Thái Bình: Giải quyết 71.400 hồ sơ hành chính công theo phương án “5 tại chỗ”
BNEWS
Ngày 16/3, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”.
Tại hội nghị, 30 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.
Giải quyết thủ tục hành chính công theo phương án “5 tại chỗ” từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện trên địa bàn tỉnh là mô hình đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính công của tỉnh Thái Bình.
Mô hình này đã được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình đã giải quyết gần 78.400 hồ sơ, trong đó 71.400 hồ sơ được quyết theo phương án “5 tại chỗ” đảm bảo trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Trung tâm đã nhận được gần 2.400 phiếu đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm.
Trong đó, hầu hết các phiếu đều rất hài lòng và hài lòng, không có phiếu đánh giá chưa hài lòng… Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện đã tiếp nhận trên 158.000 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết trên 148.000 hồ sơ, song còn trên 8.000 hồ sơ giải quyết quá hạn…
UBND tỉnh Thái Bình đánh giá, sau một năm thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” đúng quy định, có hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ, rút ngắn thủ tục, thời gian, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính.
Đây là bước tiến quan trọng để Thái Bình triển khai áp dụng rộng rãi dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Việc bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” đã cơ bản đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tinh gọn, hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, phát huy năng lực, phẩm chất, thực hiện nghiêm túc kỷ luật hành chính, tác phong, lề lối làm việc khoa học, lịch sự, chuyên nghiệp và thân thiện.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bố trí lãnh đạo trực, giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” đảm bảo các thủ tục hành chính được giải quyết tại chỗ, nhiều thủ tục hành chính được giải quyết trong ngày, trước thời hạn.
Về cơ sở vật chất, một số đơn vị cấp huyện đã tạo được nơi giao dịch rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát với trang thiết bị hiện đại và phòng thẩm định, ký duyệt hồ sơ được bố trí đảm bảo cho việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, tạo điều kiện phục vụ tổ chức, cá nhân tốt hơn nhiều lần so với Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả trước đây.
Việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” của tỉnh đã phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức…
Tuy vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” ở Thái Bình cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý là việc một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có ý thức cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định của tỉnh để hướng dẫn công dân; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện chưa bố trí được cán bộ chuyên trách.
Việc bố trí cán bộ, công chức đến làm việc tại Bộ phận, bố trí lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo các phòng chuyên môn trực tiếp thẩm định và phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện theo phương án “5 tại chỗ” còn khó khăn.
Một số phần mềm chuyên dùng của các ngành dọc chưa có giải pháp kết nối, tích hợp với phần mềm dùng chung tại Trung tâm và Bộ phận. Không gian làm việc của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện còn tương đối chật hẹp.
Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị còn thiếu, xuống cấp, chưa đồng bộ. Số lượng tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp; vẫn còn hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tham mưu UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ và phấn đấu năm 2021 đưa 100% thủ tục hành chính ra thực hiện theo phương án “5 tại chỗ”.
Đồng thời, các đơn vị tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ký số trong việc giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân; đưa lĩnh vực cấp và quản lý căn cước công dân, hộ chiếu của Công an tỉnh ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện việc niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, cá nhân thông qua việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân; tăng cường thanh kiểm tra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”, nhất là các tập thể, cá nhân tiêu biểu được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần rút kinh nghiệm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, thời gian tới, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”. Các sở, ban, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố cần sớm sơ kết nhiệm vụ này và đề ra các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế…/.