THAM LUẬN THỰC TRẠNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG HIỆN NAY VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA | HUYỆN NAM TRỰC

          Mái trường xưa nay luôn được coi là mái nhà thứ hai, nơi nuôi dưỡng và chắp cánh những ước mơ, nơi mà với rất nhiều người nó được coi là một phần kí ức tươi đẹp, rực rỡ nhất trong cuộc đời. Nhưng hiện nay các giá trị đạo lí  truyền thống như “tôn sư trọng đạo”, “hiếu học trọng thầy”, “tiên học lễ hậu học văn” liệu có được nâng niu giữ gìn hay đã bị mai một xuống cấp nghiêm trọng khiến môi trường học đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu một cách báo động? Cách đây không lâu chương trình thời sự đưa tin về một vụ xả súng đẫm máu trong một trường học ở Mỹ. Nạn nhân là những học sinh vô tội. Đau xót hơn kẻ sát nhân cũng chính là một học sinh của ngôi trường ấy. Hằng ngày không ít câu chuyện, vụ việc đáng tiếc xảy ra nơi học đường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng văn hóa học đường  hiện nay.

            I. Thực trạng:

          Từ thực tế nhà trường hiện nay, tình trạng học sinh hư hỏng tuy không phổ biến nhưng trường nào cũng có, không những ảnh đến phong trào chung mà còn ảnh hưởng đến nhân cách các học sinh khác. Nếu không xử lý tận gốc rất dễ tạo hiện tượng ‘domino’ kéo theo sự sụp đổ hàng loạt. Xây dựng văn hóa học đường hiện nay đứng trước vô vàn khó khăn thử thách. Đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh đang đi lệch chuẩn. “Nó” biểu hiện ra muôn hình, muôn vẻ trong mỗi hành vi, suy nghĩ, lời nói hằng ngày.

          Đơn giản và dễ thấy nhất là văn hóa ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo. Những hiện tượng nói tục chửi thề, hoặc sử dụng  “mật  ngữ tuổi teen” không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt mà nó còn là biểu hiện của việc coi thường quy tắc lịch sự văn minh khi giao tiếp. Chưa kể học sinh gặp thầy cô không chào hỏi, nói xấu thầy cô bằng những ngôn từ vô lễ.

          Các tệ nạn xã hội xưa kia vốn chỉ tồn tại phía ngoài cổng trường, thì nay đã âm thầm len lỏi phá hủy sức khỏe và nhân cách học sinh như: học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, các chất kích thích, các chất gây nghiện. Đáng lo ngại là những thói hư tật xấu này lây lan rất nhanh và tác động tới các học sinh ngoan.

          Một thực trạng đáng buồn là những tấm gương vượt khó học giỏi, những người tốt việc tốt không được nhiều học sinh quan tâm nữa. Học sinh ngày nay  “thần tượng” các “giang hồ mạng” một cách cuồng nhiệt: bắt chước nhuộm tóc, đeo khuyên tai, xăm trổ, ăn mặc bụi bặm và nhiễm từng lời ăn tiếng nói tục tĩu thiếu văn hóa từ các hiện tượng mạng đó  như một trào lưu.

          Đặc biệt những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã lên tiếng khá nhiều về vấn đề bạo lực học đường. Vấn đề này trở thành mối lo ngại của xã hội. Hãy thử tưởng tượng một ngày con em mình xuất hiện trong một clip lan truyền trên mạng với một vụ đánh lộn hội đồng hay bị bắt nạt, ăn hiếp thì phụ huynh sẽ cảm thấy như thế nào? Những giáo viên của những em học sinh ấy sẽ sốc như thế nào? Bạo lực học đường chưa lúc nào hạ nhiệt, hàng ngày có biết bao clip phản cảm học sinh đánh nhau, trò đánh thầy tràn lan trên mạng Internet khiến phụ huynh bất an,nhà trường và dư luận xã hội phẫn nộ…Và còn rất nhiều các các hiện tượng suy đồi văn hóa chốn học đường mà trong giới hạn một bài viết nhỏ này không thể đề cập được hết.

          II. Nguyên nhân:

         Sự phát triển của công nghệ thông tin một cách chóng mặt, bên cạnh việc giúp học sinh mở rộng tầm nhìn ra thế giới, mở mang tri thức nhân loại thì  mặt trái của nó cũng đang gây ra những hệ lụy không nhỏ. Những “virus văn hóa” xấu,  độc từ khắp nơi xâm nhập vào học đường chưa bao giờ nhanh chóng và dễ dàng đến thế.  Công nghệ thông tin đã tạo nên một “ thế giới phẳng” mà ở  đó vấn đề tiêu cực chỉ sau một cú click chuột sẽ trở thành một trào lưu trên toàn thế giới. Ví như một thời gian dài trò chơi “thách thức cá voi xanh” đã khiến không ít trẻ em trên toàn thế giới tìm đến cái chết vì trò chơi này dẫn dắt trẻ em  làm các thử thách hủy hoại bản thân.

03

(Ảnh sưu tầm minh họa)

          Trong quá trình khám phá bản thân và hình thành nhân cách, các em vấp phải những  khó khăn dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức. Nhiều em lầm tưởng những hành vi đi ngược lại với chuẩn mực là một cách thể hiện cá tính. Muốn khẳng định cái tôi nhưng chưa biết làm thế nào cho đúng đắn, thích nổi đình đám bằng những vụ việc tai tiếng.

          Từ góc độ gia đình: Cuộc sống hiện đại, cha mẹ bận rộn từ sang sớm tới đêm khuya ít có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Nhiều đứa trẻ trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Chúng được tự do và bị buông lỏng từ bé. Một số gia đình lại có xu hướng phó mặc hoàn toàn việc giáo dục con em mình cho phía nhà trường với tâm lý “trăm sự nhờ thầy”

          Sự dân chủ quá đà từ phụ huynh và báo chí nhiều khi đẩy vụ việc giáo dục học sinh của thầy cô giáo đi quá xa dẫn tới tâm lý e dè ngại va chạm của thầy cô, nên  việc giáo dục học sinh trở nên muôn vàn khó khăn vì nó trở thành vấn đề nhạy cảm.

          III. Giải  pháp:

         Cần xây dựng văn hóa học đường từ những điều nhỏ nhất: ứng xử có văn hóa, tôn vinh các giá trị đạo lý truyền thống.

         Có sự kết hợp chặt chẽ ba bên: nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó gia đình là nền tảng đầu tiên trong việc hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ.

         Giáo dục là một khoa học và cũng là một nghệ thuật. Do đó vai trò của giáo viên trong việc xây dựng nếp sống văn hóa học đường là vô cùng quan trọng. Giáo viên cần phải quan tâm chia sẻ, kịp thời  phát hiện và tháo gỡ các khó khăn mà học sinh vướng mắc.

         Thế giới tâm hồn của trẻ rất vô tư trong sáng, tuy nhiên cũng rất nhạy cảm, dễ thay đổi. Giáo dục thế hệ trẻ trở  thành những chủ nhân tương lai của đất nước trước hết phải từ trong mỗi gia đình và ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

         Bài viết nhỏ trên đây chỉ là một góc nhìn hạn hẹp. Hy vọng góp một tiếng nói vào nhiệm vụ  giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường.

          Tác giả: Lê Thị Thu Khuyên – giáo viên trường THCS Điền Xá – xã Điền Xá – huyện Nam Trực – tỉnh Nam Định.