THẨM QUYỀN THEO CẤP, LÃNH THỔ TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
THẨM QUYỀN THEO CẤP, LÃNH THỔ TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Về nguyên tắc, những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà không do Tòa án cấp huyện phụ trách thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp tỉnh, nhưng việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính không có sự tách rời giữa thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ. Do đó, thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm theo cấp và theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân được xác định như sau:
Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện
Căn cứ Điều 31 Luật tố tụng hành chính 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2019 (“TTHC”), Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
3. Khiếu kiện danh sách cử tri của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.”
Từ các quy định trên, có thể thấy rằng Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ giải quyết những khiếu kiện đối với các hoạt động quản lý hành chính của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trong cùng phạm vi địa giới hành chính của Tòa án. Trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án cấp huyện, dấu hiệu về nơi cư trú, trụ sở của người khởi kiện không được xem là căn cứ để xác định thẩm quyền.
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm đối với phần lớn các khiếu kiện không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện. Lưu ý theo khoản 8 Điều 32 của Luật TTHC, “Trường hợp cần thiết, Tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên giải quyết vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện…” Do đó, Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính.
-
Đối với những khiếu kiện có người bị kiện ở Trung ương thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án có cùng phạm vi địa giới hành chính với người khởi kiện: Nếu cá nhân khởi kiện thì kiện tại Tòa án nhân dân nơi cá nhân cư trú, làm việc; Nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì kiện tại Tòa án nhân dân nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở;
-
Đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước ở trung ương mà người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp Tỉnh có cùng phạm vi địa giới với trụ sở của người bị kiện sẽ có thẩm quyền giải quyết;
-
Đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. (căn cứ theo khoản 5 Điều 32 Luật TTHC);
-
Đối với khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành, trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi làm việc của người khởi kiện. (căn cứ theo khoản 6 Điều 32 Luật TTHC);
-
Đối với khiếu kiện quyết định
giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước
mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở
thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi làm việc của người khởi kiện nếu là cá nhân. Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì tòa án có thẩm quyền thụ lý là Tòa án nhân dân nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở (căn cứ theo khoản 7 Điều 32 Luật TTHC).
Do đó, việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án cấp tỉnh không chỉ căn cứ vào dấu hiệu về địa giới hành chính của người bị kiện mà còn căn cứ vào dấu hiệu về nơi ban hành quyết định hay thực hiện hành vi bị khiếu kiện để xác định phạm vi các khiếu kiện thuộc thẩm quyền xét xử hành chính sơ thẩm của mỗi cấp Tòa án.
Việc xác định đúng thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ trong vụ án hành chính sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân, tổ chức khởi kiện, và vụ án được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Ngoài ra, còn giúp Tòa án tránh việc thụ lý sai thẩm quyền dẫn đến phải hủy án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng xét xử của Tòa án.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)
Trên đây là những nội dung cơ bản về Thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ trong vụ án hành chính dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về vấn đề nêu trên hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: [email protected] để được hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.