Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tồn tại bất cập trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, phần lớn các nội dung dự thảo được xây dựng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, hơn 70 ý kiến thảo luận, 80 vấn đề còn trao đối tại Hội thảo và tổng hợp từ ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, nhân dân, doanh nghiệp… vẫn còn những vấn đề vướng mắc, tồn tại của thực tiễn diễn ra, nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều nội dung còn vướng mắc, trái với các Luật định khác như Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Khiếu kiện, Luật đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các Sở, ngành thành phố căn cứ nội dung, nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 64/QĐ-UBND, tiếp tục khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao. Lưu ý, các cơ quan, sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, phường xã tiếp tục triển khai, hoàn thành công tác lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo các nội dung thành phố đã ban hành tại Quyết định số 64/KH-UBND ngày 12/1/2023.

Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố và kết quả từ Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo, tổ chức hội nghị chuyên sâu của ngành, trên cơ sở tổng hợp, phân tích các ý kiến góp ý, khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng hợp kết quả của thành phố Đà Nẵng đảm bảo chất lượng, khách quan báo cáo lãnh đạo thành phố trong tuần đầu tháng 3/2023 để gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Chính phủ.

Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo đã xác định quy hoạch sử dụng đất nhưng chưa xác định rõ cấp nào thực hiện trước. Do đó, đề nghị bổ sung “quy hoạch sử dụng đất cấp trên phải thực hiện trước và thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới” tại khoản 4 Điều 60 dự thảo. Các chỉ tiêu quy hoạch giữa Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện chưa có sự thống nhất với Quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị.

Về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Dự thảo đã xác định các chỉ tiêu sử dụng đất và phân bố đến vùng kinh tế xã hội liệt kê thiếu các loại đất rất quan trọng cho phát triển công nghiệp, công nghệ cao và du lịch. Do đó, cần bổ sung loại đất khu kinh tế, đất khu công nghệ cao, khu du lịch vào điểm b khoản 2 Điều 63. Đồng thời, cần bổ sung Khu kinh tế, khu công nghệ cao để thực hiện việc khoanh định theo hưởng tuyến phát triển hạ tầng và diễm kết nối giao thông. Tương tự, cần bổ sung loại đất đất khu du lịch, đất công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa, nước thải tại Điều 64.

Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo các đại biểu, việc hoàn thiện các quy định về sự tham gia của nhân dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng đất; quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch là cần thiết. Thực tế, phát sinh một số vấn đề chưa rõ, gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Do đó, cần có quy định bổ sung việc lấy ý kiến về tỷ lệ, thời gian và loại dự án, công trình.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại phiên toàn thể 

Về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất Điều 16 dự thảo quy định, căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này có sự xung đột với pháp luật về đầu tư. Do đó, Luật đất đai sửa đổi phải rà soát toàn bộ trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo tính đồng bộ Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu vừa được ban hành.

Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vấn đề đặt ra là phải có Quy hoạch chi tiết 1/500 được lựa chọn trong đấu giá và tổ chức lập hoặc thi tuyển để chọn phương án Quy hoạch chi tiết 1/500 trong đấu thầu dự án có sử dụng đất. Việc tổ chức lập Quy hoạch chi tiết bằng vốn ngân sách để đấu giá thì lại trái quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị.

Góp phần giải phóng nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính

Các đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy định Nhà nước giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án được thu hồi đất đối với dự án khu đô thị (thay cho cụm từ “khu đô thị mới”), dự án tái thiết đô thị, dự án nhà ở thương mại…

Đồng thời, cần làm rõ khái niệm mặt nước biển, đất bãi bồi ven sông, ven biển…để xác định rõ hơn công tác quản lý. Nội hàm khái niệm; Trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất có mặt nước ven biển theo pháp luật đất đai và pháp luật về biển. Đề nghị điều chỉnh khái niệm “Đất có mặt nước ven biển” theo hướng: Lấy đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm được công bố tại Quyết định 1790/QĐ-BTNMT ngày 06/6/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm ranh giới cho việc thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo Luật Đất đai và Giao khu vực biên theo pháp luật về biển.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất, ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, cần bổ sung quy định hỗ trợ đối với trường hợp không thuộc diện thu hồi đất nhưng bị ảnh hưởng khi đầu tư xây dựng công trình, dự án theo Điều 77, Điều 78 như giảm giá trị tiền sử dụng đất do giảm mặt cắt dương, hạn chế khả năng sinh lợi, giảm thuận lợi về giao thông… so với trước đây. 

Tại khoản 6 Điều 85 quy định “Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư” cần quy định cụ thể hoàn thành bố trí tái định cư ở mức độ nào như: sau khi có quyết định giao đất tái định cư, sau khi bàn giao đất thực tế, để có cơ sở xác định đã hoàn thành cũng như có cơ sở giải quyết khiếu nại, khiếu kiện.

Tại khoản 3 Điều 89 quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dẫn cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 89 để thống nhất quy định và phù hợp với từng đối tượng thu hồi đất. Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất, cho thuê đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Điều 109 về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Khoản 1 quy định “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chỉ trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi”.

Các đại biểu đề nghị sửa đổi quy định tại Khoản 1 thành: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hội đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi đồng thời với việc người dân thống nhất chấp hành bàn giao mặt bằng”.

Ngoài các nội dung nêu trên, các đại biểu cũng cho rằng, tại khoản 2 Điều 168 về Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất quy định “Người nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được sử dụng đất ổn định lâu dài”. Trong thực tế, tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân theo quy định và sử dụng đến khi thu hồi đất. Đồng thời, theo Điều 119 tổ chức kinh tế trong trường hợp này không được giao đất ở, không phù hợp nguyên tắc bồi thường tại khoản 3 Điều 79.

Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo gia đất cụ thể của loại đất thu hội do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, cần bổ sung quy định về bồi thường đất ở đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Để nâng cao vai trò hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ theo hướng: “Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quyết định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở sắp xếp lại, kiện toàn các Tổ chức phát triển quỹ đất hiện có tại địa phương”.

KIM PHƯỢNG – MAI QUANG