chức tại Paris. Ngày nay nó vẫn là một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử của nước Pháp.
Kể từ khi được xây dựng, tháp Eiffel trở thành “một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất” không chỉ ở Pháp mà còn trên thế giới. Gustave Eiffel tuyên bố rằng tòa tháp sẽ tượng trưng cho không chỉ nghệ thuật, mà còn là biểu tượng của thế kỷ Công nghiệp và Khoa học.
Do tháp Eiffel có chiều cao vượt trội tại khu vực nên nó đã trở thành địa điểm hoàn hảo để tiến hành các thí nghiệm liên quan đến nhiệt độ, áp suất và điện báo vô tuyến.
Trong 20 năm đầu tiên sau khi xây dựng, Eiffel nhận được toàn bộ thu nhập từ việc khai thác thương mại tháp trong thời gian triển lãm. Sau thời gian đó, một số người muốn nó được phá bỏ và sử dụng cho mục đích sắt vụn. Rất may, nó đã được cứu bởi các chính trị gia và nhà khoa học muốn sử dụng nó làm tháp truyền sóng vô tuyến, đó là lý do tại sao tháp Eiffel vẫn đứng vững cho đến ngày nay.
5. Tháp Eiffel được xây dựng thế nào?
Nhắc tới Paris, Pháp – kinh đô ánh sáng chắc hẳn không biết tới tháp Eiffel – Tòa tháp khổng lồ đã trở thành biểu tượng trong suốt nhiều năm qua. Hình ảnh tháp Eiffel vẫn luôn được nhiều người nhắc tới với vẻ đẹp hoa lệ, hoành tráng. Nhưng để được yêu thích như hiện nay thì tòa tháp khi xưa đã vướng phải sự phản đối gay gắt và quá trình thay đổi đáng kể.
5.1. Quá trình xây dựng
Mặc cho những phản đối gay gắt, việc lắp ráp các giá đỡ bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 năm 1887 và hoàn thành 22 tháng sau đó.
Tất cả các nguyên vật liệu được chuẩn bị trong nhà máy của Eiffel đặt tại Levallois-Perret, ngoại ô Paris. Mỗi chi tiết nhỏ trong số 18.000 mảnh được sử dụng để xây dựng tháp đều được thiết kế và tính toán đặc biệt với độ chính xác đến 1/10 milimet.
Sau đó, chúng được ghép lại với nhau tạo thành các mảnh mới, mỗi mảnh dài 5 mét. Một nhóm dựng chịu trách nhiệm cho 150 đến 300 công nhân trên công trường. Họ đã cùng nhau lắp ráp công trình khổng lồ này.
Tất cả các mảnh kim loại của tháp được giữ với nhau bằng đinh tán, một phương pháp xây dựng tinh tế vào thời điểm tháp được xây dựng. Trước hết, các mảnh ghép được liên kết với nhau trong nhà máy bằng cách sử dụng bu lông, sau đó được thay thế từng cái một bằng đinh tán được lắp ráp nhiệt và chúng co lại trong quá trình làm mát.
Một bức hình về người công nhân đang làm việc trên tháp khiến người xem thót tim. Ảnh: Business Insider
Mỗi đinh tán được lắp ráp cần một đội gồm 4 người: Một người để làm nóng, một người khác cố định tại chỗ, người thứ ba tạo hình và người cuối cùng có nhiệm vụ đập nó bằng búa tạ. Chỉ 1/3 trong số 2.500.000 đinh tán dùng cho cả công trình được lắp trực tiếp tại chỗ.
Các cột trụ nằm trên nền bê tông được lắp đặt thấp hơn mặt đất vài mét trên một lớp sỏi đã được nén chặt. Mỗi cạnh góc nằm trên khối đỡ của chính nó. Ở phía sông Seine, các nhà xây dựng đã sử dụng các caisson bằng kim loại kín nước và bơm khí nén vào để chúng có thể hoạt động dưới mực nước. Tháp được lắp ráp bằng cách dùng tới giàn giáo gỗ và cần cẩu hơi nước nhỏ.
Việc lắp ráp cấp độ đầu tiên được thực hiện bằng cách sử dụng mười hai giàn giáo bằng gỗ tạm thời, cao 30 mét, và bốn giàn giáo lớn hơn 40 mét mỗi giàn.
5.2. Thay đổi
Ban đầu tháp Eiffel được dự định là một công trình triển lãm tạm thời và sẽ bị phá bỏ vào năm 1909. Các quan chức thành phố đã quyết định giữ nó lại sau khi nhận ra giá trị của nó như một trạm máy đo vô tuyến.
Tháp Eiffel buổi tối đẹp ngỡ ngàng. Ảnh: Traveljee
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, tháp Eiffel đã “lập chiến công” chặn liên lạc vô tuyến của đối phương. Ngoài ra, nó còn là cầu nối để liên lạc quân tiếp viện.
Bên cạnh đó, nó còn may mắn thoát khỏi sự phá hủy lần thứ hai trong Thế chiến thứ hai. Hitler đã từng ra lệnh phá hủy biểu tượng được yêu mến nhất của thành phố. Nhưng mệnh lệnh này không bao giờ được thực hiện. Cũng trong thời kỳ Đức chiếm đóng Paris, những người kháng chiến Pháp nổi tiếng đã cắt cáp thang máy của tháp Eiffel để Đức quốc xã phải leo cầu thang bộ.
Trong những năm qua, tháp Eiffel là địa điểm chứng kiến những thí nghiệm nguy hiểm nổi tiếng. Ví dụ, vào năm 1911, nhà vật lý người Đức Theodor Wulf đã sử dụng một điện kế để phát hiện mức độ bức xạ cao hơn ở đỉnh của tháp, quan sát các tác động của tia vũ trụ.
Tháp Eiffel cũng đã truyền cảm hứng cho hơn 30 bản sao và các công trình tương tự ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới.
Hiện đây là một trong những công trình kiến trúc dễ nhận biết nhất trên hành tinh. Tháp Eiffel đã trải qua một lần sửa chữa lớn vào năm 1986 và được sơn lại 7 năm 1 lần. Ước tính nơi đây chào đón khoảng 7 triệu người đến tham quan mỗi năm. Khoảng 500 nhân viên chịu trách nhiệm cho các hoạt động hàng ngày của tháp như làm việc trong các nhà hàng, quản lý thang máy, đảm bảo an ninh và hướng khách du lịch.
Mặc dù đã gần 200 năm tuổi, nhưng tháp Eiffel vẫn chưa già đi bao nhiêu. Từ năm 1985 đến 1990, nó đã trải qua nhiều lần thay đổi, bổ sung thêm 4 thang máy mới.
Sau 2 năm cải tạo và đầu tư 30 triệu euro, tầng đầu tiên đã mở cửa trở lại hoàn toàn với sàn kính chống trượt ấn tượng vào năm 2014, thêm một góc mới để ngắm nhìn tòa tháp và khu vực xung quanh Paris.
Để giữ cho nó không bị gỉ, Tháp được sơn lại với 60 tấn sơn cứ 7 năm một lần. Phải mất khoảng 18 tháng với 25 họa sĩ sử dụng 1.500 bút lông để sơn lại toàn bộ Tòa tháp.
Có thể nói, tháp Eiffel là công trình vĩ đại không chỉ của Paris mà còn đối với cả nhân loại. Đây là một trong những kiệt tác minh chứng cho tài năng cũng như khả năng vô hạn của con người đồng thời là biểu tượng của cái đẹp giữa lòng thành phố Paris hoa lệ.