Tây Nguyên những lễ hội đặc sắc
Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người, đều phải có sự cầu xin để được (Yang)-ông trời cho phép tiến hành .Từ đó vùng đất Tây nguyên diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội.
Có người nói Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là vùng đất mà mỗi bước chân đi là có một huyền thoại. Đằng sau những ngọn thác trắng xóa, những cánh rừng đại ngàn biếc xanh có biết bao điều bí ẩn. Không ở đâu có nhiều lễ thức như ở Tây nguyên. Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người, đều phải có sự cầu xin để được Yang (ông trời) cho phép tiến hành. Khi làm xong và được việc thì phải tạ ơn. Vi phạm luật lệ cộng đồng sẽ khiến Yang nổi giận thì phải tạ tội… Từ đó vùng đất Tây nguyên diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội. Tiêu biểu và độc đáo trong các lễ hội của người dân Tây nguyên có lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, lễ bỏ mả…
1. Hội Đua Voi Ở Buôn Đôn
Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên Đắk Lắk, nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về hướng Bắc. Những ngày cuối tháng 3 âm lịch hàng năm, là tháng của những con ong rừng đi lấy mật, là thời điểm người dân bắt đầu vào rừng phát rẫy trồng nương. Đồng thời, đây cũng là lúc đồng bào Buôn Đôn nô nức mở hội đua voi cùng với các lễ hội khác như đâm trâu, cồng chiêng… thể hiện ước mong cho một mùa vụ mới tốt tươi.
Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên Đắk Lắk, nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về hướng Bắc. Những ngày cuối tháng 3 âm lịch hàng năm, là tháng của những con ong rừng đi lấy mật, là thời điểm người dân bắt đầu vào rừng phát rẫy trồng nương. Đồng thời, đây cũng là lúc đồng bào Buôn Đôn nô nức mở hội đua voi cùng với các lễ hội khác như đâm trâu, cồng chiêng… thể hiện ước mong cho một mùa vụ mới tốt tươi.
Hội đua voi thường được tổ chức hàng năm vào tháng 3 tại Buôn Đôn. Bãi đua có chiều dài khoảng 400 – 500m, chiều ngang rộng chừng 30 con voi xếp hàng. Trước khi vào cuộc đua, một hồi tù và vút kên, theo lệnh điều khiển của nài voi, lần lượt các chú voi nối đuôi nhau rồi xếp thành hàng phía trước Ban giám khảo, các chú voi từ từ quỳ phục làm động tác chào Ban giám khảo và khán giả. Sau đó, từng tốp voi vào vị trí xuất phát.
Sau khi có hiệu lệnh, các chú voi bật lên như lò xo, phóng về phía trước trong tiếng chiêng, trống, tiếng hò reo cổ vũ của khán giả ầm vang núi rừng. Cuộc đua phải qua nhiều vòng, đến khi chọn được một chú voi chiến thắng về đích trước. Voi thắng cuộc được đeo một vòng nguyệt quế, nó giơ cao chiếc vòi chào khán giả, đôi tai phe phẩy, mắt kim dim đón nhận những khúc mía, những trái chuối của những người dự lễ hội.
Sau cuộc đua trên cạn là cuộc thi voi bơi qua sông Sêrêpôk, voi kéo co, voi ném xa, voi đá bóng… Đến với lễ hội đua voi, du khách sẽ bị cuốn hút trong không khí tưng bừng của ngày hội, với âm vang cồng chiêng và tận mắt chứng kiến những màn trình diễn ngoạn mục bởi các chú voi của núi rừng Buôn Đôn. Hội đua voi là sự kiện văn hóa lớn ở Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’Nông, những người dũng cảm, có truyền thống trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
2. Lễ Hội Cồng Chiêng Tây Nguyên
Lễ hội cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hàng năm theo hình thức luân phiên tại các tỉnh có văn hoá cồng chiêng tại Tây Nguyên. Lễ hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Đó không những là một sự kiện quan trọng của người dân tây nguyên mà còn cả với đất nước Việt Nam. Trong lễ hội nghệ nhân của các tỉnh sẽ trình bày, biểu diễn không gian văn hoá của dân tộc và của tỉnh mình.
Do mang đậm màu sắc du lịch nên nó thường được giới thiệu trong các chương trình du lịch như của du lịch Đắk Lắk. Những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được dựng lại, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cư dân các dân tộc. Đồng thời giới thiệu với du khách những thành tựu về kinh tế, văn hóa và tiềm năng du lịch của các dân tộc Tây Nguyên.
Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất/ Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người (Trường ca Đam San). Sử thi của người Êđê, M’Nông còn kể lại những cuộc “chiến tranh” giữa các bộ tộc nhằm chiếm đoạt cồng chiêng.
Các tộc người Tây nguyên quan niệm nhạc cụ như con người – càng nhiều tuổi tiếng nói càng được tôn trọng. Cồng chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều lần nghi lễ càng thiêng.
3. Lễ Hội Mừng lúa mới Tây Nguyên
Theo thường lệ, cứ vào tháng 11 dương lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ mừng lúa mới. Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai, có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa.
Trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất để tổ chức lễ cúng thần Ia Pôm (thần lúa, thần nông nghiệp) ngay tại chân ruộng. Vào ngày này bà con trong làng đều có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt. Thầy cúng (Riu Yang) cùng già làng sẽ soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần Ia Pôm mang lại sự ấm no cho dân làng. Tiếp đó già làng sẽ chọn khoảng 10 thanh niên nam nữ để đại diện dân làng xuống ruộng, từng người tay nắm lấy từng bụi lúa. Sau mỗi lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ giơ cao bó lúa lên trời và đồng thanh hô, hát và múa theo, thể hiện cảnh tượng vừa thiêng liêng lại vừa thấm nhuần tình đoàn kết của bà con dân làng.
Lễ cúng mừng lúa mới diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, mọi người đều ăn uống no say, nhảy múa theo tiếng chiêng vang vọng. Sau khi lễ hội chung của làng kết thúc, bà con lại tiếp tục lễ cúng mừng lúa mới theo từng nhà, theo một trật tự đã thỏa thuận trước. Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình và cũng theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn lân cận cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát, nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự.
Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người Bahnar, Jrai với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng, là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cảnh vật.
Nguồn: Tổng hợp