THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO
Thông tin cần biết
THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nghị định này gồm 05 chương 74 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021.
Ảnh minh họa
Nghị định số 38 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo ở Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này…
Theo đó, Tại Điều 66 Nghị định này quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân, trong đó, lực lượng Công an nhân dân có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, các hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội; kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; hành vi vi phạm về di sản… cũng như các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực văn hóa được quy định tại Chương II Nghị định này. Đáng chú ý, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày… Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ vũ trường không có giấy phép theo quy định; sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường để kinh doanh…
Về lĩnh vực quảng cáo, các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định rõ tại Chương III Nghị định này. Tại Điều 43 đã quy định rõ các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông, trong đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội…
Ngoài ra,các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử; vi phạm các quy định về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, trên sản phẩm in và xuất bản phẩm điện tử cũng được quy định vụ thể tại Điều 38 đến Điều 41…
File đính kèm
Theo nguồn CTTĐTBCA