Tất tần tật về ngôn ngữ cơ thể: Khái niệm, Tầm quan trọng, Ví dụ
Allan Pease – Chuyên gia hàng đầu trên thế giới về “body language” đã chỉ ra rằng có khoảng 60-80% những gì mà chúng ta truyền tải đều qua ngôn ngữ cơ thể, có thể là cử chỉ, nét mặt, ánh mắt hay những cái cau mày. Vậy ngôn ngữ cơ thể là gì? có ảnh hưởng như thế nào khi giao tiếp?
Cùng Gitiho tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
Mục Lục
Ngôn ngữ cơ thể là gì?
Ngôn ngữ cơ thể hay còn được gọi là giao tiếp phi ngôn ngữ, truyền thông phi ngôn ngữ, ngôn ngữ giao tiếp bằng cơ thể, đề cập đến các tín hiệu phi ngôn ngữ mà con người sử dụng trong giao tiếp. Đây là hình thức không sử dụng từ ngữ mà sử dụng các dấu hiệu, biểu cảm trên gương mặt; tư thế dáng đứng, dáng ngồi; cử động và cách nhìn của mắt; sự đụng chạm cơ thể… để truyền đạt ý nghĩa.
Ngôn ngữ cơ thể nói nhiều hơn nhiều điều bạn nghĩ
Thông qua những giao tiếp bất thành văn như vậy, chúng ta sẽ hiểu hơn về tâm tư tình cảm, cảm xúc, thậm chí là những suy nghĩ của một ai đó.
Ngôn ngữ hình thể khá đa dạng, được chia ra làm 2 khía cạnh là tích cực và tiêu cực.
Ngôn ngữ cơ thể tích cực
Đôi khi, bạn không cần phải nói ra là bạn đang rất vui, rất hạnh phúc mà chỉ cần nhìn vào thì bất cứ ai cũng sẽ hiểu được cảm giác của bạn. Như vậy, là bạn đang bộc lộ ra những ngôn ngữ hình thể tích cực, ví dụ như:
- Nét mặt tươi tỉnh, cười tươi, cười mỉm.
- Ngẩng cao đầu.
- Giao tiếp bằng ánh mắt trìu mến, thân thiện.
- Người thẳng và cử chỉ phóng khoáng, thoải mái, không thể hiện sự gò bó.
Ngôn ngữ hình thể theo chiều hướng tích cực
Ngôn ngữ hình thể tiêu cực
Ngôn ngữ cơ thể tiêu cực là cách mà ai đó thể hiện sự không quan tâm, không hài lòng hoặc không muốn hợp tác với đối phương. Ví dụ như:
- Có thể quay lưng với bạn.
- Ngồi sụp xuống, đầu cúi xuống thấp.
- Nhìn chằm chằm vào điều gì đó vô định.
- Viết hoặc vẽ nguệch ngoạc.
- Các ngón tay gõ xuống bàn thể hiện sự thiếu kiên nhẫn, buồn chán.
Gục đầu xuống bàn là sự thể hiện trạng thái mệt mỏi, chán chường
Tại sao cần phải sử dụng ngôn ngữ cơ thể?
Trong giao tiếp, nếu như lời nói là công cụ truyền đi nội dung thì ngôn ngữ hình thể lại chính là công cụ để thể hiện cảm xúc, tình cảm.
Ví dụ như bạn đang thuyết trình về chủ đề “Tầm quan trọng của khóa học tin học văn phòng với dân kế toán”, nếu bạn chỉ đứng im và nói thì bài thuyết trình sẽ rất khô khan, cứng nhắc và kém thu hút. Tuy nhiên, nếu bạn thể hiện sự vui tươi, nhiệt huyết trong ánh mắt, cử chỉ và có sự tương tác qua lại với người nghe thì chắc chắn bạn sẽ tạo nên được không khí học tập vui vẻ, đầy nhiệt huyết, hấp dẫn được người nghe.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng khi giao tiếp
Albert Mehrabian – cựu giáo sư tâm lý học của trường Đại học UCLA chính là người tìm ra quy luật 7% – 38% – 55% dựa trên tổng hợp các nghiên cứu. Các tỷ lệ phần trăm chính là những yếu tố để tạo nên sự thành công của một cuộc nói chuyện, thuyết trình, đàm phán, tranh biện… 7% là từ ngữ, 38% là ngữ điệu và 55% chính là ngôn ngữ giao tiếp bằng cơ thể.
55% trong nghiên cứu đã một lần nữa khẳng định rằng, ngôn ngữ hình thể mang lại rất nhiều lợi thế khi giao tiếp:
Giúp bạn kết nối dễ dàng với những người xung quanh
Mỉm cười hoặc nhìn ai đó một cách trìu mến được hiểu là sự tôn trọng và thân thiện. Nếu bạn sử dụng nó để chuyện trò, làm quen với mọi người xung quanh sẽ là một trong những cách để nhanh chóng phá vỡ sự lạ lẫm, e dè. Từ đó khoảng cách giữa 2 người được rút ngắn hơn rất nhiều.
Một người vui vẻ, hoạt bát thường rất nhanh để làm quen với người xa lạ
Tăng tính thuyết phục trong lời nói
Bạn nói với một người vừa xin lỗi bạn rằng “Không sao đâu, tôi sẽ tha lỗi cho bạn mà”, nhưng trên gương mặt bạn lại là sự vô hồn, ánh mắt khó tính thì thật sự đối phương sẽ nghĩ rằng bạn chưa thật sự tha lỗi cho họ.
Như vậy, rất khó để dành sự tin tưởng cho một người có lời nói và hành động không thống nhất với nhau. Bởi trong rất nhiều trường hợp, lời nói không thể hiện được hết những tâm tư, ý nghĩa mà chúng ta muốn gửi đến ai đó, dẫn đến sự thuyết phục không cao.
Lời nói thường đi liền với hành động mà bạn thể hiện ra
Thể hiện được sự chuyên nghiệp
Một người nói tốt, một diễn giả nổi tiếng hay một MC tài năn, chuyên nghiệp thì ngoài nội dung họ mang đến cuốn hút, không thể nào thiếu đi ngôn ngữ cơ thể. Bởi mỗi hành động hay cử chỉ đều có những ý đồ nhất định và qua đó gây được ấn tượng đặc biệt với người khác, cũng là bí quyết giúp bạn gây ấn tượng mạnh.
“Đọc vị” được đối phương để đưa ra những cách xử lý khôn khéo khi giao tiếp
Ngôn ngữ cơ thể có 2 kiểu đó là tích cực và tiêu cực, đôi khi họ không nói rằng họ vui hay buồn, đồng tình hay phản đối nhưng cách mà họ thể hiện chính là qua khuôn mặt, cử chỉ, tư thế… Dựa vào những điều đó để bạn biết được suy nghĩ, tâm trạng và có những cách xử lý phù hợp.
Ví dụ như trong buổi thuyết trình, bạn thấy có ai đó đang cúi đầu xuống bàn và có hành động vẽ linh tinh trong vở. Để thu hút họ quay trở lại, rất đơn giản, bạn chỉ cần gọi tên họ và đặt câu hỏi trực tiếp hoặc mời họ đóng góp ý tưởng.
Ngôn ngữ giao tiếp cơ thể giúp bạn dễ dàng “đọc vị” được suy nghĩ người khác
Có những cách giao tiếp ngôn ngữ cơ thể nào?
Dưới đây là một số ngôn ngữ hình thể trong giao tiếp căn bản mà bạn cần biết như:
Nét mặt
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng, trong những cuộc hội thoại, giao tiếp cần có 12% ngôn ngữ, 38% giọng nói và 50% nét mặt. Lý do nét mặt chiếm tỷ lệ phần trăm cao là bởi lượng ngôn từ được thể hiện trên gương mặt rất phong phú nhất và có sức truyền đạt thông tin một cách hiệu quả nhất. Chỉ thông qua nét mặt của ai đó bạn có thể thấy được trạng thái tình cảm của họ như vui tươi, bi thương, hận thù, hoài nghi, đắn đo, vội vàng, mất niềm tin…
Hãy làm chủ được nét mặt khi thuyết trình
Giao tiếp bằng ánh mắt
Đôi mắt là một trong ngôn ngữ cơ thể quan trọng vì nó biểu thị được gần như mọi cảm xúc của con người như hạnh phúc, giận hờn, thất vọng hay bất ngờ. Khi giao tiếp bằng mắt, bạn nên nhìn thẳng vào người đối diện, không nên đảo mắt liên tục xung quanh hay thu hẹp ánh mắt sẽ tạo cho người khác cảm giác không thoải mái.
Bắt tay với người khác
Bắt tay là hình thức giao tiếp vừa quen thuộc lại vừa phổ biến, đó cũng là hành động thay cho lời nói “Rất vui khi gặp bạn”. Những cái bắt tay vừa đủ kết hợp với ánh mắt nhìn thẳng người đối diện là thể hiện sự cởi mở, tình cảm, chân thành. Còn những cái bắt tay lỏng lẻo, hờ hững thường là nói lên sự khó chịu, không hài lòng, chẳng qua vì xã giao nên họ mới bắt tay với nhau.
Bắt tay với người khác là hành động làm quen thay cho lời nói
Nụ cười
Mẹ Teresa có câu nói về nụ cười rất sâu sắc, đó chính là “Hãy luôn gặp mọi người với một nụ cười, vì nụ cười là khởi nguồn của tình yêu”. Nó thể hiện sự thân thiện, cởi mở và sự yêu quý của bạn dành cho mọi người. Khi đó, làm quen với một ai đó hay việc bày tỏ cảm xúc của bạn sẽ thật dễ dàng mà chẳng cần phải nói ra.
Vuốt hoặc nghịch tóc
Hành động vuốt tóc hay nghịch tóc ai đó phần nào thể hiện sự duyên dáng, quan tâm và đôi khi đó còn là sự tán tỉnh khá tinh tế, giúp họ hiểu ra được tình cảm của bạn. Tuy nhiên, cử chỉ này cần phải dựa trên sự thân thiết trong mối quan hệ.
Khoảng cách trong giao tiếp hình thể
Khoảng cách nói chuyện cũng là một trong những yếu tố khi giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Việc bạn giữ khoảng cách như thế nào với người nghe sẽ nói lên được rất nhiều điều, ví dụ:
- 15cm – 46cm: là khoảng cách thân mật chỉ dành cho những mối quan hệ gần gũi, đặc biệt gần gũi như ông bà, bố mẹ, anh chị em, vợ chồng, đồng nghiệp thân thiết…
- 46cm – 1.2m: là khoảng cách dành cho những bữa tiệc ở công ty, trường học hoặc ở những nơi thân mật:
- 1.2m – 3.6m: là khoảng cách giới hạn khi tiếp cận với người mà bạn không quen biết.
trên 3.6m: là khoảng cách mà mỗi người đứng trước đám đông.
Khoảng cách giữa người với người là một trong số các yếu tố của ngôn ngữ cơ thể
Sử dụng ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình như thế nào?
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể là một trong những kỹ năng rất cần thiết để có thể giao tiếp hiệu quả và truyền tải được thông điệp cũng như cảm xúc một cách rõ ràng nhất. Bởi nếu là một người nghe, thì những gì lôi cuốn họ chưa chắc là nội dung mà nó có thể là ánh mắt, biểu cảm trên gương mặt hay động tác, phong thái của người thuyết trình.
Vậy sử dụng ngôn ngữ hình thể như thế nào?
- Chú ý về ngoại hình, phong cách ăn mặc phải chỉn chu để thể hiện sự chuyên nghiệp của bản thân và cũng là cách tôn trọng người nghe.
- Ngoài mỉm cười bằng miệng thì đừng quên “cười bằng mắt”, điều này thể hiện sự chân thành, dễ mến, dễ gần của bạn.
- Tuyệt đối không chỉ tay vào bất kỳ ai, đây là một số cấm kỵ vì nó thể hiện sự khó chịu.
- Kiểm soát giọng nói của bản thân để người khác nghe được bạn nói không quá to nhưng cũng không quá nhỏ. Đồng thời cũng phải biết cách nhấn nhá, khi nào cần đanh thép, khi nào truyền cảm…
- Hãy di chuyển xung quanh thay vì đứng yên một chỗ.
- Khi thuyết trình không nên “hoa chân múa tay” liên tục mà chỉ nên sử dụng có mức độ, tránh tạo cảm giác mệt mỏi cho người nghe.
- Không nên khoanh tay khi đang nói chuyện, bởi theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – Giảng viên khoa tâm lý giáo dục Đại học Sư Phạm TP.HCM chia sẻ: “Hành động khoanh tay làm mất đi 90% cơ hội người khác làm quen tự nhiên với bạn”.
Có thể hữu ích với bạn: 6 lời khuyên thiết thực giúp bạn thuyết trình tốt hơn
Ví dụ minh họa về ngôn ngữ hình thể
Dưới đây là một số ví dụ về cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi thuyết trình, giao tiếp:
Phong thái tự tin Tuyệt đối không nên cắn móng tayKhông nên khoanh tay trong giao tiếpCách bắt tay đúng cáchGiao tiếp bằng ánh mắt
Không chỉ trong thuyết trình mà trong tất cả cuộc giao tiếp, khi hiểu được ngôn ngữ cơ thể và biết cách sử dụng nó sẽ bạn dễ dàng kết nối với mọi người, tránh các mâu thuẫn trong giao tiếp, gây ấn tượng mạnh với người khác và có thể “nhìn thấu” được tâm trạng của đối phương.