Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán

– Tên

: Tết Nguyên Đán

– Loại lễ hội

: Lễ hội truyền thống dân tộc

– Thời gian tổ chức

: Từ 30/12 ÂL đến 4/1 ÂL

– Địa điểm tổ chức

: Gia đình, các nơi thờ tự (chùa, đình, nhà thờ họ..) các nơi vui chơi

– Đối tượng được tưởng niệm

: Ông bà, Tổ tiên

– Nội dung

: + Cúng đưa ông Táo, cúng tất niên, cúng Giao thừa..

 

+ Thăm hỏi, chúc Tết, đi chùa, đi chạp và viếng mộ, tham gia các trò vui chơi.

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Việt Nam, Tết Cả) là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân, mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc có ý nghĩa quan trọng nhất của Việt Nam. Hàng năm, tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 Âm lịch trên và mọi người dân sẽ chính thức được nghỉ lễ từ ngày 30 tháng chạp Âm lịch đến hết ngày mùng 05 Âm Lịch.

Tết xuất phát từ chữ hán đọc theo âm Hán Việt là Tiết (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Hai chữ Nguyên Đán có nguồn gốc chữ Hán; Nguyên: là Khởi đầu hay sơ khai và Đán: có nghĩa là buổi sớm mai, đọc đúng là Tiết Nguyên Đán sau này biết đến là Tết Nguyên Đán nghĩa là  buồi sáng đầu tiên của một năm âm lịch.

Không khí những ngày giáp tết rất nhộn nhịp, khẩn trương từ việc mua sắm, dọn dẹp trang trí nhà cửa đến chuẩn bị mứt trà bánh phục vụ Tết. Người xa quê thì háo hức, bao giờ cũng trông đến Tết để thu xếp “về quê ăn tết”, đoàn viên cùng gia đình sau những tháng ngày bôn ba xa cách. Do đó, về ý nghĩa nhân sinh, Tết nguyên đán là tết của gia đình, là tết của mọi nhà.

 Là kinh đô xưa cũ, Huế vẫn lưu giữ một số tục lệ trong việc đón tết như

· Cúng đưa ông Táo: Người Việt Nam quan niệm, hằng năm đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong năm vừa qua dưới trần gian. Vì thế, người Việt Nam làm lễ tiễn Ông rất thịnh soạn. Theo tục lệ, tiễn Táo quân về trời ngoài mâm cơm còn có áo mão bằng giấy, đôi hia, con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cưỡi về trời.

· Cúng tất niên: là một nghi thức quen thuộc nhằm đánh dấu sự kết thúc một năm và chào mừng năm mới. Các gia đình thường làm mâm lễ tùy theo điều kiện gia đình, tuy nhiên bắt buộc phải có hương hoa, vàng mã, nến, trầu cau, rượu…để mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình vào chiều 30 tết.

· Cúng giao thừa: được tổ chức vào khoảng 23 giờ ngày 30 tháng Chạp đến 1h ngày mùng một tháng Giêng, là nghi lễ quan trọng trước khi Tết Nguyên đán chính thức được bắt đầu. Lễ cúng được thực hiện trang nghiêm, bài bản gồm hai mâm cỗ cúng gia tiên và cúng trời đất.

· Tiền lì xì: Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được may mắn. Đây là dịp để người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ, tiền lì xì được đặt vào bao màu đỏ tượng trưng cho sự như ý, cát tường thịnh vượng suốt cả năm cùng với nhiều lời chúc tốt lành.

· Xông đất: Ngày mồng một được quan niệm là ngày đại diện cho những ngày còn lại của năm thế nên nếu ngày này suôn sẻ, tốt lành thì những ngày còn lại trong năm cũng sẽ như vậy. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người khách đầu tiên nào “ đạp đất” gia chủ đầu tiên gọi là xông đất. Người khách đầu tiên do đó được ví như là người mang đến vận hên xui cho gia chủ cả năm đó.

· Đi chùa: là một nét đẹp văn hóa của mỗi người con xứ Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung, đi chùa cầu bình an, sức khỏe dường như đã trở thành một thói quen trong mỗi dịp đầu xuân.

· Tục thăm viếng: thăm viếng gia đình họ hàng, láng giềng, thầy trò, ông mai bà mối, bạn bè, đồng nghiệp, những người thân thiết với mình… để gắn kết tình cảm, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội

· Bánh chưng: từ ngày 25 trở đi, nhiều gia đình bắt đầu gói bánh chưng, bánh giày, bánh tét. Đây là các loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong phong tục ăn uống ngày tết ở Việt Nam.. Ở Huế, bánh tét làng chuồn và bánh tét Nhật Lệ nức tiếng gần xa, thơm ngon, công phu và chất lượng

· Chợ hoa: Chợ hoa tết từ lâu đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam nói chung và của người dân xứ Huế nói riêng. Chợ hoa nằm ở khu vực cạnh sông Hương và trước di tích Phu Văn Lâu được xem là lớn nhất Huế. Đủ các loại hoa với màu sắc rực rỡ như mai vàng Huế, lan, cúc, đào…Người đi chợ hoa vừa để ngắm hoa, vừa chụp ảnh, hay chọn cho mình những chậu hoa đẹp nhất để về trưng

Cùng với hệ thống lễ hội ở Việt Nam thì Tết nguyên đán thể hiện tình cảm cộng đồng sâu sắc, gắn kết các thế hệ, giàu tính nhân văn và đậm bản sắc văn hóa Việt.