Thai nhi 36 tuần tuổi: Sự phát triển của bé và thay đổi ở mẹ | Huggies
Thai 36 tuần là thời điểm khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ đến ngày bé chào đời. Lúc này, việc lo lắng sự ra đời của bé sẽ luôn thường trực ở bên các mẹ bầu, khiến cho các mẹ bị căng thẳng với vô vàn câu hỏi được nảy ra trong đầu. Vì thế, bài viết của Huggies sẽ giúp cho các mẹ bầu hiểu rõ hơn về sự phát triển của con trong giai đoạn tuần thứ 36 này. Đồng thời, bài viết cũng sẽ giải đáp những câu hỏi mà các mẹ thường xuyên thắc mắc.
Mục Lục
Mang thai 36 tuần là bao nhiêu tháng?
Mẹ bầu mang thai 36 tuần là đang bước vào tháng thứ 9 của thai kỳ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày lâm bồn của mẹ và ngày chào đời của con đang đến gần.
Thai nhi 36 tuần phát triển như thế nào?
Thai 36 tuần nặng bao nhiêu?
Ở tuần thứ 36 của thai kỳ, kích thước của thai nhi dài khoảng 47 – 47.5 cm từ đầu đến gót chân, và cân nặng rơi vào khoảng 2.6 – 2.7 kg. Vì kích thước và khối lượng của thai nhi đã chiếm gần hết khoảng trống trong túi ối nên các bé không thường xuyên đạp bụng mẹ như trước. Nhưng các mẹ vẫn cảm nhận được các chuyển động của thai nhi như bé giãn người, cuộn mình, ngọ nguậy,… Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu gì bất thường, và bạn thấy em bé có vẻ kém hoạt bát một cách khó hiểu, thì cũng nên tin theo linh tính của mình và đi gặp bác sĩ hoặc hộ sinh để kiểm tra.
Xem thêm: Bảng cân nặng thai nhi theo tuần
Những đặc điểm phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi
- Mất lớp sáp bã nhờn bao phủ
Bã nhờn thai nhi (chất sáp màu trắng) bao phủ phần lớn cơ thể bé trong suốt 9 tháng mẹ mang thai đã tan biến do thai nhi nuốt chúng cũng như các chất khác khiến cho ruột bắt đầu hoạt động. Vì vậy, các mẹ sẽ nhìn thấy phân màu xanh đen trong miếng tã lót đầu tiên của bé.
- Phát triển da và xương
Khi nhìn vào hình ảnh siêu âm thai 36 tuần, các mẹ sẽ thấy hình ảnh của thai nhi đang phát triển đầy đặn. Lúc này, phần má của bé hình thành lớp mỡ và cơ tạo nên khuôn mặt phúng phính. Bên cạnh đó, các mảnh xương cấu tạo nên hộp sọ của bé đang di chuyển và chồng chéo lên nhau nhưng vẫn chưa liền hẳn nhằm giúp cho thai nhi dễ dàng di chuyển qua kênh sinh. Hiện tượng này được gọi là sự đúc khuôn hộp sọ. Các xương và sụn của bé cũng khá mềm để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh nở của mẹ diễn ra dễ dàng hơn. Xương toàn thân và hộp sọ sẽ cứng lại trong vài năm đầu đời.
- Các cơ quan và hệ thống đã hoàn thiện
Phổi đã phát triển đầy đủ nên thai nhi 36 tuần đã có thể thở ra hít vào. Gan đã bắt đầu xử lý một số chất thải. Thận đã hoàn chỉnh. Hệ tuần hoàn máu đã hoàn thiện. Đồng thời, hệ miễn dịch phát triển đủ để tránh nhiễm trùng ở môi trường bên ngoài tử cung. Khuỷu tay, khuỷu chân, đầu bé đã có thể nổi trên bụng mẹ khi bé chuyển động.
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện
Ở tuần thứ 36 của thai kỳ, nhiều cơ quan và hệ thống của bé như hệ tuần hoàn, hệ miễn dịch,… đã trưởng thành và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Tuy nhiên, vẫn có một vài bộ phận cần thêm thời gian để hoàn toàn trưởng thành. Điển hình là hệ tiêu hóa. Các chuyên gia cho rằng khi ở trong bụng mẹ, thai nhi nhận dưỡng chất chủ yếu từ dây rốn nên dù thai nhi đã hình thành hệ tiêu hóa nhưng nó vẫn chưa hoạt động. Cần 1 đến 2 năm đầu đời để hệ tiêu hóa thực hiện chức năng bình thường.
Sự phát triển của thai 36 tuần (Nguồn: Sưu tầm)
Sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 36 tuần tuổi
Thể trạng thay đổi vào tuần thứ 36
- Sa bụng bầu
Đây là quá trình thai nhi bắt đầu di chuyển xuống vùng xương chậu của mẹ ở tuần thai thứ 36. Quá trình này thường xảy ra một vài tuần trước đối với mẹ bầu lần đầu sinh con và thường xảy ra trễ hơn hoặc không xảy ra cho tới khi chuyển dạ đối với các mẹ đã từng sinh em bé.
- Đau xương chậu và đi tiểu thường xuyên
Khi thai 36 tuần di chuyển xuống dưới gây áp lực lên vùng xương chậu khiến các mẹ thấy đau. Điều này sẽ khiến cho việc đi bộ và ngồi xổm khó khăn hơn, cũng như làm tắc nghẽn bàng quang khiến các mẹ bầu phải đi tiểu nhiều lần hơn. Các mẹ bầu tuyệt đối không nên vì muốn hạn chế việc đi tiểu mà uống ít nước hơn. Cơ thể mẹ cần chất lỏng để giữ nước cũng như đủ lượng nước ối cần thiết. Nếu thai nhi nằm ở vị trí thấp, mẹ sẽ cảm thấy khó chịu hơn ở khu vực xương chậu và âm đạo.
- Tay chân phù nề
Bàn chân và mắt cá chân của bạn trông cứ như lẫn vào nhau. Điều này thực sự không có gì đáng buồn cười. Sưng tấy như vậy quả rất khó chịu. Có thể bạn đã phát ngấy việc phải mang mỗi một đôi giày ngày này qua ngày khác. Sau khi sinh con, đa phần các bà mẹ đi tiểu tiện rất nhiều, nghĩa là họ đang loại bỏ một lượng lớn các chất lỏng trong cơ thể qua đường tiểu. Bạn đừng nên mua giày ngay bây giờ; bàn chân của bạn sẽ sớm hết phù nề thôi.
Xem thêm: Bà bầu phù chân tháng cuối
- Mất ngủ
Bụng bầu của mẹ ở tuần thứ 36 ngày càng to khiến mẹ khó tìm được tư thế thoải mái để thật sự ngủ ngon. Nằm sấp thì chắc chắn là không được, mà nằm ngửa thì không tốt cho cả bạn và bé; lý do là một trong các mạch máu chủ (tĩnh mạch chủ) sẽ bị dạ con chèn ép nếu bạn nằm tư thế này. Tư thế tốt nhất là nằm nghiêng về bên trái, chân phải co lên và đặt trên một chiếc gối.
- Ngứa bụng
Phụ nữ khi mang thai 36 tuần thường bị ngứa bụng do da bụng bị kéo căng. Để khắc phục tình trạng này, các mẹ có thể dùng kem có chứa bơ ca cao hoặc vitamin E thoa lên bụng giúp làm dịu cảm giác ngứa.
- Các triệu chứng điển hình khác:
– Cơn co tử cung xuất hiện thường xuyên hơn.
– Vú to và mềm hơn, sẵn sàng tiết sữa.
– Đau đầu, choáng váng, chóng mặt.
– Chứng ợ nóng, đầy hơi và khó tiêu.
– Tiêu chảy, mót rặn (do tử cung to chèn ép vào trực tràng và đại tràng).
– m đạo xuất hiện dịch tiết, đôi khi có lẫn máu.
– Rạn da bụng, ngứa da vùng bụng.
– Rối loạn giấc ngủ.
Sự thay đổi trong tâm lý của mẹ bầu vào tuần thai thứ 36
Những công việc chuẩn bị phải làm quá gấp có thể khiến những bà mẹ tháo vát nhất cũng phải mất bình tĩnh và dễ mệt mỏi; vậy nên, hãy dành cho mình những khoảng lặng như vậy để tập trung vào những gì quan trọng nhất. Đi tiệm massage trị liệu, tham gia lớp yoga cho bà bầu, đi bơi, hoặc đi bộ từng quãng dài là những cách để bạn giúp đầu óc mình thảnh thơi.
Khám thai tuần 36 cần kiểm tra những gì?
Từ tuần 36, mẹ bầu cần khám thai hàng tuần. Vào lần khám thai tuần 36, các mẹ sẽ được bác sĩ tiến hành:
- Khám tổng quát, đo huyết áp;
- Xét nghiệm máu;
- Siêu âm màu theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch tử cung, động mạch não, kiểm tra dây rốn, nước ối, ngôi thai, biến chứng thai nghén,…;
- Thử nước tiểu kịp thời phát hiện những bệnh lý tiền sản giật cũng như các biến chứng khác;
- Nghe tim thai, đo chiều cao tử cung, kiểm tra cổ tử cung, đánh giá độ dài và độ mở của cổ tử cung, kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm nếu bị dọa sinh non;
- Tiến hành xác định ngôi thai. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp sinh phù hợp.
Trường hợp sản phụ bị xuất huyết âm đạo hay có những cơn co thắt thường xuyên hơn, thì cần nhập viện ngay để các bác sĩ theo dõi và xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm: Lịch khám thai 3 tháng cuối
Siêu âm thai 36 tuần gồm những gì?
Nên siêu âm thai 36 tuần bằng phương pháp 2D hay 4D?
Xét về mặt hình ảnh thai nhi, thai 36 tuần tuổi nên sử dụng phương pháp siêu âm 2D vì lúc này khoang ối chật hẹp và phần lớn bé quay đầu vào vùng xương chậu, khó để quan sát khuôn mặt em bé trên chức năng 4D.
Xét về mặt y tế, lúc này siêu âm 4D không đóng vai trò quan trọng vì nó chủ yếu giúp mẹ tăng trải nghiệm khi quan sát con. Lúc này mẹ chỉ cần siêu âm 2D là đủ để biết các thông tin như:
- Đánh giá ngôi thai: đầu hay mông, ngang;
- Cử động thai (+);
- Tim thai: nhịp tim thai;
- Vị trí rau bám: đánh giá có rau tiền đạo không;
- Số lượng nước ối: đa ối, thiểu ối, bình thường;
- Đánh giá tuần hoàn rau thai qua đánh giá doppler mạch rốn, mạch não, chỉ số não/rốn>1;
- Đánh giá cân nặng.
Trong tuần thai thứ 36, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm doppler xung, doppler màu đánh giá vận tốc và chiều dòng chảy của các động mạch rốn, doppler động mạch não giữa, doppler ống tĩnh mạch, doppler động mạch tử cung đánh giá tuần hoàn tử cung – bánh rau, tuần hoàn bánh rau – thai nhi, tuần hoàn thai nhi. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng nuôi dưỡng dựa vào thông số các mạch máu khảo sát và đưa ra lời khuyên thích hợp cho mẹ bầu.
Hình ảnh siêu âm thai 36 tuần
Hình ảnh siêu âm thai 36 tuần (Nguồn: Sưu tầm)
Các chỉ số mà mẹ bầu cần quan tâm
- BPD (mm): Đường kính lưỡng đỉnh, là đường kính lớn nhất ở mặt cắt vòng đầu bé. Đối với thai nhi tuần 36, chỉ số này rơi vào khoảng 83-96mm, và thông thường là 89mm.
- FL (mm): Chiều dài xương đùi. Đối với thai nhi 36 tuần tuổi, chỉ số này rơi vào khoảng 64-79mm, và thông thường là 68mm.
- AC (mm): Chu vi bụng. Đối với thai nhi 36 tuần tuổi, chỉ số này rơi vào khoảng 285-374mm, và thông thường là 322mm.
- HC (mm): Chu vi đầu. Đối với thai nhi tuần 36, chỉ số này rơi vào khoảng 309-351mm, và thông thường là 328mm.
- CRL (mm): Chiều dài đầu mông thông thường là 47,4mm
- EFW (g): Cân nặng ước tính. Đối với thai tuần 36, chỉ số này rơi vào khoảng 2335-3507g, và thông thường là 2813g.
Những việc mẹ bầu cần làm khi mang thai tuần 36
- Quan sát kỹ sự chuyển động của bé trong bụng mẹ. Nếu nhận thấy tần suất chuyển động giảm rõ, mẹ nên trao đổi ngay với bác sĩ;
- Ăn thêm các đồ ăn có chứa nhiều vitamin B6 và sắt;
- Bổ sung protein, omega-3, canxi, chất xơ cần thiết;
- Đo nhiệt độ, huyết áp và nhịp tim thường xuyên;
- Mẹ cần nắm rõ những vấn đề về sức khỏe thông qua tình trạng của dịch nhầy âm đạo;
- Mẹ nên báo cho gia đình sớm về việc sắp đến ngày bé chào đời;
- Dành nhiều thời gian cho các hoạt động giúp mẹ thư giãn, tránh tình trạng mất ngủ;
- Uống nhiều nước trong ngày: Việc uống nhiều nước sẽ giúp mẹ đào thải nhiều hơn những chất thải của cả mẹ và bé. Nên uống khoảng 2-3 lít nước một ngày, chia làm 11-12 lần, mỗi lần 200ml;
- Hạn chế ăn muối, ăn mặn bởi nó sẽ khiến thận giữ nhiều nước hơn, khiến mẹ bầu buồn tiểu hơn;
- Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho trong và sau khi sinh con, như: son dưỡng môi (đôi môi của mẹ sẽ trở nên rất khô trong quá trình sinh nở), băng đô, kẹp, lược chải tóc (sau khi sinh, tóc rối là điều không thể tránh khỏi và chải tóc cũng giúp thai phụ sau sinh cảm thấy thư giãn), tinh dầu (tạo mùi hương dễ chịu), vớ ấm, kem dưỡng ẩm, và áo choàng giữ ấm. Những vật dụng này sẽ giúp các mẹ cảm thấy thoải mái hơn sau thời khắc vượt cạn căng thẳng.
Nhìn chung, thai nhi tháng thứ 9 hay thai nhi 36 tuần tuổi đã phát triển gần như hoàn chỉnh để sẵn sàng ra đời. Trong giai đoạn này, bé sẽ bớt đạp mà nằm yên hơn. Để thai nhi 36 tuần tuổi phát triển toàn diện khi thai kỳ về cuối, mẹ nên chú ý nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ, tránh bé phải ra đời sớm hơn dự kiến. Đây cũng là giai đoạn nhạy cảm khi mẹ dễ sinh sớm và một số vấn đề sức khoẻ có thể xuất hiện như rau rốn quấn cổ, rau bong non hay thiếu ối. Do đó, mẹ cần siêu âm khám thai thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện các bất thường và chủ động can thiệp sớm.
Những việc mẹ bầu cần làm khi mang thai tuần 36 (Nguồn: Sưu tầm)
Sinh con vào tuần 36 của thai kỳ
Dấu hiệu chuyển dạ thai 36 tuần
- Khi em bé xoay đầu xuống dưới, mẹ sẽ cảm thấy như háng bị ấn xuống;
- Đi tiểu nhiều hơn, nửa đêm có khi phải thức giấc đi vệ sinh khá nhiều lần;
- Bụng cũng căng lên vài lần trong ngày đặc biệt là vào buổi chiều tối;
- Các cơn co thắt ở cổ tử cung xuất hiện với tần suất liên tục, cứ sau 5 – 10 phút, các mẹ bầu lại cảm nhận được cơn đau ấy. Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh mà thai phụ thường gặp phải;
- Tiêu chảy: Việc sản sinh quá nhiều tác động tới đường ruột của mẹ bầu khiến cho thai phụ thường bị nôn hoặc tiêu chảy trong những ngày chuẩn bị sinh. Đồng thời, các mẹ cũng sẽ cảm thấy tương đối mệt mỏi, cơ thể thiếu sức sống.
- Khi siêu âm và khám bên trong, các mẹ thần bên dưới tử cung (cổ tử cung) sẽ được kéo lên phía trên, cửa tử cung mềm ra và hơi mở. Với các mẹ sinh lần đầu, đây có thể là dấu hiệu đánh dấu trạng thái chuẩn bị mở cổ tử cung, trong y khoa độ mở của cổ tử cung được đo bằng chỉ số Bishop.
Thai 36 tuần sinh được chưa?
Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã thay đổi hướng dẫn chính thức do có nhiều em bé được sinh ra ở tuần thứ 37 của thai kỳ với nhiều biến chứng. Cụ thể như sau:
- Tuổi thai dưới 28 tuần là cực kỳ sớm.
- Tuổi thai 28 – 32 tuần là rất sớm.
- Tuổi thai từ 32 đến 37 tuần là trung bình đến sinh non.
- Tuổi thai từ 34 đến 36 tuần là sinh non.
- Tuổi thai từ 37 đến 38 tuần là sớm.
- Tuổi thai 39 tuần trở lên là đủ tháng.
Có một số trường hợp mà các mẹ bầu buộc phải sanh sớm theo chỉ định của bác sĩ như: tiền sản giật, động thai, vỡ ối sớm … Những đứa trẻ sinh vào tuần thứ 36 sẽ ít rủi ro hơn so với việc được sinh vào tuần thứ 35. Tuy nhiên, những đứa trẻ được sinh ra vào tuần thứ 36 vẫn có những rủi ro và biến chứng sau khi sinh nhất định như:
- Hội chứng suy hô hấp (RDS).
- Nhiễm trùng huyết.
- Còn ống động mạch (PDA).
- Vàng da cần điều trị bằng quang tuyến.
- Cân nặng khi sinh là thấp.
- Khó điều chỉnh nhiệt độ.
- Khó khăn khi cho bú.
- Chậm phát triển, chăm sóc đặc biệt.
- Tử vong.
Do những biến chứng đó, trẻ sinh vào tuần thứ 36 có thể phải nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) hoặc thậm chí được đưa vào bệnh viện sau khi đã xuất viện.
Hội chứng suy hô hấp (RDS) – là rủi ro lớn nhất đối với trẻ sinh ra ở tuần 36. Các bé trai thường gặp triệu chứng này hơn các bé gái sinh ở tuần 36.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở trẻ sinh vào tuần thứ 36, sau khi tính đến những em bé có bất thường về tim không được phát hiện, là khoảng 0,8%.
Những câu hỏi thường gặp khi mang thai tuần 36
Cân nặng của mẹ bầu mang thai 36 tuần bị giảm có sao không?
Đối với hầu hết các mẹ bầu, tuần 36 là giai đoạn cuối của thai kỳ, cũng đồng nghĩa với việc giai đoạn tăng cân đã kết thúc. Có một vài mẹ cân nặng không tăng lên mà còn giảm xuống. Và đây là hiện tượng bình thường. Ở tuần 36 của thai kỳ, việc giữ nguyên trọng lượng (hoặc giảm xuống) là một trong những cách mà cơ thể của mẹ sẵn sàng cho việc sinh nở do lượng nước ối và việc ruột của mẹ lỏng ra khi sắp chuyển dạ cũng có thể làm trọng lượng của mẹ giảm xuống.
Thai 36 tuần đạp nhiều hoặc ít có sao không?
Khi mang thai ở tuần 36, các mẹ sẽ cảm nhận được thai nhi không không còn đạp mạnh như trước, mà thay vào đó chỉ là những cử động khá nhẹ. Tuy nhiên, mẹ bầu cần theo dõi cử động của bé mỗi ngày. Nếu nhận thấy tần suất chuyển động giảm rõ, thai phụ cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Thai 36 tuần gò nhiều có phải sắp sinh?
Theo các bác sĩ, thai 36 tuần gò nhiều có thể do sự thay đổi về sinh lý, hormone. Ngoài ra, còn có thể do những tác động từ bên ngoài như mẹ xoa bụng; động chạm hoặc kích thích nhũ hoa khiến tử cung bị co thắt. Thai 36 tuần gò nhiều, có 2 khả năng xảy ra:
- Đó có thể là cơn gò sinh lý hoặc là cơn gò chuyển dạ sinh non. Mẹ bầu cần căn cứ vào tính chất của các cơn gò vừa nêu trên để nhận biết được điều đó. Nếu mẹ bầu cảm nhận được thai 36 tuần gò nhiều kèm theo các dấu hiệu như căng tức tử cung ở bụng và xuất hiện các cơn đau; hay kèm theo cơn gò là dịch nhầy màu hồng; chảy máu âm đạo; hay có nước rỉ ra từ âm đạo thì đó có thể là dấu hiệu của việc sinh non.
- Nếu thai gò không đều, không dồn dập, không gây đau đớn. Lúc này là một cơn gò chuyển dạ giả, mẹ không cần phải lo lắng.
Thai 36 tuần quan hệ có sao không?
Khi mang bầu 36 tuần, bụng của mẹ đã lớn hơn trước rất nhiều, đây cũng là giai đoạn em bé sắp chào đời. Quan hệ tình dục vào giai đoạn nay dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm, vỡ ối non, sinh sớm, chảy máu âm đạo. Vậy nên, tốt nhất trong giai đoạn này, mẹ không nên quan hệ tình dục để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Tuy nhiên, nếu mẹ có sức khỏe bình thường, chưa từng có tiền sử sinh non, tiền sản giật, xuất huyết âm đạo, huyết áp cao hay sảy thai, mẹ vẫn có thể quan hệ tình dục với những lưu ý sau:
- Tần suất quan hệ ít hơn 3 lần/tuần để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, giữ sức vượt cạn.
- Lựa chọn tư thế quan hệ không gây áp lực lên lưng và bụng.
- Quan hệ nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
- Sau khi quan hệ, nếu mẹ xuất hiện máu âm đạo chảy cùng với những cơn co thắt kéo dài, mẹ cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời.
Huggies hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có thêm những kiến thức về sự phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi. Tìm hiểu thêm sự phát triển của thai nhi, thay đổi cơ thể ở cơ thể mẹ và những lời khuyên dành cho mẹ bầu trong các tuần tiếp theo:
Xem thêm thông tin liên quan ở mục Mang thai hoặc Thai nhi theo tuần.
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/pregnancy/36-weeks-pregnant
https://www.babycenter.com/pregnancy/week-by-week/36-weeks-pregnant