Thành phố Hà Nội năm 1900
–
Chủ nhật, 10/10/2021 19:00 (GMT+7)
Không chỉ là thành phố lớn nhất xứ Bắc Kỳ, Hà Nội còn là thành phố hoạt động náo nhiệt nhất và được xây dựng tốt nhất. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ và Đại bản doanh quân đội. Cách đây khoảng 10 thế kỷ, dưới triều Lý, Hà Nội từng là kinh đô chính thức của Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Sau đó, trụ sở kinh đô của nước An Nam được chuyển vào Huế, hiện nay (năm 1900) vẫn là nơi đóng đô của triều đình An Nam.
Quảng trường Chavassieux (nay là vườn hoa Diên Hồng) và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Hà Nội nằm bên bờ sông Hồng, cách biển 150km. Xưa kia đây là điểm tụ cư của phần lớn các thôn làng, tập hợp chung quanh tòa thành Cửa Đông – nơi mà Françis Garnier đã chỉ huy đánh chiếm vào ngày 20.11.1873.
Thành phố này gồm 2 khu phố tách biệt rõ rệt: Khu phố của người Âu và khu phố của người bản xứ.
Ở khu phố người bản xứ, cư dân đông đúc hỗn tạp, gồm cả người An Nam, người Tầu và người Ấn. Các cửa hàng dựng lên chen chúc nhau. Đó là những căn nhà nhỏ hẹp, trên sàn đặt một vài tấm phản gỗ, trên trải chiếu cói hoặc liếp tre. Trên những chiếc chiếu đó, các bà, các cô ngồi bán hàng. Họ kiên nhẫn chờ khách đến mua và thao thao tám chuyện, đồng thời không quên để mắt tới lũ trẻ xung quanh.
Phụ nữ An Nam không chỉ là những bà mẹ tuyệt vời, mà còn là những người buôn bán vô cùng giỏi giang, chi li đến từng hào. Vì vậy, phần lớn các cửa hiệu ở khu phố người bản xứ đều do phụ nữ quản lý, trừ cửa hiệu của người Tầu. Ở đó, các ông chủ ngồi chễm chệ trên những chiếc ghế đẩu và chẳng bao giờ tin tưởng giao phó việc buôn bán cho ai. Cửa hiệu của người Tầu thường rộng rãi, thoáng đãng hơn cửa hiệu của người An Nam. Hàng hóa của họ cũng được người Âu ưa chuộng hơn. Rất nhiều người Âu tới đây mua hàng hóa của Nhật cùng nhiều loại hàng hóa khác.
Phố Tơ lụa (Hàng Đào) kéo dài tới phố Quảng Đông (Hàng Ngang) là tuyến đường giao thông chính của khu phố người bản xứ. Ở đó có rất nhiều loại vải vóc. Một vài cửa hiệu của người Ấn nằm xen lẫn giữa các cửa hiệu của người An Nam. Người Tầu định cư ở đây làm đủ nghề: Bán đồng hồ, đồ trang sức, đồ mỹ nghệ, tạp hóa, quầy hàng bán lẻ. Một ngôi chợ lớn nằm ở đoạn kéo dài của con phố này, luôn tấp nập nhộn nhịp.
Hà Nội có tất cả 5 chợ của người bản xứ. Đó là những khu chợ lợp mái che và quy định theo cách thức các chợ ở Pháp, nghĩa là người bán hàng phải nộp thuế định kỳ. Các bà nội trợ có thể mua đủ loại đồ ăn ở đó.
Dân buôn Bắc Kỳ thường tập trung theo nghề trên cùng con phố. Sự cạnh tranh không hề ngăn cản họ sống hòa thuận với nhau, và những khách bộ hành hẳn phải rất ngạc nhiên khi nhìn vào hàng đống hàng hóa cùng loại xếp chung một chỗ.
Cũng như vậy, người ta thấy những người thợ sắt tây ở phố Hàng Thiếc, những người đổi tiền trên phố Hàng Bạc, những người làm xoong chảo tại phố Hàng Đồng. Phố Hàng Muối có những tháp muối trắng. Ở phố Hàng Thêu [Hàng Trống], toàn thể gia đình bao gồm cả trẻ em quây quần cùng nhau làm việc ngoài trời. Ở phố Lò Sũ, từng hàng tiểu sành xếp dựng đứng ngoài vỉa hè trông giống như những chiếc quách của người Ai Cập. Những chiếc chum đựng cá đã vữa nát ở phố Hàng Mắm bốc mùi nồng nặc ám quanh người. Trên phố Hàng Tre, người ta khiêng trên vai một thanh đòn buộc những bộ tre nặng hình chữ A và chữ H. Những chiếc xe cút kít chở vật liệu trên phố Hàng Vôi và Ngõ Gạch kêu kèn kẹt như tiếng nghiến răng.
Mỗi con phố này đều mang đặc điểm, sắc thái riêng với ngành nghề đặc trưng, có thể kể đến phố Hàng Gai, Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Giấy, Hàng Than, Hàng Da, Hàng Điếu, Hàng Bát Sứ, Hàng Bát Đàn, Hàng Nón, Hàng Gà, Hàng Chiếu, Hàng Mành, Hàng Hòm, Hàng Thuốc Bắc, Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Vôi, Hàng Hành, Hàng Khoai, Hàng Bè.v.v…
Những tuyến phố như Jules Ferry (Hàng Trống), Jean Dupuis (Hàng Chiếu), Françis Garnier (Đinh Tiên Hoàng), Henri Rivière (Ngô Quyền), Jauréguiberry (Quang Trung), Bobillot (Lê Thánh Tông), Dominé (Lê Lai), Paul Bert (Tràng Tiền), Laubarède (Đặng Thái Thân), Doudart de Lagrée (Hàm Long), Rollandes (Hai Bà Trưng), Balny (Trần Nguyên Hãn), Pottier (Bảo Khánh), Amiral Courbet (Lý Thái Tổ), Chavassieux (Lê Thạch), Armand Rousseau (Lò Đúc)… được đặt theo tên các nhân vật nổi tiếng của Pháp đã có nhiều đóng góp trong công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương hoặc hi sinh vì nước Pháp tại Bắc Kỳ.
Khu phố của người bản xứ nằm gần bờ sông Hồng, nơi có bến đò ngang tấp nập người qua lại. Trước tiên, người ta phải qua đó rồi mới tới được khu phố Âu nhộn nhịp nhất – phố Paul Bert (Tràng Tiền).
Bên bờ sông, dân chúng An Nam chen chúc xô đẩy nhau, là nơi mà một lượng lớn thuyền mành và xuồng nhỏ ngược xuôi mỗi ngày. Một số người bản xứ đã dựng những ngôi nhà nổi trên các bè mảng, nối liền với bờ bằng một vài tấm ván, họ bằng lòng với chỗ trú ẩn đơn sơ mà thơ mộng ấy.
Khu Nhượng địa năm 1877 (từ trái sang phải: Trại lính – Nhà ở của Đại úy công binh, Tổng tư lệnh, sĩ quan – Dinh Lãnh sự – Dinh Chưởng ấn). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Khi đó ở gần bến sông, người ta dự kiến xây một cây cầu bắc qua sông Hồng, nối liền Hà Nội với bờ tả ngạn. Mọi công việc đang gấp rút được triển khai, mặc cho dòng nước chảy xiết, mặc cho những đợt lũ dâng bất ngờ và mặc cho lòng sông rộng, người ta không thể hoài nghi về sự thành công của công trình vĩ đại ấy.
Phần đất gọi là “Khu Nhượng địa”, cho đến năm 1886 đã bị ngăn cách với thành phố bằng một cửa ô mà người Pháp gọi là “Cửa Pháp quốc”.
Khu đất này được nhượng cho Pháp theo Công ước ngày 06.02.1874 kéo dài từ phía bắc dọc theo bờ sông cho đến khu Tràng Tiền cũ, ngày nay đã bị phá hủy hoàn toàn, những khoảnh đất cuối cùng được chia lô để bán cho người dân. Nhưng thời bấy giờ, đó là khu đất thấp trũng, lầy lội, chung quanh là bức tường bao trổ lỗ châu mai, để bảo vệ và chống lại các đợt tấn công của quân Cờ đen. Bức thành lũy đó đã bị Toàn quyền Paul Bert cho phá hủy vào năm 1886.
Chung quanh nơi ở của người đại diện nước Pháp là khu nhà ở của người đứng đầu các sở dân sự và quân sự.
Dải đất đó dài chừng 1km được chia đôi theo suốt chiều dài bởi một đại lộ đẹp, có cây xanh tỏa bóng mát tuyệt vời, chạy song song với dòng sông dẫn đến tận Bệnh viện Lanessan (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Nhà cửa trong Khu Nhượng địa có vườn tược bao quanh và rất thoáng mát nhờ những cơn gió nhẹ thổi từ lòng sông.
Khu phố Âu lớn mạnh lên từng ngày cạnh Khu Nhượng địa. Đường phố rộng rãi, sạch sẽ, được bảo trì hoàn hảo. Nhiều đại lộ chạy ngang dọc khắp khu phố này và những ngôi nhà xinh xắn được dựng lên mỗi bước, khiến Hà Nội trở nên xinh đẹp, duyên dáng và thực sự thoải mái mà nhiều thành phố ở nước Pháp phải mơ ước.
Những ngôi nhà ở khu phố Âu thường chỉ có một tầng gác theo phong tục của xứ nóng. Nhà mở nhiều cửa để không khí dễ lưu thông, với một mảnh vườn kế bên cùng các công trình phụ: Gara, chỗ ở của đày tớ, chuồng ngựa… Đó là những tòa biệt thự đích thực, thoải mái và quyến rũ.
Phố Paul Bert, tuyến đường huyết mạch chính của thương mại Pháp. Những khách sạn lớn, tiệm cà phê sang trọng, hiệu sách, hiệu may, hiệu cắt tóc, hiệu bánh, hiệu thuốc tây đều tập trung trên con phố này. Đây cũng là nơi gặp gỡ thường xuyên của giới thương nhân.
Vào thời điểm này, hầu như toàn thành phố Hà Nội, từ khu phố người Âu đến khu phố người bản xứ đều có điện thắp sáng. Mỗi khi chiều tối đến dưới ánh đèn hồ quang, người ta có cảm giác như đang sống tại một trong những thành phố lớn của nước Pháp. Phố Paul Bert thông ra hồ Hoàn Kiếm, được coi như tâm điểm của thành phố. Còn hồ Hoàn Kiếm thực sự là báu vật của thủ phủ xứ Bắc Kỳ. Chung quanh hồ có nhiều cây cối và những đại lộ lớn, người đi đạo đã tìm thấy ở đây một địa điểm thú vị và nên thơ với làn nước phản chiếu lung linh ánh đèn điện vào buổi tối. Ở giữa hồ nước, người ta dựng một ngôi miếu nhỏ (Tháp Rùa), bên trên đặt phiên bản thu nhỏ bức tượng “Nữ thần Tự do” cầm bó đuốc. Bên cạnh bờ hồ là quảng trường Paul Bert (công viên Lý Thái Tổ). Dọc theo đại lộ chung quanh bờ hồ, còn có một số công trình xây dựng chính như Tòa án, Bưu điện, rạp Philharmonique (Nhà hát Múa rối Thăng Long).
Bức tượng đồng đặt trên bệ đá ở lối vào vườn hoa, nằm giữa Tòa Đốc lý và Bưu điện, quay mặt ra phía hồ là tượng ngài cựu Tổng Trú sứ Paul Bert.
Tuy nhiên, hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa phải là điểm dạo chơi lý tưởng của người Hà Nội. Họ thích không gian chung quanh đền Quán Thánh và vườn Bách thảo hơn.
Grand Bouddha (Phật lớn) là một bức tượng khổng lồ đặt trong một ngôi chùa nằm bên bờ Hồ Tây, cách trung tâm thành phố chừng 2km. Đây cũng là điểm đến gây tò mò đối với người Âu, và cũng là mục tiêu cho những cuộc dạo chơi thú vị. Hồ Tây là điểm đến thực sự hấp dẫn, và chắc hẳn du khách sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái khi đi dạo quanh hồ vào mỗi buổi chiều hè.
Gần đền Quán Thánh là vườn Bách thảo, được ví như khu rừng Bois de Boulogne của Hà Nội. Đó là một khu đất rộng lớn, bên trong có nhiều lối đi rợp bóng cây xanh. Nơi đây có hồ nước, cỏ cây, hoa lá và một số loài vật. Đó là điểm hẹn của những người Hà Nội thanh lịch.
Trên các đường phố, tấp nập những cỗ xe ngựa trần bốn bánh, các quý bà xinh đẹp nhanh nhẹn qua lại trong những bộ trang phục lộng lẫy rất thời trang.
Một điểm đáng chú ý nữa đó là Thành Hà Nội với diện tích khá rộng không còn nữa. Các bức tường thành đều đã bị san phẳng. Nơi này giờ chỉ còn lại các công trình xây dựng kiểu Âu rộng rãi, đó là doanh trại quân đội hay nhà ở của sĩ quan. Tháp canh và vài bức tường hồi vẫn còn đó.
Tòa thành, ngày nay vẫn được gọi như vậy, đơn giản là do thói quen, chứa rất nhiều vũ khí và đạn dược. Đội quân đồn trú ở đây gồm lực lượng bộ binh, pháo binh và lính bản xứ. Ngoài ra, còn có nhiều công sở và nhân viên. Tuy không còn thành lũy như xưa nữa song xung quanh tòa thành vẫn có một tường bao trổ lỗ châu mai, bên trong phần lớn là các tòa nhà quân sự.
Trải dài dọc theo tả ngạn sông Hồng, Hà Nội được bảo vệ trước những trận lũ kinh hoàng của con sông này vào mùa mưa bởi một con đê cao – hiện đang được cải tạo thành bến cảng. Thành phố có diện tích khoảng 877ha, dạng tam giác có trung tâm là tòa thành, cách sông Hồng khoảng 2km, trước kia là khoảng 6km, nay bị thu hẹp đáng kể do sự phát triển không ngừng của thành phố, với dân số ước tính như sau:
– Người Âu (680 nam, 219 nữ, 189 trẻ em): 1.088
– Người Tầu: 2.000
– Người Quảng Đông: 1.800
– Người Phúc Kiến: 200
– Người Ấn Độ và Nhật Bản: 100
– Người An Nam: 100.000
Tổng dân số: 105.188 người
Tổng diện tích xây dựng là 107ha nhà gạch và 29ha nhà tranh vách đất.
Thành phố Hà Nội, một trong những trung tâm kỹ nghệ và thương mại quan trọng nhất, được chia thành 8 khu bao gồm khoảng 180 phố. Các trưởng khu và trưởng phố bản xứ do dân đinh người bản xứ bầu ra. Đường phố rộng rãi, xuyên suốt và thông thoáng, ở khu vực thành thị có điện thắp sáng, được trang bị hệ thống cống và máy nước công cộng. Ngoài ra, các trục đường chính được thắp sáng bằng đèn hồ quang.
Vào thời điểm này, Hà Nội sắp có 3 tuyến đường tàu điện. Các tuyến đường sắt cũng đang tích cực được thi công để sớm đưa vào hoạt động. Phần lớn đường sá ở vùng chung quanh Hà Nội khá rộng rãi và được bảo trì tốt.
Những chiếc tàu thủy được trang bị đầy đủ và vô cùng tiện nghi của các hãng vận tải đường sông đã kết nối trung tâm này với cảng Hải Phòng và lên tới tận biên giới Trung Hoa. Dịch vụ vận chuyển thường xuyên tới các địa điểm chính của Bắc Kỳ đều do các hãng vận tải này đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có một ngân hàng, một hiệu cầm đồ, một văn phòng Trước bạ và Tài sản, hai lò mổ.v.v…
Các công trình xây dựng nhà hát, sở Cảnh sát, dinh Toàn quyền khi đó đang chuẩn bị được khởi công, sẽ góp phần tô điểm thêm cho thành phố Bắc Kỳ này, nơi có thể trở thành thành phố xinh đẹp nhất xứ Đông Pháp.
(Nguồn: Theo Robert Dubois, “Xứ Bắc Kỳ năm 1900”).