Thần thoại là gì? Sự ra đời, Đặc trưng, Phân loại – LyTuong.net
(Last Updated On: 30/09/2022 by Lytuong.net)
1. Khái niệm thần thoại
Theo SGK 10 tập 1, ông Chu Xuân Diên cho rằng Thần thoại là những truyện kể hoang đường về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ảnh nhận thức và sự hình dung của người thời cổ về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người. Còn theo ông Đỗ Bình Trị, Thần thoại là những truyện kể về sự tích các “thần”, do người thời cổ tưởng tượng ra nhằm giải thích nguồn gốc ý nghĩa của một số hiện tượng tự nhiên và xã hội được coi là có quan hệ mật thiết đến sự sống còn của tập thể thị tộc bộ lạc.
Về khái niệm thần thoại, hầu như các ý kiến của những nhà nghiên cứu đều gặp nhau và thống nhất với nhau. Thần thoại là những truyện kể hoang đường, kỳ ảo, kể về những nhân vật chính là những vị thần – có cả các nhân vật được sùng bái hoặc có quan hệ nguồn gốc với các vị thần (E. M. Mê-lê- tin-xki) tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tạo lập thế giới và các nhân tố của nó như thiên nhiên và văn hóa. Thần thoại là phương pháp cơ bản để tìm hiểu thế giới, phản ảnh cảm giác, sự hiểu biết về thế giới của thời đại sinh ra nó.
Nói đến các vị thần trong thần thoại là nói đến nhân vật trung tâm đại diện cho sức mạnh của vũ trụ (Trời, Đất, Sông, Biển….), họ có lai lịch, diện mạo, hành động, hoạt động và các quan hệ của các thần với nhau. Họ có sức mạnh và đại diện cho sức mạnh, tạo ra mọi vật. Nhân vật thần thoại, ngoài các vị thần tạo lập vũ trụ còn là các nhân vật sáng tạo văn hóa, các anh hùng dũng sĩ thời cổ đại, các nhân vật anh hùng thần linh, các nhân vật sáng tạo văn hóa thần linh, các nhân vật siêu nhiên không có trong thực tế Từ các nhân vật hoang
đường, kỳ ảo này, Thần thoại giải thích nguồn gốc vũ trụ, hiện tượng tự nhiên, sự hình thành muôn loài và sự hình thành của các tộc người, phản ảnh quan niệm của con người cổ về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội con người.
Thần thoại là trí tưởng tượng gắn liền với những quan niệm cổ mà người xưa dùng để giải thích thế giới, coi tất cả mọi hiện tượng đều do sức mạnh thần linh chi phối, chế ngự…
2. Sự ra đời của thần thoại
a. Thời gian ra đời:
Thần thoại là một loại tự sự dân gian ra đời và phát triển trong thời công xã nguyên thủy, khi trình độ về mọi mặt của con người còn rất thấp, ngôn ngữ còn nghèo, sự tiếp xúc giao lưu văn hóa còn hạn chế (Ở Việt Nam, thời kỳ đó là thời tiền Hùng Vương, trước khi lập nước Văn Lang, cách đây trên 3000 năm).
b. Nguyên nhân ra đời:
Thần thoại nảy sinh do nhu cầu giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội của con người thời tiền sử. Ở đó, thiên nhiên vừa gần gũi vừa đe dọa người nguyên thủy, đánh thức khát vọng khám phá, giải thích, chinh phục tự nhiên. Và thần thoại là kết quả, là thành tựu khám phá tự nhiên của người thời cổ. Với năng lực tư duy hạn chế, thế giới quan thần linh, cảm nhận sự vật còn ngây thơ chất phác, người nguyên thủy đã giải thích mọi thứ bằng cách quy vào hoạt động của thế giới thần linh để từ đó nhào nặn thế giới tự nhiên trong trí tưởng tượng của mình (Những Thần trụ trời, Thần Mưa, Thần Gió, Thần Sét, Thần Biển.. )
Vì vậy, thần thoại là toàn bộ những hoạt động nhận thức và là kho tàng tri thức của con người trong hình thái xã hội công xã nguyên thủy. Họ nhận thức thực tại khách quan và đã trả lời – dù còn sai lầm – các câu hỏi: Tại sao? Như thế nào?. về thực tại khách quan.
c. Một số quan niệm nguyên thủy gắn liền với sự ra đời của thần thoại:
Thần thoại ra đời vào một thời kỳ rất xa xưa – thời mà trình độ nhận thức của con người còn rất hạn chế. Sự hiểu biết về thế giới tự nhiên còn rất mù mờ. Thế giới tự nhiên và con người vẫn còn là một bức màn bí ẩn, kỳ bí. Từ những hiện tượng rất bình thường của tự nhiên như ngày và đêm đến những biến động địa chấn khủng khiếp như động đất, núi lửa, sóng thần. Tất cả đã tạo thành một
sức mạnh thiên nhiên huyền bí và dữ dội đến mức siêu nhiên. Thế giới ấy vừa làm cho người thời cổ sợ hãi vừa làm cho họ khao khát giải thích, khám phá. Điều ấy đã làm cho sự khai sinh thần thoại mang theo dấu vết của rất nhiều quan niệm cổ mà việc nghiên cứu văn học dân gian buộc phải quan tâm tới một cách nghiêm túc và khoa học. Nó cũng nói lên rất rõ đặc trưng nguyên hợp của văn học dân gian (như đã trình bày ở phần thứ nhất – Bài khái quát nhập môn).
Trước hết là quan niệm “Vạn vật hữu linh”, tức là vạn vật tồn tại trên thế giới này bản thân nó đều có linh hồn. Hay nói cách khác, mỗi vật thể, mỗi hiện tượng tự nhiên đều ẩn náu một tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy. Điều này lý giải vì sao trong thần thoại và thậm chí cả những thể loại ra đời muộn hơn sau này như truyền thuyết, cổ tích. , loài vật hay con vật đều có tâm hồn và suy nghĩ như người.
Quan niệm “Vật tổ Tô tem”, cũng là một quan niệm cổ để lại dấu ấn trong thần thoại. Quan niệm này cho rằng mỗi bộ lạc, thị tộc đều được sinh ra từ một con vật hay một loài thảo mộc nào đó. Từ đó đưa đến tục thờ tổ, tức là thờ con vật hoặc loài thảo mộc ấy. Trong thần thoại, vì thế, tồn tại những vị thần là một con vật hoặc một loài thảo mộc nào đấy mà có sức mạnh phi thường, có những năng lực kỳ lạ tác động đến đời sống của con người và vạn vật khác. Tương tự như thế là quan niệm “Bái vật giáo” tức là mỗi bộ lạc, thị tộc tôn thờ một sự vật hiện tượng tự nhiên nào đó như thờ thần núi, thần sông chẳng hạn…
Kế tiếp là quan niệm “Vạn vật tương giao”, người cổ cho rằng con người cũng là một phần của tự nhiên (vạn vật nhất thể), được sinh ra từ tự nhiên và gắn bó với tự nhiên. Con người có thể biến thành một thực thể khác như chim muông, cây, cỏ, hoa, lá…. và ngược lại. Trong thần thoại và cả các thể loại tự sự dân gian ra đời muộn hơn đều có hiện tượng này tham gia vào câu chuyện như một chi tiết không thể thiếu (thậm chí trở thành một motip về sự hóa thân, làm cho câu chuyện đậm đà chất thần thoại, hoang đường, huyền ảo hơn…)
Cuối cùng, những quan niệm về tôn giáo cũng tạo nên mối quan hệ không thể tách rời giữa thần thoại và tôn giáo. Cả hai có quan hệ về nguồn gốc nhưng hoàn toàn khác nhau về bản chất. Chính bởi điều này mà một số thần thoại được tôn giáo sử dụng và biến thành những truyện kể tôn giáo (những truyện kể Phật giáo, Bà la môn…).
3. Một số đặc trưng thể loại cơ bản của thần thoại
a. Điều kiện xã hội của thần thoại:
Như trên đã nói, thực tiễn của loài người ở hình thái công xã nguyên thủy đã thúc đẩy sự nảy sinh trí tưởng tượng của họ và từ đó nảy sinh thần thoại.
Tư duy người nguyên thủy được nảy sinh trên cơ sở phản ảnh những quan hệ của các hiện tượng của thực tại khách quan với con người thông qua lao động. Ở đó có mối quan hệ giữa nhu cầu nhận thức và nhu cầu giao tiếp; giữa kinh nghiệm và sự khẳng định mình; sự sợ hãi và khát vọng chinh phục…
b. Tính nguyên hợp của thần thoại:
Tính nguyên hợp là đặc điểm nổi bật của thần thoại. Bởi lẽ ta thấy ở thần thoại sự thể hiện của nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố khác nhau. Thần thoại vừa là khoa học sơ khai hình thành và phát triển hoàn toàn tự phát nhằm giải thích thế giới; vừa là tôn giáo nguyên thủy phản ánh sự sùng bái tự nhiên của người xưa; vừa là nghệ thuật “vô ý thức” của người cổ đại. Trong thần thoại còn chứa đựng mầm mống của triết học, lịch sử, luật pháp…
c. Chức năng cơ bản của thần thoại:
Là một thể loại tiêu biểu của văn học dân gian, thần thoại có các chức năng tiêu biểu của một tác phẩm văn học dân gian. Tuy nhiên, các chức năng của thần thoại lại có những đặc trưng riêng khó có thể lầm lẫn được.
Đó là chức năng nhận thức – dù nhận thức trong thần thoại ở buổi đầu còn rất sai lầm. Sự nhận thức đó thể hiện ở hai phương diện: Nhận thức thực tiễn khách quan (nhận thức những gì đang tồn tại, đang xảy ra) và nhận thức suy nguyên (nhận thức những gì thuộc về nguồn gốc của vũ trụ, của con người, của vạn vật, muôn loài…).
Đó cũng là chức năng sinh hoạt thực hành như một phương thức tồn tại – ra đời, lưu truyền và diễn xướng – của thần thoại. Không nằm khuôn cứng như trong những văn bản sưu tầm về văn học dân gian hiện nay, đời sống của một tác phẩm thần thoại đích thực luôn gắn liền với các hoạt động lễ nghi, có màu sắc tôn giáo ma thuật…Những hình thức đó tham gia trực tiếp vào hoạt động sinh hoạt lao động sản xuất và đời sống của người thời cổ.
Ở thần thoại, đặc biệt, ta còn có thể nhận ra chức năng thẩm mỹ của nó. Đó là sự thể hiện cái hoang đường của nhận thức là trí tưởng tượng lãng mạn và khát vọng đẹp đẽ vươn tới chinh phục tự nhiên (mỹ học gọi là hướng đến cái đẹp, cái cao thượng).Từ đó, thần thoại đã sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật thẩm mỹ cao – dù sự sáng tạo này không phải lúc nào cũng là tự giác (mà thường là tự phát)
4. Phân loại
Có rất nhiều cách phân loại khác nhau về thần thoại. Nhưng điều dễ nhận thấy đó là theo một số nhà nghiên cứu, có một số tiểu loại của thần thoại mang dấu ấn của thể loại truyền thuyết. Như vậy, thực tế phân loại trong khoa nghiên cứu văn học dân gian đã thể hiện mối quan hệ rất gần gũi giữa thần thoại và truyền thuyết. Trong tài liệu này, những cách phân loại mà chúng tôi sắp liệt kê dưới đây chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo thêm về thể loại này.
Riêng cách bố trí các chương, bài cũng nói lên quan điểm của chúng tôi rằng thần thoại và truyền thuyết là hai thể loại khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau – đặc biệt là quan hệ kế thừa, chuyển tiếp. Theo ông Đỗ Bình Trị, thần thoại có hai nhóm, đó là Thần thoại suy nguyên và Thần thoại sáng tạo văn hóa.
Có thể hiểu một cách ngắn gọn như thế này. Thần thoại suy nguyên là những thần thoại giải thích nguồn gốc của một số sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội mà con người thời cổ nói chung cho là có quan hệ đến sự sống còn của họ.
Thần thoại suy nguyên làm nhiệm vụ lý giải tự nhiên đồng thời cũng nói lên sự hòa nhập của con người với tự nhiên, từ đó khẳng định những phẩm chất tốt đẹp cao quý của con người.
Về thần thoại sáng tạo văn hóa, đây là những truyện kể về “những anh hùng văn hóa” – những con người đã lập nên những chiến công, kỳ tích, những điều kỳ diệu để tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng hạn những kỳ tích tiêu diệt yêu quái, trừ thú dữ, khai phá đất đai, lập làng bản, tìm lửa, chế tạo công cụ sản xuất và chiến đấu…của các anh hùng. Qua đó thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người về cuộc sống ấm no tốt đẹp hơn. Để lý giải sự giao nhau giữa thần thoại và truyền thuyết, ông Đỗ Bình Trị cho rằng, một bộ phận của thần thoại sáng tạo văn hóa, về sau, đã được lịch sử hóa để tạo thành truyền thuyết. Như vậy là, theo ông, một số truyền thuyết có nguồn gốc thần thoại. Và đây là một ý kiến đáng chú ý.
Cũng đồng nhất ít nhiều với quan điểm trên, ông Chu Xuân Diên cũng có cách phân chia gần gũi nhưng chỉ khác nhau về cách định danh tiểu loại. Ông chia thần thoại ra thành hai loại. Đó là thần thoại suy nguyên luận và thần thoại lịch sử.
Ở đây, chúng ta có thể đồng nhất với cách phân chia có phần cụ thể hơn của ông Hoàng Tiến Tựu. Lấy tiêu chí là giải thích nguồn gốc theo các loại đối tượng khác nhau, ông phân thành bốn loại thần thoại khác nhau. Bốn tiểu loại ấy là Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên; Thần thoại về nguồn gốc các loài sinh vật ; Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc và cuối cùng là Thần thoại về anh hùng sáng tạo văn hóa, thủy tổ các nghề.
(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)
3.1/5 – (9 bình chọn)