Tất cả những điều cần biết về hiện tượng nóng lên toàn cầu

 

Tất cả những điều cần biết về hiện tượng nóng lên toàn cầu

Sự nóng lên toàn cầu ban đầu là một thuật ngữ không phổ biến, được sử dụng bởi một số nhà khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường trong khoảng thời gian dài. Ngày nay, từ này đã trở nên phổ biến hơn, song không phải ai cũng hiểu tường tận về nó. Bạn có thể gặp bất cứ ở đâu, một ai đó phàn nàn về một đợt nóng dài hay một trận bão quái dị: “Đó là do sự nóng lên toàn cầu đấy”.

Vậy rốt cuộc sự nóng lên toàn cầu là như thế nào? Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự nóng lên toàn cầu, về nguyên nhân, tác động của hiện tượng này cũng như những ảnh hưởng tương lai. Mặc dù có một số nhà khoa học bắt đầu lo lắng về hiện tượng này, một số khác lại nói rằng không có gì phải lo cả. Chúng ta sẽ xem xét những thay đổi về chính sách của Hoa Kỳ nhằm giúp kiềm chế sự nóng lên toàn cầu cùng với những lời chỉ trích và mối quan tâm đến nó.

Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu sự khác nhau giữa weather – thời tiết và climate – khí hậu.

Thời tiết và khí hậu

Thời tiết thường dùng để nói về những hiện tượng khí tượng trong khoảng thời gian ngắn tại một nơi nào đó. Nếu nơi bạn sống có tuyết rơi vào thứ 3 tới, đó là thời tiết. Từ khí hậu được dùng với khoảng thời gian lớn hơn và không chỉ ở một vùng nhỏ, khí hậu là điều kiện thời tiết trung bình của một vùng rộng lớn qua khoảng thời gian dài. Nếu một vùng nào đó của thế giới, nơi bạn sống, luôn có mùa đông lạnh với rất nhiều tuyết, đó là một phần của khí hậu nơi bạn đang sống.

Một điều quan trọng, bạn phải hiểu rằng là, một sự thay đổi nhỏ về khí hậu cũng có thể gây nên một ảnh hưởng nhất định. Khi nhắc đến Kỷ Băng Hà – The Ice Age, chắc hẳn các bạn sẽ tưởng tượng ra một thế giới đóng băng, được phủ đầy tuyết và lạnh lẽo. Trên thực tế, vào kỷ Băng Hà gần đây nhất (kỷ băng hà sẽ lặp lại một cách mạnh mẽ mỗi 50.000 đến 100.000 năm), nhiệt độ trung bình của trái đất chỉ kém hơn nhiệt độ trung bình hiện nay có 5 độ C.

Sự nóng lên toàn cầu là một thuật ngữ ám chỉ quá trình tăng nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong thời gian ngắn, đó là hậu quả do những hoạt động của con người.

Về mặt chuyên môn, nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng từ 1 độ C trở lên trong khoảng 100 đến 200 năm thì được coi là xuất hiện sự nóng lên toàn cầu. Như vậy, qua 1 thể kỷ, việc tăng nhiệt độ trung bình lên 0.4 độ C cũng có tính chất gợi ý. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), một nhóm gồm hơn 2.500 nhà khoa học từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, đã nhóm họp tại Paris tháng 2 năm 2007 để so sánh và thực hiện những cuộc nghiên cứu. Họ đã xác định rằng trái đất đã tăng 0,6 độ C trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến năm 2000. Khi dịch khoảng thời gian này lên 5 năm, từ năm 1906 đến năm 2006, các nhà khoa học đã xác định rằng nhiệt độ đã tăng lên 0,74 độ C.

Hiệu ứng nhà kính

Sự nóng lên toàn cầu được gây ra bởi sự tăng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính thực chất không phải là vô ích, có ảnh hưởng xấu – nhờ có hiệu ứng này mà Trái đất mới có thể giữ được nhiệt độ đủ để duy trì sự sống.

Bạn có thể tưởng tượng rằng, Trái đất giống như chiểc ô tô của bạn đang đỗ giữa sân công viên trong một buổi trưa gay gắt. Bạn chắc chắn sẽ nhận ra rằng, một lúc sau, nhiệt độ trong ô tô cao hơn nhiệt độ bên ngoài nhiều. Tia nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ ô tô của bạn, làm nóng ghế ngồi, bảng điều khiển và tấm thảm trải phía dưới. Khi chúng tỏa nhiệt, nhiệt lượng không được truyền ra hết qua cửa sổ, trái lại chúng phản xạ lại vào trong. Những tia nhiệt do đồ đạc trong ô tô tỏa ra có bước sóng khác với bước sóng của tia nắng mặt trời, do vậy một lượng nhiệt nào đó vào trong ô tô của bạn, nhưng lượng nhiệt đi ra ít hơn. Và cuối cùng, ô tô của bạn trở nên nóng hơn bên ngoài rất nhiều.

Hiệu ứng nhà kính thực ra phức tạp hơn so với vấn đề về cái ô tô ở trên. Khi những tia nắng mặt trời xuyên qua khí quyển Trái đất, gần 70% năng lượng được Trái đất hấp thu bởi mặt đất, đại dương, cây cối,… 30% còn lại được phản xạ lại không gian bởi những đám mây, những vùng tuyết phủ trắng hay một số vùng có bề mặt phản xạ được. Nhưng trong 70% kia không phải được Trái đất giữ lại mãi. Đại dương và các vùng đất luôn có sự phát tán nhiệt ra ngoài: một lượng trong số đó quay trở lại không gian, phần còn lại được hấp thu bởi những thứ trong khí quyển như khí carbon dioxid (CO2), khí metan và hơi nước. Sau khi những thành phần này hấp thu toàn bộ lượng nhiệt, chúng lại tiếp tục phát ra nhiệt lượng – lượng nhiệt lúc này không thất thoát ra ngoài không gian, nó giúp giữ ấm trái đất. Đó chính là cơ chế mà hiệu ứng nhà kính giữ cho Trái đất có được nhiệt độ như bây giờ.

Sự nóng lên toàn cầu: điều gì đang diễn ra?

Hiệu ứng nhà kính xảy ra bởi một số chất tự nhiên có trong khí quyển. Không may, từ cuộc cách mạng công nghiệp, con người đã thải vào không khí một lượng lớn các chất đó.

Carbon dioxide (CO2) là một chất khí không màu. Nó là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy các chất hữu cơ. Chiếm 0.04% trong khí quyển, từ rất sớm, CO2 đã có mặt trong khí quyển bởi hoạt động của núi lửa. Ngày nay, hoạt động của con người đang tạo ra một lượng lớn khí CO2, làm tăng nồng độ của CO2 trong không khí – đây được coi là nguyên nhân chính trong sự nóng lên toàn cầu, vì khí CO2 hấp thụ rất tốt các tia hồng ngoại. Phần lớn năng lượng nhiệt thoát ra khỏi Trái đất là ở dạng tia hồng ngoại, nên sự tăng quá mức CO2 làm tăng năng nhiệt lượng được hấp thu và từ đó làm tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất.

Khí Nitơ oxid cũng là một khí quan trọng trong hiện tượng nhà kính. Dù lượng khí được thải ra do con người không cao như CO2 nhưng NO2 lại hấp thu nhiều nhiệt hơn khí CO2 (hơn 270 lần). Vì lý do đó, để giảm bớt tác dụng của hiệu ứng nhà kính, người ta tập trung vào xử lý khí NO2. Việc sử dụng phân bón cho cây trồng tạo ra một lượng lớn khí NO2, và ngoài ra NO2 cũng là một sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy các chất hữu cơ.

Mê-tan là một chất khí dễ cháy, nó là thành phần chính trong các khí tự nhiên. Khí mê-tan xuất hiện qua quá trình phân hủy các tổ chức và thường được gọi là “khí đầm lầy”. Có rất nhiều những hoạt động của con người làm sinh khí mê-tan, ví dụ như từ than đá, dầu mỏ hay rác thải, ví dụ như từ than đá, dầu mỏ hay rác thải. Khí mê-tan cũng như CO2, nó hấp thu năng lượng của các tia hồng ngoại và giữ nhiệt cho Trái đất. Tuy nồng độ mê-tan ít hơn khí CO2, khí mê-tan có thể hấp thụ và tỏa ra lượng nhiệt gấp 20 lần khí CO2. Một số nhà khoa học còn suy đoán rằng, chính việc tăng nồng độ khí mê-tan trong khí quyển (do lượng lớn khí mê-tan dưới đại dương tan ra và phát tán) rất nhanh chóng làm tăng hiệu ứng nhà kính, và gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ của Trái đất.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ trung bình Trái đất tăng lên vài độ C? Hãy đọc phần tiếp theo để biết thêm chi tiết.

Nếu băng ở 2 cực tan ra…

Đã có nhiều người đặt câu hỏi, liệu băng ở 2 cực tan ra có làm mực nước biển tăng lên? Câu trả lời là: có thể, nhưng không ai biết là nó sẽ xảy ra khi nào.

Lượng băng chủ yếu của trái đất tập trung tại Nam cực, với 90% lượng băng của Trái đất (và 70% lượng nước sạch). Lớp băng cao trung bình 2.133m (7.000 feet). Nếu tất cả băng của Nam cực tan hết, mực nước biển sẽ dâng lên 61m (200 feet). Nhưng nhiệt độ trung bình tại đây thấp tới -37 độ C, do vậy sẽ không có chuyện băng bị tan ra, hơn nữa có nhiều phần của châu Nam cực KHÔNG BAO GIỜ có khả năng tan ra.

Phía bên kia thế giới, cực Bắc, băng ở đây không dày như Nam cực, chỉ có những tảng băng trôi nổi trên vùng biển Bắc băng dương. Nếu chúng tan, hầu như sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Nhưng cũng cần chú ý đến lớp băng bao quanh đảo Greenland, nếu tan hết nó sẽ làm mực nước biển tăng 7m (20 feet). Vì Greenland gần xích đạo hơn châu Nam cực, nhiệt độ ở đây sẽ cao hơn, và lớp băng sẽ dễ dàng tan ra hơn.

Vậy ngoài ra còn lý do nào khác khiến mực nước biển dâng lên không? Đó chính là do sự tăng nhiệt độ của nước biển. Chúng ta đều biết rằng, tại 4 độ C nước có trọng lượng riêng lớn nhất; nhiệt độ tăng lên đồng nghĩa với việc giảm khổi lượng riêng của nước (với cùng một lượng nước thì khi nhiệt độ tăng trên 4 độ C nước sẽ chiếm thể tích lớn hơn). Do vậy khi nhiệt độ nước biển tăng sẽ đồng thời làm mực nước biển dâng lên.

Ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu: những thay đổi về mùa và các hệ sinh thái.

Khi nhiệt độ trung bình tăng, sẽ ít có sự thay đổi đột ngột. Ở những khu vực ôn đới có 4 mùa, sự thay đổi về mùa sẽ kéo dài hơn bình thường cùng với sự gia tăng lượng mưa. Về một mặt nào đó, điều này là có lợi. Tuy nhiên, ở những vùng có khí hậu ít ôn hòa, chúng ta sẽ thấy được sự tăng nhiệt độ đáng kể cùng với giảm mạnh lượng mưa, gây ra hạn hán kéo dài và có khả năng tạo ra những sa mạc.

Ảnh hưởng tàn phá nặng nề nhất, khó dự đoán nhất, đó là ảnh hưởng lên các hệ sinh thái trên Trái đất. Nhiều hệ sinh thái rất mỏng manh, một thay đổi nhỏ cũng có thể giết chết chúng và các loài phụ thuộc chúng. Và các hệ sinh thái đều ít nhiều liên quan tới nhau, do vậy phản ứng dây chuyền này là không thể đo đếm được. Chúng ta có thể quan sát được một khu rừng dần dần chết đi, chuyển sang một đồng cỏ hay là các rạn san hô chết toàn bộ. Rất nhiều loài thực vật và động vật sẽ có cách thích nghi hoặc di chuyển để đối phó với sự thay đổi khí hậu, nhưng số lượng các loài bị chết là không nhỏ.

Sự nóng lên toàn cầu cũng làm xảy ra một vấn đề về nhân lực. Hàng nghìn người chết mỗi năm do nguyên nhân tuổi tác hay có những chấn thương liên quan tới nhiệt. Các nước nghèo và kém phát triển sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất, do họ không có đủ nguồn lực về tài chính để giải quyết các vấn đề đi kèm với sự nóng lên toàn cầu. Một lượng lớn dân số sẽ bị chết đói nếu giảm lượng mưa tối thiểu cho việc trồng trọt và chết do bệnh dịch xảy ra sau những trận lũ lụt.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem tại sao một số người tỏ ra thờ ơ về sự nóng lên toàn cầu.

Nóng lên toàn cầu có thực sự là một vấn đề nghiêm trọng?

Mặc dù đã có sự thống nhất giữa nhiều nhà khoa học, nhưng một số người lại cho rằng sự nóng lên toàn cầu không thực sự nghiêm trọng như người khác nghĩ. Có rất nhiều lý do để giải thích, đơn cử như:

– Họ không nghĩ rằng dữ liệu cho thấy sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, hoặc bởi vì chúng ta không có dữ liệu đủ lâu trong lịch sử hay dữ liệu không thực sự rõ ràng.

– Một số nhà khoa học nghĩ rằng dữ liệu được đưa ra bởi những người đang thường trực mối lo lắng về sự nóng lên toàn cầu, do vậy độ chính xác sẽ không cao – những người này đang cố tìm kiếm bằng chứng về sự nóng lên toàn cầu trong các số liệu, mà không nhìn vào các bằng chứng khách quan hơn.

– Một số khác cho rằng đây chỉ là sự thay đổi khí hậu tự nhiên, hoặc cho rằng có những lý do khác ngoài hiệu ứng nhà kính gây nên sự nóng lên toàn cầu.

Một số nhà khoa học nhận ra rằng sự nóng lên toàn cầu đang thực sự xảy ra, nhưng một số lại tin rằng có nhiều điều khác phải quan tâm hơn. Họ nói rằng Trái đất có khả năng chống lại sự thay đổi khí hậu rất tốt, rằng cây cối và động vật sẽ phát triển để thích ứng với sự thay đổi này, và có vẻ như không có gì quá nghiêm trọng sẽ xảy ra. Sự thay đổi về mùa có thể kéo dài hơn một chút, lượng mưa biến đổi cũng như về thời tiết nói chung, theo họ là chẳng có gì nghiêm trọng. Họ còn cho rằng việc tìm cách cắt giảm lượng khí thải gây nên hiệu ứng nhà kính sẽ gây hậu quả tồi tệ về kinh tế hơn là ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.

Về một mặt nào đó, sự đồng thuận khoa học là một vấn đề phải bàn đến. Sức mạnh thực sự ban hành những thay đổi nào đó nằm trong tay của những người làm chính sách quốc gia và toàn cầu. Một số nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ không muốn đề xuất những thay đổi do chúng tốn nhiều chi phí hơn bất kỳ nguy cơ nóng lên toàn cầu nào khác. Một số mối quan tâm chung, cũng như các yêu cầu và khiếu nại bao gồm:

– Một sự thay đổi trong chính sách cắt giảm khí thải nhà kính có thể gây nên mất việc làm.

– Ấn Độ và Trung Quốc, cả 2 đều chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu chính là than đá, nên ngay cả khi Mỹ thay đổi chính sách về năng lượng cũng không cải thiện được vấn đề.

– Khi những bằng chứng khoa học chỉ là xác suất chứ không chắc chắn, chúng ta không thể nói rằng hành động của con người gây nên sự nóng lên toàn cầu, hay là chúng ta có thể làm gì đó để sửa chữa.

– Sự phát triển khoa học – công nghệ sẽ sớm tìm ra cách để giúp chúng ta vượt qua sự nóng lên toàn cầu, do vậy những thay đổi trong chính sách hiện nay là không cần thiết và có thể có hại hơn là có lợi.

Vậy câu trả lời đúng ở đây là gì? Rất khó để tìm ra câu trả lời đúng. Hầu hết các nhà khoa học sẽ nói với bạn rằng sự nóng lên toàn cầu đang thực sự diễn ra, và nó có một số tác hại nhất định, nhưng mức độ và mối nguy hiểm của vấn đề hiện vẫn chưa sáng tỏ, cần phải có nhiều cuộc tranh luận khác mới có thể xác định rõ.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem có cách nào chúng ta có thể làm để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu?

Mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể còn diễn ra trong những thế kỷ tiếp sau nữa, có một số việc chúng ta có thể làm ngay hôm nay để giảm ảnh hưởng của nó. Về cơ bản, tất cả đều quy về một chuyện: giảm tạo ra khí nhà kính. Hãy sử dụng ít năng lượng hơn. Nguồn điện trong nhà bạn được tạo ra từ các nhà máy điện, và nhiều nhà máy điện sử dụng những chất đốt để tạo ra năng lượng (ví dụ như các nhà máy nhiệt điện). Hãy tắt điện khi không sử dụng. Bật vòi hoa sen nhỏ đi để sử dụng tiết kiệm nước nóng hơn. Sử dụng quạt thay cho điều hòa nhiệt độ… Có rất nhiều cách để giảm năng lượng sử dụng.

Dưới đây là một số lời khuyên khoa học giúp giảm lượng khí nhà kính phát tán ra:

– Hãy đảm bảo ô tô của bạn được điều chỉnh ổn định. Điều này giúp cho chúng hoạt động hiệu quả hơn và thải ra ít khí độc hơn.

– Hãy đi bộ hay đi xe đạp nếu có thể, hoặc đi xe bus để đi làm. Hoặc hiện nay có nhiều loại ô tô khi hoạt động sinh ra ít khí CO2 hơn, ví dụ như ô tô hybrid…

– Tắt đèn và các thiết bị khác khi không sử dụng. Cho dù bóng đèn không tạo ra khí nhà kính, nhưng nguồn điện chúng ta sử dụng để thắp sáng đèn lại tạo ra khí này kính. Sử dụng đèn huỳnh quang thay cho đèn dây tóc thông thường có thể giúp tiết kiệm năng lượng và tăng thời gian sử dụng.

– Tái chế. Rác thải khi không tái chế mà lại để ở bãi rác sẽ sinh ra khí mê-tan. Hơn nữa, viẹc tái chế lại hàng hóa sẽ mất ít năng lượng hơn sản xuất mới từ đầu.

– Trồng thật nhiều cây xanh. Cây cối sẽ hấp thu CO2 và thải ra O2.

– Không đốt rác. Rác thải cháy sinh ra CO2 và các hidrocarbon vào khí quyển.

Để thực sự ngăn chặn việc phát tán khí nhà kính, chúng ta cần phải phát triển nguồn năng lượng sạch. Năng lượng nước, năng lượng mặt trời, năng lượng Hidro… có thể giảm lượng khí nhà kính rất nhiều nếu chúng được đưa vào sử dụng rộng rãi.

Ở tầm cỡ quốc tế, hiệp định thư Kyoto được đưa ra để các nước cam kết giảm lượng CO2 và những loại khí nhà kính khác vào khí quyển. 35 nước công nghiệp đã kí và thực hiện tốt hiệp định thư này. Không may, Hoa Kỳ – một trong những nước sản xuất lượng khí nhà kính lớn nhất – lại không kí hiệp định này.

Tháng 3 năm 2007, cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã kêu gọi Quốc hội thực hiện một số thay đổi mang tính thách thức trong chính sách quốc gia. Gore thừa nhận rằng việc quyết định ban hành và các đề xuất khác đối với sự nóng lên toàn cầu có thể là việc khó khăn. Ông cũng cho rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là một cuộc khủng hoảng thông thường, mà đó là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo TRÍ THỨC TRẺ