Thành viên hộ gia đình trong pháp luật dân sự – 123Luat

Trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, “hộ gia đình” là một chủ thể đặc biệt tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự. Với cách thức hoạt động gần như một tổ chức kinh tế độc lập không có tư cách pháp nhân, hộ gia đình đã từng được thừa nhận là chủ thể trong một số quan hệ pháp luật dân sự nhất định và đặt nặng vai trò của người đại diện là “chủ hộ” cùng với các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 ra đời (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017), “hộ gia đình” không còn là chủ thể của việc xác lập, thực hiện giao dịch mà chính các thành viên mới có tư cách chủ thể để tham gia trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác tham gia giao dịch dân sự; đồng thời hộ gia đình cũng không còn bị giới hạn ở một số quan hệ dân sự cụ thể (Điều 101). Việc định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (Điều 212).

Do vậy, việc xác định ai là thành viên hộ gia đình là vấn đề rất quan trọng. Trong tố tụng dân sự, các thành viên của hộ gia đình được xác định phải là người có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản đang tranh chấp để đưa họ vào tham gia với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Xem bài liên quan:

123luat-ho-gia-dinh

Tư cách chủ thể của “hộ gia đình” trong quan hệ pháp luật dân sự

Theo truyền thống văn hóa của Việt Nam, “hộ gia đình” chỉ là khái niệm có tính xã hội để nói về một nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, cùng chung sống dưới một “mái nhà” và được xem là đơn vị nhỏ nhất – tế bào của xã hội. Người Việt Nam đặc biệt coi trọng gia đình và quan niệm “gia đình là tổ ấm”; là nơi hình thành nhân cách của mỗi con người. Chính vì vậy, từ thực tiễn cuộc sống cho đến nhận thức chung của mỗi người dân và các nhà lập pháp Việt Nam đều xem hộ gia đình là một đơn vị văn hóa – xã hội, đơn vị giáo dục, và đặc biệt hơn là một đơn vị kinh tế độc lập; có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống cộng đồng cũng như quản lý hành chính trong cả nước nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.

Ở khía cạnh pháp lý, “hộ gia đình” là một khái niệm được nhắc đến từ rất sớm trong lịch sử lập pháp của nước ta và được ghi nhận như một chủ thể đặc biệt tham gia một số quan hệ dân sự. Việc thừa nhận hộ gia đình là chủ thể của pháp luật dân sự xuất phát từ yêu cầu của lịch sử, khi kinh tế hộ gia đình vốn đã là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc thực hiện chính sách nhường cơm sẻ áo, Nhà nước giao đất cho hộ gia đình theo bình quân nhân khẩu làm cho chủ thể này trở thành người chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ đông đảo trong xã hội. Vì vậy, pháp luật ghi nhận và điều chỉnh kịp thời đối với chủ thể hộ gia đình qua các thời kỳ là cần thiết, mang tính đặc thù của Việt Nam.

Theo từ điển Luật học, hộ gia đình là “tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng”[1]. Còn theo hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, hộ gia đình không được định nghĩa một cách chính thức mà chỉ thừa nhận chủ thể này có thể là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự nếu “các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định” và chỉ có tư cách chủ thể khi tham gia giao dịch trong các lĩnh vực vừa nêu (Điều 106 BLDS 2005). Ngoài ra, BLDS 2005 còn quy định về việc đại diện hộ gia đình; về tài sản chung; việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung và về trách nhiệm của hộ gia đình khi tham gia giao dịch dân sự (các Điều 107, 108, 109, 110 của BLDS 2005). Trong đó, việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Tuy nhiên, chưa có điều luật nào đề cập đến khái niệm hộ gia đình, cách thức xác định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ dân sự và căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình. Chính vì vậy mà trong một khoảng thời gian rất dài, chế định hộ gia đình đã tỏ ra “mơ hồ” trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Có khảo sát cho thấy người dân, cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã không xác định được thế nào là hộ gia đình trong giao dịch dân sự mà chỉ đồng nhất chủ thể này với “hộ gia đình theo hộ khẩu”. Chỉ một số ít người chuyên làm công tác pháp luật không nhầm lẫn về khái niệm hộ gia đình và có thể xác định được đâu là hộ gia đình có tư cách chủ thể trong pháp luật dân sự và đâu là hộ gia đình “thông thường” với tính xã hội đơn thuần[2]. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý Nhà nước, trong việc thực hiện các giao dịch dân sự có hộ gia đình tham gia và ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hộ gia đình, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Từ thực tiễn đó, khoa học pháp lý đã nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến loại chủ thể này. Một trong số những vấn đề được rất nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là việc có nên hay không nên tiếp tục duy trì tư cách chủ thể của hộ gia đình trong pháp luật dân sự. Có ý kiến cho rằng nên loại bỏ hẳn những quy định về hộ gia đình khỏi BLDS vì mối quan hệ gia đình không bị ràng buộc bởi các quyền và nghĩa vụ dân sự; các thành viên của hộ gia đình luôn luôn thay đổi nên pháp luật không thể bao quát được.

Cho đến khi BLDS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, ngày 24/11/2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017), “hộ gia đình” mặc dù vẫn chưa được định nghĩa một cách cụ thể nhưng lại được quy định rõ nếu không có tư cách pháp nhân thì không phải là chủ thể của quan hệ dân sự (Điều 101 BLDS 2015). Trường hợp hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Nếu thành viên hộ gia đình không được các thành viên khác ủy quyền làm người đại diện thì thành viên đó là chủ thể của quan hệ dân sự do mình xác lập, thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc không tiếp tục thừa nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình trong pháp luật dân sự là một thay đổi hợp lý. Bởi hộ gia đình vốn dĩ là một tổ chức kinh tế độc lập nhưng không có tư cách pháp nhân nên không có những cơ chế đảm bảo cho “hộ” tham gia giao dịch trên danh nghĩa một tổ chức. Nghĩa là không thể để cho “chủ hộ”  có quyền nhân danh gia đình để thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay thì hộ gia đình vẫn đang là một chủ thể phổ biến tham gia vào các giao dịch dân sự, quản lý hành chính, hộ tịch, và đặc biệt là đối tượng được Nhà nước giao đất theo quy định của Luật đất đai hiện hành. Vì vậy, pháp luật không thể loại hẳn hộ gia đình ra khỏi BLDS, nếu không sẽ làm xáo trộn đời sống xã hội và gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật chuyên ngành.  Mặt khác, “hộ gia đình” vốn không phải là sản phẩm của quá trình lập pháp mà thực tế Bộ luật dân sự 2005 chỉ ghi nhận và điều chỉnh một loại chủ thể đã phát sinh từ cuộc sống. Và ở một khía cạnh nào đó, kinh tế hộ gia đình có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn.

Trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự, từ trước đến nay các bản án, quyết định của Tòa án không xem hộ gia đình có tư cách chủ thể như một tổ chức độc lập để tham gia tố tụng. Ngược lại, các bản án, quyết định của Tòa án đều ràng buộc trách nhiệm pháp lý của từng thành viên cụ thể của hộ gia đình, mặc dù có không ít quan điểm phản đối.

Ví dụ: Quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình B, khi giải quyết tranh chấp giữa ông A và hộ gia đình B thì Tòa án xác định ông A là nguyên đơn, ông B là bị đơn và các thành viên còn lại của gia đình B là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thay vì theo đúng quy định của BLDS 2005 thì phải xác định bị đơn là hộ gia đình B và một người đại diện hợp pháp sẽ tham gia tố tụng nhân danh hộ gia đình B, khi xử lý thì hộ gia đình B được hưởng quyền hoặc bị ràng buộc nghĩa vụ một cách trực tiếp.

Nhưng cách giải quyết của Tòa án ở đây lại tỏ ra hợp lý và là tiền đề của việc không ghi nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình trong quan hệ pháp luật dân sự theo BLDS 2015. Sở dĩ hộ gia đình còn tham gia giao dịch dân sự chủ yếu là do tài sản – quyền sử dụng đất còn được cấp cho hộ gia đình. Nhưng việc tham gia giao dịch này sẽ được điều chỉnh bằng chế định tài sản chung, chế định đại diện theo ủy quyền, nghĩa vụ liên đới,…

Quy định mới của BLDS năm 2015 đã đưa hộ gia đình vào chung nhóm với các tổ chức không có tư cách pháp nhân để điều chỉnh một cách bao quát hơn. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 vẫn không thể giải quyết được việc nhầm lẫn và đồng nhất hộ gia đình tham gia giao dịch dân sự, hộ gia đình sử dụng đất và hộ gia đình theo hộ khẩu. Mặt khác, những quy định mới về hộ gia đình của BLDS 2015 chỉ khác so với Bộ luật cũ ở vài điều khoản về mặt câu chữ, nhưng mang ý nghĩa thay đổi cả chuỗi quan điểm và nhận thức của một thời kỳ rất dài trong lịch sử pháp luật dân sự của Việt Nam. Trong khi đó, khái niệm hộ gia đình cho đến nay vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.

Trong tất cả các dạng tổ chức, từ những tổ chức có tư cách pháp nhân cho đến những tổ chức không có tư cách pháp nhân, duy chỉ có hộ gia đình là không được thành lập dựa trên sự đăng ký chính thức, không có quy chế hoạt động, các thành viên của hộ thì luôn thay đổi, vận động thông qua việc tách, nhập nhân khẩu. Đến đây, BLDS năm 2015 đã ghi nhận thành viên hộ gia đình là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch; đồng thời cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của các thành viên hộ gia đình đối với tài sản chung,…Điều này làm cho việc xác định thành viên của hộ gia đình càng trở nên quan trọng.

Cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Xác định thành viên hộ gia đình trong vụ án dân sự

Như đã phân tích ở phần trên, ngay cả khi BLDS 2015 chưa có hiệu lực thi hành thì thực tiễn xét xử đã luôn cá thể hóa trách nhiệm pháp lý của từng thành viên khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hộ gia đình. Vì vậy, việc xác định thành viên hộ gia đình khi tham gia giao dịch dân sự nói chung và khi tham gia tố tụng trong vụ án dân sự nói riêng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu không xác định chính xác ai là thành viên hộ gia đình sẽ dẫn tới giao dịch dân sự bị vô hiệu; hoặc việc giải quyết vụ án bị vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ví dụ: Quyết định giám đốc thẩm số 692/2010/DS-GĐT ngày 20/10/2010 của Tòa án nhân dân tối cao đã hủy các bản án sơ thẩm số 145/2006/DS-ST ngày 27/8/2006 của Tòa án nhân dân thành phố C và bản án phúc thẩm số 86/2007/DS-PT ngày 11/01/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh C; đồng thời nhận định: Theo quyết định số 10190/2004/QĐ-UB ngày 26/11/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố C, tỉnh C thì hộ anh Lê Hoàng Ch. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 4.442,9m2 đất tại thửa số 245, tờ bản đồ số 09 tọa lạc tại ấp 3, xã Tân Thành, thành phố C (là tài sản tranh chấp). Nhưng Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm không đưa những người có tên trong hộ anh Ch. (ở thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tham gia tố tụng để làm rõ yêu cầu của họ là có thiếu sót […].

BLDS năm 2005 cũng như BLDS 2015 vừa được ban hành đều không quy định tiêu chí xác định thành viên của hộ gia đình trong quan hệ dân sự; chưa quy định rõ căn cứ vào giấy tờ gì để xác định chính xác từng thành viên của hộ gia đình, đặc biệt là thành viên hộ gia đình sử dụng đất. Trên thực tế, việc xác định thành viên của hộ gia đình trong lĩnh vực công chứng hay trong tố tụng dân sự đều dựa trên “sổ hộ khẩu gia đình”, linh động kết hợp với xác nhận của các cơ quan quản lý hành chính, hộ tịch ở địa phương như Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an hoặc các cơ quan quản lý đất,…Tuy nhiên, dù áp dụng mọi biện pháp trên thì kết quả thu được cũng chỉ có giá trị tương đối trong việc xác định thành viên hộ gia đình. Bởi vì theo khoản 1 Điều 24 của Luật cư trú 2006, “sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân”; và việc quản lý hộ tịch ở địa phương thực chất chỉ dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân mà thôi.

Nói cách khác, sổ hộ khẩu và việc đăng ký thường trú không có giá trị chứng minh quyền đối với tài sản của một công dân, không thể dùng làm căn cứ xác định thành viên của hộ gia đình trong giao dịch dân sự. Thực tiễn ghi nhận nhiều trường hợp con cháu, họ hàng bà con xa chỉ nhập khẩu nhờ vào gia đình để tiện việc đi học, đi làm,… nhưng lại được xác định là thành viên hộ gia đình và có quyền đối với tài sản chung; hoặc trường hợp ngược lại khi vợ, chồng, con dâu, con rể, con nuôi,…của chủ hộ dù có sống chung và đóng góp công sức trong việc tạo lập tài sản chung nhưng lại không có tên trong sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, trong khung cảnh của pháp luật Việt Nam hiện nay, Thẩm phán và những người áp dụng pháp luật nói chung không có căn cứ nào tốt hơn để xác định thành viên của hộ gia đình ngoài các biện pháp kể trên, mà chủ yếu là phải dựa vào sổ hộ khẩu làm nền tảng.

Nhưng ngay cả khi thống nhất lấy sổ hộ khẩu làm căn cứ thì vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về thời điểm được sử dụng làm mốc để xác định thành viên hộ gia đình. Bởi vì hộ gia đình không phải là bất biến mà luôn thay đổi do các yếu tố sinh, tử, tách, nhập,…Thành viên của hộ gia đình ở mỗi thời điểm khác nhau thì có sự khác nhau. Sổ hộ khâu gia đình không phải mỗi gia đình chỉ có một mà có thể cấp đổi nhiều lần,…Quy định của BLDS là không rõ ràng nên khó xác định được thành viên của hộ trong trạng thái biến động đó [2].

Thực tiễn xét xử ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng các thành viên hộ gia đình cần được xác định là toàn bộ số nhân khẩu tại thời điểm tạo lập tài sản chung. Quan điểm thứ hai cho rằng thành viên hộ gia đình gồm toàn bộ số nhân khẩu tại thời điểm phát sinh tranh chấp. Quan điểm thứ ba cho rằng thành viên hộ gia đình bao gồm toàn bộ nhân khẩu từ khi tạo lập tài sản chung cho đến khi phát sinh tranh chấp. Tùy theo bối cảnh và mục đích của việc xác định thành viên hộ gia đình mà mỗi người một quan điểm khác nhau. Đối với những trường hợp thành viên của hộ chỉ tham gia ký kết hợp đồng, tham gia tố tụng “cho đủ mặt” thì họ được xác định là toàn bộ nhân khẩu để hạn chế sai sót. Nhưng đối với những trường hợp cần xác định hoặc phân chia quyền sở hữu, quyền tài sản nói chung giữa các thành viên thì vấn đề trở nên rắc rối hơn rất nhiều; và tranh chấp lại phát sinh từ tranh chấp.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự, quan điểm được nhiều Thẩm phán chấp nhận và áp dụng là cách xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền, tạo lập tài sản chung. Quan điểm này dựa trên lý thuyết về quyền sở hữu có tính pháp định, vĩnh viễn, độc quyền và tuyệt đối trong hệ thống pháp luật La Mã. Quyền sở hữu mang lại cho chủ sở hữu các quyền của một người chủ đối với tài sản; chỉ mất đi khi đối tượng của quyền sở hữu không còn và chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định[3].

Theo đó, các thành viên được xác định để cùng tham gia giao dịch hoặc tham gia tố tụng phải là các thành viên đang sống chung tại thời điểm tạo lập tài sản – là đối tượng đang giao dịch, tranh chấp. Việc tách khẩu, chuyển đi của các thành viên này hoặc việc nhập khẩu của các thành viên mới về sau không ảnh hưởng đến việc giao dịch, giải quyết tranh chấp.

Ví dụ: Năm 2004, hộ gia đình A được Nhà nước giao đất gồm 3 thành viên là A, B và C. Đến năm 2005, A và B sinh thêm một người con là D; năm 2013, C lập gia đình nên chuyển đi nhưng chưa làm thủ tục tách khẩu. Như vậy, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình A thì thực tiễn xét xử hiện nay xác định các thành viên phải tham gia tố tụng là A, B và C. Mặc dù hiện nay D là người đang sống chung cùng gia đình và đóng góp công sức giữ gìn, tôn tạo, canh tác trên đất; còn thực tế thì C đã có gia đình và chuyển đi nơi khác sinh sống từ năm 2013.

Về mặt pháp lý, cách làm này dựa trên quy định tại khoản 29, Điều 3 của Luật đất đai năm 2013: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Như vậy, thành viên hộ gia đình sử dụng đất được xác định dựa vào điều kiện về các quan hệ gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm tạo lập tài sản. Bên cạnh đó, tại điểm b, khoản 1, Điều19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: “Các nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình được giao đất nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất thì cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống”. Điều này có nghĩa những nhân khẩu phát sinh sau thời điểm Nhà nước giao đất thì không được công nhận quyền sử dụng đất như là thành viên hộ gia đình tại thời điểm giao đất, nên chỉ được hỗ trợ ổn định đời sống khi Nhà nước thu hồi đất. Do đó, việc D không được công nhận quyền sử dụng đất đã được giao cho hộ gia đình A nêu trên là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ở khía cạnh khác, có một vấn đề rất dễ nhận thấy là theo truyền thống của Việt Nam thì sau này D và vợ con của D sẽ tiếp quản, sử dụng đất nhưng về mặt pháp lý D lại không có quyền gì đối với tài sản này. Nếu tranh chấp xảy ra thì người được lợi là C mặc dù C đang sinh sống ở một nơi khác. Và không khó để chúng ta nhận ra hệ quả này không đúng với chính sách đất đai của Nhà nước khi giao đất cho hộ gia đình. Bởi mục đích của việc giao đất cho hộ gia đình không phải là giao cho mỗi thành viên một phần trong tổng diện tích đất; mà là giao tư liệu sản xuất cho một đơn vị kinh tế ở nông thôn có tính kế thừa qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong khung cảnh của pháp luật Việt Nam hiện nay, quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình sẽ không còn được duy trì ổn định hơn một thế hệ. Càng về sau thì pháp luật càng cá thể hóa quyền và nghĩa vụ của từng thành viên của hộ gia đình đối với quyền sử dụng đất được giao. Phần quyền và nghĩa vụ này còn được thừa kế theo quy định của pháp luật. Do đó, hộ gia đình sẽ “tan rã về mặt pháp lý” khi tài sản chung được phân chia.

Mặc dù vậy, chúng tôi ủng hộ quan điểm xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm tạo lập tài sản là đối tượng đang tranh chấp để đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy những quy định có được về vấn đề này chỉ giới hạn trong Luật đất đai nhưng chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật. Đồng thời, lý thuyết về quyền sở hữu có tính độc quyền, vĩnh viễn và tuyệt đối là không thể phủ nhận. Quyền đối với tài sản của một thành viên trong hộ gia đình không bị mất đi và phải được pháp luật bảo vệ kể cả khi họ không còn sống chung với gia đình (dù việc này gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án trong việc xác minh địa chỉ đúng của họ, có thể ở trong nước hoặc ở nước ngoài). Các nhân khẩu phát sinh sau thời điểm tạo lập tài sản không được công nhận quyền đối với tài sản đó, mà chỉ được xem xét công sức giữ gìn, tu bổ,…(nếu có).

Quan điểm về việc giao đất cho hộ gia đình như một thành phần kinh tế tập thể đã không còn phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.Vì vậy, việc quy định “tài sản chung của các thành viên hộ gia đình” thay cho thuật ngữ “tài sản của hộ gia đình” đã giải quyết được rất nhiều vấn đề pháp lý trong việc định đoạt tài sản, mà đặc biệt là quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình, tạo nhiều thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp nói chung và xác định người tham gia tố tụng nói riêng.

Hướng dẫn làm đơn xét xử vắng mặt

Đề xuất và kiến nghị

Khi giải quyết vụ việc dân sự, vấn đề đặt ra không phải là việc xác định tất cả thành viên hộ gia đình theo nghĩa rộng mà cần xác định chính xác các thành viên có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản đang tranh chấp; trong một số trường hợp còn phải xác định cụ thể phần quyền, phần nghĩa vụ của từng thành viên trong khối tài sản chung với các thành viên khác. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của Thẩm phán nhiều hơn là nghĩa vụ tự cung cấp chứng cứ của đương sự. Thực tiễn xét xử đã ghi nhận những đương sự tỏ thái độ bức xúc và phiền hà khi được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng;  ngược lại có những thành viên hộ gia đình không liên quan đến việc giải quyết tranh chấp nhưng lại đòi hỏi quyền lợi của mình.

Chúng tôi cho rằng định nghĩa hộ gia đình sử dụng đất nêu tại khoản 29, Điều 3 của Luật đất đai 2013 là bao quát và phù hợp. Khái niệm “hộ gia đình” nói chung và hộ gia đình trong các lĩnh vực khác cần được hiểu và định nghĩa theo tinh thần này. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện đủ khi xác định thành viên hộ gia đình là “người đang sống chung và có quyền sở hữu tài sản chung tại thời điểm tạo lập tài sản” thì không thể chỉ dựa vào sổ hộ khẩu gia đình như thực tiễn xét xử hiện nay. Thay vào đó, Tòa án phải áp dụng các biện pháp cần thiết khác để xác minh thành viên hộ gia đình và đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Những người đang sống chung tại thời điểm tạo lập tài sản chung với các thành viên hộ gia đình khác nhưng không có tên trong sổ hộ khẩu phải có nghĩa vụ chứng minh mình là thành viên hộ gia đình và có quyền đối với tài sản đó. Ngược lại, những nhân khẩu có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm tạo lập tài sản nhưng không có các quan hệ gắn bó về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo Luật hôn nhân và gia đình thì không phải là thành viên hộ gia đình. Cụ thể, thành viên hộ gia đình được xác định đảm bảo các điều kiện sau:

– Những người có quan hệ gắn bó về hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng là những người được quy định tại khoản 16 Điều 3 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm: Vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

– Việc “đang sống chung” tại thời điểm tạo lập tài sản, xác lập quyền sử dụng đất được xác định dựa trên căn cứ về đăng ký thường trú của công dân (sổ hộ khẩu gia đình; xác nhận của cơ quan quản lý hộ tịch, quản lý về cư trú; hoặc có thể là xác nhận của người làm chứng;…).

– Việc “có quyền sở hữu chung” mặc nhiên được suy đoán từ việc một thành viên sống chung với hộ gia đình tại thời điểm tạo lập tài sản chung, trừ các trường hợp bị hạn chế quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và khi có người chứng minh điều ngược lại.

Bên cạnh đó, để lựa chọn một giải pháp lâu dài và phù hợp hơn, chúng ta phải thừa nhận khó khăn trong việc xác định thành viên hộ gia đình hiện nay bắt nguồn từ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho “hộ gia đình” mà không nêu rõ các thành viên trong hộ. Theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, khi ghi tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì chỉ ghi tên chủ hộ (kèm theo tên vợ hoặc chồng, nếu có). Tương tự, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 thì hồ sơ địa chính ghi nhóm dữ liệu người sử dụng đất là hộ gia đình cũng chỉ cần ghi tên chủ hộ. Mẫu số 01 (Đơn xin giao đất) của Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 hướng dẫn ghi tên người đại diện hộ gia đình; Mẫu số 02 (Quyết định giao đất) hướng dẫn ghi tên và địa chỉ của người được giao;…

Thiết nghĩ, việc xác định thành viên hộ gia đình sẽ dễ dàng hơn và hạn chế phát sinh tranh chấp về sau nếu được thực hiện ngay tại thời điểm đăng ký, tạo lập tài sản, nghĩa là tại thời điểm Nhà nước cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Để làm được việc này, cơ quan quản lý đất khi tiến hành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình thì phải xác minh rõ và kèm theo danh sách các thành viên có quyền sở hữu chung. Mẫu đơn đăng ký quyền sử dụng đất hiện nay (kèm theo Thông tư số 24/TT-BTNMT ngày 19/5/2014) cũng hướng dẫn trường hợp nhiều chủ cùng sở hữu thì ghi tất cả trong danh sách kèm theo đơn. Tuy nhiên, trường hợp này cần phải được hiểu các thành viên hộ gia đình được liệt kê có quyền sở hữu chung hợp nhất đối với quyền sử dụng đất được cấp theo đúng bản chất quyền sở hữu tài sản chung của thành viên hộ gia đình./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nhà xuất bản Tư pháp, Từ điển Luật học, Hà Nội – 2006, tr.373;

[2] Lê Thị Hoàng Thanh – Phạm Văn Bằng, “Hộ gia đình  – Những vấn đề đặt ra khi sửa đổi chế định chủ thể trong Bộ luật dân sự năm 2005”,  Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử: http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/kinh-te-dan-su/ho-gia-111inh-nhung-van-111e-111at-ra-khi-sua-111oi-che-111inh-chu-the-trong-bo-luat-dan-su-2005 [truy cập ngày 19/02/2016].

[3] TS.Nguyễn Ngọc Điện, Giáo trình Luật La Mã, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-2009, tr.17-18;

By 123luat.com

5/5 – (2 bình chọn)