THÁCH THỨC VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA KHU VỰC ASEAN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
1. Những thách thức đối với phát triển trợ giúp pháp lý trong khu vực ASEAN
Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị – kinh tế gắn kết của 10 quốc gia thành viên, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh ở khu vực ASEAN và toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Được đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực năng động và thành công nhưng khi Cộng đồng ASEAN được thành lập với ba trụ cột: Cộng đồng chính trị – an ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa – xã hội (ASCC), các nước thành viên trong ASEAN sẽ có nhiều lợi ích chung và cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi sự đa dạng và không đồng đều về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Toàn cầu hóa và kinh tế thị trường khiến các vấn đề xã hội (bất bình đẳng, phân hóa giầu nghèo, tệ nạn xã hôi, thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu, vấn đề tăng dân số quá nhanh…) phát sinh ngày môt tăng về số lượng và diễn biến phức tạp. Nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, ví dụ vấn đề di cư và nhập cư trái phép, vấn đề biến đổi khí hậu, các bệnh dịch thế kỷ…Bên cạnh đó, chênh lệch về trình độ phát triển, khoảng cách về năng lực và nguồn lực, thu nhập giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trong mỗi một quốc gia (giữa vùng nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi, giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và đa số) ngày càng lớn. Những vấn đề này dẫn đến nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng, phức tạp về tính chất, nội dung, thậm chí có yêu cầu vượt khỏi phạm vi quốc gia, tạo sức ép lớn cho các quốc gia thành viên và cả toàn khu vực ASEAN.
Các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trong một số nước ASEAN đã ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển kinh tế và đời sống người dân. Sự hữu hạn về nguồn nhân lực và kinh phí khiến cho mỗi quốc gia cũng như toàn khối phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực này. Một số nước phát triển, như Hoa Kỳ, Anh, cũng phải cắt giảm kinh phí cho trợ giúp pháp lý.
Trong khi đó, tiêu chí quốc tế và khu vực về tiếp cận công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân ngày một cao hơn. Các cam kết quốc tế ngày càng nhiều hơn, không chỉ trong lĩnh vực xã hội mà vấn đề nhân quyền còn được lồng ghép trong cả lĩnh vực kinh doanh thương mại và đầu tư. Chính các điều ước quốc tế, các nội dung hợp tác song phương và đa phương đã buộc các nước thành viên phải có nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế.
2. Xu hướng phát triển trợ giúp pháp lý trong khu vực ASEAN
– Hội nhập là một trong những xu thế tất yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Cuộc cách mạnh khoa học kỹ thuật và công nghệ đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyên môn hoá và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia. Nhu cầu phát triển đã đưa các quốc gia gắn kết lại gần nhau, dẫn tới sự hình thành mạng lưới toàn cầu hay hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các nước cũng phải gắn kết để cùng nhau giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế như những vấn đề sinh thái, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, vấn đề dân số và sức khoẻ cộng đồng, sự phân hoá giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm mang tính quốc tế.
Một mục tiêu quan trọng của các nước thành viên được thể hiện trong Tuyên bố Băng-cốc khi thành lập ASEAN là để thúc đẩy hợp tác nhằm giữ hòa bình và ổn định chung cũng như của từng nước thành viên. Trong quá trình phát triển sau này, ASEAN đã cụ thể hóa và bổ sung các mục tiêu của tổ chức để phù hợp với mức độ và nhu cầu hợp tác, cũng như tình hình thế giới và khu vực từng thời kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt và không đổi của ASEAN là tạo dựng, duy trì và củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở khu vực, tạo điều kiện để các nước thành viên phát triển và hướng tới sự thịnh vượng chung, xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực..
– Trên phương diện quốc tế, các yêu cầu liên quan đến việc bảo đảm quyền con người và tiếp cận trợ giúp pháp lý ngày càng cao hơn. Một trong những văn bản quốc tế quan trọng liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý phải kể đến là Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc và những hướng dẫn về tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự. Theo đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thừa nhận trợ giúp pháp lý là một thành tố cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự dựa trên nguyên tắc pháp quyền.[1] Quyền được trợ giúp pháp lý được coi là quyền cơ bản của công dân và khuyến nghị các nước quy định trong Hiến pháp về quyền này.
Trợ giúp pháp lý không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà cần được nghiêm túc nghiên cứu một cách toàn diện trong tổng thể các vấn đề xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia. Với quyết tâm vì một ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững, “không bỏ lại một ai ở phía sau”, các nước trong khu vực ASEAN cần nỗ lực trong việc tìm kiếm, thiết lập các cơ chế hợp tác kịp thời, hiệu quả để có thể nhận diện cơ hội, thách thức và tìm ra các giải pháp xây dựng mô hình, hệ thống trợ giúp pháp lý thực sự hiệu quả, phù hợp với khả năng điều kiện của các nước trong khu vực và xu thế chung của thế giới.
“Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030” chính thức được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững diễn ra ở New York (Mỹ), với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030.[2] Trong đó, đáng chú ý là Mục tiêu thứ 16 hướng tới việc thúc đẩy xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững, cung cấp tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế có hiệu quả, có trách nhiệm và toàn diện ở tất cả các cấp. Cụ thể hơn, mục tiêu 16.3 hướng tới thúc đẩy pháp quyền ở cấp quốc gia và quốc tế và bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý cho tất cả mọi người”.[3] Việc bắt đầu Chương trình nghị sự 2030 đồng thời với việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhấn mạnh đến việc bổ sung của Chương trình nghị sự 2030 với các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN. Điều này được tăng cường bởi Sáng kiến Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN năm 2025, bao gồm mục tiêu “thiết lập các chương trình hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa các Quốc gia thành viên ASEAN trong việc phát triển các chiến lược tăng cường pháp quyền, hệ thống tư pháp và cơ sở hạ tầng pháp lý”[4]. Tại Hội đàm khu vực ASEAN về mục tiêu phát triển bền vững – Tiếp cận công lý và trợ giúp pháp lý tổ chức ở Jakarta, Indonesia từ ngày 26-27/5/2016, các chuyên gia của các nước trong khu vực đã khẳng định rằng sẽ không có sự phát triển bền vững nếu không có công lý, và rằng không thể có tiếp cận công lý mà không có trợ giúp pháp lý [5]. Như vậy, trợ giúp pháp lý cần được ghi nhận và xây dựng là một thành tố quan trọng, là hạt nhân không thể thiếu của tiếp cận công lý và phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi vùng miễn, mỗi quốc gia, trong khu vực ASEAN cũng như trên toàn thế giới. Muốn vậy mỗi đơn vị hành chính, mỗi cấp, mỗi quốc gia cần xây dựng và vận hành thể chế trợ giúp pháp lý toàn diện, phù hợp, hiệu quả và bảo đảm tính khả thi.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và thông tin cùng với các yêu cầu ngày càng cao của quá trình toàn cầu hóa đã đặt ra những yêu cầu bức bách về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng trợ giúp pháp lý trong phạm vi quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành hệ thống trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu và giải quyết yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Là một khối gồm 10 thành viên, ASEAN sẽ thật sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đạt được mục tiêu nếu như mỗi quốc gia thành viên có sự đối mới, phát triển và thiết lập được các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các Quốc gia thành viên ASEAN. Là một thành viên trong ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm đóng góp vào sự phát triển chung trong toàn Khối. Trong Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững[6], Việt Nam khẳng định quan điểm “con người là trung tâm của phát triển bền vững”; “tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận các nguồn lực chung… Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác. Kế hoạch cũng chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Theo đó, mục tiêu thúc đẩy pháp quyền, đảm bảo tiếp cận công lý bình đẳng cho tất cả mọi người được giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan thực hiện. Chủ trương, kế hoạch đó đã được thực hiện thông qua việc đổi mới mạnh mẽ chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; đẩy mạnh viêc thực thi pháp luật trợ giúp pháp lý.
Như vậy, có thể khẳng định, mục tiêu phát triển bền vững trong ASEAN chỉ có thể đạt được nếu như yếu tố tiếp cận công lý và trợ giúp pháp lý trong khu vực thực sự được quan tâm phát triển. Vì vậy, các nước ASEAN cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý trong ASEAN thống nhất trong đa dạng, hoạt động thật sự hiệu quả, không chỉ ở mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi quốc gia mà trong toàn bộ khu vực ASEAN. Sự phát triển của trợ giúp pháp lý không thể tách rời sự phát triển chung của xã hội và cần được đặt trong bối cảnh hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng của khu vực và thế giới. Trợ giúp pháp lý không còn là vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia mà cần nâng tầm lên vấn đề khu vực và quốc tế. Đồng thời, việc vận hành, đổi mới tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý phải xuất phát từ quan điểm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm của sự phát triển, tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý cần được thực hiện ở một cầm cao mới đòi hỏi có sự đầu tư thỏa đáng về nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất phù hợp của mỗi quốc gia và trong toàn khu vực ASEAN./.
Vũ Thị Thu
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Tại phiên họp lần thứ 60 ngày 20/12/2012, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 67/187 về Các nguyên tắc và hướng dẫn về tiếp cận TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự
[2] The #GlobalGoals seek to end poverty, reduce inequality & tackle climate change.
http://www.un.org/sustainabledevelopment/
[3] https://sustainabledevelopment.un.org/sdg16
[4] Report: Association of Southeast Asian National (ASEAN), Regional Consultation on Substainable Development Goals, Access to Justice and Legal Aid , Jakarta, 26-27/5/2016, pg.3
[5] There is no development without justice and that there is no access to justice without legal aid.
[6] Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ